Ý nghĩa các biểu tượng nghệ thuật trong bài thơ Đàn ghi ta của Lorca

y-nghia-cac-bieu-tuong-trong-bai-tho-dan-ghi-ta-cua-lor-ca

Ý nghĩa các biểu tượng nghệ thuật trong bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca”

  • Mở bài:

Thanh Thảo thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông luôn nỗ lực tìm tòi khám phá, sáng tạo tìm cách biểu đạt mới qua hình thức câu thơ tự do, đem đến một mĩ cảm hiện đại cho thơ bằng thi ảnh và ngôn từ mới mẻ, sớm tạo được giọng điệu riêng ngay từ khi trình làng thi phẩm đầu tiên. Đàn ghi ta của Lorca trích trong tập thơ  “Khối vuông ru-bích” là bài thơ tiêu biểu cho kiểu tư duy sáng tạo ấy.

  • Thân bài:

Thanh Thảo mở đầu bài thơ bằng chính di nguyện của Lorca “Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn”. Đây là một di nguyện vừa thiêng liêng vừa cao thượng. Anh không muốn suốt đời là cái bóng ngăn cản sự phát triển của những tài năng trẻ của đất nước mình. Đây chính là cái tâm của người nghệ sĩ lớn suốt đời hi sinh cho nghệ thuật và đấu tranh chống phát xít bạo tàn. Về một ý nghĩa khác Đàn ghi ta đã gắn với giây phút cuối cùng của cuộc đời Lorca. Cái chết của người nghệ sĩ ấy và những phẩm chất tài năng của anh đã bắt gặp hồn thơ Thanh Thảo làm nên thi phẩm tuyệt bút này.

Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca giàu nhạc điệu, là kết quả của sự hòa nhập chất nhạc đặc biệt của thơ Lorca và năng lượng sáng tạo đặc biệt của hồn thơ Thanh Thảo. Những câu thơ không viết hoa đầu dòng tạo mạch thơ liên tục, xâu chuỗi với nhau” để kết nối các biểu tượng vốn rời rạc và đầy sức ám ảnh; những liên tưởng thơ bất ngờ, phóng khoáng tạo một gợi mở độc đáo về tiếng đàn ghi ta của Lorca. Những tương phản gay gắt được xây dựng liên tiếp để làm nổi bật những ấn tượng đậm nét về con người, cuộc sống và sức sống bất diệt của những giá trị tinh thần mà Lorca tạo nên trong bối cảnh xã hội và thời đại dữ dội lúc bấy giờ. Những hình dung từ được dùng một cách tình cờ, không cố ý song đều gắn một cách vô thức với số phận và cuộc đời Lorca để tạo nên một ám ảnh và làm nổi bật chủ đề tư tưởng của bài thơ…). Nhạc điệu của bài thơ không phải là chất nhạc do âm, vần hay thanh điệu đem lại mà là giai điệu của tâm hồn, của trái tim đồng điệu trong lí tưởng và khát vọng nên khó thấy hơn và cũng dễ ám ảnh hơn.

Thanh Thảo phác họa hàng loạt hình tượng mang tính biểu tượng đặc sắc :

Ở đoạn thơ 1:

những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn.

Hình ảnh Lorca được giới thiệu bằng những nét chấm phá, phần nào chịu ảnh hưởng của trường phái ấn tượng: Các hình ảnh tiếng đàn bọt nước, áo choàng đỏ gắt vầng trăng chếch choáng, yêu ngựa mỏi mòn đều mang tính biểu tượng. Các dòng thơ không hề có hình ảnh về con người nhưng bóng dáng con người vẫn hiện lên rõ nét qua hình ảnh và âm thanh (tiếng đàn) màu sắc (áo choàng đỏ gắt), trạng thái (chếch choáng, mỏi mòn).

“Tiếng đàn bọt nước” biểu tượng của nghệ thuật đẹp đẽ nhưng ngắn ngủi, dễ tan vỡ. “Áo choàng đỏ gắt” nhắc đến cuộc đấu tranh quyết liệt chống nền nghệ thuật già cỗi và chế độ độc tài Phrăngcô. “Vầng trăng chếnh choáng” là hình ảnh người nghệ sĩ Lorca tự do, tự tại, lãng tử giữa đất trời, say mê với nghệ thuật. “Yên ngựa mỏi mòn” là hành trình đấu tranh và sáng tạo bền bỉ, kiên trì nhưng cũng thật cô đơn, mỏi mệt.

Những hình ảnh tương phản vừa giúp ta hình dung về Lorca, vừa gợi ta liên tưởng tới khung cảnh của một đấu trường. Nhưng ở đấy không phải đấu trường với cuộc đấu giữa võ sĩ với bò tót mà là một đấu trường đặc biệt với cuộc đấu giữa khát vọng dân chủ của công dân Lorca với nền nghệ thuật già nua. Ở đó, nhìn theo góc độ nào cũng vẫn chỉ thấy con người tự do và nhà cách tân nghệ thuật thật mong manh và đơn độc.

* Đoạn 2:

“Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du

tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy”

“Áo choàng bê bết đỏ” chỉ về cái chết đột ngột và thảm khốc của Lorca. “Tiếng ghi ta nâu” là tình yêu dành cho những con đường, những mảnh đất ở Tây Ban Nha. “Tiếng ghi ta lá xanh” chính là tình yêu cuộc sống mãnh liệt. “Tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan” nói về việc Lorca bị sát hại, nghệ thuật cũng dang dở. “Tiếng ghi ta ròng ròng máu chảy” chín là số phận Lorca oan khiên, thảm khốc.

Cái chết bất ngờ đến với Lorca. Con người trong sạch và vô tội ấy dù luôn bị ám ảnh bởi cái chết của chính mình, vẫn không thể nghĩ nó lại đến sớm thế và đến vào lúc chàng không ngờ nhất.

Cảnh Lorca bị hành hình với những diễn biến phũ phàng lúc đầu được diễn tả bằng hình ảnh thực: “áo choàng bê bết đỏ”, sau đó, sự kiện thảm khóc ấy tạo những cú xốc dây chuyền được diễn tả theo lối tượng trưng, liên tục chuyển đổi cảm giác, qua hệ thống âm thanh vỡ ra thành màu sắc, thành hình khối, thành dòng máu chảy: “tiếng ghi ta nâu”, “tiếng ghi ta lá xanh biết mấy”, “tiếng ghi ta tròn bọt nước vỡ tan”, “tiếng ghi ta ròng ròng-máu chảy”.

* Đoạn 3:

Niềm xót thương của Ga-xi-a Lorca và nỗi xót tiếc những cách tân nghệ thuật của Lorca không ai tiếp tục:

“Không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng”

Di chúc “khi tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn” của Lorca được lấy làm đề từ của bài thơ như một thứ chìa khóa ngầm hướng người đọc hiểu thông điệp thực sự của bài thơ. Di chúc này, trong nhận thức của một người đọc bình thường, hiển nhiên bộc lộ tình yêu say đắm của Lorca với nghệ thuật? Không chỉ có vậy, nó còn là tình yêu với xứ sở Tây-Ban-cầm? Nhưng Lorca không phải là một nghệ sĩ sinh ra để nói những điều đơn giản. Do đó, di chúc của Lorca còn những ý nghĩa sâu xa khác. Nhà thơ cách tân là Lorca biết thi ca mình một ngày nào đó sẽ ngăn cản những người đến sau trong sáng tạo nghệ thuật nên đã dặn lại cần phải biết chôn nghệ thuật của ông để đi tới.

Chẳng phải do ngẫu hứng khi Thanh Thảo viết “không ai chôn tiếng đàn/tiếng đàn như cỏ mọc hoang…”. Câu thơ mở ra nhiều hướng suy nghĩ: là nỗi xót thương cái chết của một thiên tài; là nỗi xót tiếc hành trình cách tân dang dở không chỉ với bản thân Lorca mà còn với nền văn chương Tây Ban Nha. Bởi lẽ, nhà cách tân Lorca đã chết, nghệ thuật vắng thiếu kẻ dẫn đường. Nghệ thuật thành thứ cỏ mọc hoang? Nhưng ý thơ đâu chỉ dừng lại ở đó. Dường như còn có cả nỗi buồn của người nghệ sĩ ham tìm tòi cách tân, rốt cuộc không ai thực sự hiểu di chúc của Lorca.

Nỗi đau xót trước cái chết của Lorca và trước sự dang dở của một khát vọng cách tân đọng lại thành những hình ảnh đẹp và buồn được viết theo lối sắp đặt, dựa trên nguyên lí cốt lõi của cấu trúc gián đoạn: giọt nước mắt vầng trăng – long lanh trong đáy giếng,… do đó, tạo lập một hệ thống hình ảnh trùng phức giao thoa, ánh xạ vào nhau, gợi những suy tư đa chiều…

* Đoạn 4:

đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc

chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt.

“Lorca bơi sang ngang” không cố ngược dòng níu kéo sự sống, cũng không xuôi dòng khuất phục kẻ thù mà lựa chọn giã từ tất cả. “Trên chiếc ghi ta màu bạc” là ẩn dụ về cõi chết, nơi siêu thoát. “Chàng ném lá bùa cô gái Di-gan vào xoáy nước, ném trái tim mình vào lặng yên”, chàng dứt khoát giã từ tất cả, giải thoát khỏi những hệ lụy trần gian.

Cái chết thực sự của một nhà cách tân là khi những khát vọng của anh ta không có ai tiếp tục. Nhưng cái chết đau đớn hơn của một nhà cách tân còn là khi tên tuổi và sáng tạo của anh ta được đem lên bệ thờ và trở thành một bức tường kiên cố cản trở sự cách tân văn chương của những người đến sau.

Vậy, nhân danh lòng kính trọng Lorca, hãy để cho Lorca có được một sự giải thoát thực sự. Đường chỉ tay bé nhỏ, dòng sông rộng mênh mang, hay là phận người thì ngắn ngủi mà thế giới thì vô cùng. Lorca đi vào cõi khác với hình ảnh: “Lorca bơi sang ngang/trên chiếc ghi ta màu bạc”.

Các hành động: “ném lá bùa”, “ném trái tim vào xoáy nước”, vào cõi “lặng yên” đều mang nghĩa tượng trưng cho sự giã từ và giải thoát, chia tay thực sự với những ràng buộc và hệ lụy trần gian…

“Đàn ghi ta của Lorca” là tiếng nói tri âm của người nghệ sĩ với một người nghệ sĩ, một người chiến sĩ với một người chiến sĩ. Sự đồng cảm của Thanh Thảo và Lorca trong bài thơ vừa cho người đọc hiểu về Lorca vừa cho người đọc một cái nhìn trọn vẹn hơn về con người Thanh Thảo, một trí thức giàu suy tư­ và một người nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết, lí tưởng. “Đàn ghi ta của Lorca” như là sự tiếp nối trọn vẹn cái mạch thơ đã được khơi dòng từ trường ca “Những người đi tới biển”

“Chúng tôi đi không tiếc đời mình
Tuổi hai mươi làm sao không tiếc
Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”

“Đàn ghi ta của Lorca” cũng chứa đựng trong nó triết lí về nghệ thuật của nhà thơ Thanh Thảo: triết lí về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống, về sức sống của nghệ thuật và về mối quan hệ giữa sức sống của nghê thuật với sự tồn tại về mặt tinh thần của nghệ sĩ trong cuộc đời. Những điều này thực ra không mới song trong bài thơ này, nó chính là cơ sở để Thanh Thảo khẳng định giá trị những sáng tạo nghệ thuật và những cống hiến về tư tưởng của Lorca đồng thời cũng là cơ sở để nhà thơ khẳng định niềm tin vào sự bất tử của những cống hiến ấy.

  • Kết bài:

Bài thơ có lối diễn đạt không viết hoa đầu dòng tạo nên một sự liền mạch như một dòng chảy của cảm xúc không có điểm dừng. Sự tài hoa của Thanh Thảo còn làm ta liên tưởng bài thơ như một bản đàn ngân vang với âm thanh “li-la” mênh mang, dìu dặt vút cao chắp cánh đưa người nghệ sĩ bay vút lên trên tất cả bạo tàn và chết chóc.

1 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích bài thơ Đàn ghita của Lorca của Thanh Thảo - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.