Truyện cổ Cây bút thần (truyện cổ Trung Quốc)
Người ta kể lại rằng, ngày xưa có một em bé rất thông minh tên là Mã Lương. Em thích học vẽ từ nhỏ. Cha mẹ em đều mất sớm. Em chặt củi, cắt cỏ, kiếm ăn qua ngày, nhưng vẫn nghèo đến nỗi không có tiền mua bút. […] Em dốc lòng[1] học vẽ, hằng ngày chăm chỉ luyện tập. Khi kiếm củi trên núi, em lấy que củi vạch xuống đất, vẽ những con chim đang bay trên đỉnh đầu. Lúc cắt cỏ ven sông, em nhúng tay xuống nước rồi vẽ tôm cá trên đá. Khi về nhà em vẽ các đồ đạc trong nhà lên tường, bốn bức tường dày đặc các hình vẽ.
Năm tháng trôi qua, Mã Lương không ngừng học vẽ, không bỏ phí một ngày nào và em đã tiến bộ rất mau. Em vẽ chim, cá giống như hệt, người ta tưởng như sắp được nghe chim hót, được trông thấy cá bơi lội. Thế nhưng em vẫn chưa có cây bút vẽ. Em chỉ mong sao có được một chiếc.
Một đêm em nằm ngủ rất say. Trong giấc ngủ, chợt em nhìn thấy một cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra trước mặt, đưa cho em một cây bút và nói:
– Đây là cây bút thần, nó sẽ giúp con nhiều.
Mã Lương nhìn cây bút bằng vàng sáng lấp lánh, em sung sướng reo lên:
– Cây bút đẹp quá! Cháu cảm ơn ông! Cảm ơn ông!…
Em chưa nói dứt lời, cụ già đã biến mất. Mã Lương giật mình tỉnh dậy mới biết là mình nằm mơ. Thế nhưng cây bút thần vẫn nằm trong tay em, em rất lấy làm lạ.
Mã Lương lấy bút ra vẽ một con chim. Chim tung cánh bay lên trời, cất tiếng hót líu lo. Em vẽ tiếp một con cá. Cá vẫy đuôi trườn xuống sông, bơi lượn trước mắt em. Mã Lương thích thú vô cùng.
Dùng cây bút thần, Mã Lương vẽ cho tất cả người nghèo trong làng. Nhà nào không có cày, em vẽ cho cày. Nhà nào không có cuốc, em vẽ cho cuốc. Nhà nào không có đèn, em vẽ cho đèn. Nhà nào không có thùng múc nước, em vẽ cho thùng,…
Việc đó ai cũng biết. Rồi câu chuyện cây bút thần lọt vào tai một tên địa chủ giàu có trong làng. Hắn liền sai hai tên đầy tớ đến bắt Mã Lương về nhà vẽ theo ý muốn của hắn. Mã Lương tuy còn nhỏ nhưng tính tình khảng khái[2].
Em biết bụng dạ tham lam của bọn nhà giàu, nên không vẽ bất cứ một thứ gì, mặc cho chúng hết lời dụ dỗ, doạ nạt. Tên địa chủ tức giận, nhốt em vào chuồng ngựa, không cho ăn uống gì.
Ba hôm sau, giữa đêm tuyết xuống nhiều, nhìn ra sân thấy tuyết phủ trắng xoá, tên địa chủ nghĩ thầm: “Tên Mã Lương không chết đói thì cũng chết rét, ta hãy đến chuồng ngựa xem sao!”.
Gần đến chuồng ngựa, hắn thấy những tia sáng hồng lọt qua khe cửa, một mùi thơm ngào ngạt bốc ra. Hắn ghé mắt nhòm qua khe cửa thì thấy Mã Lương ngồi bên một lò lửa rực hồng đang ăn bánh nướng. Tên địa chủ kinh ngạc: Lò lửa ở đâu ra? Bánh ở đâu ra? Hắn nghĩ ngay rằng tất cả những thứ đó đều nhờ bút thần mà có. Tức quá hắn sai bọn đầy tớ đến giết Mã Lương, cướp lấy cây bút thần.
Mười mấy tên đầy tớ hung hăng xông vào chuồng ngựa, nhưng Mã Lương không còn ở đấy nữa. Em đã vượt qua tường bằng một chiếc thang vẽ trên tường. Chiếc thang hãy còn đó. Tên địa chủ leo lên thang nhưng chưa trèo qua ba bậc đã ngã lộn xuống đất. Chiếc thang biến mất.
Thoát khỏi nhà địa chủ, Mã Lương vẽ con ngựa, rồi cưỡi lên phi nhanh.
Đi chưa được bao xa, chợt có tiếng huyên náo[3] sau lưng, Mã Lương quay lại nhìn. Trong ánh đuốc sáng rực, Mã Lương nhìn thấy tên địa chủ cưỡi trên lưng một con tuấn mã, tay vung dao sáng loáng, dẫn khoảng hai chục tên đầy tớ đang đuổi theo.
Khi bọn chúng đã đến gần, Mã Lương lặng lẽ rút cây bút thần vẽ chiếc cung và mũi tên. Em giương cung. “Vút”, mũi tên lao đúng họng tên địa chủ, hắn ngã nhào xuống đất. Mã Lương ra roi thúc ngựa, ngựa tung vó phóng như bay.
Ngựa phi suốt mấy ngày đêm ròng rã không nghỉ. Sau cùng, Mã Lương dừng chân ở một thị trấn nhỏ. Không có việc làm, Mã Lương đành vẽ tranh đem bán ở phố. Sợ lộ nên em vẽ các bức tranh đều dở dang: chim thì thiếu cái mỏ hoặc thiếu một chân,…
Một hôm, Mã Lương vẽ con cò trắng không mắt. Vì một chút sơ ý, em đánh rơi một giọt mực xuống bức tranh. Giọt mực rơi đúng chỗ mắt cò. Thế là cò mở mắt, xoè cánh bay đi. Chuyện làm chấn động cả thị trấn. Mấy kẻ mách lẻo[4] đến tố giác[5] với nhà vua. Vua phái triều thần đến đón Mã Lương về kinh đô. Mã Lương không muốn đi, nhưng bọn họ tìm đủ cách để dụ dỗ, doạ nạt để bắt em về hoàng cung.
Mã Lương được nghe rất nhiều điều tàn ác của nhà vua đối với dân nghèo, nên em rất căm ghét vua, không muốn vẽ. Vua bắt em vẽ một con rồng, em liền vẽ một con cóc ghẻ. Vua bắt vẽ con phượng, em lại vẽ con gà trụi lông. Hai con vật ấy vừa xấu xí vừa bẩn thỉu, nhảy nhót tứ tung bên cạnh nhà vua. […] Vua tức giận, cho quân lính đến cướp cây bút thần trong tay Mã Lương rồi nhốt em vào ngục[6].
Lấy được bút thần, vua đem ra vẽ. Một núi vàng không thoả mãn lòng tham, hắn liền vẽ thêm hết núi này đến núi khác, không biết bao nhiêu mà kể. Vẽ xong, vua xem lại không phải là những núi vàng mà chỉ là những tảng đá lớn. Những tảng đá nặng đó từ trên đỉnh núi lăn xuống, suýt đè gãy chân vua.
Nhưng hắn đâu chịu bỏ lòng tham. Vẽ núi vàng không được thì vẽ thỏi[7] vàng. Vua vẽ một thỏi vàng, thấy còn nhỏ quá, lại vẽ một thỏi thứ hai lớn hơn. Vẫn thấy còn nhỏ, hắn vẽ một thỏi lớn, rất dài, dài không biết bao nhiêu thước.
Vẽ xong, vua nhìn lại thì thấy trước mắt không phải là một thỏi vàng lớn mà lại là một con mãng xà[8] dài, miệng há hốc, đỏ lòm, đang bổ lại phía hắn. May có triều thần xô tới cứu, nếu không, mãng xà đã nuốt chửng hắn.
Biết không có Mã Lương thì không làm được trò trống gì, vua phải thả em ra, dùng vàng bạc dỗ dành và hứa gả công chúa cho.
Mã Lương giả vờ đồng ý. Vua rất mừng, liền trả bút thần cho em.
Vua nghĩ: “Nếu bảo nó vẽ núi, sợ rằng trên núi có nhiều thú dữ, chi bằng bảo nó vẽ biển là hơn cả”. Và vua bảo Mã Lương vẽ biển.
Hai nét bút đưa đi, biển đã hiện ra trước mặt. Biển rộng mênh mông, xanh biếc, không một gợn sóng, trong suốt như mặt gương soi.
Nhà vua ngắm nhìn mặt biển, rồi nói:
– Biển này sao không có cá nhỉ?
Mã Lương chấm vài chấm, biển liền hiện ra bao nhiêu là cá, đủ các màu sắc, uốn đuôi mềm mại bơi lội tung tăng. Đàn cá bơi xa dần, xa dần. Vua rất thích, vội ra lệnh:
– Hãy vẽ ngay cho ta một chiếc thuyền! Ta muốn ra khơi xem cá.
Mã Lương vẽ ngay một chiếc thuyền buồm lớn. Vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử và các quan đại thần kéo nhau xuống thuyền. Mã Lương đưa thêm vài nét bút, gió thổi lên nhè nhẹ, mặt biển nổi sóng lăn tăn, thuyền từ từ ra khơi.
Thấy thuyền còn đi quá chậm, vua đứng trên mũi thuyền, kêu lớn:
– Cho gió to thêm một tí! Cho gió to thêm một tí!
Mã Lương đưa thêm mấy nét bút đậm, sóng biển liền nổi lên, buồm căng phồng, chiếc thuyền lao khỏi bờ nhanh vun vút.
Mã Lương lại tô thêm nhiều nét bút nữa, gió mạnh nổi lên, biển động, thuyền lắc lư nghiêng ngả. Vua cuống quýt lên:
– Đừng cho gió thổi nữa! Đừng cho gió thổi nữa!
Mã Lương không hề đếm xỉa đến những lời đó. Cây bút của em tiếp tục vẽ những đường cong lớn. Biển động dữ dội, sóng biển xô vào thuyền hết đợt này đến đợt khác.
Vua ướt hết cả quần áo, một tay ôm cột buồm, một tay ra hiệu, gào to bảo Mã Lương thôi không vẽ nữa.
Mã Lương vờ như không nghe thấy, cứ tiếp tục vẽ. Gió bão càng to, mây đen kéo mù mịt, trời tối sầm. Sóng lớn nổi lên dữ dội như những trái núi đổ sập xuống thuyền. Chiếc thuyền ngả nghiêng rồi bị chôn vùi trong những lớp sóng hung dữ.
Sau khi vua chết, câu chuyện Mã Lương về cây bút thần được truyền tụng khắp nước. Nhưng không ai biết sau đó Mã Lương đi đâu. Có người nói Mã Lương đã trở về quê cũ, sống với những người bạn ruộng đồng. Có người nói Mã Lương đi khắp đó đây, đem hết thời giờ và sức lực để vẽ cho những người nghèo khổ.
[1] Đem hết tất cả tâm trí, sức lực để làm một việc gì đó.
[2] Có tính cách cứng cỏi, kiên cường và rất hào hiệp, vô tư vì nghĩa lớn.
[3] Ồn ào.
[4] Đem chuyện người này nói cho người khác, với dụng ý không tốt.
[5] Báo cho cơ quan hoặc người có trách nhiệm biết việc làm của người khác mà người báo cho là phạm pháp.
[6] Nơi giam giữ những người bị coi là có tội.
[7] Vật được đúc thành hình thanh nhỏ và ngắn (như “thỏi sắt”, “thỏi vàng”, “thỏi mực” để mài ra viết chữ Hán).
[8] Con rắn lớn, con trăn.
(Theo bản dịch của Thái Hoàng và Bùi Văn Nguyên)