Chương 22: Che đậy
Khi tâm hồn không chân thật, thì ta không thể nào nắm bắt được tình thương và hạnh phúc chân thật.
Khuynh hướng làm đẹp lòng nhau thường dễ khiến ta ngày một cách xa với sự thật. Những màn trình diễn luôn xảy ra trong những mối quan hệ sơ giao hay những lần gặp gỡ vội. Dĩ nhiên, khi ta ăn mặc tươm tất để tiếp khách, hay nói năng nhỏ nhẹ và khiêm tốn với bậc trên trước thì đó là cách biểu lộ thái độ biết tôn trọng kẻ khác. Ta gọi đó là văn hóa. Nhưng điều đó sẽ trở thành thứ “văn hóa che đậy” nếu ta chỉ nhắm tới mỗi mục đích là để được người ấy đánh giá cao hay có thêm thiện cảm với ta thôi. Cái quyền lợi ích kỷ được che đậy bởi hình thức tử tế thì chỉ có thể tạo nên vài cảm xúc thỏa mãn trong nhất thời. Nó chỉ có thể đáp ứng cho nhu cầu đổi chác chứ không thể thiết lập nên mối quan hệ tốt đẹp lâu bền. Bởi sống thật với nhau mới chính là thái độ tôn trọng nhau đích thực.
Cũng vì ta để cho đời sống của mình chìm vào sự hưởng thụ, nên ta thường không có nhiều thời gian để quan sát và thấu hiểu từng đối tượng khi tiếp xúc. Phần lớn do nhìn vào cách ăn mặc, cách hành xử hay cách phô bày kiến thức mà ta phỏng đoán phẩm chất của họ. Vì thế, chưa bao giờ con người chú trọng hình thức như bây giờ. Ra đường lúc nào ta cũng ăn mặc thật sang trọng và nở nụ cười thật tươi tắn để người khác nhìn vào nghĩ ta là kẻ thành đạt hay đang rất hạnh phúc, dù thực tế hoàn toàn trái ngược. Với ta, chỉ cần có người trầm trồ và ngưỡng mộ là ta đã cảm thấy vui lắm rồi. Vì ít ra ta cũng nhận được một cảm xúc tốt để thấy cuộc đời mình có giá trị hơn. Huống chi, nhờ những màn trình diễn ngoạn mục như thế mà ta có thể chinh phục được những nhân vật quan trọng để củng cố địa vị hay có thêm những mối quan hệ làm ăn. Cho nên, bây giờ rất khó phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Vì ai cũng sắm cho mình những chiếc mặt nạ thật tinh vi để đối phó với nhau. Sự chân thành và thân thiện lại dễ bị kẻ khác nghi ngờ và phòng thủ.
Ngay cả với những người thân yêu, ta cũng không dừng lại sự đối phó. Vì luôn muốn có giá trị trong mắt họ nên ta phải cố gắng che đậy những yếu kém của mình. Có lần, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã van xin: “Biển sóng biển sóng đừng xô tôi/ Đừng cho tôi thấy hết tim người” (Sóng về đâu). Thấy hết con người thật của nhau có thể ta sẽ không còn dám yêu nhau nữa. Nhưng đó chỉ là những phút đam mê, tình yêu đã lấn át tình thương, nên ta chỉ muốn đến với nhau để hưởng thụ những cái hay cái đẹp và tránh xa những cái không hay không đẹp. Với một tình yêu chân thật thì phải vượt ra khỏi cái nhìn hạn hẹp về những biểu hiện tạm thời để thấy được cái tổng thể của nhau. Càng hiểu rõ về nhau, ta càng biết cách hiến tặng và chia sớt cho nhau một cách đúng đắn. Cho nên, ngay từ buổi đầu quen biết đến khi gắn bó sâu đậm, ta phải sống thật với nhau để loại trừ những ảo tưởng về nhau, để giúp nhau xác định rõ ràng mục đích đến với nhau. Nhờ đó, ta không tập cho nhau thói quen hưởng thụ những cảm xúc quá tốt mà cả hai đều không đủ sức tạo ra mãi. Xưa nay có biết bao con thuyền tình vừa mới ra khơi là đã ngã đổ do vỡ mộng về nhau.
Cuộc sống đôi khi bắt buộc ta phải diễn. Không biết diễn là ngây thơ, là tự tuyên bố thất bại, vì xung quanh ta luôn có rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Thế nhưng có những vai diễn kéo dài suốt nhiều năm tháng, khiến ta sống luôn trong vai diễn đó và quên mất con người thật của mình. Thật ra, không ai có quyền bắt buộc ta phải diễn cả, nếu ta không đặt hạnh phúc của mình quá nhiều vào điều kiện thuận lợi của hoàn cảnh, hoặc nếu ta không muốn đổi chác với những tiện nghi vật chất hay danh vị. Để rồi đến khi ta không còn sức lực tranh đấu, hay khi ta bàng hoàng sực tỉnh về những hạnh phúc mong manh mà mình đã cố công nắm bắt, thì ta mới tỉnh ngộ và khẩn thiết tìm lại con người thật của mình.
Nhiều người đã viết lên những bài thơ, những bài ca rất cảm động bày tỏ niềm khát khao được quay trở về khung trời tuổi thơ, để được hòa mình vào xóm làng vào thiên nhiên, để được gần gũi với người thân và bạn bè mà không nghi ngờ ai hay thù oán ai. Thậm chí, họ muốn được dại khờ dễ tin theo kẻ khác mà không cần phải khéo léo khôn ngoan. Uớc mơ ấy tuy không phải là quá xa vời, nhưng có khi đó cũng chỉ là mơ ước. Bởi không phải ai cũng có đủ bản lĩnh để tìm thấy và sống với con người thật của mình. Vì họ sợ phải đương đầu trực tiếp với những cơn đau hành hạ của thói quen, và phải tập tành sống với những cảm giác mới như một đứa bé không biết so sánh, đòi hỏi. Đó thật sự là một cuộc chiến khốc liệt. Kẻ chiến thắng phải có quyết tâm cao độ cùng với phương pháp chuyển hóa rất thực tiễn. Và điều kiện chính yếu là phải tách ly bớt “sân khấu cuộc đời”.
Nói “văn hóa che đậy” chỉ là cách nói của sự lạm dụng từ ngữ, là cách thể hiện thái độ mỉa mai chua chát cho lối sống tôn sùng hình thức và giả dối. Bởi vì văn hóa vốn là nếp sống làm cho con người đẹp hơn và tốt hơn. Mà nếu cái đẹp và cái tốt không đi chung với cái thật, như bộ ba không thể tách rời “chân – thiện – mỹ”, thì đó chỉ là thứ trang sức hời hợt, giả tạm mà thôi. Nó chắc chắn không phải là con đường đưa tới hạnh phúc lâu bền.
Người xưa hay khuyên: “Tốt khoe, xấu che”, là để nhắc nhở ta phải tôn trọng cảm xúc của đối phương. Dù ta đang giận dỗi người khác hoặc đang gặp khó khăn thì ta cũng phải biết ngăn những năng lượng xấu của mình. Ngoài ra, ta còn phải có trách nhiệm thể hiện năng lượng tốt với người đang đối diện. Đó là tuân theo quy luật cân bằng cảm xúc: Người kia đem tới cho ta một cảm xúc tốt thì ta phải trao tặng lại một cảm xúc tốt. Dù đối tượng tiếp xúc là người rất thân yêu, nhưng nếu ta thấy mình còn đủ sức để vượt qua khó khăn của bản thân thì hãy cố gắng tự gánh chịu để không gây phiền hà hay khổ lụy cho họ. Tất nhiên, nếu người ấy đang rất vững vàng thì ta vẫn có thể nhờ họ giúp đỡ, xin họ cho phép ta thể hiện toàn vẹn khối đau nhức của mình. Đó là sự khôn ngoan cần thiết.
Nhưng người xưa cũng khuyên: “Tốt che, xấu khoe”, là để nhắc nhở ta cố gắng thực tập đức khiêm tốn, không nên thể hiện tài năng vượt trội của mình để gây áp lực hay lấn lướt kẻ khác. Hoặc khi ta biết đối tượng kia có tính ưa chuộng hình thức bên ngoài và rất hay dựa dẫm vào kẻ khác, nên ta quyết tâm không tạo thêm cơ hội để khiến họ vướng mắc mà dung dưỡng những thói quen cạn cợt. Dám sử dụng đến phương cách này phải là người có bản lĩnh lớn, không ngại người khác đánh giá thấp hoặc khinh thường mình. Đó là vì ta không đặt đời sống của mình hết ở bên ngoài. Ta có một tinh thần vững chãi và luôn tin tưởng rằng những gì thuộc về của báu trong ta thì sẽ mãi tỏa sáng trên suốt lộ trình ta đi.
Thật ra, chủ trương của những bậc trải nghiệm cũng chỉ muốn giúp ta luôn quay về đào luyện tâm tính và đem tới lợi ích thiết thực cho mọi người xung quanh. Vì vậy, việc che đậy hay sống thật đều không nhằm mục đích thỏa mãn cái tôi. Người trẻ bây giờ cũng tự cho mình là sống thật. Thế nhưng, họ lại đi tìm sự tự do bằng cách sống với bản năng thích gì làm nấy, bất kể hậu quả xảy ra cho bản thân hay gây phản cảm và phiền lụy cho kẻ khác. Họ rất hứng thú với việc khoe khoang trước công chúng về những gì họ cho là quý giá, dù những thứ ấy chỉ có tính kích động vào sự thèm khát, ganh tỵ và cả sự bực tức của mọi người. Những kẻ ấy thật đáng thương. Càng cố gắng chứng tỏ thì họ càng đánh mất bản thân. Bởi họ vẫn chưa biết đâu là giá trị chân thật của chính mình và cuộc sống.
Có lần, tôi cùng một bác sĩ trẻ đi bộ trên con đường tuyết đã đóng băng. Thỉnh thoảng tôi lại nhắc anh nên chú ý bước chân vì đường rất trơn, và lần nào anh ta cũng đáp lại: “Chuyện nhỏ!”. Nhưng đi chưa được bao xa anh đã trượt chân ngã nhào. Khi tôi quay lại đưa tay định đỡ thì anh ta lại một mực từ chối. Phải mất năm phút sau anh ta mới đứng dậy nổi. Tôi hỏi có sao không thì anh ta ra vẻ tỉnh ráo, bảo không hề hấn chi cả. Đi được vài bước tôi quay lại kiểm tra, thấy một chân của anh ta đã bước khập khễnh. Tôi nói nửa đùa nửa thật: “Bác sĩ thì cũng phải té và đau chứ!”. Mấy hôm sau tôi gọi điện hỏi thăm, anh ta có vẻ khó chịu và bảo rằng đã quên mất chuyện té hôm bữa kia rồi. Nhưng hai tuần sau đó, tôi lại hay tin anh phải nhập viện để phẫu thuật vì xương chân đã bị gãy. Khi tôi đến bệnh viện thăm, anh ta hơi ái ngại rồi cũng cố gắng phân bua: “Không sao cả, chỉ là tai nạn nhỏ thôi. Ai cũng phải bị tai nạn ít nhất một lần mà”. Tôi mỉm cười bảo: “Tai nạn thì ai cũng bị, nhưng thái độ đón nhận tai nạn còn tùy thuộc vào hiểu biết của mỗi người”. Ba tháng sau, anh ta mới viết cho tôi lá thư thú nhận rằng anh không có thói quen chấp nhận mình yếu đuối, càng không muốn bị người khác nghĩ là mình yếu đuối. Dù lắm lúc chính thói quen che đậy ấy đã khiến anh thất bại thảm hại. Nhưng tai nạn vừa qua đã giúp anh tỉnh ngộ ra nhiều, nên anh ta đã viết: “Dạ đúng vậy, bác sĩ thì cũng phải té và đau chứ ạ!”.
Một lần nào đó ta hãy thử rời xa phố thị ồn náo, tạm gác lại sau lưng những kế hoạch, dự án hay những trách nhiệm cần phải làm. Ta trở về tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên và với những gì đang hiện hữu xung quanh. Nơi ấy, ta không cần phải mang bất cứ chiếc mặt nạ nào, không cần phải diễn bất cứ vai nào, không cần phải áp đặt mình nên làm như thế này hay như thế kia mới hay mới đẹp. Giây phút ấy, ta sẽ thấy lòng mình thật nhẹ nhàng như vừa trút xuống được ngàn cân, không gian quanh ta bỗng rộng lớn đến vô tận. Và ta sẽ không còn thấy có sự cách biệt lớn lao nào giữa cái tôi mà ta đã từng tự hào hãnh diện với vạn vật xung quanh. Con người của ta ngay lúc đó chính là chỉnh thể tuyệt vời nhất.
Con người có mặt trong trời đất này là để sống một đời sống thảnh thơi và hạnh phúc, để hiểu được chính thân phận mình và khám phá những bí ẩn của cuộc sống, để nương tựa và hòa điệu cùng nhau, chứ không phải để tranh chấp hơn thua với nhau. Nhưng vì nhận thức sai lầm, con người đã biến sự hưởng thụ thành mục đích cao nhất của cuộc đời. Từ đó ta đã xây dựng nên không biết bao nhiêu sân khấu và vô số vai diễn để cùng đưa nhau vào những tấn tuồng hạnh phúc hư ảo. Thậm chí, đến phút sắp lìa đời mà nhiều người vẫn chưa tìm thấy được giá trị chân thật. Họ vẫn cố dặn dò kẻ ở lại thay mình diễn tiếp.
Nhưng khoảng thời gian tìm thấy sự bình ổn trong tâm hồn nơi không gian tĩnh lặng như thế thường rất ngắn ngủi. Càng đối diện với chính mình, ta càng hoang mang đến hốt hoảng vì không thể nhận ra được trong những hiện tượng đang biểu hiện của tâm mình đâu là thật và đâu là do ta nhồi nặn ra. Thói quen uốn nắn, kiểu cách, che đậy, lẩn tránh vẫn đeo bám ta mãi, dù ta đang không có đối tượng nào để đối phó. Thật ra, chính ta mới là đối tượng đáng sợ nhất. Ta không dễ gì chấp nhận những bóng tối trong lòng là một phần của mình, nên lúc nào cũng ép buộc nó phải luôn luôn tốt đẹp. Không hiểu thấu tâm mình thì ta sẽ mãi tiếp tục làm nô lệ cho phiền não của chính mình. Quả thật, mỗi vai diễn đã đem lại cho ta khá nhiều sự thỏa mãn, nhưng nhìn kỹ lại thì đó chính là những lần ta đã tự đẩy mình vào những cơn mộng mị. Khi tâm hồn không chân thật thì ta không thể nào nắm bắt được tình thương và hạnh phúc chân thật. Đó là cái giá rất đắt mà ta phải trả cho những chuyến rong chơi đến mức đánh đổi cả cuộc đời ý nghĩa của mình.
Cuối cùng ta cũng nhận ra rằng chỉ có ta mới là kẻ chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình mà thôi. Khi nằm trên giường bệnh hay đối đầu với những thất bại chua cay, ta mới thấy hết sự ghẻ lạnh của sân khấu cuộc đời. Nhưng ta cũng không thể oán trách ai, vì chính ta đã tự chọn lấy vai chính cho kịch bản đời mình. Cho nên, quay về buông bỏ những kỹ xảo che đậy để trả lại sự chân thật cho cuộc đời là nhu cầu rất thiết yếu, mà cũng là trách nhiệm của mỗi người. Dù trong nhất thời ta không thể nào ngăn chặn và chuyển hóa hết những thói quen lâu đời, nhưng ít ra ta thấy rõ từng lớp diễn xuất của mình. Lúc nào cảm thấy mệt mỏi hay thấy không cần thiết phải diễn nữa, ta hãy cố gắng trở về sống thật. Bắt đầu sống thật tức là ta bắt đầu từ bỏ những cảm xúc mê man, định vị được mình giữa đất trời, chính thức thiết lập lại mối quan hệ với vạn vật xung quanh. Chỉ với thái độ ấy, ta mới hy vọng bước lên con đường chuyển hóa thật sự để đạt tới sự tự do bền vững.
Tuy nhiên ta cũng phải cẩn thận vì phiền não vốn rất tinh vi và phức tạp. Đôi khi ta tưởng mình đang sống rất thật, nhưng bên trong vẫn còn khá nhiều lớp che đậy. Phải đợi khi nào nghịch cảnh đúng mức đến gõ cửa thì ta mới thấy hết toàn bộ chân tướng của mình. Vì vậy, ta chỉ nên tin tâm mình khi ta thật sự không còn chạy theo hoàn cảnh để săn tìm hạnh phúc. Nhưng dù sao quyết tâm sống thật là ta đã bước lên con đường đúng đắn rồi.
Tội nghiệp vết thương tôi
Giá phải trả cho đời
Xin quay về chăm sóc
Dặn lòng bỏ cuộc chơi.
(Hiểu về trái tim, tác giả Minh Niệm, thuộc Tủ sách Hạt giống tâm hồn của First News-Trí Việt, NXB Trẻ, 2010)