Viết bài văn nghị luận ngắn bàn về hiện tượng vô cảm

viet-bai-van-nghi-luan-ngan-khoang-600-tu-ban-ve-hien-tuong-vo-cam

Viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 từ) bàn về hiện tượng vô cảm

  • Mở bài:

Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn sự hủy diệt mà không làm gì cả. Sự vô cảm của con người còn đáng sợ hơn bất kì tội lỗi nào mà con người có thể gây ra. Vô cảm là hiện tượng không có cảm xúc với cuộc sống, với những gì đang diễn ra, thờ ơ, lạnh lùng với mọi người.

  • Thân bài:

Bệnh vô cảm đang diễn ra ngày càng phức tạp, trở thành một căn bệnh khó chữa, từng ngày gậm nhấm nhân cách và đạo đức của con người. Trong gia đình,con cái thờ ơ với những khó khăn, vất vả của cha mẹ; cha mẹ thì không quan tâm, thờ ơ với những suy nghĩ, những hành động, việc làm sai trái của con. Trong trường học, học trò thờ ơ với sự chỉ bảo tận tình của thầy cô; nhiều thầy cô thiếu tình thương và trách nhiệm trong nhiệm vụ giáo dục học sinh của mình. Ngoài xã hội, nhiều người thờ ơ, bàng quan trước khó khăn, nghịch cảnh của người khác. Họ chỉ đứng xem rồi bàn tán, thậm chí thừa cơ chuộc lợi khi ai đó bị tai nạn, bị bạo hành.

Căn bệnh vô cảm vốn nảy sinh từ rất sớm trong xã hội loài người nhưng gần đây, nó trở nên nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân làm nảy sinh thói vô cảm trước hết là do lối sống cá nhân, vị kỉ, thiếu trách nhiệm, không quan tâm đến những người xung quanh.

Bản thân giới trẻ thiếu tình yêu thương, thiếu tinh thần quảng đại, lòng vị tha, sự tương than tương ái. Họ sống bằng thứ lý trí sắt đá, tình cảm khô cằn của mình chứ không phải bằng trái tim đầy rung cảm và tình thương.

Sản phẩm công nghệ xâm nhập sâu vào đời sống khiến giới trẻ lo đắm chìm trong thế giới ảo mà quên đi cuộc sống hiện thực. Gia đình, nhà trường và xã hội chưa quan tâm, giáo dục tình thương ở giới trẻ một cách tích cực và đúng cách.

Nền kinh tế phát triển mạnh trong những năm gần đây khiến cho khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Con người đề cao lối sống hưởng thụ, xem trọng vật chất, thói a dua, đua đòi thời thượng, khiến các giá trị văn hóa truyền thống và chuẩn mực đạo đức tốt đẹp của xã hội bị xem nhẹ. Thậm chí là lãng quên. Thay vào đó là lối sống thực dụng, văn hóa lai căng, lệch lạc, vô đạo đức và vô cảm.

Lối sống thực dụng, ích kỉ và vô cảm khiến con người xa nhau, không biết đặt mình vào vị trí của nhau để cảm nhận, dần dần vô tâm, hờ hững trước những bất hạnh của người khác. Thói vô cảm làm mất đi truyền thống tương thân tương ai của dân tộc, xâm hại đến các chuẩn mực đạo đức xã hội và sự tôn nghiêm của luật pháp của đất nước. Sự vô cảm cũng làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Khắc phục căn bệnh cảm là trách nhiệm của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Để làm hạn chế và tiến đến xóa bỏ thói vô cảm ở con người, mỗi người cần nhận thức và sống có trách nhiệm với chính bản thân cũng như với gia đình, xã hội và cộng đồng. Gia đình, nhà trường cần quan tâm, giáo dục ý thức cho thế hệ trẻ. Quyết liệt lên án, phê phán thái độ sống thờ ơ, vô cảm và đề cao, nêu gương những người giàu lòng vị tha, nhân ái, đề cao đạo đức và các chuẩn mực tốt đẹp của văn hóa xã hội.

Mỗi bạn trẻ hãy sống đúng chuẩn mực đạo đức của con người, biết đồng cảm với mọi người, biết trau dồi, học hỏi những bài học trong cuộc sống về sự công bằng, bác ái, yêu thương những người xung quanh và phải có quyết tâm muốn thay đổi chính bản thân mình.

Gia đình phải là nơi mọi người sống yêu thương, nâng đỡ và đùm bọc lẫn nhau. Các thế hệ cùng chung sống phải biết quan tâm tới nhau, thì người trẻ mới biết học hỏi, noi gương nếp sống đạo đức. Giáo dục phải cải cách để tăng cường đạo đức, nhân cách cho các em, không chỉ “dạy chữ’ mà nhất là phải “dạy người”. Hơn nữa, phải “Tiên học lễ, hậu học văn”. Người lớn gương mẫu, sống có trách nhiệm và quan tâm hơn tới con cái, hành động và cư xử đúng đắn hơn để làm tấm gương cho các em thì sự vô cảm có lẽ đã không lan nhanh và mạnh như thế.

Xã hội tăng cường quan tâm hơn nữa đến giới trẻ, tạo những cơ hội cho họ, giúp họ sống theo chuẩn mực đạo đức của xã hội, nhất là giúp họ biết quan tâm, yêu thương, hy sinh và biết giúp đỡ mọi người.

Chúng ta hãy tích cực chống lại “bệnh vô cảm”, phải sống có tình thương, có trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là phải mở lòng mình ra với cuộc sống. Chúng ta nên có một “trái tim nóng” để biết khóc, biết cười, biết lắng nghe, biết yêu thương, biết rung cảm với mọi người. Hãy phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc: “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”; phải yêu thương, kính trọng và sống hết lòng với mọi người chung quanh. Đó là liều thuốc đặc hiệu để chữa “bệnh vô cảm”. Như vậy, giới trẻ mới là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam giàu đẹp, hiện đại và văn minh; xứng đáng với nòi giống “con rồng cháu tiên” của một dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến.

Để nói nên tình cảm của con người với con người, chúng ta không thể đánh đổi bằng những vật chất tầm thường mà chỉ có sự chân thành quan tâm mới có thể duy trì một mối quan hệ bền vững. Trao đi thật nhiều yêu thương, quan tâm và sẻ chia chúng ta sẽ không phải hối hận, vì sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ nhận được sự trìu mến ân cần của những người khác.

  • Kết bài:

Một xã hội vô cảm là một xã hội chết. Một cuộc sống vô vị và tẻ nhạt của một cỗ máy vô tri, chắc hẳn chẳng ai muốn như vậy. Con người sống mà không có tình thương thì chẳng khác chi con vật, chẳng khác chi cái xác không hồn, tồn tại giữa dòng đời một cách vô nghĩa, và sẽ chết dần mòn trong cô đơn, lạnh lẽo. Hãy “tiêu diệt” căn bệnh vô cảm một cách triệt để, hãy trao yêu thương và nhận thật nhiều yêu thương.


Dàn bài chi tiết:

Hiện tượng vô cảm.

  • Mở bài:

– Trong thời đại mở cửa hội nhập, đất nước đang có nhiều thay đổi lớn lao. Nhưng trong những thay đổi đó đã nảy sinh lối sống không lành mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội. Đó là bệnh vô cảm.

  • Thân bài:

1. Giải thích: Bệnh vô cảm là gì?

– Bệnh vô cảm là sự thờ ơ, dửng dư­ng, không quan tâm  đến xung quanh, chỉ biết đến bản thân, thỏa mãn lòng ích kỉ. Vô cảm là căn bệnh có ảnh hư­ởng sâu sắc đến đời sống hôm nay.

2. Phân tích, bình luận: Nguyên nhân do đâu? Biểu hiện như thế nào? Tác hạị ra sao? Cần phải làm gì?

*  Nguyên nhân do:

+ Xu thế xã hội chuyển sang nhịp sống công nghiệp rất gấp gáp, vội vàng, mọi ngươi ít có thời gian quan tâm đến nhau.

+ Phân công xã hội đi vào chuyên môn hoá cao nên hiểu biết mỗi người sâu nhưng hẹp, chỉ lo chuyên môn sâu của mình, ít cơ hội hợp tác.

+ Thời buổi mở cửa, lối sống gấp gáp, nghiêng về thụ hưởng du nhập ồ ạt, lấn át đạo đức truyền thống.

+ Nhiều người chạy theo đồng tiền, khoảng cách giàu nghèo ngày một tăng.

+ Lòng ích kỉ nhỏ nhen, lòng tham của con người chỉ lo vun vén cho quyền lợi của mình, cho gia đình mình và bằng mọi giá bảo vệ lợi ích của bản thân

*Biểu hiện như thế nào?

– Bênh vô cảm có nhiều biểu hiện phức tạp. Khi đời sống vật chất, tinh thần hiện nay có nhiều cải thiện, khoảng cách giàu nghèo càng cách xa thì thái độ sống thờ ơ lạnh nhạt với ng­ười khác là điều khó tránh khỏi. .  Họ vô tình quên đi những nét đẹp trong nhân cách đạo đức của con người.(Ví dụ: như­ờng ghế trên tàu xe; cho người ăn mày; giúp người họan nạn trên đ­ường…)

– Những ng­ười thị thành hay giàu có th­ường ít quan tâm đến hàng xóm, ít chú ý đến ngư­ời khác cho dù họ đang trong tình cảnh khó khăn cùng quẫn. Có ng­ười còn tỏ vẻ khinh thư­ờng, hoặc không mảy may xúc động tr­ước bất hạnh của đồng loại, bỏ mặc bọn cướp hoành hành, thờ ơ với biểu hiện trấn lột, tai nạn giao thông…

– Đâu đâu ta cũng thấy những biểu hiện thói vô cảm.

* Tác haị cuả căn bệnh vô cảm?

+ Bệnh vô cảm tác động rất nhiều đến đời sống hiện nay.

– Trong xã hội: Đạo lí truyền thống “th­ương ngư­ời như­ thể thương thân” và sự đồng cảm chia sẻ có nguy cơ bị căn bệnh vô cảm phá vỡ.

-Bệnh vô cảm có tác hại ghê gớm, làm cho đạo đức con người bị mai một, tình ng­ười không còn trong sáng và thiêng liêng cao quý. Nó làm cho con người thờ ơ, đôi khi dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

– Trong nhà trư­ờng, nếu vô cảm có thể mất bạn bè, thầy bỏ rơi học trò, có khi đẩy học trò vào bất hạnh nếu không chú ý lắng nghe, thấu hiểu. Lòng tin và những điều tốt đẹp sẽ đến với ngư­ời dân khi chính quyền hiểu dân, chia sẻ với dân trong gian khổ.

+ Bệnh vô cảm giết chết tình người và biến con người thành tàn độc, thành bất nhân, bất nghĩa. Ngư­ời vô cảm cần phải lên án.

* Phải làm gì để chống lại căn bệnh vô cảm?

– Mỗi người cần tự tin và luôn biết lắng nghe và thấu hiểu để sẵn sàng chia sẻ với người khác những gì có thể được.

– Sống cần tình thư­ơng và  đồng cảm, sống gắn bó và chan hòa với mọi ngư­ời.

– Sống cần vị tha và lạc quan giữa cộng đồng nhân ái.

– Tăng thêm các chương trình từ thiện, biểu dương người tốt…

– Phê phán, lên án các hành vi vô cảm trong đời sống. Đề cao tình yêu thương, hành động giúp đỡ người khác.

  • Kết bài:

Vô cảm là một thói xấu, đang trở thành căn bệnh xã hội, tác hại không thể lường trước. Phê phán, hạn chế bệnh vô cảm là trách nhiệm của mỗi chúng ta, của toàn xã hội. Là nhiệm vụ phải làm ngay, làm càng sớm càng tốt.

Xem thêm:

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Suy nghĩ về tình trạng ngày càng có nhiều trẻ em vô cảm - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.