Ý nghĩa của những biểu tượng nghệ thuật trong truyện ngắn Bến quê của Nguyễn Minh Châu

y-nghia-cua-nhung-bieu-tuong-nghe-thuat-trong-truyen-ngan-ben-que-cua-nguyen-minh-chau

Ý nghĩa của những biểu tượng nghệ thuật trong truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu

Trong truyện “Bến quê”, hầu như mọi hình ảnh đều mang hai lớp nghĩa: nghĩa thực và nghĩa biểu tượng. Nghĩa biểu tượng được gợi ra từ hình ảnh thực và hai lớp nghĩa này gắn bó thống nhất với nhau đem đến cho truyện ngắn này một vẻ đẹp riêng: vừa gợi cảm, sinh động vừa khái quát có chiều sâu triết lý.

Hình ảnh bãi bồi, bến sông và toàn bộ khung cảnh thiên nhiên được dựng lên trong truyện mang ý nghĩa biểu tượng cho vẻ đẹp gần gũi, bình dị, thân thuộc của quê hương, xứ sở, của những gì thân thương nhất mà trong một đời người thường dễ dàng lãng quên bời chính cái điều vòng vèo hay chùng chình thường mắc phải.

Những bông hoa bằng lăng nhợt nhạt khi mới nở: đậm sắc hơn khi đã sắp hết mùa, rồi lại càng thẫm màu hơn, một màu tím thẫm như bóng tối. Đó là ý nghĩa biểu tượng về không gian và thời gian: cái đẹp gần gũi bình dị rồi cũng tàn phai bởi thòi gian luôn thay đổi với những bước đi của nhịp hải hà.

Những tảng đất lở bên bờ sông khi con lũ đầu nguồn đã dồn về, đổ ụp vào trong giấc ngủ của Nhĩ báo hiệu trước sự sống của nhân vật Nhĩ cũng đã sắp lụi tàn.

Chân dung và cử chỉ của Nhĩ ở đoạn cuối truyện: chỉ còn đôi bàn tay với những ngón tay vừa nắm chặt vừa run lẩy bẩy… Cánh tay gầy guộc đưa ra ngoài phía cửa sổ khoát khoát như đang hụt hẫng, cố bám víu hiện tại nhưng lại vô vọng bởi chính cái sự vòng vèo và chùng chình của người con. Hình ảnh này mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

Chân dung của Nhĩ ở cuối truyện là chân dung của một con người đang đi vào cõi chết nhưng đã thức nhận được cuộc đời và chính mình trong “một nỗi mê say đầy đau khổ”, khiến mặt mũi “đỏ rựng một cách khác thường”. Hành động cuối cùng của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đồ duy nhất trong ngày.

Nhưng không dừng ở cụ thể, hình ảnh này còn mang ý nghĩa khái quát. Cái cánh tay giơ lên khoát khoát của con người đã bước tới ngưỡng cửa của cái chết phải chăng là ước muốn cuối cùng của Nhĩ gửi lại cho đời: anh muốn thức tỉnh mọi người hãy sống khẩn trương, có ích, đừng sa vào những cái “vòng vèo, chùng chình”, hãy dứt ra khỏi nó để hướng tói những giá trị đích thực, vốn rất giản dị gần gũi và bền vững của gia đình và của quê hương.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.