Viết đoạn văn 200 chữ nghị luận về lòng tự trọng

viet-doan-van-200-chu-nghi-luan-ve-long-tu-trong

Nghị luận về lòng tự trọng.

Tự trọng là biết coi trọng và giữ gìn phẩm cách, biết điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với các chuẩn mực xã hội. Người có lòng tự trọng luôn biết tôn trọng bản thân và người khác, tích cực xây dựng những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, quyết liệt chống lại cái xấu, cái ác, bảo vệ công bằng và lẽ phải. Người có lòng tự trọng luôn hết lòng vì công việc, tôn trọng giờ giấc, trung thực với mọi người, đặt lợi ích của tập thể lên hàng đầu, hướng kết quả cao nhất trong công việc. Họ cũng sẵn sàng dám nhận ra lỗi sai của mình, sống trong sạch, thẳng thắng và có trách nhiệm cao trong công việc và trong ứng xử với mọi người. Ai cũng cần có lòng tự trọng. Chính lòng tự trọng tôn vinh vẻ đẹp nhân cách, khẳng định sức mạnh trí tuệ, cảm xúc và bản lĩnh hành động của con người. Cũng chính lòng tự trọng giúp ta phân biệt được giá trị của bản thân, nhận rõ thiện – ác và quan niệm về lí tưởng sống sâu sắc. Lòng tự trọng là một thước đo nhân cách của con người trong xã hội. Xã hội ngày càng văn mình và hiện đại thì lòng tự trọng của con người cũng phải càng lớn. Giá trị bản thân mỗi con người được làm nên từ lòng tự trọng, hướng con người tới những chuẩn mực chung của xã hội, giúp cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Dù không còn một xu dính túi nhưng cái mũ cũng phải đội cho thẳng. Dẫu có nghèo khó, miễn còn lòng tự trọng, chắc chắn một ngày nào đó, con người cũng vươn tới thành công.


Tham khảo:

Có ý kiến cho rằng: “Giá trị của con người không phải là được thể hiện ở ngoại hình, hay không chỉ đơn giản là trình độ học vấn, địa vị trong xã hội; mà nó được thể hiện rõ nhất bằng lòng tự trọng của con người”.

Em hãy viết bài văn bày tỏ suy nghĩ về lòng tự trọng.

  • Mở bài:

Nếu trung thực khiến cho người khác tin tưởng thì tự trọng khiến cho người ta yêu thương. Con người sống mà không có lòng tự trọng chẳng khác nào nước không có dòng chảy. Biết tự trọng là một trong những phẩm đức quan trọng nhất cần có trước khi bước vào cuộc đời. Có ý kiến cho rằng: “Giá trị của con người không phải là được thể hiện ở ngoại hình, hay không chỉ đơn giản là trình độ học vấn, địa vị trong xã hội; mà nó được thể hiện rõ nhất bằng lòng tự trọng của con người”.

  • Thân bài:

1. Giải thích:

– Lòng tự trọng là ý thức coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của bản thân, coi trọng giá trị của bản thân.

2. Bàn luận:

– Biểu hiện của lòng tự trọng:

+ Người có lòng tự trọng luôn suy nghĩ, hành động và ứng xử đúng với lương tâm và đạo lí.

+ Họ là người chính trực, nói đi đôi với làm.

+ Khi có khuyết điểm, họ chân thành sửa sai và nhận lỗi. Họ dám nhìn thẳng vào hạn chế của mình khi không đủ khả năng đảm đương một công việc.

+ Người biết tự trọng luôn có ý thức tự giác vươn lên để khẳng định mình ngay cả khi gặp khó khăn, trắc trở.

+ Họ luôn chú ý đến chuẩn mực trong từng lời nói khi giao tiếp.

– Vai trò của lòng tự trọng:

+ Lòng tự trọng giúp ta tự tin vào việc mình làm, luôn chủ động vững vàng trong mọi công việc, sẵn sang đối mặt với những khó khăn thử thách.

+ Sống có lòng tự trọng giúp ta luôn lạc quan, yêu đời và tin tưởng ở cuộc sống.

+ Người biết tự trọng luôn được mọi người tôn trọng, tin tưởng, yêu mến.

+ Ai cũng có lòng tự trọng sẽ góp phần xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ.

– Cần phân biệt tự trọng với tự cao, tự đại. Tự trọng là tự tôn trọng nhân cách, nhân phẩm của mình, sống giản dị, khiêm tốn hướng đến chuẩn mực trong đời sống. Ngược lại, kẻ tự cao, tự đại lại thích khoe khoang quá mức, thích hơn người, thường rất hợm hĩnh, ích kỉ và xem thường người khác.

– Phê phán những con người thiếu lòng tự trọng: lười lao động, học tập, sống lợi dụng, dựa dẫm, gặp khó khăn thì nản chí, nản lòng… đánh mất nhân cách của bản thân.

– Bài học nhận thức và hành động.

+ Để xây dựng lòng tự trọng bản thân mỗi con người phải luôn có ý thức học tập và rèn luyện, nói phải đi đôi với làm, biết giữ lời hứa, luôn hoàn thành tốt công việc, làm tròn bổn phận của mình.

+ Rèn luyện lòng tự trọng là đấu tranh với chính bản thân mình để có suy nghĩ và hành động đúng đắn.

+ Gia đình, nhà trường cần giáo dục cho con em mình lòng tự trọng để có thái độ sống tốt.

+ Xã hội cần đề cao lòng tự trọng, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, thực hiện công bằng xã hội, quyết liệt chống lại cái xấu, cái ác.

  • Kết bài:

Làm việc thành công, sống thành công là mục tiêu con người hướng tới. Cộng đồng xã hội vừa là nguồn dưỡng nuôi, vừa là môi trường để ta thể hiện lòng tự trọng của mình. Tất cả những gì chúng ta làm, nói hay suy nghĩ đều ảnh hưởng đến lòng tự trọng của chính mình. “Giá trị của con người không phải là được thể hiện ở ngoại hình, hay không chỉ đơn giản là trình độ học vấn, địa vị trong xã hội; mà nó được thể hiện rõ nhất bằng lòng tự trọng của con người”. Chính vì thế, việc của cá nhân là phải luôn nuôi dưỡng lòng tự trọng và hãy xem nó như một giá trị cốt lõi giúp ta có thể làm việc thành công và sống một cuộc đời có ý nghĩa.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.