Cảm nhận ý nghĩa chi tiết cây si ở đền Ngọc Sơn trong “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải

y-nghia-chi-tiet-cay-si-o-den-ngoc-son-trong-mot-nguoi-ha-nọi-cua-nguyen-khai

Cảm nhận ý nghĩa chi tiết cây si ở đền Ngọc Sơn trong “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải.

Một người Hà Nội của Nguyễn Khải là một tác phẩm có thể đối thoại cởi mở với người đọc về rất nhiều điều. Truyện chứa đựng cả một cái nhìn, một quan niệm, cách khám phá mới về con người của nhà văn. Con người không chỉ được xác lập từ những chuẩn khô cứng mà còn ở cả chiều sâu tâm linh, con người có hệ giá trị, có chiều sâu văn hoá…

Ở cuối truyện ngắn này, Nguyễn Khải đã dùng hình ảnh cây si để tô đậm hơn vẻ đẹp rộng rãi của hạt bụi vàng Hà Nội – Bà Hiền, đẩy sự giác ngộ và niềm ngưỡng mộ của nhân vật tôi (người cháu) với bà cô Hiền lên đến đỉnh điểm, hoàn toàn bị thuyết phục.

Hình ảnh cây ở đền Ngọc Sơn hiện ra với bao nhiêu chiêm nghiện suy tuy của người phụ nữ lớn tuổi đã đi gần hết đời người và từng trải qua bao nhiêu thời cuộc: “Mùa hè năm nọ,… Cây cổ thụ đổ nghiêng tán đè lên hậu cung đền Ngọc Sơn. Một phần bộ rễ bật đất chổng ngược lên trời”. Cây cổ thụ ở chốn đền miếu linh thiêng thường gieo cho người ta cảm giác linh thiêng, vĩnh cửu. Cây si ở hậu cung đền Ngọc Sơn, chốn thắng cảnh, điểm hội tụ tinh thần của đất kinh kì càng làm cho người ta có cảm giác đó.

Vậy nhưng bây giờ cây đổ đè lên cả đền “rễ bật đất chổng ngược lên trời”. Hẳn ai trông thấy cũng phải cho là điềm gở. Phải chăng vì thế mà ngay lập tức bà Hiền đã nghĩ đây là sự đổi rời, điềm xấu, sự ra đi của một thời. Đấy đâu chỉ là những nghĩ ngợi một cách duy tâm giống như một bà già nhà quê mà còn là những dự đoán, những ưu hoài cho những biến cải của cuộc sống hiện đại.

Đối với một người thức thời và khéo tính như bà Hiền sự đổi rời của cuộc sống không phải là điều làm bà ngạc nhiên. Nhưng ở đây vấn đề nhức nhối chính là sự biến cải theo kiểu đảo lộn mọi giá trị, theo chiều hướng xấu. Là sự phủ định sạch trơn, là mất hết cả nền tảng gốc rễ. Bà Hiền lo cho những lẽ đó. Vì trong quan niệm của bà Hà Nội thời nào cũng đẹp “vẻ đẹp riêng cho mọi lứa  ưu tư tuổi”. Mối ưu tư của bà Hiền càng làm cho con người bà trở lên trầm tĩnh, con người bà không phải chỉ có lí trí tỉnh táo mà còn có chiều sâu tâm linh gắn với một tình yêu Hà Nội sâu sắc.

Theo dòng câu chuyện bà Hiền kể cho người cháu nghe, ta lại thấy chính bà già ấy chứ không phải ai khác nhận thấy: thành phố cho máy cẩu tời kéo cây si lại mỗi ngày một tí, cuối cùng sau một tháng cây lại sống, lại trổ lá non và vẫn là cây si của mọi thế hệ. Phải chăng, cuộc sống này cũng vậy, sự biến cải thời kinh tế thị trường là không thể tránh khỏi. nhưng sau bao nhiêu xáo trộn, đảo lộn rồi cuối cùng sẽ lắng lại với những giá trị đích thực.

Vẻ đẹp Hà Nội ở những con người như bà Hiền và thế hệ bà đâu phải là vô ích trong cuộc sống đương đại mà nó mãi là những giá trị không thể thay thế. Khi kể câu chuyện cây si sống lại cho người cháu nghe, bà Hiền còn thêm một lời bình “Thiên địa tuần hoàn, cái vào ra của tạo vật không thể lường trước được”. Bà nói với cháu mà như tự nghiệm, tự nhủ. Tất cả điều này càng cho thấy bà Hiền luôn vững tin vào sức sống của những giá trị Hà Nội đích thực.

Con người bà hiện ra mênh mang tâm linh, nhưng cũng rất đỗi vững chãi.Sự vững chãi của những con người không chỉ nắm được quy luật nhân quần mà còn thấu hiểu được cả quy luật của tạo hoá. Phải chăng vì vẻ đẹp thâm sâu này ở bà cô mà người cháu phải thốt lên: Cô muốn mở sự tính toán đã rất khôn ngoan của mình thêm một tầng nữa chăng, cái tầng vô hình, không thể biết. Vẻ đẹp rộng rãi ở con người bà Hiền cũng góp phần làm nên chất váng lấp lánh ở con người này.

Nguyễn Khải chưa hẳn đã là nhà văn của những biểu tượng, nhưng chi tiết cây si ở đền Ngọc Sơn là một sáng tạo gợi nhiều suy nghĩ.

Cảm nhận vẻ đẹp nhân vật bà Hiền trong truyện ngắn “Một người Hà Nội” của Nguyễn Khải.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.