Viết bài văn trình bày suy nghĩ và cảm xúc về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức ở trường em
Bài làm 1:
- Mở bài:
Từ lâu, trong đời sống tinh thần của nhân dân, ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm đã trở thành ngày Quốc Tổ của dân tộc. Hằng năm, vào ngày này, Trường THCS Nguyễn tri Phương long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại trường nhằm tưởng nhớ và tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng. Không khí thiêng liêng, thành kính của ngày Giỗ Tổ đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc, khiến tôi còn nhớ mãi.
- Thân bài:
Buổi sáng hôm ấy, sân trường tôi như khoác lên mình một diện mạo mới. Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới khắp nơi, những băng rôn với dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng” tạo nên một không gian trang nghiêm và rực rỡ sắc màu dân tộc.
Dưới ánh nắng nhẹ nhàng, từng hàng ghế được sắp xếp ngay ngắn. Tôi cùng các bạn trong bộ đồng phục chỉnh tề, tay cầm những lá cờ nhỏ, háo hức chờ đợi buổi lễ bắt đầu. Trên hương án, khói trầm toả ra nghi ngút. Một mùi hương ấm áp lan tỏa khắp không gian thật dễ chịu, khiến cho không khí buổi Lễ càng trở nên thiêng liêng. Bầu không khí ấy khiến tôi cảm nhận rõ hơn sự kết nối giữa bản thân mình với truyền thống ngàn đời của dân tộc, một cảm giác vừa tự hào vừa thiêng liêng khó tả.
Buổi lễ bắt đầu với nghi thức chào cờ trang nghiêm. Khi bài Quốc ca vang lên, cả sân trường như chìm trong sự xúc động. Tôi cảm nhận rõ niềm tự hào dâng trào trong lòng mình, như một lời nhắc nhở về công lao của các thế hệ cha ông đã đấu tranh và xây dựng đất nước.
Tiếp đến, Thầy Hiệu trưởng thay mặt Nhà trường long trọng đọc bài văn tế Lễ. Bài văn tế trầm hùng trong giọng đọc vang vọng nhằm ôn lại lịch sử 4.000 năm dựng nước, giữ nước và khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển mạnh mẽ, sánh ngang cùng các quốc gia phát triển trong thời đại mới: “Mừng hôm nay/ Trống đồng dội tới/ Núi sông dậy sấm anh hùng/ Trống đồng vang lên/ Trời đất ngút ngàn linh khí/ Toàn dân giỗ tổ Hùng Vương/ Cả nước vui ngày quốc lễ…”
Sau bài văn tế của Thầy Hiệu trưởng, toàn trường im lặng một phút tưởng niệm các Vua Hùng. Trong giây phút trầm mặc ấy, tôi cảm nhận được sự thiêng liêng kỳ lạ. Dường như qua nghi lễ ấy, các thế hệ hôm nay và quá khứ xa xưa đã được kết nối. Tôi như thấy trước mắt hình ảnh các vị Vua Hùng ngày xưa với dáng vẻ oai nghiêm, hết lòng vì dân vì nước, càng thêm tự hào vì mình là một phần của dân tộc Việt Nam anh hùng.
Nghi thức dâng hương được thực hiện với sự thành kính của thầy cô và học sinh đại diện. Từng nén hương được thắp lên trước bàn thờ Tổ quốc như gửi gắm tấm lòng biết ơn sâu sắc đến các Vua Hùng – những người đã đặt nền móng đầu tiên cho đất nước Văn Lang, nơi mà lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam được khởi đầu.
Sau phần lễ trang trọng, phần hội diễn ra với những hoạt động hấp dẫn. Các bạn trong đội văn nghệ của trường biểu diễn những bài ca ngợi quê hương, đất nước như “Hát về cây lúa hôm nay” và “Hùng Vương sống mãi trong lòng chúng ta”. Giai điệu hào hùng và những điệu múa nhịp nhàng khiến tôi vừa thích thú vừa xúc động.
Nhà trường cũng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, nơi chúng tôi có cơ hội ôn lại kiến thức về thời đại Hùng Vương, từ những chiến công lẫy lừng đến đời sống giản dị của người dân Văn Lang xưa. Những câu hỏi tưởng chừng như khô khan nhưng lại khơi dậy trong tôi niềm yêu thích và lòng kính trọng đối với lịch sử nước nhà.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở trường không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là một bài học quý giá về lòng biết ơn, khẳng định truyền thống “uống nước nhớ nguồn“ của dân tộc và niềm tự hào lớn lao của dân tộc. Nhìn những hình ảnh đầy ý nghĩa trong buổi lễ, tôi nhận ra rằng chúng tôi – thế hệ trẻ hôm nay – đang thừa hưởng một di sản to lớn từ cha ông, và trách nhiệm của chúng tôi là phải giữ gìn, phát huy những giá trị cao đẹp ấy.
Giây phút đứng dưới lá cờ Tổ quốc, lắng nghe những lời tri ân tổ tiên, tôi như được tiếp thêm động lực để sống tốt hơn, học tập chăm chỉ hơn, xứng đáng với những công lao dựng nước, giữ nước mà các bậc tiền nhân đã hy sinh để tạo dựng.
Buổi lễ cũng khiến tôi nhận ra một điều giản dị nhưng ý nghĩa: dù hiện tại có hiện đại, văn minh đến đâu, chúng ta vẫn không thể quên đi cội nguồn của mình. Chính sự gắn kết với truyền thống, với lịch sử đã tạo nên một Việt Nam kiên cường, giàu bản sắc văn hóa và đậm đà tình yêu thương như ngày hôm nay.
- Kết bài:
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở trường tôi đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và ý nghĩa, để lại trong lòng tôi những cảm xúc khó quên. Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước. Đồng thời, đây còn là dịp để giáo dục học sinh biết tự hào về nền văn hóa của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước và ghi lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Bài làm 2:
- Mở bài:
Mỗi năm, vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, cả nước lại hướng về Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – một sự kiện trọng đại để tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.Lễ Giỗ Tổ thể hiện niềm tự hào và lòng biết ơn cội nguồn dân tộc. Tại trường tôi, lễ Giỗ Tổ được tổ chức trang trọng, ý nghĩa và để lại trong lòng thầy cô, học sinh nhiều cảm xúc sâu sắc.
- Thân bài:
Những ngày trước lễ, không khí tại trường tôi trở nên sôi động và rộn ràng hơn hẳn. Các thầy cô và học sinh cùng nhau chuẩn bị cho buổi lễ từ việc dựng bàn thờ tổ tiên, trang trí sân trường đến tập dượt các tiết mục văn nghệ và phần nghi thức dâng hương. Những lá cờ đỏ sao vàng, băng rôn mang thông điệp “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng” được treo khắp nơi, tạo nên không gian trang nghiêm và đậm sắc màu dân tộc.
Những công việc chuẩn bị không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là cơ hội để chúng tôi thấm nhuần ý nghĩa của lễ hội. Từng cánh hoa dâng lên bàn thờ, từng bài hát được tập luyện đều chứa đựng tấm lòng thành kính của thầy cô và học sinh đối với tổ tiên.
Buổi lễ diễn ra vào một buổi sáng đẹp trời, khi những tia nắng đầu tiên chiếu rọi xuống sân trường. Chúng tôi, trong bộ đồng phục gọn gàng, tập trung đông đủ trước sân trường để tham dự buổi lễ.
Lễ Giỗ Tổ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ, khi bài Quốc ca hùng tráng vang lên, lòng tôi trào dâng niềm tự hào và xúc động. Sau đó, thầy hiệu trưởng có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của ngày lễ này. Lời thầy khơi gợi trong chúng tôi tinh thần “uống nước nhớ nguồn” ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc.
Phần dâng hương là một trong những khoảnh khắc trang nghiêm nhất của buổi lễ. Đại diện thầy cô và học sinh tiến lên bàn thờ, thành kính dâng hương để tưởng nhớ các Vua Hùng. Mùi hương trầm lan tỏa khắp không gian, khiến không khí thêm phần thiêng liêng, như đưa chúng tôi quay về với những năm tháng lịch sử dựng nước gian khó nhưng oanh liệt của tổ tiên.
Ngoài nghi thức lễ chính, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa và nghệ thuật đặc sắc. Đội văn nghệ của trường đã biểu diễn các tiết mục hát múa dân gian ca ngợi công lao dựng nước của các Vua Hùng và tình yêu quê hương đất nước. Đặc biệt, tiết mục tái hiện truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ khiến cả sân trường xúc động. Câu chuyện cha mẹ chia con lên núi, xuống biển gợi lên hình ảnh đoàn kết, cùng chung cội nguồn của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh đó, trường còn tổ chức cuộc thi tìm hiểu lịch sử với các câu hỏi liên quan đến thời đại Hùng Vương, giúp chúng tôi ôn lại những trang sử hào hùng. Những hoạt động này không chỉ làm cho buổi lễ thêm sinh động mà còn giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về nguồn gốc và giá trị truyền thống của dân tộc.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại trường tôi không chỉ là dịp để tưởng nhớ công lao của các vị vua Hùng mà còn là một bài học ý nghĩa về tinh thần dân tộc và trách nhiệm của thế hệ trẻ. Khi tham dự buổi lễ, tôi cảm nhận được sự gắn kết giữa mình với lịch sử hàng nghìn năm của đất nước, đồng thời nhận ra trách nhiệm gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.
Nhìn những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, những nghi thức trang nghiêm và ánh mắt đầy thành kính của mọi người, tôi thêm tự hào khi được sinh ra là một người con đất Việt. Qua buổi lễ, tôi càng ý thức hơn về giá trị của hòa bình, độc lập mà tổ tiên đã gìn giữ, để thế hệ chúng em hôm nay có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đồng thời, lễ Giỗ Tổ còn là dịp để tôi thấm nhuần bài học về lòng biết ơn. Tổ tiên đã dựng nước bằng tâm huyết và trí tuệ; thế hệ chúng tôi cần học tập, rèn luyện để góp phần giữ gìn và xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, xứng đáng với công lao ấy.
- Kết bài:
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại trường tôi không chỉ là một sự kiện mang ý nghĩa lịch sử mà còn là một khoảnh khắc thiêng liêng, đáng nhớ trong hành trình học tập và trưởng thành. Từ những nghi thức trang trọng đến các hoạt động văn hóa sôi động, tất cả đều khắc sâu trong tôi niềm tự hào và tình yêu quê hương. Tôi tin rằng, mỗi mùa Giỗ Tổ đi qua, lòng tự hào dân tộc trong mỗi học sinh lại được thắp sáng. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực để gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, tiếp nối hành trình dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Lễ Giỗ Tổ không chỉ nhắc nhở chúng ta về quá khứ mà còn tiếp thêm động lực để xây dựng tương lai tươi sáng cho quê hương, đất nước như lời Bác Hồ đã căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Bài làm 3:
- Mở bài:
Trong không khí trang nghiêm và tràn đầy ý nghĩa, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại trường tôi đã diễn ra như một dịp đặc biệt để thầy trò cùng nhìn lại lịch sử hào hùng và truyền thống cao quý của dân tộc. Đây không chỉ là một ngày lễ trọng đại mà còn là khoảnh khắc để chúng tôi thêm yêu mến và trân trọng nguồn gốc của mình, những giá trị trường tồn mà các Vua Hùng đã truyền lại.
- Thân bài:
Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, từ lâu đã trở thành biểu tượng của truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong văn hóa Việt Nam. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa lịch sử mà còn là sợi dây gắn kết giữa hiện tại và quá khứ, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong mỗi trái tim con người Việt.
Tại trường tôi, lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang trọng và chu đáo. Ngay từ sáng sớm, sân trường đã được trang trí rực rỡ với những lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, băng rôn mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng”. Tất cả học sinh chúng tôi trong những bộ đồng phục gọn gàng, chỉnh tề, đều tề tựu đông đủ tại sân trường để tham dự buổi lễ.
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức chào cờ đầy trang nghiêm. Trong giây phút quốc ca vang lên, lòng tôi như dâng tràn niềm tự hào. Sau đó, thầy hiệu trưởng đã phát biểu khai mạc, nhấn mạnh ý nghĩa của ngày Giỗ Tổ và nhắc nhở chúng tôi về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông để lại.
Phần lễ dâng hương được thực hiện trang trọng trước bàn thờ Tổ quốc. Một số thầy cô đại diện cho tập thể nhà trường đã bước lên dâng hương với sự thành kính, trang nghiêm. Chúng tôi, dù chỉ đứng nhìn từ xa, cũng cảm nhận được sự linh thiêng của khoảnh khắc ấy, như thể đang nối kết với quá khứ ngàn năm của dân tộc.
Không chỉ có phần lễ, phần hội của buổi lễ cũng vô cùng sinh động và ý nghĩa. Các bạn học sinh trong đội văn nghệ đã trình bày những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước như “Huyền thoại mẹ Âu Cơ”, “Hùng Vương sống mãi trong lòng chúng ta”. Những giai điệu hào hùng, sâu lắng ấy khiến chúng tôi như được sống lại những trang sử thi oai hùng.
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại trường không chỉ đơn thuần là một sự kiện mà còn là bài học về lòng biết ơn, về sự tự hào khi được là con dân đất Việt. Tôi nhận ra rằng, chúng tôi hôm nay, dù được sinh ra trong hòa bình, không còn phải gánh chịu đau thương của chiến tranh hay gian nan của thời dựng nước, nhưng vẫn phải mang trong mình trách nhiệm lớn lao: bảo vệ và phát triển đất nước, để không phụ lòng các bậc tiền nhân.
Những giá trị mà lễ Giỗ Tổ mang lại không chỉ nằm ở những nghi lễ trang nghiêm mà còn ở cách nó đánh thức trong lòng mỗi người trẻ tình yêu đối với quê hương, ý thức gìn giữ văn hóa dân tộc. Nhìn các bạn học sinh cùng nhau tham gia các hoạt động, tôi cảm thấy tinh thần đoàn kết, sự gắn bó giữa mọi người như được thắt chặt hơn.
- Kết bài:
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở trường tôi là một ngày đầy ý nghĩa, là dịp để chúng tôi thêm yêu quý lịch sử và văn hóa dân tộc, nhắc nhở bản thân về lòng biết ơn đối với tổ tiên. Đó không chỉ là niềm tự hào dân tộc mà còn là sự nhắc nhở về trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp mà các Vua Hùng và tổ tiên đã để lại. Tôi tin rằng, mỗi mùa Giỗ Tổ đi qua, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi học sinh sẽ càng được vun đắp thêm. Chúng tôi, thế hệ trẻ hôm nay, sẽ không ngừng nỗ lực để tiếp nối truyền thống hào hùng, xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp, xứng đáng với những gì mà tổ tiên đã hy sinh để gìn giữ.