Ý nghĩa nhan đề bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

y-nghia-nhan-de-bai-tho-mua-xuan-nho-nho

Ý nghĩa nhan đề bài thơ ”Mùa xuân nho nhỏ”.

Thanh Hải viết bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” khi năm trên giường bệnh, 2 tháng trước khi ông qua đời. Bài thơ là tiếng lòng thiết tha, gắn kết của nhà thơ trước cuộc đời đang tràn đầy sức sống. Được sáng tạo trong một hoàn cảnh đặc biệt, bởi thế, nhan đề bài thơ mang ý nghĩa sâu sắc.

Sự sáng tạo đặc sắc nhất của nhà thơ Thanh Hải trong bài thơ là hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ”. Người ta dùng nhiều định ngữ gắn với mùa xuân như: mùa xuân chín, mùa xuân xanh, xuân ý, xuân lòng… nhưng “mùa xuân nho nhỏ” là một phát hiện mới mẻ, một sáng tạo độc đáo trong ý tưởng thơ và ngôn ngữ của nhà thơ.

Từ láy “nho nhỏ” vừa chỉ ra cái mùa xuân riêng trong lòng nhà thơ trước mùa xuân lớn của cuộc đời vừa gợi lên cái vẻ xinh xinh đáng yêu của nó. Hình ảnh ấy cùng với những hình ảnh cành hoa, con chim, nốt nhạc trầm xao xuyến…. Tất cả đều mang một vẻ đẹp bình dị, khiêm nhường, thể hiện điều tâm niệm chân thành, tha thiết của nhà thơ. Nhà thơ tự nguyện làm một mùa xuân nghĩa là ông muốn sống đẹp, có ích, sống với tất cả sức sống tươi trẻ của mình và mang đến cho cuộc đời chung một nét riêng, cái phần tinh tuý của mình, dù nhỏ bé.

Như vậy, nhan đề bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” thể hiện khát vọng dâng hiến mùa xuân nho nhỏ của cuộc đời mình cho mùa xuân chung, cuộc đời chung của dân tộc, của đất nước. Ước nguyện chân thành ấy vừa nhỏ bé lại vừa hết sức lớn lao. Nhỏ bé là bởi Thanh Hải đạt cuộc đời mình trong hàng triệu cuộc đời đang ngày đêm cống hiến sức mình dựng xây đất nước. Lớn lao là bởi, sau cái chết là sự hóa thân vào với vĩnh hằng, mãi mãi trường tồn cùng quê hương đất nước.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.