tai-lieu-ngu-van-11-canh-dieu

Kiến thức Ngữ văn Bài 4 (Ngữ văn 11, tập 1, Cánh Diều)

Kiến thức Ngữ văn Bài 4
(Ngữ văn 11, tập 1, Cánh Diều)

1. Nhan đề, bố cục, cách trình bày thông tin và thái độ người viết.

Nhan đề của văn bản thông tin thường tập trung nêu bật đề tài của văn bản; tức là trả lời cho câu hỏi: “Văn bản viết về vấn đề gì?”.

Ví dụ: Đọc nhan đề bài viết Tiếng Việt lớp trẻ bây giờ (Phạm Văn Tình), người đọc biết ngay đề tài của văn bản này là nêu lên hiện trạng sử dụng tiếng Việt của lớp người trẻ hiện nay. Hoặc nhan đề Tạ Quang Bửu – người thầy thông thái (Hàm Châu) cũng cho biết rất rõ đề tài mà người viết muốn đề cập trong văn bản này. Nhiều khi, nhan đề văn bản thông tin còn thể hiện tư tưởng, thái độ của người viết. Ví dụ: Với nhan đề Phải coi luật pháp như khí trời để thở (Lê Quang Dũng), người đọc hiểu bài viết muốn bàn về đề tài pháp luật, nhưng cách đặt nhan đề ấy cũng thể hiện rõ thái độ tôn trọng và đề cao việc chấp hành pháp luật.

Bố cục và cách trình bày văn bản thông tin: Bố cục là hình thức sắp xếp các phần, mục lớn của một văn bản. Bố cục của văn bản thông tin thường có các phần, mục lớn sau đây: nhan đề, sa pô; thời gian và nơi in văn bản; nội dung chính của văn bản. Văn bản thông tin thường được trình bày bằng kênh chữ và có thể kết hợp với kênh hình; kênh chữ có thể có các tiểu mục (có tiêu đề, đánh số thứ tự, trình bày các chữ đậm, nhạt khác nhau); kết thúc văn bản có thể có mục tài liệu tham khảo và các chú thích. Tuỳ vào mục đích, nội dung và tính chất của văn bản mà người viết lựa chọn cách bố cục, trình bày văn bản thông tin sao cho phù hợp và có hiệu quả cao.

Thái độ và quan điểm của người viết ở văn bản thông tin được thể hiện ở nội dung đồng tình hay phản đối, ca ngợi hay phê phán thông qua các yếu tố như nhan đề văn bản, cách trình bày thông tin, việc sử dụng ngôn ngữ,…

2. Lỗi về thành phần câu và cách sửa.

Lỗi về thành phần câu gồm lỗi về cấu tạo câu, lỗi về ngữ nghĩa và lỗi vê ngắt câu.

Những lỗi về cấu tạo thường gặp là:

+ Câu thiếu chủ ngữ: Viết câu thiếu chủ ngữ có thể có nhiều nguyên nhân. Song nguyên nhân phổ biến là người viết, người nói nhầm lẫn thành phần trạng ngữ là chủ ngữ của câu.

Ví dụ: Với tác phẩm “Chữ người tử tù” đã làm cho sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân ngày càng nổi tiếng.

+ Câu thiếu vị ngữ: Viết câu thiếu vị ngữ có thể có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân phổ biến là người viết, người nói nhầm thành phần biệt lập hay thành phần định ngữ là vị ngữ của câu.

Ví dụ: Thuý Kiều, cô gái sắc nước hương trời, cô gái tài sắc vẹn toàn mà Nguyễn Du đã hết lời ca ngợi.

+ Câu thiếu cả hai thành phần chính: Nguyên nhân phổ biến của lỗi này là người viết, người nói nhầm thành phần biệt lập là vị ngữ và thành phần trạng ngữ là chủ ngữ của câu.

Ví dụ: Trong thời kì văn học trung đại, thời kì mà văn học Hán Nôm phát triển rực rõ nhất.

– Để phát hiện và sửa lỗi về thành phần câu, người viết cần thực hiện các việc sau:

+ Đọc kĩ lại các câu trong bài. Nếu gặp một câu khó hiểu thì nên kiểm tra xem vì sao không hiểu được:

  • Vì vấn đề khó quá, vượt hiểu biết của bản thân ?
  • Vì câu đó sử dụng những từ ngữ khó hiểu ?
  • Vì câu thiếu thành phần chính ?
  • Vì cầu thiếu lô-gich ?

+ Tìm biện pháp sửa lỗi. Nếu câu thiếu thành phần thì đó là thành phần nào? Nên sửa bằng cách nào: a) Bổ sung từ ngữ để làm thành phần bị thiếu; b) Cắt bớt từ ngữ để từ ngữ còn lại đảm nhận được vai trò của thành phần bị thiếu; c) Thay đổi trật tự từ ngữ để một từ ngữ nhất định đảm nhận được vai trò của thành phần bị thiếu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang