phan-tich-doan-trich-chi-khi-anh-hung-trich-truyen-kieu-nguyen-du

Phân tích đoạn trích Chí khí anh hùng (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

Phân tích đoạn trích “Chí khí anh hùng” (trích Truyện Kiều của Nguyễn Du)

  • Mở bài:

Nguyễn Du là nhà thơ kiệt xuất của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Truyện Kiều là kiệt tác văn học của Nguyễn Du. Sinh ra trong thời cuộc loạn lạc, dân tình lầm than, đói khổ, bản thân trải qua nhiều hoạn nạn, Nguyễn Du luôn khao khát một vị anh hùng cứu dân giúp nước. Nỗi niềm ấy được ông kí thác qua hình tượng Từ Hải, một vị anh hùng đầu đội trời chân đạp đất, được người người kính trọng. Đoạn trích Chí khí anh hùng khắc họa nhân vật Từ Hải khi từ biệt Thuý Kiều ra đi lập sự nghiệp lớn.

  • Thân bài:

Đoạn trích Chí khí anh hùng thuộc phần Gia biến và lưu lạc của Truyện Kiều. Vì tin lời Bạc Bà, Bạc Hạnh, Thúy Kiều bị lừa vào lầu xanh lần thứ hai, tâm trạng nàng vô cùng đau khổ và tuyệt vọng. May sao, Từ Hải đột ngột xuất hiện, đã coi Kiều như một tri kỉ và cứu nàng ra khỏi lầu xanh. Hai người đều thuộc hạng người bị xã hội đương thời coi thường (một gái giang hồ và một là giặc) đã đến với nhau tâm đầu ý hợp trong một tình cảm gắn bó của đôi tri kỉ.

Từ Hải đánh giá cao sự thông minh, khéo léo và nhạy cảm của Kiều. Kiều nhận ra Từ là đường anh hùng hiếm có trong thiên hạ, là người duy nhất có thể giải oan cho nàng. Nhưng dù yêu quý, trân trọng Từ Hải, Kiều cũng không thể giữ chân bậc anh hùng cái thế. Đã đến lúc Kiều để Từ Hải ra đi lập sự nghiệp anh hùng.

Từ Hải đa tình, nhưng trước hết Từ Hải là một tráng sĩ, một con người có chí khí mạnh mẽ. Chí là mục đích cao hướng tới, khí là nghị lực để đạt tới mục đích. Ở con người này, khát khao được vẫy vùng giữa trời cao đất rộng, như đã trở thành một sức mạnh của thiên nhiên, không gì có thể kiềm chế nổi:

“Nửa năm hương lửa đương nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang,
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”

Đang sống trong cảnh nồng nàn hương lửa, chợt động lòng bốn phương, thế là toàn bộ tâm trí hướng về trời bể mênh mang và lập tức ở vào tư thế một mình với thanh gươm yên ngựa sẵn sàng lên đường đi thẳng. Từ “trượng phu” vốn có nghĩa là người đàn ông hoặc người chồng. Trong văn bản, từ này chỉ Từ Hải, với nghĩa người đàn ông có chí lớn. Từ này chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong Truyện Kiều và Nguyễn Du trân trọng dành riêng cho Từ Hải như một cách để tôn xưng nhân vật lí tưởng. Từ ” thoắt” thể hiện sự thay đổi đột ngột, dứt khoát, mau lẹ, kiên quyết, không luyến tiếc.

“Lòng bốn phương” là khái niệm có nội hàm diễn tả con người vũ trụ. Bốn phương ở đây chỉ nam, bắc, đông, tây, có nghĩa là thiên hạ, thế giới. Nhưng theo Kinh Lễ, xưa sinh con trai, người ta làm cái cung bằng cây dâu, tên bằng cỏ bồng, bắn tên ra bốn phương, tượng trưng cho mong muốn sau này người con trai làm nên sự nghiệp lớn. Như vậy, lòng bốn phương không chỉ có nội hàm diễn tả con người vũ trụ mà còn là hình ảnh ước lệ, tượng trưng cho chí nguyện lập công danh, sự nghiệp.

Không gian trời bể mênh mang, bốn bể, chim bằng, gió mây vừa là ước lệ, lại vừa tạo nên ấn tượng về tầm vóc vũ trụ của Từ Hải. Anh hùng chí ở bốn phương. Sự đan kết hai nội hàm ý nghĩa trước hết khắc hoạ hình tượng nhân vật lớn lao, kì vĩ, phi thường. Chính sự kết hợp đó khiến hình tượng người anh hùng trong sáng tác của Nguyễn Du trở thành lí tưởng. Và vì lí tưởng nên không thể sử dụng bút pháp tả thực để miêu tả được. Cũng vì lí tưởng nên hình tượng nhân vật người anh hùng Từ Hải mãi mãi chỉ là mơ ước của nhà thơ. Nguyễn Du mơ ước có được một người anh hùng như thế, để thực thi khát vọng công lí cho những thân phận bất hạnh như Thúy Kiều. Từ Hải không phải là con người của những đam mê thông thường mà là con người của khát vọng anh hùng, của sự nghiệp anh hùng.

Với khát vọng lên đường mãnh liệt, Từ Hải đã quyết chí ra đi để thực hiện lí tưởng anh hùng của mình. Trong buổi chia tay Thuý Kiều, Từ Hải không hề quyến luyến, bịn rịn như cảnh Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều:

Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.

Khi Kiều có suy nghĩ: “Phận gái chữ tòng, Chàng đi thiếp cũng một lòng xin đi” thì Từ đã có ý trách Kiều là người tri kỉ mà không hiểu mình, khuyên Kiều vượt lên trên tình cảm thông thường để sánh với anh hùng: Từ rằng: “Tâm phúc tương tri, Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình? Từ Hải là con người của sự nghiệp phi thường, không thể chìm đắm trong trốn phòng khuê! Đang ở trong cảnh hạnh phúc ngọt ngào, Từ Hải thoắt đã động lòng bốn phương, tiếng gọi của sự nghiệp thức tỉnh chàng từ bên trong. Giờ đây sự nghiệp đối với chàng là trên hết.

Đối với Từ Hải, nó chẳng những là ý nghĩa của sự sống mà còn là điều kiện để thực hiện những ước ao mà người tri kỉ đã gửi gắm, trông cậy ở chàng. Do vậy mà không chút bịn rịn, không có những lời than vãn lúc chia biệt. Lời trách người tri  kỉ chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình còn bao hàm cái ý khuyên Kiều hãy vượt lên tình cảm thông thường để làm vợ của một anh hùng. Cho nên sau này trong nỗi nhớ thương của Kiều: Cánh hồng bay bổng tuyệt vời – Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm không chỉ có sự mong chờ người yêu xa cách mà còn mong chờ cả sự nghiệp của Từ Hải.

Không chỉ khuyên nhủ Kiều, trong lời nói của mình, Từ Hải còn hứa hẹn với Kiều về một tương lai thành công:

Bao giờ mười vạn tinh binh,
Tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường,
Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà,
Theo càng thêm bận biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu,
Chầy chăng là một năm sau vội gì!”.

Đoạn trích sử dụng rất nhiều từ Hán Việt: tâm phúc tương tri, nữ nhi, tinh binh, bóng tinh, phi thường, nghi gia mang lại cho văn bản không khí trang trọng cùng những sắc thái ý nghĩa riêng biệt. Những từ ngữ đẹp (tâm phúc tương tri, nữ nhi, nghi gia) trong lời nói của bậc anh hùng trượng nghĩa thể hiện rất sâu sắc lòng trân trọng, yêu mến dành cho người đẹp. Rõ ràng, trong mắt Từ, Kiều không phải là một món hàng, càng không phải là một gái lầu xanh mà là hồng nhan tri kỉ, xứng đáng với đấng chọc trời khuấy nước.

Sự xuất hiện của các từ chỉ việc quân binh, có sức gợi lên không khí thắng lợi hoành tráng như tinh binh, bóng tinh, phi thường đã mở ra một tương lai tươi sáng, thể hiện niềm tin chiến thắng của người anh hùng Từ Hải. Trước đây, ngay trong cảnh trần ai, Từ Hải ngang nhiên xem mình là người anh hùng, tất cả sự nghiệp sau này như đã nắm chắc trong Giờ đây xuất phát chỉ với thanh gươm yên ngựa, Từ đã khẳng định quyết tâm, tự tin vào thành công, muộn thì cũng không quá một năm, sẽ nhất định trở về với cả một cơ đồ to lớn. Những hình ảnh tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường là hình tưởng tượng của Từ về tương lai, vì nó mà Từ dứt áo ra đi. Đoạn trích kết lại với hai câu thơ gây ấn tượng sâu đậm bở hình ảnh ước lệ:

Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Trong thơ ca trung đại cổ điển ,hành động “dứt áo ra đi” không phải là quá xa lạ, nó mang tính chất lưu luyến bịn rịn chẳng nỡ rời xa. Thế nhưng, đặt trong đoạn trích và đặt trong hình tượng Từ Hải thì đó lại thể hiện sự mạnh mẽ, quyết đoán của bậc nam nhi. Phải chăng vì thế mà Nguyễn Du đã không chút do dự nâng nhân vật của mình lên, ví hình ảnh chàng lúc lên đường với hình ảnh chim bằng cất cánh bay vào muôn trùng dặm khơi? Hình ảnh đó phần nào thể hiện cái nhìn lãng mạn và khát vọng thoát khỏi thời đại mình- một tư tưởng tiến bộ vượt bậc so với những người đương thời.

Cũng từ những hình ảnh này, người đọc được chứng kiến một niềm tin sắt đá vào thành công, vào lí tưởng cao cả của người anh hùng. – Hành động dứt áo ra đi được đặt trong bối cảnh lớn lao, kì vĩ (gió mây bằng, dặm khơi – những hình ảnh ước lệ mang tầm vóc vũ trụ) thể hiện tư thế lên đường dứt khoát của người anh hùng.

Nghệ thuật miêu tả tâm lí là một trong những phương diện nghệ thuật đặc sắc bậc nhất của Truyện Kiều. Chính những thành công về nghệ thuật miêu tả tâm lí đã chứng tỏ sự sáng tạo độc đáo, tấm lòng thấu hiểu con người của Nguyễn Du.

Có thể nhận định, tâm lí nhân vật được thể hiện sinh động, trực tiếp trong tình huống cụ thể. Diễn biến tâm lí nhân vật được miêu tả chân thực, theo đúng quy luật và quá trình diễn biến trong thời gian của đời sống bên trong con người. Trạng thái tâm lí mang tính cá thể rất rõ; đó là tâm lí của những con người cụ thể, với đặc điểm riêng về tính cách, hoàn cảnh,… Các hình thức đối thoại, độc thoại và lời trần thuật nửa trực tiếp được sử dụng rất có hiệu quả để miêu tả tâm lí nhân vật.

  • Kết bài:

Đoạn trích “Chí khí anh hùng” xây dựng hình tượng Từ Hải bằng bút pháp ước lệ hóa kết hợp với lối ngôn ngữ giàu sức gợi đã khẳng định rõ phẩm chất cốt lõi của người anh hùng không để tình cảm riêng rằng buộc chí lớn luôn luôn hành động đề hướng tới sự nghiệp cao cả, vĩ đại. Nhờ đó mà nhân vật có một sức sống đậm sâu trong lòng bạn đọc muôn đời.


Tham khảo:

Phẩm chất anh hùng của nhân vật Từ Hải

Trong bài viết Một phương diện của thiên tài Nguyễn Du: “Từ Hải” đăng trên báo Thanh nghị, số 36, tháng 5 -1943, nhà phê bình Hoài Thanh viết: “Thực suốt cả quyển Đoạn trường tân thanh tức là Truyện Kiều không có chỗ nào ngòi bút Nguyễn Du hân hoan bằng những khi Từ Hải nói hay nói đến Từ Hải (…). Biết đâu Từ Hải chẳng là cái mộng tưởng lớn nhất trong đời Nguyễn Du”. Nhận xét và phỏng đoán (có màu sắc khẳng định) nói trên của nhà phê bình thật đáng được chia sẻ, một khi ta đã đọc kĩ Truyện Kiều và hơn thế nữa đọc đến những tác phẩm văn học Trung Hoa xưa có nói đến nhân vật Từ Hải, nhất là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân – cuốn sách mà Nguyễn Du đã dựa vào đó để dựng nên kiệt tác của mình.

Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là một anh hùng toàn vẹn. Từ “anh hùng” và cùng với nó là những từ có cùng trường nghĩa luôn hiện khi nhà thơ nói đến chàng dù thông qua lời trần thuật hay lời nhân vật khác. Thậm chí, nhà thơ đã để cho nhân vật nhiều lần tự xưng mình là anh hùng – một con người tự tin đến thế là cùng! Dĩ nhiên, muốn chứng minh nhân vật của mình là anh hùng, riêng việc dùng từ như trên chưa đủ. Nguyễn Du rất hiểu điều đó, vì vậy đã dụng tâm tạo dựng một không gian riêng – không gian mở, không gian bao la – để Từ Hải xuất hiện.

Bên cạnh đó, nhà thơ cũng không quên vận dụng cách thức miêu tả ngoại hình và hành động có tính ước lệ, khoa trương để tô đậm cốt cách hơn người, hơn đời của Từ Hải. Nói tóm lại để thấy được chí khí anh hùng ở con người này, ta có thể giở bất cứ trang nào trong Truyện Kiều có nhắc đến hai chữ Từ Hải, hay nhắc đến hành tích, sự nghiệp và cả kết cục số phận của chàng.

Tuy nhiên, dù điều trên là có thật, nhiều người vẫn muốn chú ý trước hết đến tình huống Từ Hải tạm biệt Thuý Kiều để lên đường theo đuổi nghiệp lớn. Ai bảo khí phách anh hùng của một kẻ nam nhi chỉ được thể hiện rõ nét khi anh ta đứng giữa vòng tên đạn bời bời? Nguyễn Du không hoàn toàn nghĩ thế. Ông dụng tâm miêu tả sâu cách ứng xử của Từ Hải với mĩ nhân, với hạnh phúc được sống cùng mĩ nhân, qua đó mà làm bật nổi cốt cách hơn đời có ở chàng. Nghĩ cho cùng, đây là một lựa chọn nghệ thuật tuyệt đối phù hợp. Bao giờ mĩ nhân chả là một cửa ải khó vượt đối với những kẻ nam phi, những bậc anh hùng?.

Trước Đoạn trích Chí khí anh hùng, kể buổi Từ Hải lên đường, Nguyễn Du chỉ nói hết sức vắn tắt về cuộc sống hạnh phúc của cặp “Trai anh hùng, gái thuyền quyên”. Ông không rề rà miêu tả, dù rề rà một chút trong trường hợp này cũng có thể chấp nhận được, bởi tâm lí độc giả vẫn muốn dành thêm ưu ái cho Thuý Kiều – một con người đã nếm trải vô số bất hạnh trong cuộc đời. Không, nhà thơ quá hiểu Từ Hải. Một khi nghiệp lớn chưa thành, chàng không đành tâm vui hưởng hạnh phúc, với mĩ nhân, dù người đó là hồng nhan tri kỉ. Và chàng đã ra đi giữa lúc khó ra đi nhất, giữa lúc ái tình đang toả hương ngây ngất:

“Nửa năm hương lửa đương nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Trông vời trời bể mênh mang
Thanh gươm yên ngựa lên đường thẳng rong”.

Từ thoắt cùng với chi tiết “lên đường thẳng rong ” đã vẽ lên rất linh hoạt tính cách của một con người hành động, làm việc gì cũng nhanh chóng, dứt khoát. Ai cũng biết Từ Hải rất yêu, rất trọng Kiều, nhưng cái chí tung hoành giữa bốn phương vẫn lớn hơn giúp chàng vượt qua trạng thái bịn rịn, nhùng nhằng một cách nhẹ nhàng. Từ Hải là con người biết sống cho tình yêu nhưng cũng là con người của mênh mang trời bể. Đây chính là chỗ phân biệt chàng với những nhân vật đàn ông khác tùng yêu nàng Kiều như Kim Trọng và Thúc Sinh.

Vả chăng, chàng ra đi cũng là để gây dựng một cuộc sống mới, cho chàng và cả chính nàng Kiều nữa. Chàng không đứng khoanh tay chờ đợi sự ưu ái của số phận, của cuộc đời hay ngồi phấp phỏng âu lo vì những điều bất hạnh khó dự liệu sẽ tới. Chàng biết chủ động giành lấy cái mà chàng thấy mình cùng người tri kỉ đáng được hưởng. Đoạn đối thoại sau đã làm rõ tất cả những điều đó:

“Nàng rằng: “Phận gái chữ tòng,
Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi”.
Từ rằng: “Tâm phúc tương tri,
Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?
Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.
Làm cho rõ mặt phi thường
Bây giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.
Bằng nay bốn bể không nhà
Theo càng thêm bận, biết là đi đâu?
Đành lòng chờ đó ít lâu
Chầy chăng là một năm sau, vội gì!”

Quả có một cái gì đó như là sự vô lí trong trình tự kể của tác giả: tại sao lại nói chuyện Từ Hải “lên đường thẳng rong” trước chuyện hai người đối thoại với nhau? Đây là một cái “lỗi” trong nghệ thuật trần thuật hay là sự cố ý? Theo Tản Đà, Nguyễn Du đã “vội lời”. Kể ra nhận xét như thế cũng chẳng sai. Nhưng nếu hiểu rằng trong nghệ thuật viết tiểu thuyết, trình tự kể không nhất thiết phải ứng khớp với trình tự của câu chuyện được kể, nó là một cái gì mang tính ước lệ, thì ta lại thấy Nguyễn Du có cái lí của mình. Ông không để cái tiểu tiết làm hại tinh thần chung của một đoạn thơ có mục tiêu làm rõ sự dứt khoát trong hành động của người anh hùng Từ Hải. Vả chăng có thể biện minh rằng: Từ Hải tuy chưa thực sự cất bước ra đi nhưng chí của chàng thì đã ruổi rong cùng thanh gươm, yên ngựa. Nói thẳng một lèo như thế, câu thơ dễ gây ấn tượng về một con người có hành tung như ngọn gió vừa mới thấy đây mà phút chốc thân đã ởngoài muôn dặm.

Một số người nghĩ rằng đoạn đối thoại này là do Nguyễn Du sáng tạo ra không có trong Kim Vân Kiều truyện. Sự thực không hoàn toàn như vậy. Trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân vẫn có, nhưng nó được đặt trong bối cảnh Từ Hải chuộc Kiều ra, không đưa Kiều về quê nhà mà lại dựng một toà nhà để cùng ăn ở với Thuý Kiều. Khi Kiều thắc mắc chàng mới nói rõ sự tình: “Chứ như nay, ta chỉ trơ trọi một mình, khi đưa nàng nào biết về đâu?”.

Nguyễn Du có cách xử lí nghệ thuật khác, tuân theo cấu trúc tự sự riêng của chính Truyện Kiều và cũng hợp với tính cách các nhân vật của ông hơn. Ông không để cho Kiều thắc mắc về những điều vụn vặt, cũng không để cho Từ Hải nói những lời chưa phải lúc. Ông thích quan sát nhân vật trong những cuộc chia tay và muốn những cuộc chia tay đó phải nói được một điều gì lớn hơn chính bản thân sự việc được kể.

Hãy xem Từ Hải đã “đả thông tư tưởng” cho nàng Kiều như thế nào khi nàng một lòng xin đi. Thoạt tiên, chàng trách nàng “Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?”. Trách nhưng thực chất là đề cao, bởi trong suy nghĩ của chàng, Kiều là người “tâm phúc tương trí” và chàng muốn nàng luôn như vậy. Đã nói đến chuyện tương tri, bao nhiêu tâm sự, hoài bão phút chốc được biểu lộ. Thì ra chàng có tâm nguyện “Làm cho rõ mặt phi thường”, muốn sự tồn tại của mình giữa cuộc đời phải đặc biệt có ý nghĩa. Chàng không chấp nhận sự vô danh. Khi chưa đạt được điều ấy thì chàng chưa thể an hưởng hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc của chàng có một nội hàm riêng.

Hạnh phúc là hạnh phúc của kẻ làm nên nghiệp lớn, và điều rất đáng chú ý nữa là hạnh phúc của việc biết đem nghiệp lớn để tặng cho người mình yêu. Chàng tự thấy trong thời điểm hiện tại, nghi lễ đón rước Kiều chưa thật xứng với phẩm chất của nàng, ít nhất đó là một việc đòi hỏi chàng phải ra tay. Phân tích đến đây, ta bỗng phân vân không biết nên gọi Từ Hải là gì cho đúng. Một anh hùng có cốt cách phong lưu hay một kẻ phong lưu tràn đầy khí chất anh hùng? Có lẽ nói thế nào cũng phải tuỳ theo góc độ nhìn nhận, bởi Từ Hải là một nhân cách đã tích hợp được tất cả những phẩm chất đó.

Nếu nhấn mạnh vào cốt cách phong lưu ta có thể quên lưu ý lời dặn dò ân cần cùng sự thu xếp chu đáo mà chàng đã thể hiện với nàng Kiều. Nếu nhấn mạnh vào khí độ anh hùng, ta lại phải hết sức tán thưởng lời nói đầy quyết đoán, tự tin “Chầy chăng là một năm sau, vội gì”. Đang lúc bốn bể không nhà mà đã thấy trước một viễn cảnh nào “mười vạn tinh binh”, nào “tiếng chiêng dậy đất”, nào “bóng tinh rợp đường”, thì đó quả là con người biết làm chủ cuộc đời mình và biết sắp xếp lại thế giới theo một trật tự mà bản thân mong muốn. Thực tế cho thấy Từ Hải đã làm được điều chàng hứa. Không nghi ngờ gì, đây chính là nhân vật chủ động nhất trong thế giới nhân vật của Truyện Kiều. Giữa cuộc sống đầy những xáo trộn bất trắc mà ở đó con người luôn lâm vào thế bị động, thế bị dồn đuổi, Từ Hải quả là một giấc mơ đẹp của Nguyễn Du và của biết bao người có hùng tâm tráng chí.

Trong các đoạn thơ kể về cuộc chia tay giữa Thuý Kiều với Kim Trọng và Thuý Kiều với Thúc Sinh, Nguyễn Du luôn để nàng Kiều lời sau nói hết. Điều đó thật thuận tình và hợp lẽ. Nhưng trong đoạn thơ này, Từ Hải lại là người chấm dứt cuộc đối thoại. Thì Kiều còn biết nói gì hơn! Nàng hiểu Từ Hải và tin chàng, một cách tuyệt đối, ít nhất là trong thời điểm này. Thế rồi Từ Hải ra đi. Như được gió bốc. Hay chính chàng là một trận gió lớn đùng đùng thổi qua đời Kiều?

Quyết lời dứt áo ra đi
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Chim bằng đã bay đi nhưng tiếng vẫy của nó vẫn còn để lại dư âm, để lại niềm tin tưởng và hi vọng, trong lòng Thuý Kiều và trong lòng bao độc giả mơ ước một cuộc sống tụ do, khoáng đạt!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang