»» Nội dung bài viết:
Đọc – hiểu văn bản:
Nói với con
(Y Phương)
I. Tìm hiểu chung.
1. Tác giả: Y Phương.
– Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày.
– Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi.
2. Tác phẩm:
– Hoàn cảnh sáng tác:
– Bài thơ ra đời vào năm 1980 – khi đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân cả nước nói chung, nhân dân các dân tộc thiểu số ở miền núi nói riêng vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
– Nhà thơ tâm sự: “Đó là thời điểm đất nước ta gặp vô vàn khó khăn… Bài thơ là lời tâm sự của tôi với đứa con gái đầu lòng. Tâm sự với con, còn là tâm sự với chính mình. Nguyên do thì nhiều, nhưng lí do lớn nhất để bài thơ ra đời chính là lúc tôi dường như không biết lấy gì để vịn, để tin. Cả xã hội lúc bấy giờ đang hối hả, gấp gáp kiếm tìm tiền bạc. Muốn sống đàng hoàng như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hóa. Phải tin vào những giá trị tích cực, vĩnh cửu của văn hóa. Chính vì thế, qua bài thơ ấy, tôi muốn nói rằng chúng ta phải vượt qua sự ngặt nghèo,đói khổ bằng văn hóa”.
-⇒ Từ hiện thức khó khăn ấy, nhà thơ viết bài thơ này để tâm sự với chính mình, động viên mình, đồng thời để nhắc nhở con cái sau này.
b. Bố cục: 2 phần
– Phần 1: Từ đầu đến “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”: Người cha nói với con cội nguồn sinh dưỡng: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự nâng đỡ của cha mẹ, trong cuộc sống lao động nên thơ của quê hương.
– Phần 2: Còn lại: Đức tính tốt đẹp của người đồng mình. Người cha bộc lộ lòng tự hào về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ, về truyền thống cao đẹp của quê hương và mong ước con hãy kế tục xứng đáng truyền thống ấy.
⇒ Bố cục chặt chẽ, lớp lang, đi từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi mà nâng lên thành lẽ sống.
II. Đọc – hiểu văn bản:
1. Cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người (đoạn thơ 1).
– Đến với bài thơ, ta thấy điều đầu tiên Y Phương muốn nóivới con chính là cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người – tình yêu thương vô bờ bến mà cha mẹ dành cho con – tình gia đình:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười.
+ Nhịp thơ 2/3, cấu trúc đối xứng, nhiều từ được láy lại, tạo ra một âm điệu tươi vui, quấn quýt: “chân phải” – “chân trái”, rồi “một bước” – “hai bước”, rồi lại “tiếng nói” – “tiếng cười”….
+ Bằng những hình ảnh cụ thể, giàu chất thơ kết hợp với nét độc đáo trong tư duy, cách diễn đạt của người miền núi, bốn câu thơ mở ra khung cảnh một gia đình ấm cúng, đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng nói cười.
+ Lời thơ gợi vẽ ra trước mắt người đọc hình ảnh em bé đang chập chững tập đi, đang bi bô tập nói, lúc thì sa vào lòng mẹ, lúc thì níu lấy tay cha.
+ Ta có thể hình dung được gương mặt tràn ngập tình yêu thương, ánh mắt long lanh rạng rỡ cùng với vòng tay dang rộng của cha mẹ đưa ra đón đứa con vào lòng.
+ Từng câu, từng chữ đều toát lên niềm tự hào và hạnh phúc tràn đầy. Cả ngôi nhà như rung lên trong “tiếng nói”, “tiếng cười” của cha, của mẹ.Mỗi bước con đi, mỗi tiếng con cười đều được cha mẹ đón nhận, chăm chút mừng vui. Trong tình yêu thương, trong sự nâng niu của cha mẹ, con lớn khôn từng ngày.
⇒ Tình cha mẹ – con cái thiêng liêng, sâu kín, mối dây ràng buộc, gắn kết gia đình bền chặt đã được hình thành từ những giây phút hạnh phúc bình dị, đáng nhớ ấy. Lời thơ ngay từ đầu đã chạm đến sợi dây tình cảm gia đình sâu kín của mỗi con người nên tạo được sự đồng cảm, rung động sâu sắc đến độc giả.
– Cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người được Y Phương nói đến không chỉ là gia đình mà còn là quê hương, là thiên nhiên tươi đẹp và thấm đượm nghĩa tình. Như bầu sữa tinh thần thứ hai, quê hương với cuộc sống lao động, với thiên nhiên tươi đẹp, tình nghĩa đã nuôi dưỡng, sẻ chia giúp cho con trưởng thành. Đó là:
“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát”
+ Quê hương hiện ra qua hình ảnh của người đồng mình. Nói với con về những “người đồng mình”, nhà thơ như đang giới thiệu ân cần đây là những người bản mình, người vùng mình, người dân quê mình gần gũi, thân thương ⇒ Cách gọi như thế, cùng với hô ngữ “con ơi” khiến lời thơ trở nên tha thiết, trìu mến.
+ Người đồng mình là những con người đáng yêu, đáng quý: “Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát”. Cuộc sống lao động cần cù và tươi vui của họ được gợi ra qua những hình ảnh thật đẹp! Những nan nứa, nan tre dưới bàn tay tài hoa của người quê mình đã trở thành “nan hoa”. Vách nhà không chỉ ken bằng tre, gỗ mà còn được ken bằng những câu hát si, hát lượn.
+ Các động từ “cài”, “ken” vừa miêu tả chính xác động tác khéo léo trong lao động vừa gợi sự gắn bó, quấn quýt của những con người quê hương trong cuộc sống lao động.
→ Cái “yêu lắm” của “người đồng mình” là gì nếu không phải là cốt cách tài hoa, là tinh thần vui sống? Phải chăng, ẩn chứa bên trong cái dáng vẻ thô mộc là một tâm hồn phong phú, lãng mạn biết bao?
+ Quê hương với những con người tài hoa, tâm hồn lãng mạn, cũng là quê hương với thiên nhiên thơ mộng, nghĩa tình:
“Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”.
Nếu như hình dung về một vùng núi cụ thể, chắc hẳn mỗi người có thể gắn nó với những hình ảnh khác cách nói của Y Phương: là thác lũ, là bạt ngàn cây hay rộn rã tiếng chim thú hoặc cả những âm thanh “gió gào ngàn, giọng nguồn thét núi”, những bí mật của rừng thiêng….. Nhưng Y Phương chỉ chọn một hình ảnh thôi, hình ảnh “hoa” để nói về cảnh quan của rừng. Những hình ảnh ấy có sức gợi rất lớn, gợi về những gì đẹp đẽ và tinh tuý nhất. Hoa trong “Nói với con” có thể là hoa thực – như một đặc điểm của rừng – và khi đặt trong mạch của bài thơ, hình ảnh này là một tín hiệu thẩm mĩ góp phần diễn đạt điều tác giả đang muốn khái quát: chính những gì đẹp đẽ của quê hương đã hun đúc nên tâm hồn cao đẹp của con người ở đó.
Quê hương còn hiện diện trong những gì gần gũi, thân thương. Đó cũng chính là một nguồn mạch yêu thương vẫn tha thiết chảy trong tâm hồn mỗi người, bởi “con đường cho những tấm lòng”. Điệp từ “cho” mang nặng nghĩa tình. Thiên nhiên đem đến cho con người những thứ cần để lớn, dành tặng cho con người những gì đẹp đẽ nhất. Thiên nhiên đã che chở, nuôi dưỡng con người cả về tâm hồn và lối sống.
⇒ Bằng cách nhân hoá “rừng” và “con đường” qua điệp từ“cho”, người đọc có thể nhận ra lối sống tình nghĩa của “người đồng mình”. Quê hương ấy chính là cái nôi để đưa con vào cuộc sống êm đềm.
– Sung sướng ôm con thơ vào lòng, người cha nói với con về kỉ niệm có tính chất khởi đầu cho hạnh phúc gia đình:
“Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.
– Mạch thơ có sự đan xen, mở rộng: từ tình cảm gia đình mà nói tới quê hương.
– Đoạn thơ vừa là một lời tâm tình ấm áp, vừa là một lời dặn dò đầy tin cậy của người cha trao gửi tới con.
⇒ Bằng những hình ảnh thơ đẹp, giản dị bằng cách nói cụ thể, độc đáo mà gần gũi của người miền núi, người cha muốn nói với con rằng: vòng tay yêu thương của cha mẹ, gia đình, nghĩa tình sâu nặng của quê hương làng bản – đó là cái nôi đã nuôi con khôn lớn,là cội nguồn sinh dưỡng của con. Con hãy khắc ghi điều đó.
2. Phẩm chất tốt đẹp, đáng quý của người đồng mình.
– Trong cái ngọt ngào của kỉ niệm về gia đình và quê hương,người cha đã tha thiết nói với con về những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình.
a. Người đồng mình biết lo toan và giàu mơ ước (Giàu ý chí, nghị lực).
– Người đồng mình không chỉ là những con người giản dị, tài hoa trong cuộc sống lao động mà còn là những con người biết lo toan và giàu mơ ước:
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn”
+ Nếu trên kia “yêu lắm con ơi” – yêu cuộc sống vui tươi bình dị, yêu bản làng thơ mộng, yêu những tấm lòng chân thật nghĩa tình, thì đến đây người cha nói “thương lắm con ơi”– bởi sau từ “thương” đó là những những nỗi vất vả, gian khó của con người quê hương → Người cha biểu lộ tình cảm yêu thương chân thành về gian truân, thử thách cùng ý chí mà người đồng mình đã trải qua.
+ Bằng cách tư duy độc đáo của người miền núi, Y Phương đã lấy cái cao vời vợi của trời để đo nỗi buồn, lấy cái xa của đất để đo ý chí con người.
+ Sắp xếp tính từ “cao”, “xa” trong sự tăng tiến, nhà thơ cho thấy khó khăn, thử thách càng lớn thì ý chí con người càng mạnh mẽ.
⇒ Có thể nói, cuộc sống của người đồng mình còn nhiều nỗi buồn, còn nhiều bộn bề thiếu thốn song họ sẽ vượt qua tất cả, bởi họ có ý chí và nghị lực, họ luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc.
b. Người đồng mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương, cội nguồn.
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.
+ Phép liệt kê với những hỉnh ảnh ẩn dụ “đá gập ghềnh”, “thung nghèo đói” → gợi cuộc sống đói nghèo, khó khăn, cực nhọc.
+ Vận dụng thành ngữ dân gian “Lên thác xuống ghềnh”, ý thơ gợi bao nỗi vất vả, lam lũ.
⇒ Những câu thơ dài ngắn, cùng những thanh trắc tạo ấn tượng về cuộc sống trắc trở, gian nan, đói nghèo của quê hương.
+ Điệp ngữ “sống”, “không chê” và điệp cấu trúc câu cùng hình ảnh đối xứng đã nhấn mạnh: người đồng mình có thể nghèo nàn, thiếu thốn về vật chất nhưng họ không thiếu ý chí và quyết tâm. Người đồng mình chấp nhận và thủy chung gắn bó cùng quê hương, dẫu quê hương có đói nghèo, vất vả. Và phải chăng, chính cuộc sống nhọc nhằn, đầy vất vả khổ đau ấy đã tôi luyện cho chí lớn để rồi tình yêu quê hương sẽ tạo nên sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả.
+ Phép so sánh “Sống như sông như suối” gợi vẻ đẹp tâm hồn và ý chí của người đồng mình. Gian khó là thế, họ vẫn tràn đầy sinh lực, tâm hồn lãng mạn, khoáng đạt như hình ảnh đại ngàn của sông núi. Tình cảm của họ trong trẻo, dạt dào như dòng suối, con sống trước niềm tin yêu cuộc sống, tin yêu con người.
c. Người đồng mình có ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc.
– Phẩm chất của người của con người quê hương còn được người cha ca ngợi qua cách nói đối lập tương phản giữa hình thức bên ngoài và giá trị tinh thần bên trong, nhưng rất đúng với người miền núi:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”
+ Lời thơ mộc mạc, giản dị nhưng chứa bao tâm tình.
+ Cụm từ “thô sơ da thịt” là cách nói bằng hình ảnh cụ thể của bà con dân tộc Tày, ngợi ca những con người mộc mạc, giản dị, chất phác, thật thà, chịu thương, chịu khó.
+ Cụm từ “chẳng nhỏ bé” khẳng định sự lớn lao của ý chí, của nghị lực, cốt cách và niềm tin.
⇒ Sự tương phản này đã tôn lên tầm vóc của người đồng mình. Họ mộc mạc nhưng giàu chí khí, niềm tin. Họ có thể “thô sơ da thịt” nhưng không hề nhỏ bé về tâm hồn, về ý chí, về mong ước xây dựng quê hương:
“Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”
+ Lối nói đậm ngôn ngữ dân tộc – độc đáo mà vẫn chứa đựng ý vị sâu xa.
+ Hình ảnh “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương” vừa mang tính tả thực (chỉ truyền thống làm nhà kê đá cho cao của người miền núi), vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc.
+ Người đồng mình bằng chính bàn tay và khối óc, bằng sức lao động đã xây dựng và làm đẹp giàu cho quê hương, xây dựng để nâng tầm quê hương.
+ Còn quê hương là điểm tựa tinh thần với phong tục tập quán nâng đỡ những con người có chí khí và niềm tin.
⇒ Câu thơ đã khái quát về tinh thần tự tôn dân tộc, về ý thức bảo vệ nguồn cội, bảo tồn những truyền thống quê hương tốt đẹp của người đồng mình.
– Khép lại đoạn thơ bằng âm hưởng của một lời nhắn nhủ trìu mến với biết bao niềm tin hi vọng của người cha đặt vào đứa con yêu:
“Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.
+ Ý thơ “Tuy thô sơ da thịt” và “không bao giờ nhỏ bé” được lặp lại với bốn câu thơ trước đó càng trở nên da diết, khắc sâu trong lòng con về những phẩm chất cao đẹp của “người đồng mình”. Nhưng hai tiếng “Lên đường” cho thấy người con đã lớn khôn và tạm biệt gia đình – quê hương để bước vào một trang đời mới.
+ Trong hành trang của người con mang theo khi “lên đường”có một thứ quí giá hơn mọi thứ trên đời, đó là ý chí, nghị lực, truyền thống quê hương. Lời dặn của cha thật mộc mạc, dễ hiểu, thấm thía, ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao của cha, hi vọng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống và làm vẻ vang quê hương.
+ Hai tiếng “Nghe con” lắng đọng bao cảm xúc, ẩn chứa tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con. Câu thơ còn gợi ra một cảnh tượng cảm động đang diễn ra lúc chia li: cha hiền từ âu yếm nhìn con, xoa đầu con và người con ngoan ngoãn cúi đầu lắng nghe lời cha dặn.
– Ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình, cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, phải giữ đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ bao đời để lại. Hơn nữa, con phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình.
– Người cha muốn con hiểu và cảm thông với cuộc sống khó khăn của quê hương, tự hào về truyền thống quê hương, tự hào về dân tộc để vững bước trên con đường đời, để tự tin trong cuộc sống.
– Người cha trong bài thơ của Y Phương đã vun đắp cho con một hành trang quí vào đời. Nếu mẹ là bông hoa cho con cài lên ngực thì cha là cánh chim cho con bay thật xa. Nếu mẹ cho con những lời ngọt ngào yêu thương vỗ về thì cha cho con tinh thần ý chí nghị lực, ước mơ khát vọng, lối sống cao đẹp.
– Giọng thơ thiết tha, trìu mến nhưng lại trang nghiêm. Các hình ảnh thơ cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ.
⇒ Đoạn thơ chứa chan ý nghĩa, mộc mạc, đằm thắm mà sâu sắc. Nó tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang. Lời thơ tâm tình của người cha sẽ là hành trang đi theo con suốt cuộc đời và có lẽ mãi mãi là bài học bổ ích cho các bạn trẻ – bài học về niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên.
III. Tổng kết.
1. Nội dung:
– Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi , gợi nhắc tình cảm gắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
– Với bài thơ “Nói với con”, Y Phương không chỉ sắp xếp hành trang cho riêng đứa con yêu quí của mình, mà cũng là hành trang ông muốn trao gửi cho tất cả những ai đang bước đi trên đường đời.
2. Nghệ thuật:
– Thể thơ tự do linh hoạt, uyển chuyển.
– Lời thơ giản dị, hình ảnh vừa cụ thể vừa mang ý nghĩa biểu tượng, giàu sắc thái biểu đạt và biểu cảm.
– Cách nói giàu bản sắc của người miền núi tạo nên một giọng điệu riêng cho lời tâm tình mộc mạc mà sâu sắc của người cha đối với đứa con.
* Trả lời câu hỏi SGK:
Câu 1 (trang 73 SGK Ngữ văn 9, tập 2): Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh dưỡng mỗi con người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quê hương mình. Bố cục của bài thơ đã thể hiện ý tưởng đó như thế nào?
Trả lời:
Mượn lời nói với con, nhà thơ gợi về cội nguồn sinh trưởng của mỗi người, gợi về sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của quẽ hương mình. Bài thơ được bố cục thành hai đoạn:
– Đoạn 1: (từ đầu đến câu “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời. Con lớn lên trong tình yêu thương, sự đùm bọc, nâng đỡ của cha mẹ trong cuộc sống lao động tươi đẹp cùa quê hương.
– Đoạn 2: (phẩn còn lại) Tự hào với sức sông mạnh mẽ, bền bĩ, với truyền thống cao đẹp của quê hương, ước mong con sẽ kế tục xứng đáng.
Đúng là bài thơ đã khởi đầu từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra tình cảm quê hương từ những kỉ niệm nhỏ bé, gần gũi thiết tha lên lẽ sống cao đẹp. Bài thơ bộc lộ cảm xúc, chủ đề dẫn dắt ý tưởng một cách tự nhiên có tầm khái quát mà vẫn sâu xa thám thía.
Câu 2 (trang 73 SGK Ngữ văn 9, tập 2): Con được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, trong sự đùm bọc của quê hương. Hãy tìm và phân tích các câu thơ nói lên điều ấy.
Trả lời:
Đoạn đầu bài thơ là tình yêu thương của cha mẹ và sự đùm bọc che chở của quê hương đối với con.
– Bốn câu thơ đầu là những hình ảnh hết sức cụ thể của một không khí gia đình đầm ấm và quấn quýt:
“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười’’
– Con trẻ đã lớn lên từng ngày trong tình yêu thương, trong sự mong chờ nâng đón của bậc sinh thành. Từng bước đi là từng tiếng nói tiêng cười được mẹ cha nâng niu, chăm chút, mừng vui đón nhận từng ngày.
– Không chỉ có tình yêu thương sự che chở đỡ nâng của cha mẹ, con trẻ còn trưởng thành trong cuộc sống lao động, trong thiên nhiên tươi đẹp và thấm đượm nghĩa tình của quê hương ruột thịt:
“Người đồng mình yêu lắm con ơi!
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con dường cho những tấm lòng…”
– Những hình ảnh tươi đẹp “Đan lờ cài nan hoa, Vách nhà ken câu hát” gợi lên cuộc sống lao động cần cù vui tươi của “người đồng mình”. Các động từ cài, ken, không chỉ miêu tả cụ thể mà còn cho thấy một cách sinh động tình cảm gắn bó, quấn quýt. Ngay cả rừng núi của quê hương tự bao đời rồi vẫn thơ mộng và trữ tình đã che chở, dưỡng nuôi con người cả về tâm hồn, về lối sống “Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng” là như thế.
Câu 3 (trang 73 SGK Ngữ văn 9, tập 2): Người cha nói với con về những đức tính cao đẹp gì của người “đồng mình”, từ đó nhắc nhở con trên đường đời cần phải như thế nào?
Trả lời:
Đoạn còn lại của bài thơ: qua việc ca ngợi những đức tính cao đẹp của “người đồng mình”, tác giả dặn dò mong ước con minh sẽ kế tục phát huy một cách xứng đáng với truyền thống cao đẹp đó của quê hương.
– Những đức tính cao đẹp đó là gì?
“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao do nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thưng nghèo đói.
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”
– “Người đồng mình” đó! Những con người sống quanh năm vất vả mà mạnh mẽ và khoáng đật biết bao nhiêu, những con người ấy luôn gắn bó với quê hương dẫu còn cực nhọc, đói nghèo.
– Qua những đức tính vừa nói của “người đồng mình”, tác giả mong muốn con mình phải một lòng chung thủy với quê hương, sẵn sàng chấp nhận gian nan thử thách để vượt qua chúng bằng ý chí, bằng niềm tin của mình.
“Người đồng mình” còn đức tính gì nữa?
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người dồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được Nghe con”
– Tuy mộc mạc nhưng rất giàu chí khí, niềm tin, “người đồng mình” dù “thô sơ da thịt” nhưng nhất định không nhỏ bé về tâm hồn, về quyết tâm và mơ ước xây dựng quê hương. Chính họ đã làm nên truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp tự bao đời, đã “tự đục đá kê cao quê hương”, còn quê hương thì làm phong tục. Qua các đức tính ấy của người đồng mình” người cha dặn dò con hãy biết tự hào với truyền thông quẽ hương để tự tin vững bước trên đường đi tới.
Câu 4 (trang 73 SGK Ngữ văn 9, tập 2): Em cảm nhận như thế nào về tình cảm người cha đối với con trong bài thơ? Điều lớn lao nhất mà người cha muốn truyền cho con qua những lời này là gì?
Trả lời:
Tình cảm của người cha đối với con trong bài thơ này thật yêu thương, trìu mến, thiết tha và tin tưởng. Điều lớn lao nhất mà người cha truyền tới được cho con là niềm tự hào với sức sống mạnh mẽ bển bỉ, với truyền thông cao đẹp của quẽ hương và niềm tin vững bước vào đời.
Câu 5 (trang 73 SGK Ngữ văn 9, tập 2): Nhận xét về cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ. (Gợi ý: Người miền núi thường có cách nói giàu hình ảnh, cụ thể, mộc mạc mà có tính khái quát, giàu chất thơ. Chẳng hạn bốn dòng thơ đầu bài hay các câu: “Đan lờ cài nan hoa – Vách nhà ken câu hát”, “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”…)
Trả lời:
Cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh của nhà thơ thật đặc sắc và độc đáo. Các hình ảnh vừa cụ thể vừa có tính khái quát tuy mộc mạc, bình dị mà vẫn giàu chất thơ.
– Lòng biết ơn của bản thân đối với gia đình và sự chở che của mảnh đất quê hương đã sinh thành, nuôi lớn em.
– Niềm tự hào sâu sắc với những truyền thống tốt đẹp của quê hương: chăm chỉ, cần cù, vượt lên mọi gian khổ, giàu sức sống.
– Suy nghĩ về bài học mà cha nói với con: phải luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, khắc phục những khó khăn, không được nản lòng, nhụt chí.
– Tự nhủ sẽ luôn cố gắng để không phụ lòng gia đình và quê hương.
* Tài liệu đọc thêm:
- Cảm nhận ý nghĩa bài thơ Nói với con của Y Phương
- Cảm nhận vẻ đẹp tình cha con qua bài thơ Nói với con của Y Phương.
- So sánh vẻ đẹp tình cảm cha con trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang và Nói với con của Y Phương
- Từ ý thơ Nói với con của Y Phương, hãy suy nghĩ về cách thể hiện tình yêu quê hương của mỗi con người.