Nội dung bài viết:
Vì sao có thể nói “chiếc lá cuối cùng” là linh hồn của truyện ngắn này
Không phải ngẫu nhiên hình ảnh chiếc lá trường xuân cuối cùng đã trở thành nhan đề một truyện ngắn bất tử của nhà văn Mĩ lừng danh O.Hen ri. Đó là một chi tiết cảm động, biểu tượng nghệ thuật bất ngờ, độc đáo mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Chiếc lá trường xuân nhỏ bé tầm thường, do bàn tay một hoạ sĩ vô danh tạo ra rất giống chiếc lá thật.
Bức tranh “lá” thật sinh động đến nỗi con mắt chuyên môn tinh trẻ của Giôn xi nhìn ngắm hoài mà sao không thể phân biệt nổi lá thật hay lá vẽ ? “Sau trận mưa vùi dập và những cơn gió phũ phàng kéo dài cả một đêm, tưởng chừng không bao giờ dứt, vẫn còn một chiếc lá thường xuân bám trên bức tường gạch. Đó là chiếc lá cuối cùng trên cây. Tuy ở gần cuống lá còn giữ màu xanh sẫm, nhưng rìa lá hình răng cưa đã nhuốm màu vàng úa, tuy vậy chiếc lá dũng cảm vẫn bám vào cành cách mặt đất chừng sáu thước. Và “ngày hôm đó trôi qua và ngay cả trong ánh hoàng hôn, họ vẫn trông thấy chiếc lá thường xuân đơn độc bám lấy cái cuống của nó trên tường và rồi, cùng với màn đêm buông xuống, gió bấc lại lồng lộn, trong khi mưa vẫn đập mạnh vào cửa sổ và mái hiên thấp kiểu Hà Lan mưa rơi lộp độp xuống mặt đất”. Chiếc màn xanh lại được kéo lên khi buổi sáng lại về. Chiếc lá thường xuân vẫn còn đó”.
Chiếc lá dũng cảm đó đã cứu sống một con người.
Nhờ chiếc lá giả – lá vẽ (nhưng có thật) vào mặt bức tường trước khuôn cửa sổ mà cô hoạ sĩ trẻ Giôn Xi dần khỏi bệnh. Hoạ sĩ già Bơ-men đã cứu được cô gái đáng thương bằng kiệt tác đầu tiên- và cũng là cuối cùng của mình, hay chính cô đã tự cứu cô bởi niềm hi vọng lớn dần, mạnh ấm dần khởi nguồn từ chiếc lá lạ lùng, gan lì bám trụ, quyết không chịu lìa khỏi ngọn dây leo loằng ngoằng.
Chiếc lá cuối cùng xuất hiện kịp thời đúng lúc đó đã đem lại niềm tin vào sự sống cho Giôn xi, đã thăng hoa nội lực cho Giôn xi, giúp cô chiến thắng gã “viêm phổi” dai dẳng hiểm ác. Cô chợt hiểu ra : “có một cái gì đó làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đấy để em thấy rằng mình đã tệ như thế nào” và hi vọng “một ngày nào đó sẽ được vẽ vịnh Na Plơ” lại trỗi dậy trong cô ; cùng với niềm hi vọng ấy nhựa sống lại lên men, nghị lực và mầm sống lại hồi sinh, khiến bác sĩ phải thốt lên: “được năm phần mười rồi. Chăm sóc chu đáo thì chị sẽ thắng và “cô ấy khỏi nguy hiểm rồi, chị đã thắng”. Không hẳn chiếc lá của cụ Bơ-men đã cứu Giôn xi khỏi tắt lịm đi như ngọn đèn mờ con con trước gió đông lạnh buốt mà chính bàn tay già nua của người hoạ sĩ láng giềng nghèo, cô đơn trong đêm gió tuyết ấy chỉ cố tạo nên niềm hi vọng, khơi bùng lên ngọn lửa tình đời sắp lụi tàn nơi trái tim người đồng nghiệp trẻ không may
Chiếc lá ấy được vẽ bằng trái tim của tình yêu thương con người.
Bác Bơ-men vẽ chiếc lá ấy trong cái đêm rét khủng khiếp, khi chiếc lá cuối cùng đã rụng xuống. Do đắm mình trong mưa tuyết giá lạnh, bác Bơ-men đã nhiễm bệnh sưng phổi và đã qua đời sau đó hai ngày. Chắc chắn khi dầm mình trong mưa tuyết để vẽ chiếc lá, bác không phải không cảm thấy giá buốt, không phải không cảm thấy nguy hiểm cho tính mạng mình. Nhưng lòng thương yêu Giôn xi, ý muốn dùng cây bút và bảng màu để cứu sống cô đã thúc đẩy bác vượt lên trên giá buốt, hiểm nguy để vẽ chiếc lá cuối cùng.
Thực ra chiếc lá cuối cùng đã rụng, còn lại mãi trên tường không phải là thần dược, nó là tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bởi tình yêu thương con người, của sự hi sinh cao cả, quên mình tuyệt đối, vô tư tuyệt đối, là lòng yêu mến cuộc sống bỏng cháy của người hoạ sĩ già. Chiếc lá cuối cùng, sáng tạo một đêm kết quả của tình yêu thương trĩu nặng dồn qua ngòi bút xuất thần của cụ Bơ-men. “Chiếc lá” nối dài một cuộc đời, cướp đi một cuộc sống, để lại trong bao thế hệ người đọc niềm xót xa, thương kính người hoạ sĩ nghèo không may mắn, đồng thời lại vô cùng kinh ngạc về sức mạnh diệu kì của nghệ thuật- đem lại cuộc sống và hi vọng cho con người. Dù phải đổi giá cực đắt, nhưng nghệ có nghệ sĩ chân chính nào không vui lòng đánh đổi tất cả để lấy một “chiếc lá cuối cùng”.
Ý nghĩa nào của truyện “chiếc lá cuối cùng”.
Bức tranh của hoạ sĩ Bơ-men là nghệ thuật chân chính vì nó hướng tới con người, vì con người. Nghệ thuật chân chính là nghệ thuật của tình yêu thương, vì sự sống của con người. Nghệ thuật chân chính mang trong lòng nó chức năng sinh thành và tái tạo để phục vụ con người. Tình yêu thương là nguồn sức mạnh của ông già và tài năng nghệ thuật hướng ngòi bút của ông vào việc hoàn thành một tác phẩm mang thiên chức vĩ đại của nghệ thuật : nghệ thuật vị nhân sinh. Và người nghệ sĩ đã đem cả sinh mệnh của mình để trả lại màu xanh cho chiếc lá đã úa vàng, trả lại màu hồng cho đôi má của người thiếu nữ xanh xao trả lại niềm tin nghị lực cho những người yếu đuối. Chiếc lá cuối cùng trở thành niềm hi vọng của sự hồi sinh được xây dựng bằng tình người.
Nghệ thuật đặc sắc.
Nét độc đáo của nghệ thuật truyện này là hiện tượng đảo ngược tình huống hai lần khắc sâu trong một câu chuyện đã tạo nên một kết thúc bất ngờ hấp dẫn người đọc. Đọc truyện, lúc đầu người đọc cứ đinh ninh là cô Giôn xi nhất định sẽ chết vì bệnh viêm phổi. Nhưng tình huống đã đảo ngược, giàu kịch tính và kết thúc bất ngờ : Sau một đêm bão tuyết, chiếc lá cuối cùng đã rụng mà chẳng ai hay, bức vẽ “chiếc lá cuối cùng” vẫn bám chắc cây thường xuân, chính chiếc lá ấy, bức vẽ kì diệu ấy đã cứu sống Giôn xi. Cụ Bơ-men, tác giả bức vẽ ấy đã chết ở tuổi 60, sau hai ngày bị viêm phổi nặng. Kết thúc này càng khắc sâu vẻ đẹp tâm hồn của nghệ sĩ già Bơ-men và tô đậm giá trị tư tưởng và nghệ thuật của truyện.
Với nghệ thuật xây dựng cốt truyện chu đáo, tình tiết sắp xếp khéo léo, hấp dẫn, tình huống đảo ngược đầy bất ngờ, tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn đối với người đọc. Chiếc lá cuối cùng chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, câu chuyện nói về tình bạn, tình yêu thương giữa những con người với nhau. Qua đó nhà văn mang tới một bức thông điệp: Hãy luôn thắp sáng ngọn lửa của khát khao hi vọng hãy luôn yêu thương, mang nghệ thuật phục vụ con người, nghệ thuật chân chính lâu bền nhất là nghệ thuật hướng tới con người và vì con người.