Những phẩm chất cao quý của người đồng mình qua khổ 2 bài thơ Nói với con của Y Phương
- Mở bài:
Nói với con là bài thơ tiêu biểu nhất của Y Phương. Qua khổ thơ 2, mượn lời nhắc nhở con về cội nguồn sinh thành, người cha khéo léo ca ngợi những vẻ đẹp trong phẩm chất cao quý của người đồng mình, ngợi ca bản sắc văn hóa của quê hương xứ sở. Những phẩm chất ấy không có gì lớn lao nhưng hết sức đáng tự hào và gìn giữ, là hành trang mà con cần phải mang theo khi bước vào cuộc đời lớn.
- Thân bài:
Phẩm chất cao quý của “người đồng mình” cứ hiện dần qua lời tâm tình của người cha. Đó là một cuộc sống tràn đầy niềm vui và lòng lạc quan:
“Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”.
Cách đảo ngữ đầy thú vị khiến cho ý thơ cao vời, thanh thoát. Người miền núi lấy núi, lấy suối, lấy sông làm đơn vị đo. Tập quán ấy đi vào lời thơ Y phương trở nên hết sức ấn tượng. Người đồng mình cũng lắm suy tư (nỗi buồn). Người đồng mình tuy nghèo khó nhưng lúc nào cũng biết “nuôi chí lớn”. Họ mạnh mẽ, kiêu hãnh sinh tồn giữa đại tự nhiên đầy khắc nghiệt và bí ẩn. Chưa bao giờ họ bị khuất phục. Đó chính là phẩm chất đáng tự hào mà Y Phương muốn nói đến.
Đó còn là tấm lòng thuỷ chung của “người đồng mình” với nơi chôn rau cắt rốn:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói”
Bằng những điệp từ, điệp ngữ, cách so sánh cụ thể, kết hợp với kiểu câu ngắn dài khác nhau, lời tâm tình của người cha đã góp phần khẳng định người miền núi tuy cuộc sống hôm nay còn vất vả, khó nhọc, “lên thác xuống ghềnh” nhưng họ vẫn sống mạnh mẽ, khoáng đạt “như sông như suối”, bền bỉ, gắn bó và tha thiết với quê hương. Từ đó người cha mong muốn con phải có nghĩa tình chung thuỷ với quê hương. Biết chấp nhân và vượt qua những khó khăn, thử thách bằng ý chí, nghị lực và niềm tin của mình.
“Người đồng mình” mộc mạc, dung di, giàu ý chí và niềm tin. Họ tuy “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn và ý chí. Họ biết lo toan và mong ước. Họ biết tư lưc, tư cường xây dưng quê hương, duy trì truyền thống với những tập quán tốt đẹp của “người đồng mình”:
“Người đồng mình đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”
Câu thơ có 2 lớp nghĩa. Về nghĩa tả thực: Đục đá kê cao quê hương là hành động có thật thường thấy ở miền núi. “Quê hương” vốn là khái niệm trừu tượng, chỉ nơi chốn sinh thành của một người nào đó. Họ thường xay dựng nhà cửa trên những miền đất cao đầy sỏi đá để có cơ ngơi vững chắc, chống chọi lại với thiên nhiên khắc nghiệt. Từ ngàn năm xưa họ sống với đá, sống trên đá. Đá núi trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của họ, biểu trưng cho ý chí kiên cường, rắn rỏi, không bao giờ bị khuất phục.
Nghĩa ẩn dụ: Nói đục đá kê cao quê hương. Hình ảnh thơ khái quát về tinh thần tự tôn, ý thức bảo tồn cội nguồn. Tình yêu và niềm tự hào của con và tất cả “người đồng mình” cũng vững bền như đá núi vậy. Đó là một niềm tin vĩnh cửu, không gì thay đổi được. người cha muốn ca nằm lòng điều đó dẫu cuộc sống sau này có thay đổi như thế nào.
Kết thúc bài thơ là lời nhắn nhủ, dặn dò và hi vọng của người cha mong muốn con mình phải tư hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Hãy lấy những tình cảm đó làm hành trang để vững bước trên đường đời rộng lớn”
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.
Hình ảnh người đồng mình “thô sơ da thịt” lặp lai hai lần như muốn con ghi nhớ sâu sắc về hình ảnh con người và quê hương mình. “Người đồng mình” tuy mộc mạc, chân chất nhưng có lẽ sống cao đẹp. Trên đường đời con phải sống cao thượng, tự trọng để xứng đáng với “người đồng mình” đã từng sống, từng yêu như thế. Con là đại diện của người đồng mình, con mang theo những phẩm chất của người đồng mình thế nên “bao giờ nhỏ bé được”, dù con đường phía trước còn đầy chông gai. Con hãy tư tin bước đi, bởi sau lưng con có gia đình, có quê hương, bởi trong tim con sẵn ẩn chứa những phẩm tốt đẹp và quý báu của “người đồng mình” rồi.
Hai tiếng “nghe con” chứa đựng tấm lòng yêu thương và niềm tin sâu năng cha đặt nơi con. Hai tiếng ấy khép lại bài thơ để lại một dư âm nhẹ nhàng mà âm vang xao xuyến.
- Kết bài:
Với thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên, cách nói giàu hình ảnh vừa mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ, cụ thể mà giàu sức khái quát, bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống manh mẽ, những phẩm chất cao quý của “người đồng mình”, của quê hương nguồn cội. Khổ thơ 2 của bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
- Cảm nhận ý nghĩa đoạn 1 bài thơ “Nói với con”
- Cảm nhận ý nghĩa đoạn 2 bài thơ “Nói với con”
- Cảm nhận ý nghĩa bài thơ “Nói với con” của Y Phương
- Vẻ đẹp phẩm chất của người đồng mình qua đoạn 2 bài thơ Nói với con
- So sánh vẻ đẹp tình cảm cha con trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang và “Nói với con” của Y Phương
- Cảm nhận tình cảm quê hương tha thiết của nhà thơ qua hai câu thơ: “Rừng cho hoa… tấm lòng” (Nói với con – Y phương)