Phân tích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Thuốc của nhà văn Lỗ Tấn

y-nghia-nhan-de-thuoc-cua-nha-van-lo-tan

Phân tích ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Thuốc” của nhà văn Lỗ Tấn

  • Mở bài:

Quan điểm sáng tác văn nghệ của Lỗ Tấn được thể hiện nhất quán trong toàn bộ sáng tác của ông: phê phán những căn bệnh tinh thần khiến cho quốc dân mê muội, tự thoả mãn “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”. Thuốc được viết năm 1919, đúng vào lúc cuộc vận động Ngũ tứ bùng nổ. Đau đớn trước hiện trạng đớn hèn, bạc nhược của dân tộc, ông muốn dùng văn học như một phương thuốc để cứu dân tộc. Lỗ Tấn đã hoàn toàn có dụng ý sâu sắc khi dồn nén chủ đề tác phẩm trong ý nghĩa nhan đề truyện ngắn Thuốc. Nhan đề của truyện và hình tượng chiếc bánh bao tẩm máu người có ý nghĩa sâu sắc.

  • Thân bài:

Nhan đề thiên truyện là Thuốc (nguyên văn là Dược). Thuốc ở đây chính là chiếc bánh bao tẩm máu người mà lão Hoa đã mua về cho thằng Thuyên ăn để chữa bệnh lao.Nhan đề này có nhiều nghĩa.

Nghĩa thứ nhất: thuốc, nguyên văn là Dược (trong từ ghép Dược phẩm). Tên truyện Thuốc phản ánh một quá trình suy tư nặng nề của Lỗ Tấn (động cơ và mục đích đổi nghề của ông). Nhận thức rõ thực trạng của người dân Trung Hoa thời bấy giờ “ngu muội và hèn nhát”, nhà văn không có ý định và cũng không đặt ra vấn đề bốc thuốc cho xã hội mà chỉ muốn “lôi hết bệnh tật của quốc dân, làm cho mọi người chú ý và tìm cách chạy chữa”.

Nghĩa thứ hai: thuốc chính là một phương thuốc u mê, ngu muội giống hệt phương thuốc mà ông thầy lang bốc cho bố Lỗ Tấn bị bệnh phù thủng với hai vị “không thể thiếu” là rễ cây nứa kinh sương ba năm và một đôi dế đủ con đực và con cái dẫn đến cái chết oan uổng của ông cụ. Bánh bao tẩm máu người chữa bệnh lao nghe như câu chuyện thời  trung cổ lại xảy ra ở nước Trung Hoa trì trệ, đình đốn và tự thoả mãn.

Lỗ Tẫn vốn là một thầy thuốc nhưng ông bỏ nghề để “chữa bệnh tinh thần” để cứu rỗi linh hồn, để giác ngộ những người đang ngủ mê đứng lên làm chủ số phận. Bố mẹ thằng Thuyên đã áp đặt cho nó một phương thuốc quỷ quái mà họ trân trọng như thuốc tiên. Rồi cả đám người trong quán trà cũng sai lầm một cách vô tư như vậy. Vì vậy tên truyện còn có ý nghĩa sâu xa hơn.

Nghĩa thứ ba: Liều thuốc độc ấy trớ trêu thay lại được pha chế bằng máu của người cách mạng- một người cách mạng dũng cảm, hiên ngang, xả thân vì nghĩa lớn, đổ máu cho sự nghiệp giải phóng nhân dân, trong đó có những người như bố mẹ Thuyên, như ông Ba, như cả Khang,…

Thế mà những con người ấy lại dửng dưng mua máu người cách mạng để chữa bệnh chẳng khác gì mua máu súc vật.  Sự trớ trêu này gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ. Nó đặt ra một câu hỏi, bắt người đọc phải trả lời: Vì đâu quần chúng mê muội như vậy? . Trong bài tạp văn Cát, Lỗ Tấn đã nói đến bệnh rã rời của quốc dân, chẳng khác gì đĩa cát, rã rời đến mức “cái tay không cảm nhận được nỗi đau của cái chân”.

Như vậy, tên tác phẩm “Thuốc” có 3 tầng ý nghĩa:

Tầng nghĩa thứ nhất – nghĩa đen của tên truyện là: thuốc chữa bệnh lao ( Bài thuốc mà bố mẹ thằng Thuyên nâng niu và trân trọng, coi là thuốc tiên để cứu mạng thằng con. Rốt cuộc không cứu được nó mà ngược lại đã giết chết nó) → với tầng nghĩa này, chủ đề tư tưởng của truyện chỉ có thể là : chống mê tín di đoan, phê phán lối chữa bệnh mù quáng.

Tầng nghĩa thứ hai sâu hơn, mang tính khai sáng: đó là thuốc này là thuốc độc, mọi người phải giác ngộ ra rằng cái gọi là thuốc chữa bệnh được sùng bái vốn là thuốc độc. Người Trung Quốc phải tỉnh giấc, không được “ngủ mê trong cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”

Tầng nghĩa thứ ba: Phải tìm một phương thuốc làm cho quần chúng phải giác ngộ cách mạng và làm cho cách mạng gắn bó với quần chúng.

  • Kết bài:

Như vậy chỉ với một nhan đề ngắn gọn “Thuốc” nhưng đã đủ nói lên tư tưởng của thời đại của tác giả Lỗ Tấn. Nhân dân thì quá mê muội và lạc hậu, còn người cách mạng quá đơn độc, quạnh hiu. Nhan đề truyện và hình ảnh chiếc bánh bao tẩm máu người đã thể hiện chủ đề tư tưởng tác phẩm: Lỗ Tấn đã đau nỗi đau của dân tộc Trung Hoa thời cận đại : nhân dân thì “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt” còn người cách mạng thì “bôn ba trong chốn quạnh hiu”.

3 Trackbacks / Pingbacks

  1. Phân tích hình tượng nhân vật Hạ Du, một người chiến sĩ cách mạng kiên trung (Thuốc - Lỗ Tấn) - Thế Kỉ
  2. Quan điểm nhân sinh của nhà văn Lỗ Tấn trong truyện ngắn "Thuốc" - Thế Kỉ
  3. Phân tích ý nghĩa và giá trị truyện ngắn "Thuốc" của Lỗ Tấn - Thế Kỉ

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.