Ý nghĩa hình ảnh sấm và hàng cây đứng tuổi ở khổ cuối bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

y-nghia-hinh-anh-sam-va-hang-cay-dung-tuoi-o-kho-cuoi-bai-tho-sang-thu-cua-huu-thinh

Ý nghĩa hình ảnh “sấm” và “hàng cây đứng tuổi” ở khổ cuối bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh

  • Mở bài:

Cái đẹp của bài thơ “Sang thu” là cái đẹp của suy ngẫm. Hữu Thỉnh đã kí thác tâm tư và chiêm nghiệm về cuộc đời của mình qua hình ảnh “sấm”“hàng cây đứng tuổi” hết sức tinh tế, gợi cảm, khiến ta bâng khuân, nghĩ ngợi.

  • Thân bài:

Là nhà thơ viết nhiều, viết hay về những con người ở nông  thôn, về mùa thu, Hữu Thỉnh đã có những khám phá có giá trị trong nghệ thuật. Nhiều vần thơ thu của ông mang cảm xúc bâng khuâng, vấn vương trước đất trời trong trẻo, đang biến chuyển nhẹ nhàng của thiên nhiên, vũ trụ. Ở khổ cuối bài Sang thu, hình ảnh “sấm”“hàng cây đứng tuổi” chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về cuộc đời, về dòng đời vạn biến và lẽ tồn sinh của đời người.

Bằng nghệ thuật ẩn dụ sâu sắc, nhà thơ đã kết thúc bài thơ với 2 câu thơ đáng suy nghĩ, thấm đẫm triết lí:

“Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng câu đừng tuổi.”

“Sấm” là một hiện tượng đặc trưng của mùa hạ khi trước và sau cơn mưa lớn. “Hàng cây đứng tuổi” – theo nghĩa dễ hiểu nhất thì đó chỉ là những cái cây đã nhiều tuổi vì sống lâu năm. Nhưng điều mà Hữu Thỉnh muốn gửi đến chúng ta đâu chỉ là những điều giản đơn đến thế, mà “sấm” ở đây cũng được xem là những thăng trầm, sóng gió của vòng đời luôn thay đổi và qua những gian nan, thử thách ấy, con người cũng sẽ đổi thay một cách mạnh mẽ hơn và vững vàng hơn. Hình ảnh “hàng cây đứng tuổi” – tức chỉ người từng trải, những con người đã nếm được hết mùi vị ngọt ngào, cay đắng, mặn mà hay chua chát của cuộc sống, và tất nhiên khi họ đã trải nghiệm qua những khó khăn đó, thì giờ đây sẽ không phải rơi vào tình thế xao động hay lung lay trước những biến cố của vòng xoáy cuộc đời nữa. Nhìn sâu hơn qua hai câu thơ trên, Hữu Thỉnh cũng muốn nói lên sức mạnh của dân tộc Việt Nam thật kiên cường và bất khuất, thật dũng cảm và mạnh mẽ chống lại bọn giặc ngoài xâm để gửi trọn niềm tin yêu đến Tổ quốc, quê hương và bảo vệ bờ cỏi nước nhà.

Như vậy, “sấm” chính là những vang động bất thường của ngoại cảnh, cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” chỉ những con người đứng tuổi từng trải, đã trưởng thành. Hữu Thỉnh đã tự rút ra bài học đường đời qua quy luật của tự nhiên: đối với những người trưởng thành, những biến động bất thường của cuộc đời không còn làm họ lo lắng hay sợ hãi nữa.

Đến đây, giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể, là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ, chiêm nghiệm về đời người. Nhìn cảnh vật biến chuyển khi thu mới bắt đầu, Hữu Thỉnh nghĩ đến cuộc đời khi đã “đứng tuổi”. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một mùa thu mới, một không gian mới, yên tĩnh, trầm lắng, bình tâm, chín chắn… trước những chấn động của cuộc đời.

  • Kết bài:

Sang thu của Hữu Thỉnh không chỉ có hình ảnh đất trời nên thơ mà còn có hình tượng con người trước những biến chuyển của cuộc đời ở thời khắc giao mùa rất đỗi tinh tế, nhạy bén trong cảm nhận và liên tưởng.


Bài tham khảo:

Cảm nhận bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh

  • Mở bài:

Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông trong sáng, sâu lắng, giàu suy tưởng. “Sang thu” sáng tác năm 1977. Rút từ tập thơ: “Từ chiến hào tới thành phố”. Bài thơ là những rung động tinh te,s mãnh liệt của nhà thơ trước khoảnh khắc giao mùa của đất trời và những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời người trước thiên nhiên, vũ trụ.

  • Thân bài:

Trước Hữu Thỉnh trong thơ hình như mùa thu đã sớm định hình trong trạng thái ổn định, phân chia bởi những mốc thời gian vô hình. Còn đến “Sang thu” cách lựa chọn khoảnh khắc thời gian đã khác, chưa có một sự định hình mà mới chỉ bắc cầu giữa không và có. Và chính từ cảm giác mơ hồ này mùa thu đến vừa lạ vừa quen, nó đánh thức nơi ta những gì tha thiết lắm.

Mạch cảm xúc của bài thơ phát triển từ ngỡ ngàng trước những tín hiệu đầu tiên đến chiêm ngưỡng những biến chuyển của thiên nhiên, rồi cuối cùng là sự chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ về cuộc đời người.

Bài thơ mở ra với bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa. Từ những tín hiệu mơ hồ, thi sĩ nhận ra mùa thu đang dần đến:

“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về”

Hương ổi (khứu giác)  phả ấm áp nồng nàn hương hoa vườn tược. Trái ngọt từ mùa hạ để  đến đầu mùa thu dâng cho đời hương thơm.Mùa thu của Hữu Thỉnh được mở ra không phải với sắc vàng tươi của hoa cúc, cũng không phải với vị thơm ngon của cốm làng Vòng, mà là với hương ổi thơm giòn ngọt phả vào trong gió thu. Dường như cái hương thơm dịu ấy chỉ thoang thoảng quanh quất đâu đây. Nó không mang cái mùi thơm hăng hắc như hoa sữa, cũng không quá nhẹ để người ta dễ lãng quên. Hương thơm ấy nhẹ nhàng thoảng qua theo gió, đề người ta chợt xốn xang trong lòng.

Gió (xúc giác) se, chưa phải là se lạnh mà chỉ mới hơi se lại, cái lạnh và ấm giao nhau. Làn gió se se lạnh của mùa thu cũng rất khác với cái gió tê tái của mùa đông. Nó chỉ khiến ta hơi co người lại một chút và để rồi thảnh thơi đón nhận cả một luồng khí thu mát rượt trong lòng. Có lẽ, sẽ chẳng ở đâu có cái gió se lạnh ấy ngoài mùa thu của đất Bắc – cái gió se mà từ lâu vẫn được coi là hồn thu Bắc Bộ.

Sương (thị giác) chùng chình là thấp thoáng vạt sương thu mờ ảo như đang lưu luyến chờ đợi hay nuối tiếc. Biện pháp nhân hoá làm cho cảnh vật trở nên có hồn có tình.Sương thu cũng có cái nét đặc biệt riêng của nó. Nó không tan nhanh như sương mùa hạ, cũng chẳng dầy đặc như sương mùa đông. Sương thu là những làn khói mong manh bay vờn nhẹ trên những mái nhà, ngoài vườn. Sương thu không vô cảm, nó cũng mang hồn người . Sương đang đợi ai, sương đang chờ ai mà sao lưu luyến thế? Từ láy “chùng chình” tạo cho ta cảm giác “dùng dằng nửa ở nửa về”.

Tác giả mở đầu khổ  thơ bằng từ “bỗng” và kết thúc bằng từ “hình như”. Từ “bỗng” mở đầu khổ thơ bởi tất cả những tín hiệu ấy đến rất mơ hồ và đột ngột, nhưng lại có sức khám phá và  khơi gợi một toạ độ thời gian rõ nét. Từ đó tác giả đã hạ một từ “hình như” và đó là sự rung rinh cảm nhận một cái gì  như có mà như không, bâng khuâng ,xao xuyến.

Bức tranh giao mùa được mở rộng hơn cả về tầm cao và chiều rộng:

“Sông được lúc dềnh dàng
Chim bắt đầu vội vã
Có đám mây mùa hạ
Vắt nửa mình sang thu

Vẫn còn bao nhiêu nắng
Đã vơi dần cơn mưa
Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi”. 

Sau một thoáng bỡ ngỡ, nhà thơ như chợt bừng tỉnh- thu đã về thật rồi! Khép lại những hoài nghi, Hữu Thỉnh chẳng còn nghĩ gì ngoài cảm xúc đang dâng trào. Bức tranh mùa thu từ những gì vô hình, từ nhỏ hẹp chuyển sang những nét  hữu hình cụ thể với một không gian vừa dài rộng, vừa cao vời. Đây là một bức tranh động với ột hệ thống từ ngữ chọn lọc gợi cảm thể hiên một bức tranh thật êm đềm nhưng ẩn chứa trong đó là sự chuyển giao đầy sức sống của tạo hoá: “được lúc – bắt đầu – vắt nửa mình – vẫn còn – vơi dần – bớt – đứng tuổi”

Hình ảnh: “Sông được lúc dềnh dàng; Chim bắt đầu vội vã” khiến cho nhịp thơ nhanh và gấp gáp. Hơi thở của mùa thu đã bắt đầu đập mạnh. Sông vào mùa này chẳng có mưa to gió lớn nên nước cứ “dềnh dàng”. Con sông tràn trề nước mà hình như cứ không chịu chảy, cứ cố nán lại để đợi chờ ai. Sông chờ nước mùa thu chăng? Một hình ảnh thơ thật thi vị và lãng mạn. Nhưng đàn chim thì không thể dềnh dàng được nữa, chúng phải vội vã bay về phương Nam tránh rét. Tất cả đều đang chuyển mình, đang thay đổi. Hai hình ảnh đối lập về tốc độ trái chiều giữa nhanh và chậm, phải chăng là quy luật không đồng đều giữa thời điểm giao thoa của muôn loài muôn vật? Và chỉ tấm lòng của  những con người gắn liền với buồn vui nhân thế mới có thể cảm nhận được điều đó.

Hình ảnh “Có đám mây mùa hạ / Vắt nửa mình sang thu” là hình ảnh  đặc sắc nhất trong bức tranh. Mùa hạ và mùa  thu là hai đầu bến mà đám mây là nhịp cầu vắt qua. Nhịp cầu thật duyên dáng nối hai bờ thời gian bằng vẻ đẹp mềm mại trữ tình. Hữu Thỉnh đã lấy không gian để miêu tả thời gian làm cho bức tranh sống động cảm xúc thị giác.

Những thi liệu “nắng”, “mưa”, “sấm” thường gắn liền với mùa hạ với cái nắng chói chang, những cơn mưa rào ào ạt và tiếng sấm đột ngột ầm ào…Nhưng trong bài thơ những thi liệu đặc trưng cho mùa hạ ấy lại được đi liền với các phụ từ : “vẫn còn, vơi dần, bớt”. Những tín hiệu đặc trưng của mùa hạ nhưng với độ giảm dần  để gay gắt chuyển hoá thành dịu êm thì đó là một dấu hiệu của mùa thu. Nhà thơ thật tinh tế khi đong, đếm: đầy, vơi, nhiều, ít, mau, thưa. Đó là một thứ ước lượng trong hồn mà hồn thơ lại nhẹ như mây bay gió thổi.

Sự biến chuyển của “nắng”, “mưa”, “sấm” so với sự biến chuyển của “hàng cây đứng tuổi” – hình ảnh cuối cùng khép lại bài thơ là sự đối lập. Nếu“nắng”, “mưa”, “sấm” ở chiều hướng giảm thì “hàng cây đứng tuổi” với số tuổi lại ở chiều hướng tăng. Hàng cây  như một chứng nhân lặng lẽ âm thầm quan sát lắng nghe sự vận động của chính nó. Cảnh vật vẫn hoà điệu đấy nhưng vẫn cứ so le: Hàng cây chớm già mà mùa thu rất trẻ. Cuộc sống thật đẹp làm sao trong những bước đi lặng lẽ, thì thầm của nó.

Bài thơ không chỉ đơn thuần là một bức tranh thiên nhiên lúc giao mùa, mà dường như trong cảnh còn có tình và cái tình đó thật sâu lắng ẩn trong từng câu chữ. Hai câu thơ cuối “Sấm cũng bớt bất ngờ; Trên hàng cây đứng tuổi”  vừa có tính tả thực vừa hàm ý sâu xa. Về nghĩa thực, đó là những hình ảnh của thiên nhiên. Sấm là sự biến động của thời tiết. Hàng cây đứng tuổi là hành cây đã trưởng thành, đủ mạnh mẽ. Thế nhưng, ẩn dụ bên trong nó là mọt hàm nghĩa sâu sắc về con người và cuộc đời. Sấm là những biến động bất thường của ngoại cảnh, có tác động trực tiếp lên cuộc đời con người. Đó là những đổi thay, những bất trắc, tai ương bất ngờ, đột ngột và dữ dội. Còn hàng cây đứng tuổi chính là con người trưởng thành, đủ độ chín chắn, đủ mạnh mẽ để chống chọi với ngoại cảnh, cưỡng lại quy luật khắc nghiệt.

Hai câu thơ là nhận thức của nhà thơ trước cuộc đời. Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, tuần hoàn, vô tình và bất biến. Con người không nên “dềnh dàng”, “vô tâm” để rồi một ngày nào đó phải “giật mình” nhận ra tuổi già đã đến. Ý thơ cũng khẳng định khi con người đã từng trải, trưởng thành thì không còn lo lắng, bất ngờ trước những biến động, đổi thay của cuộc đời nữa.

Nhan đề “Sang thu” là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Nhan đề có ý nghĩa bao trùm: hương quả sang thu, ngọn gió sang thu, dòng sông, cánh chim, bầu trời, đám mây sang thu. Sấm chớp, dông bão, cây cối sang thu… Và trong cảnh sang thu của thiên nhiên , đất trời tạo vật là lồng lộng hồn người sang thu. Vừa  lưu luyến bồi hồi, lại vừa nghiêm trang chững chạc, vừa sâu lắng lại bâng khuâng, khiêm nhường nhưng cũng đầy tự hào kiêu hãnh.

Trong suốt bài thơ tác giả chỉ sử dụng một dấu chấm ở cuối bài. Cảm xúc vận động liền mạch. Cả bài thơ như là một thước phim quay chậm từ không gian nhỏ hẹp rồi mở rộng dần bao trùm cảnh vật và chỉ đến hình ảnh của tiếng “sấm” vang động và hàng cây đứng tuổi tuổi vững chãi thì thước phim mới khép lại để tạo dư ba cho dòng cảm xúc suy tư.

  • Kết bài :

“Sang thu” là hình ảnh tâm hồn của Hữu Thỉnh với những rung động vừa tinh tế, nhẹ nhàng vừa mãnh liệt, thiết tha, thể hiện tình yêu cuộc sống và khát vọng gắn kết cuộc đời mình với thiên nhiên, đất nước. Đặt bức tranh mùa thu êm đềm thơ mộng tuyệt đẹp của Hữu Thỉnh vào trong nhịp sống hối hả của thời đại công nghiệp hôm nay ta thấy: trong cuộc sống của chúng ta có những vẻ đẹp ẩn chứa trong những điều thật bình dị. Đó có thể chỉ là một hương ổi đầu mùa nhẹ nhàng nhưng cũng đủ sức đánh thức cả một hoài niệm nhớ thương.

11 Trackbacks / Pingbacks

  1. Cảm nhận 2 khổ cuối bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh - Theki.vn
  2. Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh mùa thu qua bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh - Theki.vn
  3. Hướng dẫn luyện thi văn bản: "Sang thu" của Hữu Thỉnh - Luyện thi tuyển sinh - Theki.vn
  4. Phân tích bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh - Thế Kỉ
  5. Cảm nhận vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên giao mùa trong bài thơ "Sang thu" - Theki.vn
  6. Cảm nhận tình yêu thiên nhiên thiết thiết qua bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải và bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh - Theki.vn
  7. Dàn bài: cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh - Theki.vn
  8. Đọc - hiểu văn bản: Sang thu (Hữu Thỉnh) - Theki.vn
  9. Phân tích vẻ đẹp của làng quê Việt Nam qua bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh - Theki.vn
  10. Phân tích nghệ thuật miêu tả cảnh vật đặc sắc của Hữu Thỉnh qua bài thơ Sang thu - Theki.vn
  11. Củng cố, mở rộng kiến thức (Bài 2, Ngữ văn 10, tập 1, Kết Nối Tri Thức) - Theki.vn

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.