phan-tich-bai-tho-nho-rung-cua-the-lu-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ (dưới góc độ thi pháp)

Cảm nhận bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ (dưới góc độ thi pháp)

Nhớ rừng là bài thơ kiệt tác của Thế Lữ, nhà thơ tiên phong của phong trào Thơ mới (1932 – 1941). Với nhạc điệu du dương, với cảnh sắc thiên nhiên tráng lệ, đặc biệt với hình tượng con hổ, bài thơ Nhớ rừng đã chinh phục mỗi chúng ta, đã chiếm lĩnh nơi sâu kín nhất cõi tâm hồn bao người trong hơn nửa thế kỷ qua.

Thi pháp Nhớ rừng có kết cấu độc đáo, tạo hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt. Đó là sự đan cài hai không gian thẩm mỹ riêng biệt và tương phản, trái ngược nhau bằng cảm nhận của nhân vật trữ tình, ta – con hổ, trong tâm trạng nhớ rừng. Bởi nhớ rừng nên cảnh rừng được ngợi ca như là cái đẹp của tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ, tung hoành. Theo đó, cảnh ở vườn bách thú bị đẩy vào đầu mút đối lập với cảnh rừng, là cảnh giả dối, tù túng, chật hẹp, quẩn quanh, ngột ngạt.

Kết cấu đó được tạo nên bởi hai mảng không gian trái ngược: Mảng thứ nhất là không gian rừng qua nỗi nhớ và tái hiện của nhân vật con hổ. Đó là không gian tự nhiên với những vẻ đẹp bản thể của nó trong sự phối kết giữa những sắc thái hoang dại mà hùng vĩ; phong phú, đa dạng, sinh động cả về âm thanh, đường nét, hình khối, sắc màu. Nỗi nhớ rừng xưa gọi về, tái hiện không gian đầy sức cuốn hút, hấp dẫn của tự do: Cảnh lâm sơn, bóng cả, cây già, tiếng gió gào ngàn, giọng nguồn hét núi, lá gai, cỏ sắc, đêm vàng bên bờ suối, mưa chuyển bốn phương ngàn, bình minh cây xanh nắng gội, chiều lênh láng máu sau rừng… Nổi bật lên trong mảng không gian này là chân dung, khí phách, tinh thần của nhân vật hổ:

Ta bước chân lên dõng dạc, đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc.
Trong hang tối, mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi,
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi.

Một số thời gian có dấu ấn đặc biệt cũng được gọi về trong nỗi nhớ ngập tràn lòng tự hào và kiêu hãnh:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan ?
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang sơn ta đổi mới ?
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng ?
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật ?

Mảng thứ hai là không gian nơi vười bách thú, không gian của ngục tù, chật hẹp, tù túng, giả tạo, buồn chán và tẻ nhạt. Mảng không gian này được thể hiện bằng các chi tiết tiêu biểu: cũi sắt, hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng, dải nước đen chẳng thông dòng, là hiền lành không bí hiểm; đối lập và trái ngược với mảng không gian thứ nhất bởi không gian của rừng già là mênh mông, hoang sơ, hùng vĩ, tươi đẹp, thì không gian này gò bó, chập hẹp; không gian rừng là tự do, phóng khoáng thì không gian này là tầm thường, giả dối:

Nay ta ôm niềm uất hận ngàn thâu,
Ghét những cảnh không đời nào thay đổi,
Những cảnh sửa sang, tầm thường, giả dối:
Hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng;
Giải nước đen giả suối chẳng thông dòng
Len dưới nách những mô gò thấp kém;
Dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm,
Cũng học đòi bắt chước vẻ hoang vu
Của chốn ngàn năm cao cả, thâm u.

Trong mảng không gian của hiện tại này, ta cũng xuất hiện, nhưng trong tâm thế uất hận gậm một khối căm hờn trong cũi sắt, trái ngược với ngày xưa tung hoành, hống hách, dõng dạc, đường hoàng… Xuyên suốt trong hai mảng không gian địa lý ấy là mạch không gian tâm trạng và mỹ cảm của nhân vật ta. Trong kiểu không gian này, nhân vật ta tự kể, tự miêu tả, tự bộc lộ cảm xúc. Do vậy, bên cạnh bức tranh thiên nhiên trong hai mảng không gian trái ngược nhau, còn có chân dung tự họa của nhân vật trữ tình. Chính tính tư tưởng và thẩm mỹ của bài thơ phần lớn được bộc lộ trong những dáng nét của không gian tâm trạng và mỹ cảm của nhân vật trữ tình.

Phối kết với không gian là thời gian của quá khứ và hiện tại. Thời gian của quá khứ là huy hoàng, tự hào, hạnh phúc, viên mãn; thời gian của hiện tại là uất ức, nhạt nhẽo, buồn tẻ, vô vị. Nhiều kiểu câu được lặp lại cấu trúc, trong có những từ ngữ chỉ thời gian như nào đâu, đâu những…, được day đi day lại; những câu hỏi tu từ như những vết xoáy nỗi đau vừa để ngợi ca, tiếc nhớ ngày xưa, vừa để phủ nhận thực tại.

Thi pháp giọng điệu và ngôn từ của Nhớ rừng cũng là những phương diện thể hiện sự sáng tạo của tác giả, tạo ấn tượng tốt tới độc giả và góp phần quan trọng trong việc diễn tả thái độ, tình cảm và tư tưởng. Giọng điệu thơ vừa hùng hồn, khảng khái vừa buồn hận, sầu thương. Trong những kí ức về ngày xưa thì nhịp thơ nhanh, mạnh; với bây giờ thì chậm, buồn.

Ngôn từ thơ là cả những lớp sóng liên tiếp, dồn dập mang xúc cảm của nhân vật trữ tình đang dâng tràn cả ở hai thái cực đối lập trong quá khứ huy hoàng, kiêu hãnh, tự do và hạnh phúc, với hiện tại ngục tù, gò bó, chật hẹp, giả dối và buồn chán. Toàn bộ hệ thống ngôn từ của bài thơ là ngôn từ của nhân vật, nhân vật ta.

Tóm lại, với cái nhìn hướng về cõi rừng ngày xưa trong nỗi nhớ thương những vẻ đẹp và sức hấp dẫn của nó, tương phản với cảnh nơi vườn bách thú, thi pháp kết cấu của Nhớ rừng được xây dựng thành hai mảng đối lập nhau về tình điệu thẩm mỹ. Theo đó, giọng điệu, ngôn từ cũng mang hai dòng chính là vừa hào sảng, hùng tráng vừa uất hận, buồn thương, tương ứng với hai mảng không gian và thời gian nghệ thuật của ngày xưa với bây giờ, nơi rừng sâu núi thẳm với chốn vườn bách thú. Nhớ rừng là bài ca về tự do, về giá trị đích thực của cuộc sống; là sự phê phán, phủ nhận cuộc sống nô lệ, tầm thường và giả dối.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang