Liên kết trong văn bản.
1. Khái niệm:
– Liên kết là một trong những tính chất quan trọng của văn bản, có tác dụng làm cho văn bản trở nên mạch lạc, hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức
2. Các phép liên kết thường gặp.
a. Phép lặp từ ngữ:
– Phép lặp từ ngữ là cách lặp lại ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước đó.
Ví dụ:
+ Khi đọc sách, ta thấy trong nỗi buồn khổ, lo lắng của người biết nỗi buồn khổ, lo lắng của ta và ta hiểu rằng chúng ta không phải cô độc trên thế giới này. Bất kì ta ở một tình thế khắp khe, chua chát nào, mở sách ra là ta cũng gặp người đồng cảnh hay đồng bệnh mà đọc họ ta thấy ấm áp lại trong lòng.
→ Từ “sách” được lặp lại ở câu sau.
+ Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!
→ Từ “tre” được lặp lại ở các câu sau.
b. Phép thế từ ngữ.
– Phép thế từ ngữ là cách sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ đã có ở câu trước (thay thế các từ ngữ đứng trước bằng đại từ hay từ ngữ có nghĩa tương đương).
Ví dụ:
+ Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích lũy ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vợ ghi chép, lưu truyền lại.
→ Phép thế: dùng đại từ “đó” thay thế cho ý nghĩa ở câu trước.
+ Cô Hằng là cô hàng xóm của tôi. Nhà cô ấy có rất nhiều hoa.
→ Phép thế: dùng đại từ “cô ấy” thay thế cho “cô Hằng” ở câu trước.
+ Ai cũng muốn cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt. Muốn được như vậy bạn phải chăm chỉ tập luyện.
→ Phép thế: từ “như vậy” thay thế cho “cơ thể khỏe mạnh và có sức đề kháng tốt”, mang nghĩa tương đương.
c. Phép liên tưởng.
– Phép liên tưởng là cách sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước.
Ví dụ:
+ Hơn nữa, tự học quả là một phương thuốc trị bệnh âu sầu. Theo bác sĩ E. Gờ-ron-nơ-veo (E. Groenevelt), người Hà Lan, những bệnh nhân nào biết đọc sách cũng mau khỏe mạnh hơn những bệnh nhân khác (Nguyễn Hiến Lê, Tự học – một thú vui bổ ích)
→ Các từ in đậm đều cùng trường liên tưởng: Khám chữa bệnh.
+ Mặt trời lên bằng hai con sào thì ông về đến con đường nhỏ rẽ về làng. Không cần phải hỏi thăm nữa cũng nhận ra rặng tre ở trước mặt kia là làng mình rồi. Cái chấm xanh sẫm nhô lên đó là cây đa đầu làng. Càng về đến gần càng trông rõ những quán chợ khẳng khiu nấp dưới bóng đa. (Nguyễn Ðịch Dũng)
→ Các từ ngữ: con đường nhỏ , rặng tre, cây đa, quán chợ giúp liên tưởng đến làng.
+ Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn. Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tuổi tôi áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm. Hai quyển vở mới đang ở trên tay tôi đã bắt đầu thấy nặng.
→ Các từ ngữ: áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau, sách vở, quyển vở mới giúp liên tưởng đến lứa tuổi học sinh.
c. Phép nối:
– Phép nối là cách dùng các quan hệ từ để nối các câu lại tạo nên sự liên kết.
– Các quan hệ từ thường được sử dụng: nhưng, qua đó, đồng thời, bên cạnh đó, trước đó, sau đó, thế là, trái lại, thậm chí, cuối cùng,…
Ví dụ:
+ Lớp chúng tôi hăng hái giơ tay phát biểu ý kiến trong giờ học. Đồng thời, chúng tôi còn rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong học tập rất nhiều.
→ Câu trên sử dụng phép nối: “Đồng thời”.
+ Một hồi còi khàn khàn vang lên. Tiếp theo là những tiếng bước chân bình bịch, những tiếng khua rộn rã: phu nhà máy rượu bia chạy vào làm (Nam Cao)
→ Câu trên sử dụng phép nối: “Tiếp theo”