gioi-thieu-phong-cach-nghe-thuat-tho-nguyen-binh

Giới thiệu phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính

Giới thiệu phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính

Nguyễn Bính (1918 – 1966), là một nhà thơ nổi tiếng đứng trong phong trào Thơ Mới. Thơ của ông xuất hiện mang cái vẻ của người nhà quê khó thể phai nhạt trong mắt bạn đọc thời đó và cả bây giờ. Đọc thơ Nguyễn Bính, người đọc như được tắm gội trong cái trong trẻo, tinh khiết, chân quê của miền quê Việt, đó là nét riêng thú vị mà người đọc không thể bắt gặp ở một hồn thơ khác.

Phong cách nghệ thuật.

Nguyễn Bính là thi sĩ của đồng quê. Thơ của ông là Thơ mới nhưng mang đậm phong cách dân gian. Thơ mới Nguyễn Bính là dấu nối thơ hiện đại và thơ dân gian. Có thể nói thơ ông đích thực là một thứ thơ dân gian hiện đại. Nói Thơ mới của ông như thế vì đặc điểm nội dung nghệ thuật, nét độc đáo của phong cách thơ ông. Thơ mới dân gian của ông là màu sắc ánh sáng khác lạ của ngôi sao thơ Nguyễn Bính trong bầu trời Thơ mới trước Cách mạng tháng Tám, 1945.

Thơ của ông mang cái vỏ mộc mạc của ca dao, của những câu hát đồng quê. Hồn thi sĩ tìm đến ca dao để trở về với cội nguồn dân tộc hàng ngàn năm ấp ủ ở làng quê Việt. Trong bài “Chân quê” thi sĩ viết:

“Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”

Hai tiếng “Chân quê” từ đây mà trở thành một từ ngữ quen thuộc nói lên một tác phẩm trong đời, trong thơ. Thơ của ông là về làng quê Việt Nam, ông quan tâm nhất là tình yêu trong cái mộc mạc, bình dị của làng quê:

“Nắng mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”

Hoặc:

“Hồn anh như hoa cỏ may
Một hôm cả gió bám đầy áo em… ”

Vai trò Nguyễn Bính trong công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc:

Mỗi một nhà thơ của phong trào Thơ mới điều có những đóng góp nhất định cho cộng cuộc hiện đại hóa dân tộc. Với thi sĩ Nguyễn Bính, người đọc không tìm thấy cái kiêu sa, chói lòa, hay rợn ngợp. Mà người đọc được thấy sự giao thoa độc đáo của nét hồn ca dao với thơ hiện đại. Thơ Nguyễn Bính đã minh chứng một điều: con đường đến với hiện đại mang tính bền vững và sâu sắc nhất, đó là biết kế thừa những giá trị truyền thống của cha ông tự ngàn xưa.

Giữa những cách tân mạnh mẽ cửa Thơ mới, giữa những xô bồ, hỗn tạp của văn hóa Đông – Tây, người ta vẫn còn có đó một không gian trong tiềm thức người Việt “hoa cau” “vườn trầu” để thưởng thức và trở về. Những giá trị sâu sắc đó cũng đã thể hiện rồ nét vai trò của Nguyễn Bính trong công cuộc hiện đại hóa văn học dân tộc.

Thành công và hạn chế của hồn thơ Nguyễn Bính

Thành công:

Nguyễn Bính đã đề lại cho nền thơ Việt Nam lúc ấy những tác phẩm về miền quê như: “Lỡ bước sang ngang” (1940), “Tâm hồn tôi” (1940), “Hương cố nhân” (1941), “Một nghìn cửa sổ” (1941), “Người con gái ở làu hoa” (1942), “Mười hai bến nước” (1942), “Mây Tần” (1942), “Tỳ bà truyện” (1944), “Ông lão mài gươm” (1947).

Thành công của Nguyễn Bính trong phong trào Thơ Mới đó là những bài thơ về làng quê Việt Nam. Tuy có nhiều nhà thơ như: Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ… nhưng Nguyễn Bính vẫn là tác gia tiêu biểu nhất. Hoài Thanh đã nhận xét: “Và thơ Nguyễn Bỉnh đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tỉnh tình đơn giản của dân quê là những tỉnh tình căn bản của ta”. Viết về quê hương, ông không có nhiều số phận đắng cay của người nông dân bị bóc lột và những cảnh đời lam lũ. ở đó là những hình ảnh tươi sáng, thơ mộng, chứa chan thi vị.

Nguyễn Bính sử dụng nhiều chất liệu dân gian như ca dao, bản nhạc đồng quê, ông đã thể hiện được ước vọng sâu xa của những người nông dân lam lũ ước mong về cuộc sống tốt đẹp hơn, hòa đồng với thiến nhiên cảnh vật làng quê tươi thắm. Trong thơ của ông có những cặp hình ảnh: cánh bướm và giậu mồng tơi, mưa xuân bay và làng quê vào hội, giàn trầu không và hàng cau liên phòng, con đê làng và sự hẹn hò chờ đợi, những cô gái trọng làng đang ở độ tuổi yêu đương: cô gái mơ, cô lái đò, cô hàng xóm… Không khí làng quê trong những lễ hội của mùa xuân được ông miêu tả rất gợi cảm, trong bài “Xuân về”:

“Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng”

Với hoa nở, bướm bay, thiên nhiên sinh sôi nảy nở mà tạo vật như bước vào vận hội của mùa xuân. Thơ viết về làng quê không chỉ có cảnh vật mà còn có những tình yêu chân thành tha thiết, nhưng rất mộc mạc, giản dị và chân thành:

“Qua giậu tầm xuân thấy bướm nhiều
Bướm vàng vàng quả, bướm yêu yêu
Em sang bắt bướm vườn anh mãi
Quê cả làng Ngang động trong chèo”

(Hết bướm vàng)

Những cánh bướm bay dập đìu trong thơ góp phần tạo không khí thêm xinh tươi, đồng thời cảnh vật cũng mang nét đẹp lãng mạn và tình tứ. Cánh bướm ấy là hình ảnh đẹp, gợi cảm nhất trong Thơ mới. Vì tình yêu trong thơ Nguyễn Bính đẹp nhưng có nhiều trác trở vô hình, khiến cho họ khó đến được với nhau hoặc là những chuyện tình chỉ đến từ một phía nên ông đã miêu tả được trạng thái tương tư có tính chân quê. Thi phẩm “Tương tư” Nguyễn Bính viết:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhở mười mong một người
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng ”

Nguyễn Bính ngoài sử dụng nhuần nhuyễn những vốn từ thuần việt như: “dầu hoa bấc gầy”, “chín nhở mười mong”, “cách trở đò ngang”… những từ ngữ của ca dao, dân ca: “thôn Đoài”, “thôn Đông”, “đỏ đèn”, “miếng trầu”, “hàng cau”. Ngoài ra ông còn sáng tạo: “nhạt thắm phai đào”, “trăm cay nghìn đắng”, “pháo đỏ rượu hồng”, “xây dựng cơ đồ”, ‘khoác áo phong trần”, “ngang sông đắm đò”, “sương gió đường xa”, “giá lạnh sương xa”,  “má đỏ môi hồng”… Những nhóm hình ảnh thơ này làm cho dòng thơ bảy tiếng của kiểu dạng Thơ mới có khuôn hình ổn định, đọc lên vẫn nghe được giọng điệu, âm vang của những bài ca dao, dân ca lục bát.

Hạn chế:

Hạn chế nhất định của hồn thơ Nguyễn Bính mà nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam đã đề cập đến, đó là quá trung thành với nét hồn dân tộc, trung thành đến mức đôi khi không tiếp nhận tính hiện đại hóa của thời đại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang