CHUYÊN MỤC: LUẬN BÀN VĂN HỌC
HÓA THÂN – sự biến dạng của nỗi buồn
(“Die Verwandlung” viết bởi Franz Kafka)
1. Ngay từ đầu trang sách của Kafka nhân vật chính xuất hiện một cách đột ngột: “Một sáng tỉnh dậy băn khoăn, Gregor Samsa nằm trên giường thấy mình biến thành con côn trùng khổng lồ”. Kafka dường như muốn “tẩy trắng” lịch sử nhân vật từ những cái tên đầy thiếu hụt. Độc giả không biết gì về thời thơ ấu của Samsa, quá khứ chỉ là những mảnh vỡ rời rạc hắt lên hiện tại với 11 một tấm ảnh Samsa khi còn trong quân đội, với ý nghĩ chợt hiện về “một cô hầu phòng ở một khách sạn vùng quê, một kỉ niệm ngọt ngào thoáng qua, một cô thu ngân trong một cửa hàng bán mũ và anh đã tán tỉnh thật tình nhưng quá chậm”.
Có thể, Samsa không là ai cả, hoặc cậu có thể là bất kì ai, bất kì con người nào mà đều ao ước mình sẽ biến mất vào một buổi sáng thức dậy chuẩn bị cho việc đi làm. Rồi buổi sáng đó cũng đến, như một lẽ hiển nhiên không có một lí do nào cụ thể. Samsa biến thành một con bọ. Cậu còn không mảy may nghĩ rằng đó là sự thật, cậu xa lạ với chính cơ thể của mình đến mức không nhận ra được bản thân đã hóa thành một con vật dị hợm.
2. Năm 1915, khi cuốn tiểu thuyết ”Hóa thân” của Kafka được ra mắt, đã gây ra không ít cuộc tranh cãi trong giới văn chương xoay quanh vấn đề: Rốt cuộc Samsa đã hóa thân thành con gì? Và đến tận bây giờ, chúng ta vẫn chưa tìm ra được câu trả lời cho cuộc tranh cãi kéo dài đến tận một thế kỉ đó.
Vì muốn hướng người đọc đến cảm giác kinh tởm của Samsa trước hình hài mới chứ không phải bản thân hình hài đó cho nên Kafka đã cố tình giữ hình ảnh con vật đó trong bí ẩn. Ông sử dụng từ “Ungeziefer” (con vật chưa thanh tẩy, không hợp để hiến tế) thay vì từ “Insekt”, và điều này cũng làm cho nhiều dịch giả rất bối rối. Ông còn muốn những người minh họa sách không được vẽ hình con bọ lên bìa vì thế nên ấn bản đầu tiên của tác phẩm hoàn toàn không có tính “hóa thân” gì cả. Nhưng hầu hết mọi người đều hình dung nó là con gián và tác giả “Lollita” kiêm chuyên gia bướm học Nabokov khẳng định đó phải là con bọ cánh cứng.
3. Đến một giai đoạn tăm tối của cuộc đời mình, tôi mới chợt nhận ra, mấu chốt không phải nằm ở việc bản thân hình hài con côn trùng mà Samsa đã hóa thân là gì; mà mấu chốt nằm ở “chất dịch màu nâu” tiết ra từ miệng con bọ. Trong tiếng Hy Lạp cổ, “melas” nghĩa là “đen” và “kholé” nghĩa là “dịch mật”, hợp lại để tạo ra từ “melancholy” (nghĩa là “u sầu”). Có thể hiểu, hình dạng con côn trùng đang bao lấy Samsa thực chất lại là chính nỗi buồn của cậu, dù chưa hề có một dòng chữ nào miêu tả về nỗi buồn đó. Ngay trong suy nghĩ của cậu, nỗi buồn đó còn chưa từng tồn tại. Lúc nào cậu cũng chỉ có công việc và ước mơ về cái tương lai tương sáng mà cậu luôn tin vào: trả nợ cho bố mẹ và dành đủ tiền cho em gái vào học ở Nhạc Viện, còn cậu có thể nghỉ công việc mình ghét.
Bối cảnh của “Hóa thân” chỉ vọn vẹn xảy ra trong chình căn nhà của gia đình Gregor. Hay nói đúng hơn là trong căn phòng của Samsa với gần như không có bất kì sự tương tác nào của cậu đối với thế giới bên ngoài. Trong bối cảnh đó, cậu bị “giam cầm” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Tôi nghĩ, biết đâu, con bọ của Kafka thật ra chỉ là một sự biến dạng của nỗi buồn, khi con người chìm sâu vào cái hố đen u sầu ấy, nỗi buồn trở nên méo mó đến nỗi không một ai (muốn) nhận ra đó là một con người nữa.
4. Đến tận bây giờ, vẫn không một ai có thể giải quyết được vấn đề mà nỗi buồn đã gây nên. Con người vẫn bị bối rối không biết xử lí ra sao với nỗi buồn. Họ vẫn không sẵn sàng nhìn nhận nỗi buồn như một trạng thái tâm lí cần được quan tâm, chia sẻ, và về việc nó có thể dễ dàng xảy ra với bất kì một cá thể nào. Tôi vẫn nghĩ là mọi người thường xem nhẹ trầm cảm, họ xem đó là biểu hiện của sự yêu đuối, than vãn của những con người muốn lôi kéo sự chú ý. Và trên thực tế, trầm cảm là một vấn đề phức tạp hơn nhiều.
Có thể con người dễ dàng hiểu được nguyên lí vận hành của vũ trụ thông qua một số công thức, nhưng sẽ còn mất rất nhiều thời gian để họ có thể hiểu đươc sự tăm tối mà nỗi buồn mang lại. Ở một thế giới bế tắc mà những người bị bệnh trầm cảm đang phải chiến đấu từng ngày để bắt lấy một tia sáng nhỏ nhoi đâu đó, họ chới với, quằn quại rồi trở nên “mất hình người” – một đáy vực sâu mà không một ai có thể trèo lên lại ngoại trừ tìm lấy cái chết.
5. “Hóa thân” là một hành trình xuyên suốt nói về sự biến hóa cả về nhân dạng lẫn bản chất bên trong của con người. Cuốn chuyên luận “Nghệ thuật Franz Kafka” (2006) của Lê Huy Bắc nhìn nhận Kafka không chỉ ở phương diện “thiên tài nghịch lí”, “người tẩy não nhân loại” mà còn nhìn nhận ở phương diện “người khai sinh hiện thực”, “nghệ thuật gián tiếp”. Kafka đã khai sinh ra “hiện thực về sự biến dạng của con người” mà Gregor Samsa là minh chứng điển hình thể hiện ở “sự biến dạng về hình hài” đến “biến dạng hoàn toàn về tính cách”.
Không chỉ với Samsa mà dường như sự “hóa thân” cũng xảy ra với tất cả mọi thành viên trong gia đình, theo một chiều hướng tích cực: bố, mẹ và em gái Gregor, từ những kẻ ăn không ngồi rồi, trông chờ vào sự chu cấp của anh đã biến thành những người lao động. Hình ảnh rõ nét nhất về viễn cảnh tương lai tốt đẹp của họ chính là hình ảnh cuối truyện, khi em gái Gregor vươn mình đứng dậy và bố mẹ dự tính sẽ cho cô kết hôn. Tất cả như khẳng định lại điều mà Gregor cảm thấy khi anh chết đi, rằng anh là gánh nặng mà gia đình kinh tởm và cái chết của anh là điều tốt nhất cho họ. Tích cực đến tàn nhẫn và bất công.
6.Với tôi, ngoài Kafka, vẫn chưa có một ai có thể viết về nỗi buồn một cách nhẹ nhàng, ngắn ngủi, đơn giản mà khắc nghiệt như vậy. Ông không nói về nó một cách trực tiếp nhưng vẫn có đầy đủ các manh mối để người đọc có thể lần theo trong cái mê cung “phi lí” của ông. Và dường như chính chúng ta – người đọc – đã tham gia vào cuộc “hóa thân” đó: dần chấp nhận Samsa không còn là người, dần thấy có lý khi cậu ăn đồ ăn thối, dần suy nghĩ “rồi, anh chạy ra, mấy vị khách trọ sẽ điên lên vì sợ cho xem”.
7. Cuối cùng đâu mới là ý nghĩa thật sự của “Hóa thân”? Ai mới là người đã thật sự “hóa thân”?
Nội dung: mạch – cái hộp vuông