Suy nghĩ “Chỉ có kẻ ngốc mới thấy mình tài giỏi”
- Mở bài:
Kiến thức nhân loại, kiến thức cuộc sống là vô tận. Nó được ví như đại dương sâu thẳm không bờ bến. Ấy vậy mà có những người luôn hài lòng với độ sâu kiến thức của mình. Có ý kiến cho rằng: “Chỉ có kẻ ngốc mới thấy mình tài giỏi” phần nào đã cho ta thấy được vấn đề.
- Thân bài:
Ngốc nghếch, ngu ngốc là những từ ngữ để nói đến người giảm sút về trí tuệ, nhận thức. Khi con người ta có hành động không mấy bình thường, luôn suy nghĩ và có việc làm kì quặc thì người xung quanh sẽ nhìn chúng ta với thái độ tiêu cực, thậm chí là chê cười. Nhưng cuộc sống muôn hình vạn trạng, có khi, sự ngu ngốc người đó tỏ ra chỉ là “tấm khiêng” che đậy sự thật.
Trái ngược với ngu ngốc, con người còn sở hữu trí thông minh, lanh lẹ. Điều này cho phép chúng ta suy nghĩ, nhận thức để đi đến những hành động đúng đắn trong cuộc sống. Trí khôn của con người không vĩnh hằng, vô tận mà phải trải qua bao thăng trầm, được rèn dũa theo thời gian. Như ai đó đã từng nói: “Ngay cả một người thông minh nhất cũng có thể rất nhanh chóng trở thành bò, nếu như ngày qua ngày anh ta chẳng nhìn thấy gì hết ngoài những con bò xung quanh mình.”
Kho tàng kiến thức mênh mông, mỗi giây trôi qua là nhân loại có thêm bao điều mới. “Chỉ có kẻ ngốc mới thấy mình tài giỏi” chính là nói những kẻ luôn hài lòng với những điều mình tiếp thu được, mà không hề biết họ đang tự chôn vùi trong sự mãn nguyện của chính mình, không ai công nhận.
Những người như vậy luôn ỷ mình biết nhiều, cho rằng bản thân thông thái với tri thức của nhân loại. Họ ít khi nghĩ tới việc lấp đầy lỗ hổng kiến thức vì suy nghĩ “mình tài giỏi” đã chiếm hết bộ não của họ. Càng nhiều người như vậy thì khái niệm “Ếch ngồi đáy giếng” càng được làm rõ và lan tỏa khắp nơi, nguy hại cho chính họ và xã hội. Điển hình trong đời sống hằng ngày, chúng ta có thể bắt gặp nhiều trường hợp như là học sinh ỷ y rằng mình biết, hiểu đủ kiến thức nên không ôn bài trước khi thi, kết quả là điểm thấp, không như mong muốn; hoặc như nhiều bác sĩ tự tin với năng lực của mình, luôn cho mình là đúng nên đã hại biết bao bệnh nhân.
Xuất phát từ việc thiếu cập nhật thông tin nên họ bị giật lùi so với xã hội. Có người cả đời không nhận ra bản thân khiếm khuyết mà luôn hiên ngang ra vẻ ta đây giỏi giang, để rồi nhận lại bao điều chê cười.
Tại sao người ngu ngốc lại cho mình là tài giỏi? Ở đây chúng ta có hai vấn đề: một là kẻ ngốc thật sự và hai là người ẩn mình dưới lớp kẻ ngốc. Trước hết, không có ai ban đầu đã ngốc, chẳng qua là họ không biết kiến thức mênh mông chừng nào. Như Anita Joachim-Daniel từng nói: “Ngu ngốc không phải là do thiếu kiến thức, không phải là do không muốn học mà do tin rằng đã biết hết tất cả.” Vì nhận thức kém cỏi nên họ luôn tự tin với vốn hiểu biết mình có, họ không có bất kì kế hoạch nào cho việc tiếp tục tôi rèn.
Cuộc sống là chuỗi ngày biến hóa không ngừng nghỉ, thông tin mới liên tục được cập nhật, người suốt ngày chỉ biết quanh quẩn với sự tự mãn, rất khó có thể hòa nhập với xã hội mới, cuộc sống mới. Nhưng, tránh nhầm lẫn và vội vàng xếp những người có bên ngoài ngu ngốc vào nhóm thiếu nhận thức, hiểu biết. Cuộc sống là cánh cửa kính muôn màu muôn mặt, biết đâu chừng đó chỉ là vỏ bọc của họ.
Đôi khi, người thông minh, tài giỏi luôn tỏ ra mình biết ít, kiến thức nông cạn và sự ngu ngốc chính là cái bảo vệ họ. Hai điều hoàn toàn trái ngược: người ngu ngốc luôn tin rằng mình tài giỏi và người tài giỏi luôn tỏ ra bản thân ngu ngốc đã làm cuộc sống thêm phần đáng sống, đáng tìm hiểu.
Người nghĩ mình tài giỏi nhưng thật ra không phải vậy thì thật tiêu cực, đáng lo. Đầu tiên là có hại cho bản thân, tiếp theo sẽ không giúp được đất nước, xã hội. Chưa kể kẻ như vậy vô cùng “gai mắt” những người xung quanh, quá tự cao sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường. Trong xã hội ngày càng phát triển, với vốn kiến thức ít ỏi và cũ kỉ sẽ không giúp ích được cho nước nhà. Nếu không muốn trở thành gánh nặng thì phải biết vươn lên, ham học hỏi để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân.
Trong xã hội ngày nay, có những người luôn ý thức phát triển bản thân, không hài lòng với vốn hiểu biết của mình, dù kiến thức nhiều và khó nhưng không cách nào làm khó họ. Tích cực là vậy nhưng cuộc sống khó tránh khỏi những trường hợp tiêu cực. Có nhiều cá nhân luôn cảm thấy bản thân đã quá tài giỏi với tri thức, thông tin của nhân loại, không cần nghiên cứu thêm. Thật đáng buồn! Họ nên học hỏi, tích cực tìm tòi, nghiên cứu phát triển bản thân để có thể dễ dàng hòa nhập với xã hội và phát triển chính mình. Không nên nghĩ học nhiêu đó đã đủ, vì kiến thức là vô hạn, đừng tự chôn vùi mình khi mọi người đang tiến lên.
- Kết bài:
Nếu muốn thành công, bạn không nên nghĩ mình tài giỏi mà phải luôn ra sức học hỏi. Câu nói: “Chỉ có kẻ ngốc mới thấy mình tài giỏi” thật đúng. Chúng ta có thể xem đó là câu châm ngôn để nhắc nhở bản thân mình. Đừng tự chôn vùi mình khi mọi người đang từng bước tiến lên.