bai-3-nuoc-bien-dang-bai-toan-kho-can-giai-quyet-trong-the-ki-xxi-theo-luu-quang-hung-ngu-van-8-canh-dieu

Soạn bài: Nước biển dâng: bài toán khó cần giải quyết trong thế kỉ XXI (Theo Lưu Quang Hưng) (Bài 3, Ngữ văn 8, tập 1, Cánh Diều)

Đọc hiểu văn bản:

Nước biển dâng: bài toán khó cần giải quyết trong thế kỉ XXI
(Theo Lưu Quang Hưng)

* Nội dung chính: Văn bản nói về sự ảnh hưởng của hiện tượng nước biển dâng đến cuộc sống con người là bài toán khó cần giải quyết trong thế kỉ XXI.

I. Chuẩn bị.

– Đọc trước văn bản Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI; tìm hiểu thêm thông tin về hiện tượng Trái Đất nóng lên, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

– Thu thập những hình ảnh hoặc video clip cho bài thuyết trình về tác hại do nước biển dâng.

Trả lời:

– Một số thông tin thêm về hiện tượng Trái Đất nóng lên, biến đổi khí hậu và nước biển dâng:

+ Thời tiết thay đổi, ngày càng trở nên khắc nghiệt là minh chứng rõ rất của hiện tượng trái đất nóng lên. Toàn thế giới đang phải đối mặt, chống chọi với các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt, khô hạn, nắng nóng và bão tuyết. Trên thực tế, chúng ta đã và đang phải đón nhận những mùa mưa dữ dội hơn vào mùa hè, bão tuyết khủng khiếp hơn vào mùa đông và động đất, nắng nóng, khô hạn thường xuyên xảy ra và kéo dài.

+ Theo thống kê, mực nước biển đang dâng với tốc độ trung bình là 1,8 mm/ năm trong một thế kỷ qua. Từ năm 1993 đến năm 2000, mực nước biển đã dâng vào khoảng 2,9 – 3,4 ± 0,4 – 0,6 mm/ năm. Hiện tượng nước biển tăng cao chủ yếu là do sự giãn nở của nhiệt, bầu không khí nóng lên khiến băng tan chảy. Khi băng tan, một lượng nước lớn sẽ đổ vào đại dương và làm nhấn chìm một số hòn đảo, vùng đất đã tồn tại hàng trăm năm. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra, các hòn đảo, vùng đất có thể sẽ không còn có mặt trên bản đồ.

– Một số hình ảnh hoặc video clip cho bài thuyết trình về tác hại do nước biển dâng:

II. Đọc hiểu.

1. Trả lời câu hỏi đầu bài.

Câu 1. Nội dung của sa pô giúp em hiểu được gì?

Trả lời:

– Nội dung của sa pô giúp em có thể hình dung, nắm bắt được vấn đề trọng tâm của văn bản nói tới.

Câu 2. Chú ý các đề mục in đậm.

Trả lời:

– Các đề mục in đậm: giúp người đọc nắm bắt được thông tin chính của văn bản.

Câu 3. Các số liệu có vai trò gì?

Trả lời:

– Các số liệu được đưa vào trong văn bản giúp cho văn bản tăng tính xác thực, giúp người đọc hình dung rõ nét hơn về tình trạng nghiêm trọng của hiện tượng nước biển dâng sẽ tác động mạnh mẽ như thế nào tới cuộc sống con người.

Câu 4. Thủy triều ảnh hưởng đến mực nước biển thế nào?

Trả lời:

– Thủy triều ảnh hưởng tới mực nước biển: do thủy triều là yếu tố có dao động lớn và thường xuyên nhất đến sự thay đổi của mực nước biển. Dao động thủy triều được hình thành do lực hút của Mặt Trăng và Mặt Trời tác động lên Trái Đất, làm khối lượng chất lỏng trên bề mặt biển và đại dương biến đổi.

Câu 5. Sự khác nhau của hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu và do các nguyên nhân khác là gì?

Trả lời:

– Sự khác nhau của hiện tượng nước biển dâng do biến đổi khí hậu và do các nguyên nhân khác:

+ Do biến đổi khí hậu: diễn ra âm thầm, sự dâng lên thường rất nhỏ, chỉ vài mi-li-mét mỗi năm. Vì vậy, rất khó nhận biết trực tiếp bằng mắt thường mà không có các đo đạc và quan trắc. Lượng nước biển dâng tăng lên là vĩnh viễn và không đảo ngược được.

+ Do các nguyên nhân khác: do tính chất thay đổi theo mùa của gió, dòng chảy và tác động của các thành phần có chu kì dài của thủy triều. Dao động của thủy triều, gió hay do bão diễn ra đều đặn hàng năm nên không có sự thay đổi đáng kể.

Câu 6. Chú ý câu hỏi nêu vấn đề.

Trả lời:

– Câu hỏi nêu chủ đề: sự liên quan, tác động qua lại của việc biến đổi khí hậu với nước biển dâng.

Câu 7. Tìm hiểu và ghi ra các thông tin đọc được từ hình 1.

Trả lời:

– Mực nước biển từ năm 1880 đến năm 2000 đã dâng lên đến hơn 0,2 mét (tương đương với 20 xăng-ti-mét)

Câu 8. Điểm khác biệt của nước biển dâng trong những năm gần đây là gì?

Trả lời:

– Điểm khác biệt của nước biển dâng trong những năm gần đây: giai đoạn dâng không đều nhau. Có giai đoạn nước biển dâng chững lại, nhưng ngay sau đó lại tăng lên với tốc độ nhanh hơn. Trong những năm gần đây, mức tăng trung bình khoảng 3 mi-li-mét mỗi năm và việc tăng này có gia tốc, mức tăng của năm sau cao hơn hơn năm trước.

Câu 9. Nội dung chính của đoạn Lời kết là gì?

Trả lời:

– Nội dung chính của đoạn Lời kết: tóm gọn lại những thông tin chính trong văn bản, đồng thời chỉ ra mối đe dọa trong tương lai của hiện tượng nước biển dâng khi con người đang trong thời kì cách mạng công nghiệp hóa.

Câu 10. Câu cuối đoạn Lời kết liên quan gì đến nhan đề văn bản?

Trả lời:

– Câu cuối đoạn Lời kết nhằm khẳng định, nhấn mạnh lần nữa rằng việc giải quyết bài toán nước biển dâng là vô cùng khó khăn, gian nan.

2. Trả lời câu hỏi cuối bài.

Câu 1. Nhan đề Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI đã nêu được nội dung chính nào của văn bản?

Trả lời:

– Nhan đề Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI đã nêu được nội dung: việc đưa ra các giải pháp hiệu quả, hợp lí cho hiện tượng nước biển dâng là vô cùng khó khăn và còn là thách thức đối với con người.

Câu 2. Đặc điểm của văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên được thể hiện như thế nào ở văn bản này?

Trả lời:

– Đặc điểm của văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên được thể hiện ở văn bản này:

+ Văn bản giải thích nguyên nhân và cách thức diễn ra của hiện tượng nước biển dâng.

+ Sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ: biểu đồ, số liệu.

+ Văn bản chia bố cục rõ ràng theo các ý chính: Thay đổi mực nước biển và nguyên nhân → Mực nước biển sẽ dâng như thế nào? → Lời kết.

Câu 3. Chỉ ra cách trình bày (kênh chữ, kênh hình) và cách triển khai ý tưởng, thông tin trong văn bản Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI. Phân tích hiệu quả của cách trình bày và triển khai ấy.

Trả lời:

– Cách trình bày (kênh chữ, kênh hình) và cách triển khai ý tưởng, thông tin trong văn bản: văn bản triển khai theo trình từ mức độ quan trọng của hiện tượng, giúp truyền tải thông tin đến người đọc một cách rõ ràng, cụ thể và chính xác.

– Tính hiệu quả của cách trình bày và triển khai ấy: giúp người đọc nắm bắt được những dữ liệu quan trọng về hiện tượng này theo trình tự hợp lí, đầy logic.

Câu 4. Dựa vào nội dung văn bản để lí giải: Tại sao hiện tượng “Nước biển dâng” lại được coi là bài toán khó?

Trả lời:

– Hiện tượng “Nước biển dâng” lại được coi là bài toán khó vì ngày nay, con người đang sống trong thời kì công nghiệp hóa phát triển mạnh mẽ, nếu như không tìm ra hướng đi thích hợp thì sẽ gây thiệt hại lớn cho kinh tế toàn cầu và để lại nhiều hệ lụy sau này. Tuy nhiên, con người vẫn khó thích ứng với hiện tượng này nên việc đưa giải pháp, tìm đến hướng giải quyết chung là vô cùng khó khăn.

Câu 5. Hiện tượng được nêu trong văn bản liên quan gì đến Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung? Dẫn ra một số ví dụ trong văn bản cho thấy tác động của hiện tượng này.

Trả lời:

– Vấn đề đặt ra trong văn bản không chỉ ảnh hướng tới riêng Việt Nam mà còn rất nhiều khu vực ven biển khác trên thế giới đang phải đối mặt. Điều này như đặt ra thách thức với con người trong việc tìm hướng giải quyết, khắc phục hiệu quả về hiện tượng nước biển dâng.

– Một số ví dụ trong văn bản cho thấy tác động của hiện tượng này:

+ Khi kết hợp với triều cường, chúng sẽ có tác động rất lớn đến tương lai của những nơi có cư dân đông đục như các thành phố Niu Oóc (New York), Van-cu-vơ (Vancouver), Am-xtéc-đam (Amsterdam), Xit-ni (Sydney), Men-bơn (Melbourne), Tô-ki-ô (Tokyo), Băng-cốc (Bangkok), Xin-gapo, Thành phố Hồ Chí Minh.

+ Dự kiến vào cuối thế kỉ tới, mực nước biển sẽ tăng lên trong khoảng 35 – 85 xăng-ti-mét, gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu hàng ngàn tỉ đô la Mỹ và nhiều hệ lụy về phát triển.

Câu 6. Em hãy nêu một số đề xuất nhằm góp phần khắc phục hiện tượng “nước biển dâng”.

Trả lời:

– Một số đề xuất nhằm góp phần khắc phục hiện tượng “nước biển dâng”: các giải pháp bảo vệ chú trọng đến các can thiệp vật lý, giải pháp kĩ thuật công trình xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng tường biển, tôn cao các tuyến đê, kè sông, kè biển, xây dựng đập ngăn nước mặn hoặc kênh mương để kiểm soát lũ lụt…Ngoài ra, chúng ta cần chú trọng về các giải pháp thích ứng dựa vào hệ sinh thái như tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển, đầu tư vào đất ngập nước, bổ sung đất cho các bãi biển, cải tạo các cồn cát ven biển, trồng rừng ngập mặn…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang