Kể lại một trải nghiệm đáng nhớ: Tham dự Lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở trường em
- Mở bài:
Từ lâu, trong đời sống tinh thần của nhân dân Việt Nam, ngày mồng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm đã trở thành ngày Quốc Tổ của dân tộc. Vào năm LỚP 5, tôi có dịp tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương tại Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ. Không khí thiêng liêng, thành kính của ngày Giỗ Tổ đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ và tình cảm sâu sắc, khiến tôi còn nhớ mãi.
- Thân bài:
Buổi sáng hôm ấy, sân trường tôi như khoác lên mình một diện mạo mới. Dưới ánh nắng nhẹ nhàng, từng hàng ghế được sắp xếp ngay ngắn, học sinh trong bộ đồng phục chỉnh tề, háo hức chờ đợi buổi lễ bắt đầu. Trên hương án, khói trầm toả ra nghi ngút. Một mùi hương ấm áp lan tỏa khắp không gian thật dễ chịu, khiến cho không khí buổi Lễ càng trở nên thiêng liêng.
Buổi lễ bắt đầu với nghi thức chào cờ trang nghiêm. Khi bài Quốc ca hùng tráng vang lên, cả sân trường vang dội tiếng hát. Tôi cảm nhận rõ niềm tự hào dâng trào trong lòng mình, như một lời nhắc nhở về công lao của các thế hệ cha ông đã đấu tranh và xây dựng đất nước.
Tiếp đến, Thầy Hiệu trưởng thay mặt Nhà trường long trọng đọc bài văn tế Lễ. Bài văn tế trầm hùng, vang vọng qua giọng đọc ấm áp của thầy gợi nhắc lại công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng khiến cho chúng tôi vô cùng xúc động.
Sau bài văn tế Lễ của Thầy Hiệu trưởng, toàn trường im lặng một phút tưởng niệm tưởng nhóe đến các Vua Hùng. Trong giây phút trầm mặc ấy, tôi cảm nhận được sự kết nối thiêng liêng, kỳ lạ giữa chúng tôi và các vị Vua Hùng thuở trước. Lắng nghe những lời tri ân tổ tiên, tôi như được tiếp thêm động lực để nỗ lực học tập chăm chỉ hơn, sống tốt đẹp hơn, xứng đáng với những công lao vĩ đại mà các bậc tiền nhân đã không tiếc máu xương của mình tạo dựng nên Đất nước.
Tiếp đến là nghi thức dâng hương được thực hiện với tấm lòng thành kính của thầy cô giáo và đại diện học sinh các lớp. Tôi đại diện cho Lớp 5/2 bước lên lễ đài dâng hương cùng đại diện các lớp khác. Cầm nén hương trên tay, tôi bồi hồi tưởng nhớ đến công ơn của các vị Vua Hùng, lòng tràn đầy niềm tự hào và xúc động.
Sau phần Lễ trang trọng, phần Hội diễn ra với những hoạt động hấp dẫn. Các bạn hào hứng tham gia các trò chơi dân gian trên sân trường. Tôi và một số bạn cùng lớp tìm hiểu về lịch sử các đời Vua Hùng ở Phòng truyền thống. Buỗi Lễ kết thúc. Chúng tôi trở về lớp học, tiếp tục nhiệm vụ học tập của ngày hôm ấy
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở trường tôi không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là một bài học quý giá về lòng biết ơn, khẳng định truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” tốt đẹp của dân tộc. Buổi lễ cũng khiến tôi nhận ra một điều giản dị nhưng ý nghĩa: dù hiện tại có hiện đại, văn minh đến đâu, chúng ta vẫn không thể quên đi cội nguồn của mình.
- Kết bài:
Có thể nói, Giỗ Tổ Hùng Vương không những là hoạt động nhằm tưởng nhớ và tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng mà còn là dịp để học sinh chúng tôi biết tự hào về nền văn hóa và truyền thống quý báu của dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước như Bác Hồ đã từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.