tieu-thuyet-da-thanh

Tiểu thuyết đa thanh (tiểu thuyết phức điệu).

Tiểu thuyết đa thanh.

Tiểu thuyết đa thanh (tiếng Nga: poliphonicheskyi roman) còn gọi là tiểu thuyết phức điệu. Một thể loại tiểu thuyết gắn liền với một kiểu tư duy nghệ thuật đặc biệt (được khám phá trước hết trên cứ liệu sáng tác của Đốt-xtôi ép-xki) mang một chiều sâu nhân văn mới hơn so với kiểu truyền thống mà ta có thể gọi chung là kiểu tư duy nghệ thuật độc thoại. Tư duy độc thoại trong tiểu thuyết, theo Ba-khơ-tin, là sự miêu tả thế giới qua sự độc tôn duy nhất của ý thức của tác giả.

Tiểu thuyết đa thanh đề xuất một lập trường nghệ thuật mới của tác giả trong quan hệ với các nhân vật của mình : đó là lập trường đối thoại, khẳng định tính độc lập, tự do bên trong của nhân vật, về căn bản nó không phục tùng sự đánh giá một chiều và hoàn tất từ phía tác giả. Lời tác giả về nhân vật được tổ chức như là lời nói về một người đang có mặt, đang nghe tác giả nói và có thể đáp lại tác giả. Lời nhân vật (điểm nhìn của nhân vật tức là quan điểm của nhân vật về thế giới) cũng đầy đủ trọng lượng như lời tác giả ; nó có âm hưởng dường như là ngang hàng với tác giả và kết hợp với những tiếng nói đầy đủ giá trị của các nhân vật khác. Chính tính độc lập, có giá trị ngang hàng với tác giả này đã tạo nên cấu trúc đa thanh của tiểu thuyết.

Thế giới của tiểu thuyết đa thanh là thế giới được cá nhân hóa : nó không biết đến “sự thật vô bản sắc”, không biết đến thứ tư tưởng ở bên ngoài người mang tư tưởng – sự thật về thế giới không tách rời sự thật của nhân cách. Bởi vậy Đốt-xtôi-ép-xki không chỉ miêu tả tư tưởng ở trong con người, mà còn chủ yếu miêu tả con người trong con người. Mặt khác, lĩnh vực tồn tại của tư tưởng, theo Ba-khơ-tin, không phải là ý thức cá nhân mà là sự giao tiếp đối thoại giữa các ý thức, là “sự cùng tồn tại sống động, sự gặp gỡ đối thoại của hai hoặc vài ba ý thức”. Trong tiểu thuyết đa thanh tư tưởng mang tính liên cá nhân, liên chủ thể, giống như việc ý thức không thể tự thoả mãn với bản thân mình.

Bản chất đối thoại của ý thức con người được Ba-khơ-tin gắn với tính mở ngỏ của nó, tính không hoàn thành, tính không thể hoàn tất của nó. Vấn đề tính không hoàn thành là một trong những vấn đề trung tâm của tiểu thuyết đa thanh. Tính không hoàn thành, tính dang dở của các cá nhân, của các đối thoại, của bản thân đời sống sẽ đưa các nhân vật của tiểu thuyết đa thanh đến những vấn đề cuối cùng của sinh tồn con người và đến ngọn nguồn của tự do con người, bởi vì không thể biến một người đang sống thành một chủ thể câm lặng của một nhận thức cứng nhắc có sẵn. Do không trùng hợp với chính mình, con người bao giờ cũng có thể vượt ra ngoài những giới hạn của mình và do đó bác bỏ cách nhìn định sẵn về mình, nhưng điều này chỉ có trong sự thâm nhập bằng đối thoại vào đời sống sâu kín của nhân cách.

Sự xuất hiện tiểu thuyết đa thanh, một sáng tạo mới mẻ và quan trọng của tư duy nghệ thuật không thay thế cho hình thức của tiểu thuyết độc thoại. Tiểu thuyết đa thanh miêu tả những vấn đề của sinh tồn nhân loại mà người ta không thể giải quyết đến cùng, những vấn đề về sự sống của con người và của tự nhiên mà ngay ở thời điểm miêu tả nó cũng vẫn chưa được hoàn tất, trong khi đó, nhiều hình thức tiểu thuyết – tiểu thuyết tự truyện, tiểu thuyết lịch sử, sinh hoạt,… lại thường mang tính độc thoại, tính khách thể, tính hoàn tất trong cách nhìn thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang