cam-nhan-ve-dep-tam-hon-nguyen-trai-qua-bai-tho-duc-thuy-son

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Dục Thuý Sơn

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Dục Thuý Sơn.

I. Mở bài:

Giới thiệu vấn đề: cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài thơ Dục Thúy sơn.

– Khái quát vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi qua bài thơ: Dục Thúy sơn.

II. Thân bài:

1. Nguyễn trãi dành cho thiên nhiên một tình yêu tha thiết:

– Qua những cảm nhận trực giác và tưởng tượng, nhà văn đã gợi tả khung cảnh núi Dục Thúy:

+ “Liên hoa phù thủy thượng“: hình ảnh ẩn dụ mới lạ, ví núi Dục Thúy như đóa sen nổi trên mặt nước -> gợi khung cảnh thoát tục.

+ “Tiên cảnh”: nhấn mạnh núi Dục Thúy có vẻ đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh rơi xuống cõi trần gian “trụy trần gian”.

– Những liên tưởng xuất hiện khi say ngắm thiên nhiên:

+ “Tháp ảnh trâm thanh ngọc”: hình dung dáng núi soi bóng trên mặt nước giống như cái trâm ngọc màu xanh.

+ “Ba quang kính thúy hoàn”: so sánh ánh sáng sóng nước phản chiếu dáng núi như đang soi mái tóc xanh biếc, mượt mà.

Đây là các chi tiết đặc sắc, miêu tả cụ thể, cận cảnh núi Dục Thúy. Nguyễn Trãi có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế.

2. Tâm trạng hoài cổ và những suy ngẫm về cuộc đời:

– Hai câu thơ cuối là sự bộc lộ những suy tư về con người, về lịch sử và dân tộc:

+ “Hữu hoài”: hoài niệm, nhớ tới Trương Hán Siêu – vị danh sĩ đời Trần.

+ Hình ảnh “Bi khắc tiển hoa ban” gợi nỗi niềm nhớ tiếc, thương xót của thi nhân.

3. Đặc sắc nghệ thuật:

– Nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh độc đáo, thú vị.

– Ngôn từ được sử dụng tinh xác.

III. Kết bài:

– Khẳng định vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi.

Bài văn tham khảo:

  • Mở bài:

Khi nói về Nguyễn Trãi, người anh hùng, nhà thơ, nhà văn kiệt xuất, vua Lê Thánh Tông từng có câu thơ rằng: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (“Ức Trai lòng sáng tựa sao khuê”). Quả thực, đọc tác phẩm của ông, người ta có thể thấy thi nhân thực sự là một người có tâm hồn trong sáng, nhạy cảm, yêu thiên nhiên, con người và quê hương một cách say đắm. Điều này có thể thấy rất rõ trong tác phẩm “Dục Thúy Sơn”.

  • Thân bài:

Đầu tiên, nhà thơ giới thiệu cảnh một cách khái quát ở câu thơ mở đầu.

“Hải khẩu hữu tiên san”

(“Cửa biển có non tiên”)

Núi Dục Thúy được gọi bằng từ đẹp đẽ, mĩ miều “tiên san” (Núi Tiên). Ngọn núi này nằm gần cửa biển. Vì vậy, chỉ trong một câu thơ ngắn gọn có năm tiếng, nhà thơ đã truyền tải thông tin về núi Dục Thúy và khẳng định đây là chốn thần tiên.

Dù đi đi lại lại nhiều lần qua “tiền niên lũ vãng hoàn” nhưng nhân vật trữ tình vẫn bị choáng ngợp không thôi trước cảnh sắc đẹp tuyệt vời.

“Liên hoa phù thủy thượng
Tiên cảnh trụy trần gian.”

(“Cảnh tiên rơi cõi tục;
Mặt nước nổi hoa sen.”)

Do điểm nhìn quan sát từ xa và phạm vi bao phủ rộng nên con người có thể quan sát toàn cảnh Núi Dục Thúy. Nhà thơ đã khéo léo so sánh hình dáng của ngọn núi với bông sen cao quý nổi trên mặt nước trong xanh bằng phép ẩn dụ “Liên hoa phù thủy thượng”. Trong nguyên văn bài thơ, năm chữ này không có bất kì một từ ngữ biểu thị sự so sánh nào. Thay vào đó, nhà thơ dùng động từ “phù “, có nghĩa là “nổi”. Núi Dục Thúy dường như được đồng nhất trực tiếp với hoa sen, giống như ý nghĩa biểu tượng của loài hoa này, tác giả gợi lên một vẻ đẹp thoát tục và cao quý của núi Dục Thúy. Đây là một hình ảnh và phong cách thực sự độc đáo. Nhìn vào bức ảnh toàn cảnh ở nơi đây, thi nhân có cảm nhận và cho rằng núi Dục Thúy chính là một “tiên cảnh”. Từ “tiên” tiếp tục được dùng để nhấn mạnh vẻ huyền bí và tráng lệ của ngọn núi. Giờ đây, trong mắt con người, Dục Thúy xuất hiện giống như một khung cảnh tuyệt đẹp của chốn bồng lai tiên cảnh rơi xuống hạ giới, trần gian. Tiếp theo, nhà thơ miêu tả cảnh thiên nhiên thơ mộng một cách cận cảnh và chi tiết.

“Tháp ảnh trâm thanh ngọc;
Ba quang kính thúy hoàn.”

(“Bóng tháp hình trâm ngọc;
Gương sông ánh tóc huyền.”)

Có thể nhận thấy rằng khi con người say mê chiêm ngưỡng thiên nhiên, một số liên tưởng thú vị sẽ xuất hiện. Trong cảm nhận của nhân vật trữ tình, bóng tháp hiện lên trên mặt nước như chiếc trâm cài ngọc xanh biếc, ánh sáng của sóng nước như tấm gương phản chiếu mái tóc xanh. “Trâm ngọc” và “ánh tóc huyền” hai cụm từ này gợi lên hình ảnh trẻ trung, thuần khiết của một cô gái xinh đẹp và duyên dáng. Từ đây xuất hiện ngọn núi Dục Thúy với vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng. Có thể nói Nguyễn Trãi có lối viết, bút pháp, liên tưởng rất mới mẻ, thú vị khi khắc họa cảnh sắc thiên nhiên núi Dục Thúy nơi đây. Ông dùng vẻ đẹp của con người để so sánh và hình dung vẻ đẹp của thiên nhiên. Đây cũng là điểm khác biệt của ông với các nhà thơ khác.

Đứng trước phong cảnh đẹp mê hồn, nhà thơ bày tỏ suy nghĩ, nỗi niềm suy tư của mình như sau:

“Hữu hoài Trương Thiếu bảo;
Bi khắc tiển hoa ban.”

(“Nhớ xưa Trương Thiếu bảo;
Bia khắc dấu rêu hoen.”)

“Hữu hoài” có nghĩa là nhớ lại, hồi tưởng về quá khứ. Khi đặt cụm từ này ở đầu câu, nhà thơ đang khéo léo nói đến học giả nổi tiếng, vị danh sĩ nhà Trần, người đã đặt tên cho núi là Dục Thúy, đồng thời là tác giả của bài thơ được chạm khắc trên bia đá “đầy dấu rêu hoen”. Chứng kiến ​​cảnh tượng “vật còn, người mất”, nhà thơ không khỏi xót xa, tiếc nuối. Tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” dường như thấm sâu vào từng câu chữ của bài thơ. Ngoài ra, hai câu thơ cuối còn bộc lộ những suy nghĩ, trăn trở của nhà thơ về con người, lịch sử, dân tộc.

Nguyễn Trãi đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên núi Dục Thủy tuyệt đẹp bằng những hình ảnh so sánh thú vị, sáng tạo và ngôn từ được sử dụng tinh xác, giàu sức gợi. Bút pháp và sự liên tưởng độc đáo trong việc miêu tả hình dáng ngọn núi thể hiện tâm hồn trong sáng và nhạy cảm của nhà thơ. Một trái tim yêu thương và ngưỡng mộ vẻ đẹp của trời đất. Hoặc đó có thể là tâm trạng hoài niệm hay sự suy ngẫm sâu sắc về sự mong manh của cuộc sống, về cuộc đời vô thường.

“Dục Thúy Sơn” đã mang đến cho người đọc những hình dung cụ thể, rõ nét về núi Dục Thúy – danh lam thắng cảnh của đất nước Việt Nam. Đọc bài thơ này tôi có cảm giác như đang được tận mắt chứng kiến ​​vẻ đẹp của núi Dục Thủy. Đồng thời, chúng ta cũng hiểu thêm về tâm hồn cao thượng, trong trẻo của chính người thi sĩ Nguyễn Trãi.

Bài làm 2:

  • Mở bài:

Dục Thuý từ lâu đã là một nguồn cảm hứng thơ ca của nhiều bậc thánh nhân, nhiều nhà thơ… nhưng khi đào lại trên mảnh đất ấy ta vẫn thấy được những nét riêng của Nguyễn Trãi, có là lối thơ, là phong cách riêng xuất phát từ tận đáy lòng của ông. Trương Hán Siêu cùng từ những ưu tư về núi Dục Thuý mà viết nên thi phẩm “ Dục Thuý Sơn linh tế tháp kí” hay vua Lê Thánh Tông đã viết nên bài thơ “Đề núi Dục Thuý”, dù đã từng đẳm qua nhiều nhưng trong Dục Thuý sơn, Nguyễn Trãi vẫn bộc lộ được những cách khắc hoạ khó kiếm ở những nét bút khác bởi ông viết với hai nguồn cảm hứng độc đáo : cảm hứng thiên nhiên và cảm hứng hoài cổ. Bài thơ được viết theo hướng Đề – Thực – Luận – Kết và theo thể thơ Ngũ ngôn bát cú đậm phong cách thơ Đường.

  • Thân bài:

Ta bắt đầu đến với cảm hứng thiên nhiên của ông trong bài, đâu đây ta cảm nhận được một tình yêu và nổi khát khao đối với vùng núi tiên cảnh này. Trong bài thơ Vọng Doanh ông có viết rằng :

“Dục Thuý vũ tình phong tự ngọc”

Nhà thơ luôn có một ấn tượng và nổi nhớ nhung đối với mảnh đất bồng lai này, ngay từ hai câu đề hình ảnh núi ngon cửa biển thơ mộng đã hiện lên một cách tự nhiên nhẹ nhàng và đi vào lòng người đọc một cách bay bổng :

“Hải khẩu hữu tiên san
Tiền Niên lũ vãng hoàn “

(Cửa biển có ngọn núi tiên
Năm xưa ta đã nhiều lần qua lại nơi này)

Từ “Tiên”, mang ý nghĩa của những điều kì diệu, là sự thoát khỏi chốn phàm trần tầm thường, là những điều thanh cao và thần diệu, là sự phi thường khó tìm kiếm ở chốn nhân gian. Nhưng ở đây nhà thơ đã sử dụng từ “Tiên” để miêu tả cảnh núi non của Dục Thuý , ta có thể cảm nhận được rằng nơi đây không phải là một chốn tầm thường của trần thế, mà là một món quà hết sức vô giá và vĩnh cửu mà tiên giới đã ban tặng cho ta , điểm xuyến và nâng tầm những nét đẹp tầm thường và phàm tục. Ngay tại cửa biển, nơi kết tinh mọi tinh hoa của thế giới loài người, nơi giao thoa của những thứ ngỡ như không thể gắn kết, laị có một vùng núi mang đậm chất thanh cao hiện hữu nghiêng mình sừng sững, là hòn núi đá nghênh bóng chênh vênh tựa mình ở ngã ba sông với cửa biển , tự nhiên ta lại cảm nhận được cái phong cảnh sơn thuỷ non nước hữu tình của vùng đất này. Như là một kẻ tài ba của quá trình kiến tạo, thiên nhiên đất Việt đã vô cùng tài hoa khi tạo nên một vùng đất giao hoà giữa đất và trời, giữ non và nước , một bức tranh hết sức nên thơ và lãng mạn được vẽ nên bởi người hoạ sĩ này khiến hao tốn không biết bao nhiêu là giấy mực của các bậc thi nhân. Nguyễn Trãi viết rằng nhiều lần ông đã qua đây, ta có thể thấy dù đa va chạm, đã cảm nhận khung cảnh nơi đây biết bao nhiêu lần nhưng cái “Hữu tiên san” vẫn luôn làm xao động tâm hồn và trái tim yêu thiên nhiên đất nước của bậc thánh nhân, mỗi lần gặp là một lần xao xuyến, là một lần chìm vào chốn tiên của trần thế.

Tiếp đến với hai câu thực, ta bắt gặp lối viết tả cạnh ngụ tình trong thơ Nguyễn Trãi, và cũng là một nét riêng của văn học trung đại :

“Liên hoa phù thuỷ thượng
Tiên cảnh truỵ trần gian”

(Núi tựa như đoá hoa sen nổi trên mặt nước
Như cảnh tiên rơi xuống cõi trần)

Tác giả sử dụng hình ảnh hoa sen để gợi tả vẻ đẹp của thắng cảnh Dục Thuý, một vẻ đẹp của sự thanh cao và thuần nhã , mang đậm dấu ấn của văn hoá tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo mặc dù tác giả không đề cập đến trong bài. Đoá sen là biểu tượng của những tâm hồn thuần khiết và trong sáng, là hình ảnh của những điều thoát tục và trong sạch, là một biểu tượng thiên liêng của Phật giáo. Đài sen là nơi ngự toạ của đức Phật, là chứng nhân của bao sinh kiếp vô lượng mà đức phật đã ban xuống, nay Núi Dục Thuý được ví như một đoá sen thơm nổi trên mặt nước, ta liên tưởng đến một điều gì đó đầy rẫy sự diệu kì và thiêng liêng hơn bao giờ hết. Một sự liên kết thấy rõ của đoá sen mang vẻ đẹp tinh khiết với một vùng núi tiên của chốn bồng lai cảnh. Tất cả tạo nên một bức tranh hữu tình và thanh nhã , là một điểm xuyến nổi bật giữa chồn trần gian, ngỡ như cảnh tiên rơi xuống cõi trần như cách nói của tác giả. Cảm hứng thiên nhiên của tác giả kết hợp với vẻ đẹp huyền ảo của chốn tiên giới như tạo nên một sức hút phi thường đối với ngươi đọc, tâm hồn độc giả như được gột rửa và thanh trừng sạch sẽ, cứ thế nhẹ nhàng và thâm nhuần bay lên, chìm vào cõi không gian ba chiều của thiên giới, một cảm giác mộng mơ và lãng mạn.

Trong hai câu đề và hai câu thực tác giả đã đề cập đến cảm hứng thiên nhiên và tình yêu của mình đối với nó, đối với danh thắng đất Việt. Ta có thể thấy rằng Nguyễn Trãi luôn biết cách biến những thứ bình thường trở nên vô cùng mới mẻ độc đáo, từ một ngọn núi mà ông đã khoác lên nó một tà áo hình bông sen chốn thiên bồng, từ cảnh đẹp non nước mà biến thành tiên giới xa xôi mà không mất chất, quả thật là một bậc kì tài thánh nhân.

Tiếp đến là hai câu luận, tác giả bỗng khựng lại không miêu tả cảnh núi tiên nữa, mà một vẻ đẹp khác đập vào mắt ông, nhưng vẫn không kém phần thanh thuần tao nhã mà còn có phần mê muội hơn :

“Tháp ảnh trâm thanh ngọc
Ba quang kính thuý hoàn”

(Bóng tháp trên núi soi xuống nước như cái trâm ngọc xanh
Ánh sáng của sông nước phản chiếu ngọn núi như đang soi mái tóc biếc)

Tác giả đi vào miêu tả ngọn tháp trên đỉnh Dục Thuý, làm lộ ra vẻ yêu kiều sừng sững của một ngọn tháp hùng vĩ đứng trên cao ngỡ như khô khốc và cô độc. Ta đã bắt gặp hình ảnh tháp trong bài “Dục Thuý sơn” của Trương Hán Siêu :

“Trung lưu quang tháp ảnh”

(Long lanh bóng tháp in kề)

Trương Hán Siêu có hàng loạt tác phẩm về núi Dục Thuý, đó cũng là tình yêu thiên nhiên cao cả và da diết của bậc thánh nhân này, nhưng đâu đó ta cảm nhận được đó là sự ngưỡng mộ và thích thú của một con người khi đứng trước một ngọn tháp khổng lồ và to lớn, là sự tự hào về danh thăng kì vĩ của mảnh đất quê hương đất tổ, hay nói cách khác ông đã miêu tả ngọn tháp theo góc nhìn khác hoàn toàn đối với Nguyễn Trãi, cũng là điều làm cho Dục Thuý Sơn của Nguyễn Trãi có những nét riêng mặc dù ông đang dẫm trên cái mảnh đất đề tài của nhiều bậc đi trước. Đến với thơ cả Nguyễn Trãi, không chỉ là miêu tả vẻ đẹp hùng vĩ tráng lệ của một ngọn tháp, mà thêm vào đó là nét trữ tình khi ông ví toà tháp như hình ảnh một thiếu nữ soi bóng xuống mặt biển. Hình ảnh ngọn tháp trong Dục Thuý Sơn của Nguyễn Trãi vừa có những nét đẹp theo hướng đã có từ trước, nhưng với một cách biến tấu mới như vậy đã bộc lộ được cá tính sáng tạo và nét riêng biệt không nhầm lẫn của ông, không chỉ ở bài thơ này mà còn ở những tác phẩm khác ông cũng nhìn qua lăng kính như vậy. Cảnh vật ở Dục Thuý không chỉ đơn thuần là cảnh vật mà còn khắc hoạ nên hình ảnh của con người, trung tâm của vũ trụ. Bóng tháp như cây trâm màu ngọc bích đang cài lên mái tóc xanh của người thiếu nữ tuổi trăng tròn, ta cảm nhận được sự đa tình, lãng mạn, trẻ trung trong hồn thơ của Nguyễn Trãi. Qua đó ta cảm nhận được nét đẹp trong tâm hồn của Nguyễn Trãi là vẻ đẹp của một tâm hồn thơ mộng, tài hoa khi đã thành công miêu tả núi Dục Thuý là một thắng cảnh đẹp kì lạ trên mảnh đất Việt.

Với hai câu kết, bất chợt cảm hứng thiên nhiên của tác giả bị ngắt quãng, thay vào đó là cảm hứng cảm hoài của ông. Tạm ngưng thả hồn theo vẻ đẹp ngây ngất đắm say của cảnh vật ngỡ như chốn thiên bồng, ông quay về thực tại và bày tỏ những niềm thương cảm của mình với một bậc thánh nhân đời trước :

“Hữu hoài Trương Thiếu Bảo
Bi khắc tiển hoa ban”

(Chạnh nhớ Trương Thiếu Bảo
Bia đá khắc thơ văn của ông nay đã lốm đốm rêu)

Tác giả sử dụng từ “Hữu hoài” mang nét nghĩa là nhớ về những điều xưa cũ, cụ thể ở đây ông đang nhắc đến Trương Hán Siêu. Ta thấy cảm xúc của nhà thơ đượm buồn pha chút nuối tiếc khi nhìn thấy bia khắc của Trương Thiếu Bảo nay đã lốm đốm rêu phong, bào mòn theo thời gian. Đó là cảm hứng hoài cổ của tác giả, nhưng cảm hứng này của Nguyễn Trãi cũng khá cảm hứng của những người khác, đó là mang nặng sự hữu hạn của thời gian. Cảnh vật vẫn còn đây, núi Dục Thuý nơi lưu giữ bút tích vẫn hiện hữu, vậy mà Trương Thiếu Bảo lại biến mất. Ông đã khái quát lên một quan niệm rằng những thực thể vô tri vô giác thì luôn tồn tại vĩnh cửu, còn những thứ biết yêu, có cảm xúc như con người thì phải theo quy luật Sinh Lão Bệnh Tử của thời gian, không thể tránh khỏi, đau buồn thay đáng tiếc thay. Đất nước trải qua bao nhiêu biến cố, biết bao triều đại từng hưng vong suy thịnh, mọi thứ diễn ra quá đỗi tàn nhẫn và nhanh như bụi trần thoáng qua. Từ những lối suy nghĩ như vậy đã làm cho tư tưởng của Nguyễn Trãi mang giá trị nhân bản sâu sắc và vô cùng ý nghĩa đối với hiện tại và hậu thế sau này. Nhiều bài thơ của Nguyễn Trãi cũng có cảm xúc như vậy :

“Dẽ có ngu cầm đàn một tiếng
Dân giàu đủ khắp đòi phương”

(Cảnh ngày hè)

Ông bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình. Trương Hán Siêu là một bậc kì tài đời nhà Trần, ông gắn liền với hàng loạt bài thơ, bài kí ở mảnh đất Dục Thuý này. Đó chính là tấm lòng “Uống nước nhớ nguồn” mà bất kì con cháu nào sau này cũng phải ghi nhớ và noi gương theo.

Dục Thuý Sơn là một bài thơ tả cảnh ngụ tình vô cùng đặc sắc của Nguyễn Trãi, được viết bằng thể thơ Ngũ ngôn bát cú đậm chất Đường luật. Những hình ảnh của cảnh đẹp được ông so sánh với cảnh tiên, với sự thơ mông và trong thẻo thuần khiết tạo nên chất thơ ngọt ngào và lãng mạn . Tác giả sử dụng điêu luyện những biện pháp tu từ một cách thấm nhuần và vô cùng hiệu quả, làm nổi bật và nâng tầm hình ảnh.

  • Kết bài:

Nguyễn Trãi, một tác gia lớn của dân tộc, qua bài thơ Dục Thuý Sơn, người đọc không chỉ cảm nhận được những vẻ đẹp của chốn bồng lai nơi trần thế mà còn cảm nhận được chất tình người thấm đẫm trong giọng thơ của ông. Bên cạnh đó những tư tưởng mang giá trị nhân bản cho đến mãi sau này được ông thể hiện một cách tinh tế và đậm tính tài hoa. Ngắm nhìn thiên nhiên mang nét đẹp vĩnh hằng nhưng vẫn không quên trong mình một tình yêu quê hương đất nước, lo lắng cho thế sự.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang