»» Nội dung bài viết:
Phân tích “Một cây bút và một quyển sách có thể làm thay đổi thế giới” của Ma-la-la Diu-sa-phdai.
I. Mở bài:
– Ma-la-la Diu-sa-phdai (12/7/1997) là một nhà hoạt động xã hội người Pakistan. Năm 2012, cô bị các tay súng Taliban bắn trọng thương vì công khai phản đối việc cấm phụ nữ đi học và phá hủy các trường học cho trẻ em gái ở Pakistan. Cô được đồng Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2014.
– Tác phẩm “Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới” là diễn văn của Ma – la – la trước Đại hội đồng Giới trẻ Liên hợp quốc vào ngày 12 tháng 7 năm 2013.
II. Thân bài:
1. Mọi phụ nữ, mọi thanh thiếu niên nam nữ đều được quyền bảo vệ quyền lợi của mình.
– Ma-la-la Diu-sa-ph dai đại diện cho mọi người đứng lên đòi sự bình đẳng cho nữ giới.
– Hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền, hàng trăm nhân viên xã hội đã lên tiếng bảo vệ nhân quyền, đấu tranh để đạt được những mục tiêu khác về giáo dục, hòa bình và bình đẳng.
2. Tầm quan trọng bút và sách – Giáo dục mang tới sức mạnh to lớn khiến họ sợ hãi.
– Họ sợ phụ nữ.
– Sức mạnh từ tiếng nói của phụ nữ khiến họ sợ hãi.
– Muốn có giáo dục thì phải có hoà bình.
3. Đã đến lúc mọi người lên tiếng đòi công bằng và hoà bình.
– Kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy thay đổi những chính sách chiến lược của mình.
– Kêu gọi tất cả các chính phủ hãy đảm bảo giáo dục bắt buộc miễn phí cho tất cả trẻ em trên toàn thế giới; đấu tranh chống lại khủng bố và bạo lực để bảo vệ trẻ em trước hung tàn và tổn hại.
– Kêu gọi các quốc gia hỗ trợ mở rộng cơ hội giáo dục.
– Kêu gọi các cộng đồng trên thế giới hãy khoan dung – hãy khước từ những định kiến dựa trên đẳng cấp, tín ngưỡng, giáo phái….
– Kêu gọi các chị em gái trên toàn thế giới hãy can đảm.
III. Kết bài:
– Khẳng định giá trị của tác phẩm: Qua tác phẩm, nhà văn muốn kêu gọi mọi người hãy dũng cảm đứng lên đấu tranh đòi quyền công bằng giáo dục cho phụ nữ và trẻ em.
Bài văn tham khảo:
Bài làm 1:
- Mở bài:
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát biểu một cách giản dị: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Từ lời phát biểu của Người, ta có thể thấy được tầm quan trọng của việc giáo dục, học tập. Đấu tranh cho sự sống, cho quyền được học tập của con người là một trong những mục tiêu đấu tranh cao cả nhất. Ở đất nước Pakistan xa xôi, có một cô gái tên Ma- la- la Diu- sa- phdai cũng đang từng ngày đấu tranh cho điều ấy. Bài diễn văn “Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới” của cô chính là lời kêu gọi cộng đồng phấn đấu vì tương lai của phụ nữ và trẻ em.
- Thân bài:
Ma – la – la sinh ngày 12 tháng 7 năm 1997 là một nhà hoạt động giáo dục nữ người Pakistan. Cô là người trẻ nhất nhận được giải thưởng Nobel cao quý bởi những cống hiến của mình trong việc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em. Là con gái của một nhà hoạt động giáo dục, Ma – la – la được lớn lên trong gia đình có tư tưởng tiến bộ. Những hoạt động vì cộng đồng của cha cô đã truyền cảm hứng rất nhiều cho Ma – la – la. Ở nơi cô sống, Taliban cũng từng chiếm đóng và cấm phụ nữ, trẻ em đi học nên Ma – la – la càng quyết tâm lên tiếng vì quyền lợi của chính mình và những người khác. Năm 2012, Ma-la-la và hai cô gái khác đã bị các tay súng bắn trọng thương khi đang trên xe bus. Tuy vậy, cô vẫn không ngừng chiến đấu. Vào ngày 12 tháng 7 năm 2013, cô đọc diễn văn “Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới” trước Đại hội đồng Giới trẻ Liên Hợp Quốc, để kêu gọi quyền được tiếp cận nền giáo dục cho toàn thể các trẻ em gái trên thế giới. Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 12 tháng 7 hàng năm là ngày Ma- la- la.
“Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới” là một câu nói được lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh của Ma- la- la Diu- sa- phdai- nhà đấu tranh vì quyền giáo dục cho phụ nữ. Ma- la- la đã chứng minh cho chúng ta thấy, bất kể ai và ở đâu, với một sự đam mê, quyết tâm và một tấm lòng yêu thương, ta có thể thực hiện bất cứ điều gì. Ma- la- la đã dành phần lớn cuộc đời của mình để đấu tranh cho quyền giáo dục cho phụ nữ, nhất là ở các vùng đất nghèo khó, nơi mà phụ nữ thường bị giới hạn trong quyền lợi và cơ hội của mình. Cuộc đời của Ma- la- la đã trở thành một nguồn cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới, đặc biệt là các em nhỏ. Cô đã thể hiện cho chúng ta thấy, không có gì là không thể nếu ta có đủ quyết tâm và nỗ lực. Một cây bút và một quyển sách có thể làm thay đổi thế giới, đó là sức mạnh của những lời nói và hành động của một con người. Và Ma- la- la đã trở thành một biểu tượng cho tinh thần đó, khơi gợi hy vọng và khát khao cho một thế giới bình đẳng hơn cho mọi người.
Mở đầu bài phát biểu, Ma – la – la gửi lời nhắn nhủ ý nghĩa đến toàn thể mọi người trên thế giới: “Anh chị em thân mến, xin hãy ghi nhớ một điều. Ngày Ma-la-la- không phải là ngày của tôi. Hôm nay là ngày của tất cả mọi phụ nữ, mọi thanh thiếu niên nam nữ đã cất cao tiếng nói để bảo vệ quyền lợi của mình.” Cô đã khiêm tốn nhấn mạnh rằng đó “không phải ngày của tôi”, rằng bản thân cô chỉ là một trong số rất nhiều con người vẫn đang bền bỉ đấu tranh. Ma – la – la đưa ra thực trạng “hàng nghìn người bị khủng bố sát hại”, “hàng triệu người bị thương” để nhắc nhở về thực tế đời sống đang diễn ra bên ngoài khán phòng. Ma – la – la ý thức được rằng bản thân cô rất may mắn khi được đứng trước Đại hội đồng, trở thành một biểu tượng cho công cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, bên ngoài nơi yên bình này vẫn còn rất nhiều người đang bị đe dọa, Ma – la – la nhỏ bé đứng đây để lên tiếng thay cho những con người ấy. “Tôi cất tiếng – không phải cho bản thân tôi, mà cho tất cả các thanh thiếu niên nam nữ như tôi. Tôi cao giọng – không phải để thét lên mà để người ta nghe thấy tiếng nói của những người không có tiếng nói”. Ma – la – la đã nêu ra những quyền như “Quyền được sống trong hòa bình”, “Quyền được tôn trọng”, “Quyền được bình đẳng tiếp cận mọi cơ hội”, “Quyền được đi học”,.. Đây đều là những quyền cơ bản của con người nhưng vì chiến tranh, bom đạn mà có nhiều người không được hưởng những điều tất yếu ấy.
Tiếp đến, Ma – la – la kể lại kỉ niệm khi còn sống ở quận Xơ- goát, Nhân dân ở đó phải nhìn thấy súng đạn mỗi ngày rồi họ nhận ra tầm quan trọng của bút vở, giáo dục. Ma – la – la dẫn câu nói “Cây bút mạnh hơn thanh kiếm” và chỉ ra rằng những kẻ cực đoan lại rất sợ bút và sách. Họ sợ cả “tiếng nói của phụ nữ”. Ma – la – la đã đưa ra những ví dụ tiêu biểu: “Và đó là lí do tại sao họ đã giết mười bốn sinh viên y khoa vô tội trong một vụ tấn công mới đây ở Két-ta (Quetta). Và đó là lí do tại sao họ đã giết rất nhiều cô giáo và nhân viên y tế ở Kai-bo Pác-tun Goa (Khyber Pukhtoon Khwa) và FATA. Đó là lí do tại sao ngày nào họ cũng phá hoại trường học.” để chứng minh rằng những kẻ cực đoan sợ sức mạnh của giáo dục. Một khi con người được học tập, tiến bộ, có hiểu biết thì con người ắt sẽ đấu tranh và thoát khỏi sự nô lệ của những thế lực xấu. Đặc biệt là những người phụ nữ – những người từ lâu đã bị những kẻ cực đoan xem thường và hành hạ, một khi họ được học tập, họ sẽ lên tiếng phản kháng mạnh mẽ. Những kẻ xấu xa không muốn đánh mất thứ quyền lực bạo tàn nên đã dùng súng đạn đe dọa họ.
Tiếp đến, Ma – la – la nêu ra điều kiện để có một nền giáo dục tốt. Đó chính là “phải có hòa bình”. Cô thẳng thắn nói lên cảm xúc của mình và những người khác: “Chúng tôi đã thực sự mệt mỏi vì những cuộc chiến này”. Cô cũng chỉ rằng ở nhiều nơi trên thế giới phụ nữ và trẻ em đang chịu bao khốn khổ, bị lạm dụng, bị tước đi cơ hội học tập. “Đói nghèo, thất học, bất công, tệ phân biệt chủng tộc và sự tước đoạt các quyền cơ bản, đó là những vấn đề chính yếu mà cả nam giới và phụ nữ đều phải đối mặt.”
Sau khi đưa ra thực trạng đau lòng, Ma – la – la cất tiếng kêu gọi một cách dõng dạc: “Vậy nên, hôm nay chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hãy thay đổi những chính sách chiến lược của mình, để tiến đến hoà bình và thịnh vượng. Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới rằng tất cả các thoả thuận hoà bình phải hướng đến bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Không thể chấp nhận bất kì một thoả thuận nào đi ngược lại phẩm giá và quyền lợi của phụ nữ. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy đảm bảo giáo dục bắt buộc miễn phí cho tất cả trẻ em trên toàn thế giới. Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính phủ hãy đấu tranh chống lại khủng bố và bạo lực, để bảo vệ trẻ em trước hung tàn và tổn hại. Chúng tôi kêu gọi tất cả cộng đồng trên thế giới hãy khoan dung – hãy khước từ những định kiến dựa trên đẳng cấp, tín ngưỡng, giáo phái, tôn giáo hoặc giới tính”. Đối tượng đầu tiên của lời kêu gọi là những nhà lãnh đạo, chính phủ, các quốc gia phát triển, các tổ chức và cộng đồng. Ma – la – la nhận thức được rằng đây là những người hoặc tổ chức có quyền lực, sức ảnh hưởng. Sau đó, cô hướng lời kêu gọi tới bản thân mỗi thanh thiếu niên: “Các anh chị em thân mến, để em bé nào cũng có thể có một tương lai tươi sáng, thì chúng ta cần phải có trường học và giáo dục… Và nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu của mình, thì hãy tự trang bị cho mình vũ khí tri thức, và hãy tự bảo vệ mình bằng sự đoàn kết và gắn bó”. Cuối cùng, kết thúc bài diễn văn, Ma – la – la đã đúc kết lại giải pháp quan trọng nhất và cũng là cơ bản nhất: “Giáo dục là giải pháp duy nhất. Giáo dục là trên hết”.
- Kết bài:
Như vậy, thông qua bài diễn văn “Một cây bút và một quyển sách có thể thay đổi thế giới”, ta thấy được thực trạng bất công vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới và cảm phục trước sự mạnh mẽ, trí tuệ của những con người như Ma – la – la. Bài diễn văn không chỉ có ý nghĩa với một đất nước hay một cá nhân nào mà đã trở thành lời động viên, kêu gọi toàn thể con người đấu tranh vì hạnh phúc của mình.