moi-quan-he-giua-van-chuong-va-am-nhac

Mối quan hệ giữa văn chương và âm nhạc

Mối quan hệ giữa văn chương và âm nhạc

Âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh. Ðây cũng là một hình thức phản ảnh nghệ thuật đặc biệt về hiện thực khách quan. hình tượng của nó được tạo dựng từ chất liệu âm thanh. Nó cũng phi vật thể như hình tượng văn chương. Nhưng do chất liệu hình tượng văn chương là các yếu tố của tư tưởng nên hình tượng văn chương vẫn mang tính cụ thể – xác định. Còn hình tượng âm nhạc bị hạn chế ở phương diện này. Người ta đã thử làm thí nghiệm cho nhiều cho nhiều người cùng nghe một khúc nhạc cổ điển rồi yêu cầu mỗi người nghe, giảng giải nội dung tư tưởng của khúc nhạc đó. Người thì cho đấy là cuộc đời của một cô gái bị hại, người cho đây là truyện một loài hoa bị bão táp quật ngã, người khác cho rằng đó là nói về con bướm nhỏ bị thiêu cháy trong đống than. Như vậy, so với âm nhạc, văn chương, nội dung của nó, không mơ hồ như âm nhạc. Mĩ học tư sản đã xuyên tạc đặc tính này của âm nhạc để đi đến chỗ xem âm nhạc (và kiến trúc) là nghệ thuật không phản ảnh hiện thực, nghĩa là họ phủ nhận nội dung tư tưởng của âm nhạc.

Thực ra âm nhạc vừa có thể thể hiện các mặt vật thể của cuộc sống chẳng hạn âm nhạc có chương trình, thanh nhạc. Dựa vào chất liệu âm thanh, âm nhạc có ưu thế thể hiện nhịp độ, nhịp điệu, tính chất của sự vận động và phát triển cuộc sống. Âm nhạc là loại nghệ thuật tác động trực tiếp tới tình cảm của con người, thống nhất các tình cảm, thông qua cảm xúc mà thể hiện tư tưởng. Văn chương và âm nhạc có sự tác động qua lại lẫn nhau có nguồn gốc sâu xa ngay trong bản thân bản chất của hai loại hình nghệ thuật này. văn chuơng, mà đặc biệt làthơ ca, chất nhạc là bản chất của nó. Thơ có thể không có vần nhưng không thể không có tính nhạc. còn âm nhạc lại thường sử dụng tính chất phát âm của ngôn từ và ngữ ngôn.

Từ xa xưa và cho tới ngày nay, âm nhạc thường sử dụng các tác phẩm văn chương. Tại sao lại như vậy? trước hết, do âm nhạc luôn luôn vươn tới đạt cho được tính xác định, tính sâu sắc trong nội dung tư tưởng của mình. Do đó, nó kế thừa hiện thực đã được lựa chọn, khái quát và nhào nặn của văn chương để tạo ra sự thuận lợi, dễ dàng cho điển hình âm nhạc. cũng do hạn chế ở chỗ không thể tự mình thể hiện đầy đủ tính cụ thể, tính vật thể của thế giới, nên âm nhạc phải sử dụng tác phẩm văn chương – cái mà người ta đã biết trước rồi. Âm nhạc dựa vào văn chương còn vì lí do, thơ ca là chất liệu cho thanh nhạc. Những bản nhạc bài hát được phổ từ thơ, nhạc sĩ đã lợi dụng 2 điều quan trọng của thơ ca: tính nhạc và ngôn từ.

Âm nhạc ảnh hưởng đến văn chương ở những mặt nào? nếu như tính nhạc của thơ ca đã ảnh hưởng tới âm nhạc, thì ngược lại, việc phối khí của âm nhạc cũng ảnh hưởng tới văn chương. Nó cung cấp cho văn chương những môtíp đề tài: tiếng đàn Thạch sanh, tiếng đàn Kiều, tiếng hát Trương Chi. Âm nhạc còn cung cấp, gợi ý cho văn chương các tứ thơ, ý thơ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang