ban-luan-ve-phep-hoc-luan-hoc-phap-cua-nguyen-thiep

Đọc hiểu văn bản: Bàn luận về phép học (Luận học pháp của Nguyễn Thiếp)

Đọc – hiểu văn bản:

Bàn luận về phép học (Luận học pháp)
(Nguyễn Thiếp)

I. Đọc – hiểu chú thích:

1. Tác giả:

– Nguyễn Thiếp (1723-1804) tự là Khải Xuyên, hiệu là Lạp Phong Cư Sĩ, người đương thời kính trọng gọi là La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Ông quê làng Mật Thôn, xã Ao Nguyệt, huyện La Sơn (nay thuộc huyện Đức Thọ) tỉnh Hà Tĩnh

– Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác: Nguyễn Thiếp từng làm quan dưới triều Lê nhưng sau đó từ quan về dạy học. Ông từng được vua Quang Trung viết thư mời giúp triều Tây Sơn, góp phần xây dựng đất nước về mặt chính trị.

2. Tác phẩm:

– Xuất xứ: Khi Quang Trung xây dựng đất nước đã viết thư mời ông giúp dân giúp nước về mặt văn hóa giáo dục, vì vậy tháng 8 năm 1971, Nguyễn Thiếp đã đang lên vua bản tấu này

-. Bố cục chia làm 3 phần:

+ Phần 1: Từ đầu đến “điều tệ hại ấy”: Mục đích của việc học

+ Phần 2: Tiếp đến “xin chớ bỏ qua”: Bàn luận về cách học

+ Phần 3: Còn lại: Tác dụng của việc học

– Nội dung:Bàn luận về phép học giúp ta hiểu mục đích của việc học là để làm người có đạo đức, có tri thức, góp phần làm hưng thịnh đất nước, chứ không phải để cầu danh lợi. Muốn học tốt phải có phương pháp, học cho rộng nhưng phải nắm cho gọn, đặc biệt, học phải đi đôi với hành.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Bàn luận về mục đích của việc học

– Khái quát mục đích của việc học: “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo” → chân lí học tập đúng đắn từ lâu đời.

– Chỉ bằng con đường học tập thì con người mới trưởng thành, là người có đạo đức.

– Học là một quá trình tất yếu, quy luật muôn đời.

– Phê phán lối học hình thức.

– Nêu lên hậu quả khôn lường của những lối học tiêu cực ấy.

⇒ Những lời bàn luận sâu sắc, nghiêm túc, xác đáng với tầm nhìn cao rộng, đầy tâm huyết với nước nhà.

2. Bàn luận về cách học đúng đắn.

– Phê phán những cách học sai lầm và nêu rõ mục đích tai hại của nó.

– Tác giả cũng đã trình bày quan điểm tích cực của mình về chủ trương phát triển sự học cho thật hiệu quả.

– Bên cạnh đó tác giả còn nêu lên chủ trương phát triển sự học sâu rộng khắp cả nước.

⇒ Về nội dung học, tác giả vẫn đi theo truyền thống cũ, không đưa ra điều gì mới mẻ mà chủ yếu là cải cách về phương pháp học.

3. Tác dụng của phép học.

– Mục đích học chân chính, cách học tích cực sẽ là cơ sở vững chắc cho đạo học, bồi dưỡng được nhân tài cho quốc gia

⇒ Tin tưởng rằng, học chân chính nhất đinh trường tồn và cũng gửi gắm niềm hi vọng về tương lai tốt đẹp của đất nước

III. Tổng kết:

1. Giá trị nội dung:

Bàn về phép học đã nêu lên mục đích chân chính của việc học học để trưởng thành, là người có đạo đức. Phương pháp học đúng đắn là phải bắt đầu từ những kiến thức cơ bản, có tính chất nền tảng, tuần tự tiến từ thấp lên cao, học rộng hiểu sâu, biết tóm lược những điều cơ bản, cốt yếu nhất. Bên cạnh đó học phải kết hợp với hành. Học không chỉ để biết mà còn để làm. Điều đó sẽ thúc đẩy đất nước nhiều nhân tài, chế độ vững mạnh, quốc gia hưng thịnh.

2. Giá trị nghệ thuật:

– Nghệ thuật:lập luận chặt chẽ, lí lẽ rõ ràng, ngôn ngữ giản dị, rõ ràng, ý tứ bộc lộ trực tiếp giàu sức thuyết phục.


Trả lời câu hỏi SGK.

Câu 1 (trang 78, SGK ): Phần đầu tác giả nêu khái quát mục đích chân chính của việc học. Mục đích đó là gì?

Trả lời:

– Phân tích đoạn mở đầu: nêu mục đích chân chính của việc học. Tác giả dùng câu châm ngôn vừa dễ hiểu, vừa tăng thêm sức mạnh thuyết phục.

– “Ngọc không mài không thành đồ vật, người không học không biết rõ đạo”. Khái niệm “học” được giải thích bằng hình ảnh so sánh cụ thể nên dễ hiểu. Khái niệm “đạo” vốn trừu tượng, phức tạp được giải thích thật ngắn gọn rõ ràng: “Đạo là lối đối xử hàng ngày giữa mọi người”. Như vậy mục đích chân chính của việc học là học để làm người.

Câu 2 (trang 78, SGK): Tác giả đã phê phán những lối học lệch lạc, sai trái nào? Tác hại của lối học ấy là gì?

Trả lời:

– Sau khi xác định mục đích của việc học, tác giả soi vào thực tế đương thời để phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trong việc học. Lối học này gây những tác hại lớn.

– Tác hại của lối học lệch lạc, sai trái đó là làm cho “chúa trọng nịnh thần” người trên, kẻ dưới đều thích sự chạy chọt, luồn cúi, không có thực chất, dẫn đến cảnh “nước mất, nhà tan”.

Câu 3 (trang 78, SGK): Để khuyến khích việc học, Nguyễn Thiếp khuyên vua Quang Trung thực hiện những chính sách gì?

Trả lời:

– Việc học phải được phổ biến rộng khắp: mở thêm trường, mở rộng thành phần người học, tạo điều kiện thuận lợi cho người đi học.

– Việc học phải bắt đầu từ những kiến thức cơ bản, có tính chất nền tảng. Phương pháp học học phải:

+ Tuần tự tiến lên, từ thấp đến cao

+ Học rộng, nghĩ sâu, biết tóm lược những điều cơ bản, cốt yếu nhất

+ Học phải biết kết hợp với hành. Học không phải chỉ đế biết mà còn để làm.i

Câu 4 (trang 78, SGK): Bài tấu có đoạn bàn về “phép học”, đó là những “phép học” nào? Tác dụng và ý nghĩa của những phép học ấy? Từ thực tế việc học của bản thân, em thấy phương pháp học tập nào là tốt nhất? Vì sao?

Trả lời:

Bài tấu bàn về “phép học” đó là những phép học:

– Từ đơn giản đến phức tạp: học bồi lấy gốc

– Từ thấp đến cao: tuần tự tiến lên Tứ thư Ngũ kinh, Chư sử

– Từ lý thuyết đến thực hành: học kết hợp với thực hành

⟶ Khi thực hiện theo phép học này người học mới có thể “lập công trạng”, lấy những điều học được mang lại cho đất nước sự “vững yên”, “thịnh trị” cho đất nước.

⟶ Từ việc học của bản thân, em thấy phương pháp học tốt nhất là học từ những thứ cơ bản, rồi tới những điều phức tạp. Học phải kết hợp với thực hành để việc học trở nên nhuần nhuyễn, có ích.

Câu 5 (trang 78, SGK): Xác định trình tự lập luận của đoạn văn bằng một sơ đồ.

Trả lời:

– Phần 1: Từ đầu đến “điều tệ hại ấy”: Mục đích của việc học

– Phần 2: Tiếp đến “xin chớ bỏ qua”: Bàn luận về cách học

– Phần 3: Còn lại: Tác dụng của việc học

Bài tập: Viết doạn văn làm rõ sự cần thiết và tác dụng của phương pháp “học đi đôi với hành”.

Trả lời:

Học là quá trình tiếp thu kiến thức và lý thuyết, lý luận. Hành là quá trình áp dụng lý thuyết học được vào thực tiễn đời sống và lao động. Phương pháp “học đi đôi với hành” chính là sự kết hợp hoàn hảo giữa nhận thức và hành động của con người, tạo ra tính thực tiễn, bổ sung lẫn nhau làm cho những điều chúng ta học trở nên có ý nghĩa và kết quả. Nếu chỉ học mà không thực hành sẽ sa vào lý thuyết suông, không thể nắm bắt được ý nghĩa sâu sắc với thực tiễn. Học đi đôi với hành thực sự cần thiết và hữu dụng với tất cả mọi người. Song trên thực tế nước ta, phương pháp này chưa được xem trọng, đó là nguyên nhân làm cho chất lượng giáo dục không được cải thiện. Vì thế cần xác định đúng đắn mục tiêu học tập, và thường xuyên áp dụng phương pháp “học đi đôi với hành” để việc học trở nên ý nghĩa.


Tham khảo:

Làm rõ mối quan hệ giữa học và hành qua “Bàn luận về phép học” (Luận học pháp) của Nguyễn Thiếp

Người xưa từng dạy: tuổi nhỏ không chăm lo học tập, khi lớn chẳng thể làm nên việc gì. Có thể thấy việc học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành bại của con người. Bác Hồ cũng đã từng nhắc nhở: Học phải đi đôi với hành. Nghĩa là học và hành phải là hai quá trình song song diễn ra ở con người. Bàn về điều này, Nguyễn Thiếp với bài viết Bàn luận về phép học đã xác định rất rõ ràng mối quan hệ giữa học và hành.

Học là quá trình tiếp thu kiến thức từ trong sách vở, trong đời sống thành tri thức, sự hiểu biết bên trong đầu óc của con người. Hành là quá trình vận dụng tri thức, sự hiểu biết ấy vào trong những công việc cụ thể nhằm nâng cao hiểu biết, kiện toàn kỹ năng và tạo ra những thành quả lao động thiết thực, hữu ích cho bản thân và cuộc sống.

Nguyễn Thiếp chỉ ra rằng: “Học rộng rồi tóm lược cho gọn, theo điều học mà làm”. Đó là cách học rất khoa học và đúng đắn. Chính những điều ta thực hành giúp kiểm tra, khẳng định hiểu biết của bản thân, từ đó hoàn thiện tri thức và kỹ năng của mình.

Nếu xuất phát từ mục đích học tập không đúng đắn, lành mạnh: học để cầu danh cầu lợi, bỏ qua quy trình học tập, nóng vội, hấp tấp thì việc học ấy quả thực rất nguy hại. Nếu học mà không hành thì có kiến thức nhưng không có kỹ năng. Những người học như thế chỉ biết nói suông chứ chẳng thể làm nên việc gì. Thậm chí, nếu thiếu kinh nghiệm thực tế mà khăng khăng tin vào điều mình biết, có thể sẽ dẫn tới sự phá hoại, gây tổn thất lớn. Nếu chỉ chăm lo thực hành công việc mà không chịu học, không chịu mở rộng hiểu biết thì có kinh nghiệm nhưng không có kiến thức, cũng không thể làm được điều gì lớn lao. Thậm chí, vì tin vào kinh nghiệm thực tiễn, thiếu hiểu biết mà cố chấp thì cũng có thể dẫn đến sự thất bại, gây tổn thất nặng nề đối với bản thân và xã hội.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Học phải đi đôi với hành. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy.Việc thực hành có tác dụng củng cố kiến thức, khắc sâu những điều đã học. Người có học mà không biết ứng dụng những điều đã học vào thực tế thì việc học ấy trở thành vô ích. Sau mỗi bài học lí thuyết là bài bài tập để củng cố, sau mỗi tiết thí nghiệm thực hành là kiến thức đã học được khắc sâu hơn. Nếu không có những tiết bài tập và thí nghiệm thì những điều chúng ta đã học sẽ trở thành mớ lý thuyết suông không có tác dụng gì. Những kiến thức đã học luôn có tác dụng định hướng, dẫn dắt để việc thực hành được tốt hơn. Người thực hành mà không có sự dẫn dắt của học vấn thì khó có hy vọng đạt được mục đích, chẳng khác gì một người đi trong bóng đêm mà không có ánh sáng của ngọn đuốc soi đường.

Trong học tập, học sinh muốn học tốt, đạt kết quả cao không những phải nắm vững bài học mà còn chăm chỉ luyện tập, rèn luyện kĩ năng làm bài thành thạo, xử lí các vấn đề, liên kết tri thức. Trong công việc, nếu ta chỉ làm theo thói quen, kinh nghiệm, vận dụng tri thức hạn hẹp mà không có lí thuyết soi sáng thì hiệu quả công việc không có, có thể dẫn đến sai lầm, gây ra thiệt hại lớn. Làm theo thói quen, kinh nghiệm, bí quyết truyền đời chỉ thích hợp với những công việc đơn giản, ít biến đổi, không cần nhiều đến trí tuệ. Ngày nay, nền khoa học kĩ thuật phát triển cao, lượng tri thức tăng nhanh đòi hỏi con người không những không ngừng học tập nâng cao tri thức thức, kiện toàn bản thân mà còn phải biết hợp tác, liên kết, thực hành thực tế nhiều lần để thành công trong công việc. Có làm được như vậy mới đáp ứng được yêu cầu của thời đại.

Nếu học tập có vai trò tích lũy tri thức thì thực hành sẽ hoàn chỉnh, khẳng định tri thức ấy. Người giỏi lí thuyết mà không biết vận dụng thực hành chỉ giỏi nói suông, khoe khoang, sáo rỗng, thường hay gặp trở ngại, thất bại trong cuộc sống. Người giàu có tri thức, học tập bài bản, thực hành kiện toàn kĩ năng thường khiêm tốn, cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc, dễ thành công hơn người khác. Mỗi sai lầm có thể sẽ phải trả giá bằng một sự nghiệp, đôi khi là cả tính mệnh, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến nhiều người khác. Bởi thế, để tránh thất bại, chúng ta cần phải biết kết hợp chặt chẽ học và hành.

Lấy việc học làm nhiệm vụ bồi dưỡng tri thức nền tảng. Lấy thực hành làm nhiệm vụ thực chứng, kiểm chứng lí thuyết, hoàn thiện bản thân hướng đến tính hiệu quả trong công việc. Dĩ nhiên, đó là một nhiệm vụ khó khăn, không dễ gì hoàn thành. Thế nhưng, nếu chúng ta biết nỗ lực, phấn đấu trong thời gian dài, không ngại vất vả, gian nan thì điều đó lại hết sức dễ dàng. Học và hành là hai mặt của một vấn đề. Không thể hành động một chiều mà có thể đem lại kết quả tốt đẹp. Bởi thế, không được xem nhẹ mặt nào.

Thực tế cho thấy ngày nay, phương châm học đi đôi với hành là hoàn toàn đúng. Những kiến thức mà chúng ta tiếp thu được từ nhà trường, sách vở… phải được áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để sáng tạo ra những thành quả vật chất, tinh thần phục vụ con người. Có một phương pháp học tập tốt và đúng đắn, kết hợp với những thao tác thực hành bài bản, chắc chắn kết quả học tập sẽ được nâng cao.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang