Phân tích nhân vật Dê trắng và Dê đen trong truyện ngụ ngôn Dê đen và Dê trắng
- Mở bài:
– Giới thiệu nhân vật: Dê đen và Dê trắng là hai nhân vật trong truyện ngụ ngôn Dê đen và Dê trắng trích trong tập Truyện Ngụ ngôn của Easop.
– Nêu ý kiến của người viết về đặc điểm của nhân vật: Dê trắng vì nhút và yếu đuối nên đã bị Sói ăn thịt. Dê đen vì bình tĩnh, tự tin và can đảm đối mặt và đáp trả Sói nên đã khiến Sói phải run sợ và bỏ chạy, không bị nó ăn thịt.
Tóm tắt văn bản.
– Dê đen và Dê trắng cùng sống trong một khu rừng. Khi đi tìm thức ăn và gặp Sói, Dê trắng vì nhút nhát đã run sợ nên bị Sói ăn thịt còn Dê đen thì bình tĩnh, tự tin, dũng cảm giương đôi sừng nhọn hoắt đáp trả sới khiến nó phải run sợ và bỏ chạy
Phân tích đặc điểm nhân vật.
– Ý kiến 1: Nhân vật Dê trắng là một con vật nhút nhát, yếu đuối, run sợ trước kẻ mạnh nên đã nhận lấy hậu quả thảm khốc.
– Lí lẽ và bằng chứng:
+ Sói vốn là kẻ thù không đội trời chung đối với loài dê. Bởi thế, rèn luyện những phẩm chất để trốn thoát kẻ thù nguy hiểm này vốn đã trở thành điều không thể thiếu trong cuộc sống của mọi con dê. Thế mà, Dê trắng đã hoàn toàn không có được các kỹ năng đó.
+ Dê trắng bị Sói phục kích và bất ngờ tấn công. Với bản chất ngang ngược và dữ tợn, Sói quát nạt dê Trắng, muốn dồn ép Dê trắng vào tình thế khó khăn nhằm khiến Dê trắng hoảng sợ, mất kiểm soát hành động, từ đó ăn thịt dễ dàng. Quả thực, Sói đã đạt được mục đích ấy.
+ Đầu tiên, Sói hỏi Dê trắng: “Dê kia, mày đi đâu?”, một mặt là ra oai với Dê trắng, mặt khác là để muốn biết rõ Dê trắng có đi gặp gỡ ai hay không. Nếu Dê trắng đang đi gặp ai, Sói sẽ cẩn trọng hơn. Dê trắng đã sợ hãi đến rúm cả người, lắp bắp trả lời: “Tôi đi tìm cỏ non để ăn và nước suối để uống”. Đó là câu trả lời đầy đủ thông tin, loại bỏ suy nghĩ ban đầu của Sói nên nó vui mừng đã hỏi tiếp: “Mày có gì ở chân?” Sói đang thử lòng tin của Dê trắng xem nó có tin tưởng vào khả năng chạy nhảy của nó và tìm cách trốn thoát hay không. Dê trắng run rẩy trả lời: “chân của tôi có móng”. Rõ ràng, Dê trắng không đủ tự tin vào khả năng thoát khỏi tình cảnh của mình. Vì thế, Sói càng đắc ý và hỏi tiếp: “Trên đầu mày có gì?” là để xem xét khả năng tự vệ của Dê trắng. Đôi sừng của Dê có thể khiến nó bị tổn thương trong một cuộc giằng co sống chết.
+ Con Sói hoàn toàn yên tâm khi nghe Dê trắng trả lời: “Trên đầu tôi có đôi sừng mới nhú” nên nó quát lớn: “Trái tim mày thế nào?”. Và khi nghe Dê trắng nói trong tuyệt vọng: “trái tim tôi đang run sợ”, con Sói gian ác phá lên cười chiến thắng. Bằng sức mạnh của kẻ quyền uy, nó đã khiến Dê trắng nhanh chóng bị khuất phục, không có một chút kháng cự nào.
→ Nhận xét: Con Sói đã rất cẩn trọng khi tiếp cận Dê trắng. Nó muốn ăn thịt Dê trăng nhưng không muốn bị Dê trắng làm cho bị thương vì hoảng loạn chạy trốn. Bằng mưu mẹo của kẻ gian trá, qua từng câu hỏi, nó đã biết rõ Dê trắng đã rất run sợ và tự tin ăn thịt Dê trắng.
– Ý kiến 2: Nhân vật Dê đen là con vật bình tĩnh, tự tin, cam đảm, dũng cảm đối mặt với kẻ mạnh nên đã thoát khỏi tai họa.
– Lí lẽ và bằng chứng:
+ Vẫn là kế sách của kẻ săn mồi, con Sói xảo quyệt cũng phục kích và bất ngờ tấn công Dê đen như cách nó đã làm với Dê trắng. Nó cũng hỏi Dê đen những câu hỏi đã từng hỏi Dê trắng. Thế nhưng, lần này, Sói đã gặp phải một con dê đáng gờm.
+ Khi nghe Sói hỏi: “Dê kia, mày đi đâu?”, Dê đen không vội trả lời. Nó bình tĩnh nhìn con Sói từ đầu tới chân rồi nghểnh cổ nói: “Tao đi tìm kẻ nào thích gây sự đây!”. Không một chút sợ hãi hay e dè, Dê đen ngạo nghễ xưng “tao” với sói và nói rõ mục đích “đi tìm kẻ nào thích gây sự”.
+ Câu trả lời nhắm thẳng vào Sói, điều đó khiến nó bị bất ngờ. Dê đen không thu mình lại như Dê trắng, nó phô trương sự chủ động hết sức có thể. Thế nhưng, với bản lĩnh của kẻ săn mồi, Sói tiếp tục dọa nạt: “Thế dưới chân mày có gì?”. Dê đen dũng cảm và kiên cường, kiêu ngạo đáp: “Chân thép của tao có móng bằng đồng”. Nó nói rõ sự cứng chắc của đôi móng, sẵn sàng cho kẻ thù những cú đá trời giáng.
+ Câu trả lời của Dê đen đã khiến con Sói thực sự lúng túng. Nó hoàn toàn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước Dê đen. Từ thế chủ động, bây giờ, Sói rơi vào thế bị động. Nó gắng gượng hỏi: “Thế…thế…trên đầu mày có gì?”. Dê đen tự tin nói: “Trên đầu của tao có đôi sừng bằng kim cương!”.
+ Đến lúc này, con Sói hoàn toàn run sợ lắm rồi, nó bất lực hỏi câu cuối cùng như một kịch bản đã chuẩn bị sẵn: “Trái tim mày thế nào?”. Dê đen giận dữ đáp: “Trái tim thép của tao bảo tao rằng: hãy cắm đôi sừng kim cương vào đầu Sói”. Và thách thức: “Nào, Sói hãy lại đây”. Nghe Dê đen trả lời, con Sói hồn bay phách lạc, nó ba chân bốn cẳng chạy biến vào rừng. Từ đó không ai trông thấy nó lởn vởn ở khu rừng đó nữa.
→ Nhận xét: Dê đen hiểu rõ kẻ thù, từng bước giành lấy thế chủ động và cuối cùng chiến thắng con Sói hung ác bằng trái tim kiên cường và đầu óc vô cùng tỉnh táo. Dê đen bĩnh tĩnh, tự tin, dũng cảm trước kẻ thù nên đã thoát nạn.
Bài học rút ra từ tác phẩm.
– Người có lòng dũng cảm, tự tin, bình tĩnh, sẵn sàng đối mặt sẽ có cơ hội chiến thắng kẻ mạnh. Và ngược lại, nếu tỏ ra sợ hãi, yếu đuối sẽ bị kẻ mạnh khuất phục và làm hại.
– Từ câu chuyện Dê đen và Dê trắng, ta học được rằng cần có sự can đảm, kiên cường và tỉnh táo như Dê đen để ứng phó với tình huống nguy hiểm, và đừng nhút nhát như Dê Trắng, vì sự do dự sẽ dẫn đến kết cục đáng tiếc.
- Kết bài:
– Khẳng định lại ý kiến: Như vậy, trước một tình huống như nhau, Dê trắng và Dê đen đã có cách xử lí khác nhau. Dê Đen đã rất bình tĩnh, tự tin, dũng cảm, sẵn sàng đối đầu với kẻ thù mạnh hơn mình rất nhiều vì thế không những không bị Sói ăn thịt mà còn đuổi được nó đi. Trái lại, Dê Trắng vì quá nhát gan, yếu đuối đã bị Sói nhìn thấu điểm yếu và dễ dàng bị hạ gục.
– Nêu cảm nghĩ về nhân vật: Dê trắng và Dê đen là hai kiểu người trong xã hội: người hèn nhát, yếu đuối và người tự tin, mạnh mẽ. Sự nhút nhát và yếu đuối của Dê trắng thật đáng chê trách. Ngược lại, tính tự tin, lòng dũng cảm và tinh thần dám đối đầu của Dê đen trước hiểm nguy thật đáng khen ngợi.