Viết bài văn nghị luận ngắn bàn về tính tự lập của học sinh.

tinh-tu-lap

Viết bài văn nghị luận ngắn bàn về tính tự lập của học sinh.

Tự lập là tự làm lấy, tự giải quyết công việc của mình, tự lo liệu, tạo dựng cho cuộc sống của mình: Không trông chờ, dựa dẫm phụ thuộc vào người khác. Người tự lập luôn có lập trường, quan điểm riêng, từ đó tự quyết định tương lai, số phận của mình. Khi chúng ta sống không phụ thuộc, dựa dẫm vào sự trợ giúp của người khác để sống.

Thực chất, chúng ta không phải chờ đến lúc lớn lên rồi mới bắt đầu tự lập. Tự lập ở đây được biểu hiện qua nhiều hành động khác nhau. Ví dụ như ngay khi bạn đang là một học sinh chẳng hạn, tính tự lập được thể hiện qua ngay việc bản thân bạn có tự giác làm bài hay không, khi được giao bài tập khó, thay vì chép bài bạn, thì bạn sẽ tự suy nghĩ cho đến khi cảm thấy nó nằm ngoài tầm giải quyết của bản thân thì mới nhờ đến thầy cô, bạn bè. Hay như khi ở nhà, thay vì để mẹ lo hết mọi công việc trong gia đình, bạn có thể tự mình dọn dẹp phòng ngủ của bản thân, thậm chí giúp mẹ khi không được nhờ vả. Sống tự lập là một điều cần thiết với mọi người.

Tính tự lập đem lại cho học sinh sự vững vàng, có những chính kiến riêng và tự tin trong mỗi quyết định. Nó sẽ giúp bản thân vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Tự lập là một lối sống đẹp và cần thiết đối với tất cả chúng ta. Sự tự lập sẽ rèn luyện cho con người chúng ta bản lĩnh vững vàng và sự tự tin trong cuộc sống, từ đó tạo nên những thành công cho con người.

Tuy nhiên, cũng không nên hiểu tự lập là tách mình ra khỏi công đồng, đoàn thể. Sự tự lập là để rèn luyện bản lĩnh và sự tự tin chứ không phải là sống ích kỷ chỉ biết đến bản thân mình. Khi được trui rèn, chúng ta sẽ có bản lĩnh và sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nếu biets tự lập thì bạn sẽ luôn ở trạng thái chủ đông, không phải chờ một ai, không phải lệ thuộc vào người khác. Bạn có thể tự quyết định suy nghĩ và hành động của mình.

Tuy nhiên, hiện nay có một thực trạng đáng buồn những gia đình đã không chú trọng rèn luyện tính tự lập cho con cái. Nhiều học sinh vì thế mà đâm ra lười biếng, ỉ lại người khác, đến những kỹ năng cơ bản như việc tự nấu cơm cho mình ăn, tự sắp xếp đồ đạc cũng không làm được. Đây là thực tế rất đáng buồn, đáng trách.

Thực trạng này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tương lai của nhiều học sinh sau này. Họ mãi mãi sẽ không thể tự quyết định được bản thân muốn gì, mong gì, thích gì, vì lối sống dựa dẫm, ỷ lại đã ăn sâu vào tận tâm can. Nhiều người học hành không cần nỗ lực, thậm chí bỏ học suốt sa vào chơi bời cho đã vì biết cha mẹ đã lo lót trước cho hết rồi.

Ai cũng ngưỡng mộ và coi trọng một người tự lập chứ không bao giờ tôn vinh một kẻ không chí khí, chỉ biết phó mặc số phận và ăn bám… Hãy dạy cho con biết tự lập ngay từ bé và từ bỏ tính kiêu ngạo coi mình là trung tâm. Xã hội cũng cần tôn vinh những con người ngày đêm cố gắng, ngày đêm sáng tạo giúp ích cho xã hội cho dù đó là người quét rác, người kéo xe bán than…

Đối với học sinh, việc tự lập là một điều vô cùng cần thiết, bởi rằng nếu không tự lập, không tự đưa ra quyết định cho bản thân mình thì mãi mãi chúng ta sẽ chỉ là một người chạy phía sau, mất phương hướng với tất cả mọi điều đang ở phía trước. Các bạn cần hình thành cho mình một thái độ sống tích cực, luôn mạnh mẽ vươn lên trước khó khăn, thử thách, đừng dựa dẫm hay ỷ lại.

Đất nước chúng ta cần những con người tự lập, quyết đoán, bởi rằng trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa, nếu không là chính mình, không có hướng đi riêng thì rất dễ bị hòa tan. Hãy hoàn thiện đức tính tự lập của mình hằng ngày bằng cách tự bước bằng chính đôi chân,suy nghĩ bằng cái đầu và hành động theo những gì mình cho là đúng. Đó mới là cuộc sống thực sự của bạn.


Suy nghĩ về tính tự lập của học sinh hiện nay.

  • Mở bài:

Cuộc đời bạn trở nên như thế nào là do những tác động của cuộc sống xung quanh nhưng phần lớn phụ thuộc vào chính bạn. Tự lập là một trong những yếu tố cần thiết làm nên sự thành công của mỗi học sinh trong học tập và trong cuộc sống.

  • Thân bài:

1. Giải thích thế nào là tự lập?

Tự lập là tự làm lấy, tự giải quyết công việc của mình, tự lo liệu, tạo dựng cho cuộc sống của mình, không trông chờ, dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác.

2. Vai trò của tính tự lập.

Đối với xã hội, mỗi người đều biết tự lập sẽ làm cho xã hội đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả trong lao động.

Đối với cá nhân, tính tự lập giúp hoàn thiện được bản thân, mang lại hiệu quả trong công việc. Người có tính tự lập sẽ thành công hơn trong cuộc sống.

Đối với học sinh, có tính tự lập, người học sinh có tính tự lập sẽ có thái độ chủ động, tích cực, có động cơ và mục đích học tập rõ ràng, đúng đắn. Từ đó, nó sẽ giúp cho học sinh tìm được phương pháp học tập tốt. Kiến thức tiếp thu được vững chắc. Bản lĩnh được nâng cao.

3. Tinh thần tự lập của học sinh ngày nay.

Hiện nay, hầu hết học sinh đều biết tự lập. Trong học tập, học sinh biết chăm chỉ và tự giác thực hiện nhiệm vụ học tập của mình, biết học hỏi từ bạn bè và sách vở, tự hoàn thành các bài tập, tích cực tham gia các hoạt động tìm hiểu kiến thức ở trường lớp. Trong cuộc sống, học sinh biết tự chăm sóc bản thân, biết phụ giúp cha mẹ công việc nhà, biết giữ gìn vệ sinh nơi ở và bảo vệ môi trường, không ngừng xây dựng ước mơ và khát vọng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều học sinh không có tính tự lập trong học tập và trong cuộc sống. Họ có những biểu hiện ỷ lại, dựa dẫm vào bạn bè, cha mẹ. Từ đó, họ có những thái độ tiêu cực: quay cóp, gian lận trong kiểm tra, trong thi cử; không chăm ngoan, không học bài, không làm bài, không chuẩn bị bài. Kết quả: những học sinh đó thường rơi vào loại yếu, kém cả về hạnh kiểm và học tập. Những người như thế thật đáng chê trách.

4. Học sinh cần rèn luyện tính tự lập như thế nào?

Học sinh cần phải rèn luyện tính tự lập trong học tập vì điều đó vừa giúp học sinh có thái độ chủ động, có hứng thú trong học tập, vừa tạo cho họ có bản lĩnh vững chắc khi tiếp thu tri thức và giải quyết vấn đề.

Trong học tập, phải có tinh thần tự học. Học sinh cần tự giác học bài, làm bài tập về nhà, tự nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp học. Nhờ bạn giúp đỡ nếu gặp bài quá khó chưa làm được.

Trong gia đình, siêng năng phụ giúp bố mẹ công việc nhà sau giờ học tập. Tự giặt giũ quần áo của mình. Tự giác chăm sóc và chơi với em để bố mẹ làm việc. Giúp đỡ ông bà những việc trong gia đình.

5. Bàn luận mở rộng.

Tự lập không phải là tự cô lập mình, không loại trừ sự giúp đỡ chân thành, đúng đắn của bạn bè, thầy cô khi cần thiết, phù hợp và đúng mức.

Trong cuộc sống sự tự lập không phải dễ dàng mà đòi hỏi bản thân phải là người có nghị lực, có bản lĩnh và tự tin thì mới vượt qua được những thử thách khó khăn.

Tính tự lập khẳng định ý thức làm chủ năng lực, làm chủ bản thân, làm chủ sự nghiệp của con người. Người có tính tự lập luôn được người khác kính trọng, yêu mến và giúp đỡ.

Tính tự lập trong học tập là tiền đề để tạo nên sự tự lập trong cuộc sống. Điều đó, là một yếu tố rất quan trọng giúp cho học sinh có được tương lai thành đạt.

Tính tự lập là một đức tính vô cùng quan trọng mà học sinh cần có, vì không phải lúc nào cha mẹ, bạn bè và thầy cô cũng ở bên cạnh họ để giúp đỡ họ. Nếu không có tính tự lập, khi ra đời học sinh sẽ dễ bị vấp ngã, thất bại và dễ có những hành động nông nỗi, thiếu kiềm chế.

  • Kết bài.

Tự lập trong cuộc sống không phải là điều dễ dàng, cần rèn luyện thường xuyên. Những người có tính tự lập thường gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống, mặc dù phải trải qua nhiều gian khổ, khó khăn.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.