sai-gon-thanh-pho-trong-toi

Sài Gòn – Thành phố trong tôi

Sài Gòn – Thành phố trong tôi

Tôi muốn gọi thành phố của tôi là Sài Gòn. Cái tên Sài Gòn sao mà tha thiết quá. Ba trăm năm kể từ ngày dấu chân người Việt in lên mảnh đất này, đã làm sinh sôi, nảy nở nguồn sống bất tận. Ba trăm năm tưởng như là quá dài, quá già so với một đời người nhưng Sài Gòn vẫn cứ trẻ trung, cứ hồn nhiên bên dòng sông xanh mát.

Sài Gòn đang thay da đổi thịt từng ngày, từng giờ theo nhịp thở của dòng thời gian đều đặn và thần tốc. Sài Gòn khoan thai chuyển mình theo xu hướng của thời đại quyết liệt và bình tâm. Lúc nào Sài Gòn cũng cuộn trào sức sống như vườn cây xanh tươi trên mảnh đất màu mỡ, trù phú của ngày hôm nay và đến cả mai sau nếu mọi thế hệ tuổi trẻ biết cách chăm bón và gìn giữ nó.

Tôi yêu Sài Gòn da diết như yêu nụ cười hồn hậu của dân tộc mình. Tôi yêu cái tĩnh lặng của buổi sáng tinh sương với làn không khí mát dịu, thanh sạch và khiết tịnh trên một con đường rợp bóng cây xanh. Tôi yêu Sài Gòn e ấp trong nắng sớm lấp lóe trên những tàn cây, một thứ nắng ngọt ngào, hay trầm tư vào buổi chiều lộng gió nhớ thương, dưới những cơn mưa tháng 5 bất ngờ. Tôi yêu thời tiết trái chứng với trời đang ui ui buồn bã như làm mình làm mẩy bỗng nhiên trong vắt lại như thuỷ tinh. Tôi yêu cả bầu trời đêm khuya thưa thớt tiếng ồn, đường phố hiu hiu lá rụng, ánh sáng hừng hừng không bao giờ tắt. Tôi yêu phố phường náo động, dập dìu xe cộ vào những giờ cao điểm, rộn ràng tiếng kêu “quẹo lại”, “rẽ trái” ngọt ngào của cô bán bánh mì đang chỉ đường cho khách lạ vừa vào thành phố còn bỡ ngỡ chưa quen đường.

Đất Sài Gòn in dấu vào những trang sử thuở con người mang gươm đi mở đất. Từ một vùng đất ẩm thấp, thâm u, nơi ngự trị của rắn rết, hùm beo, thuồng luồng, cóc độc trở thành nơi quần tụ buôn bán sầm uất của bốn phương, Sài Gòn đã làm một cuộc biến đổi thần kì như một phép màu. Đất vun cây xanh tốt, sông dẫn thuyền vào chợ, dù bất kì nơi đâu trên mảnh đất Sài Gòn ta đều nhận thấy hoạt động buôn bán cứ diễn ra đều đều, không bán đổi cái này thì cũng giao thương cái khác, xe cộ, tàu bè hăm hở, rộn ràng suốt ngày đêm. Cho đến bây giờ, dẫu cuộc sống có nhiều đổi thay thì việc buôn sông bán chợ vẫn còn là một thói quen của con người nơi đây.

Sài Gòn còn hiện hình lộng lẫy trong những địa danh. Không phải ngẫu nhiên mà Sài Gòn có nhiều địa danh đến như vậy. Bởi nơi đây không chỉ là mảnh đất trù phú bậc nhất của bốn phương đất nước mà còn là nơi in đậm chiến tích, chiến công lừng lẫy của các anh hùng nghĩa sĩ, của nhân dân lao động trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Đầu tiên là Bến nhà rồng. Nơi đây, Bác Hồ đã từ biệt tổ quốc, lên tàu viễn dương ra đi tìm đường cứu nước. Bước chân lịch sử ấy mãi mãi còn được dân tộc tôn kính và gìn giữ đến muôn đời. Dẫu đã trải qua hơn 155 năm, Bến nhà rồng vẫn sừng sững đó như niềm tin của người Việt Nam tin tưởng vào sức sống và tương lai của đất nước mình.

Sài Gòn bất khuất dẫu kẻ thù có tàn bạo và xảo quyệt đến thế nào đi nữa. Chúng không cho ta sống yên ổn trên mặt đất thì ta đục đất khoét hầm, dựng nên những địa đạo Củ Chi, địa đạo Phú Thọ Hòa để náu mình, kiên trì đấu tranh với giặc.

Sài Gòn đã từng là viên ngọc của Viễn Đông, điểm giao thương quan trọng nhất trên hành lang thương mại Đông -Tây. Cuộc chiến tranh chống đế quốc xâm lược khốc liệt đã khiến Sài Gòn chững lại. Sau khi chiến tranh kết thúc, Sài Gòn trở mình vươn vai đứng dậy lẫm liệt như một chàng hiệp sĩ. Vết thương được khỏa lấp, những tòa nhà đồ sộ liên tiếp mọc lên, khoát một tấm áo sang trọng, bề thế hết sức.

Năm 2018, cả thế giới đã phải sửng sốt khi Việt Nam tiếp tục vươn lên tầm cao mới khi tòa Landmark đã vượt qua tòa tháp đôi của Malaysia trở thành tòa nhà cao nhất Đông Nam Á. Tháp truyền hình thành phố làm nên vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa gợi nhớ xa xăm. Chưa bao giờ Sài Gòn sầm uất và căng tràn, rạo rực sức sống hơn thế. Tôi có cảm giác những tòa nhà sẽ cao lên mãi như con người Sài Gòn chưa bao giờ thôi ước mơ.

Miền Nam là đất lành thì Sài Gòn, đứng ở góc độ nào đó mà xem xét, cũng là một đô thị hiền hoà. Tuy phong cách tiếp cận người quen hay khách lạ có vẻ hơi “cổ xưa” nhưng lại rõ ràng, dứt khoát. Không có tư thế khúm núm hay màu mè; cũng không một chút mặc cảm, tự ti. Dù làm bất cứ nghề gì, họ luôn mang theo trong mình cái tâm hồn phóng khoáng, vui tươi đến ngỡ ngàng.

Người Sài Gòn thanh lịch và giàu lòng tự trọng. Người Sài Gòn điềm đạm và cần mẫn.  Tỗi bỗng nhớ dáng bà bán bún dạo gần chợ bến thành. Chao ôi, giữa phố thị ồn ào và tấp nập, tôi yêu làm sao đôi gánh của bà. Đòn gánh nặng vai kẽo kẹt, chiếc áo cánh nâu đã sờn tà, tiếng rao the thé lọt tỏm giữa bao âm thanh hỗn độn Sài Gòn.

Tôi chợt nhớ đến ông lão bán bánh bò gần cầu vượt 3/2, Quân 10. Mỗi ngày tôi đi về ngang đây, vẫn nhìn thấy ông ngồi đó mỗi sớm, mỗi chiều. Những chiếc bánh bò nở hoa trong giỏ. Cánh tay ông huơ huơ như muốn cố nắm một cái gì đó vô hình hay vẫy chào ai đó chưa quen biết. Mọi người lặng lẽ đi qua và gửi lại ông một ánh nhìn cảm thông, một nụ cười động viên, chia sẻ.

Vậy đó, tôi yêu Sài Gòn và yêu cả con người ở đây, yêu tiếng “rẽ trái”, “quẹo lại” sao mà vô tư và hào phóng như một mối tình dai dẳng, bền chặt. Thương mến bao nhiêu cũng không uổng công, hoài của, thành phố này vẫn còn là nỗi hoài nhớ khôn nguôi. Khi sự phát triển từng ngày của nó cũng đồng thời có thể làm lem mờ nhiều kỷ niệm của một thời tuổi trẻ đã lùi xa trong quá vãng nhưng cái chất Sài Gòn, cái dáng Sài Gòn, Sài Gòn hồn hậu, Sài Gòn nhân văn thì không bao giờ nhạt phai.

Một đóa hoa hồng xinh tươi dành cho Sài Gòn tôi yêu. Và cũng có thể là hàng nghìn vạn đóa hoa hồng như thế đang chờ đợi dâng cho Sài Gòn. Tất nhiên rồi, vì đó là tình yêu, là tâm hồn, là niềm ước vọng của muôn người Sài Gòn luôn muốn dành tặng cho thành phố thương yêu này.

Dương Lê

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang