ngu-van-7-canh-dieu-tap-2

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật (Ngữ văn 7, Cánh Diều)

Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật (ngữ văn 7, Cánh Diều)

1. Định hướng.

a) Phân tích đặc điểm nhân vật là nêu lên nhận xét về các đặc điểm của nhân vật và làm sáng tỏ các đặc điểm ấy. Đặc điểm của nhân vật thường được thể hiện thông qua những nét tiêu biểu như: lai lịch, hoàn cảnh, hình dáng, cử chỉ, hoạt động, lời nói, ý nghĩ, …

b) Để viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật trong truyện ngụ ngôn, các em cần chú ý:

– Nhân vật trong truyện ngụ ngôn có thể là sự vật hoặc các con vật được nhân hoá, có đặc điểm như người, ví dụ: các bộ phận của cơ thể con người trong truyện Bụng và Răng Miệng, Tay, Chân hay con ếch trong truyện Ếch ngồi đáy giếng. Cũng có khi nhân vật là con người như anh thợ mộc trong truyện Đẽo cày giữa đường,…

– Nêu nhận xét về đặc điểm nhân vật và phân tích, làm sáng tỏ đặc điểm ấy thông qua những chi tiết tiêu biểu chứ không phải chỉ kể lại câu chuyện.

– Lập dàn ý cho bài viết.

– Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật theo dàn ý.

2. Thực hành

Bài tập: Viết bài văn phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường”.

a) Chuẩn bị

– Xem lại nội dung đọc hiểu truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

→ Nội dung: Kể về một anh thợ mộc dốc hết vốn mua gỗ về đẽo cày bán. Khi đẽo cày ai khuyên gì anh ta cũng làm theo và kết quả là không có tác dụng gì và vốn liếng đi đời nhà ma

– Xác định đặc điểm nhân vật mà em định viết bài văn phân tích.

→  Đặc điểm nhân vật: một người không có chính kiến lập trường riêng; người thiếu kiến thức, thiếu bản lĩnh.

b) Tìm ý và lập dàn ý.

* Tìm ý bằng cách trả lời các câu hỏi:

– Truyện viết về sự kiện gì, có những nhân vật nào, ai là nhân vật chính?

→ Truyện viết về sự kiện: anh thợ mộc đẽo cày giữa đường để bán.

→ Nhân vật: anh thợ mộc và những người qua đường.

→ Nhân vật chính: anh thợ mộc.

– Nhân vật chính là người như thế nào? (Nêu các đặc điểm của nhân vật và các biểu hiện cụ thể trong tác phẩm).

→ Nhân vật chính là người thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh và lập trường không vững vàng.

→ Biểu hiện cụ thể trong văn bản: 3 người góp ý anh đều làm theo và kết quả là tiền của đi đời nhà ma, không sử dụng được.

– Em có nhận xét, đánh giá gì về nhân vật? (Nêu lên những cảm xúc, suy nghĩ về đặc điểm của nhân vật,…).

→ Đây là một nhân vật thiếu hiểu biết và thiếu bản lĩnh.

→ Là nhân vật có gan làm giàu.

→ Cảm thấy buồn cười khi nhân vật ứng xử trước những lời góp ý. Đồng thời thấy nhân vật đáng thương.

– Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý theo bố cục ba phần:

  • Mở bài:

– Giới thiệu đặc điểm nổi bật của nhân vật người thợ mộc trong truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

  • Thân bài:

– Lần lượt phân tích và làm sáng tỏ từng đặc điểm của nhân vật người thợ mộc thông qua các chi tiết cụ thể (hoàn cảnh, cử chỉ, hành động, ý nghĩ,…).

– Nêu nhận xét của em về nhân vật người thợ mộc. Ví dụ: Người thợ mộc muốn làm giàu nhưng lại thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết nên không có suy nghĩ và hành động đúng dẫn đến kết quả thất bại thảm hại.

  • Kết bài:

– Qua việc phân tích đặc điểm nhân vật người thợ mộc, nêu lên ý nghĩa hoặc bài học sâu sắc.

Ví dụ:

+ Truyện đã khái quát được đặc điểm của một kiểu người trong xã hội: thiếu hiểu biết nên dễ thay đổi,…

+ Trong cuộc sống, chúng ta cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý của người khác nhưng phải biết cân nhắc, chọn lọc được ý kiến phù hợp, đúng đắn,…

c) Viết.

d) Kiểm tra và chỉnh sửa.

– Kiểm tra lại xem bài viết đã đầy đủ, chính xác như yêu cầu của để bài hay chưa. -Tự phát hiện và biết cách sửa các lỗi về viết như:

+ Lỗi về ý: thiếu ý (ý sơ sài, chưa nêu hết được những điều cần nói), ý lộn xộn (các ý không được sắp xếp theo một trình tự hợp lí), lạc ý (nếu các ý không liên quan đến nội dung bài yêu cầu); ý tản mạn (nếu các ý không tập trung vào nội dung chính của bài viết),…

+ Lỗi về diễn đạt (dùng từ, viết câu), chính tả,…

Bài viết tham khảo 1:

Trong học tập, công việc cũng như cuộc sống hàng ngày, khi làm việc mà chúng ta không có kiến thức, không có bản lĩnh vững vàng sẽ dễ rơi vào tình trạng hay thay đổi ý kiến và thấy ý kiến nào cũng đúng. Anh thợ mộc trong truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường là một nhân vật tiêu biểu.

Trước hết người đọc thấy được trong truyện là một người ham làm giàu, có chí lớn. Điều đó được thể hiện ở việc anh đã dốc hết vốn trong nhà ra mua gỗ để làm nghề đẽo cày. Tuy nhiên, chí lớn của anh ta lại không tương xứng với tầm hiểu biết. Vốn kiến thức hạn hẹp của anh đã khiến anh thay đổi hành động liên tục. Khi đẽo cày được ông cụ góp ý, anh thấy phải liền nghe theo và làm ra rất nhiều sản phẩm nhưng không có ai mua. Những lần về sau cũng vậy, ai góp ý anh cũng thấy phải, nghe theo và kết thúc là vốn liếng của anh đi đời nhà ma cùng đống gỗ vụn. Giá như trước khi bắt tay vào thực hiện, anh nghiên cứu kĩ những yêu cầu cần đạt của sản phẩm cũng như khảo sát thực tế tình hình khu vực thì anh sẽ bảo vệ được chính kiến của mình và không khiến người khác buồn cười.

Không chỉ thiếu hiểu biết mà anh thợ mộc cũng không có bản lĩnh. Khi anh làm việc ở trung tâm người qua lại, ai nhìn vào thấy góp ý cũng là đương nhiên. Có người góp ý tốt nhưng cũng có người góp ý không tốt, nhưng anh không đủ bản lĩnh phản bác những điều sai mà điều góp ý nào cũng thấy phải. Cho nên anh nhậ lại kết quả quá đắt. Hành động đẽo cày của anh không sai, và lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người khác là tốt, tuy nhiên anh lắng nghe và tiếp thu thái quá, không có bản lĩnh nên gây nên hậu quả khôn lường.

Thông qua nhân vật anh thợ mộc, truyện ngụ ngôn đã khái quát được đặc điểm của một kiểu người trong xã hội: thiếu hiểu biết, thiếu bản lĩnh nên dễ thay đổi chính kiến của mình và kết quả không được như ý muốn. Qua đây, chúng ta cần biết lắng nghe những ý kiến góp ý của người khác nhưng phải biết cân nhắc, chọn lọc được ý kiến phù hợp, đúng đắn, kết hợp giữa lời góp ý với ý kiến của bản thân để có một kết quả tốt đẹp. Tuy nhiên trong tập thể, ý kiến cá nhân là cần thiết nhưng không được đề cao cái tôi cá nhân quá, mà cần lắng nghe, cùng nhau xây dựng tập thể vững mạnh.

Bài viết tham khảo 2:

Một con người khi làm việc, không tự tin vào bản thân, không có chính kiến của mình mà phải thực hiện ý kiến theo tham khảo của nhiều người khác thì sẽ dẫn tới tình trạng “lắm thầy thối ma” rồi cũng thất bại. Nhân vật người thợ mộc trong câu chuyện ngụ ngôn “Đẽo cày giữa đường” đã cho ta thấy điều đó.

Câu chuyện kể về một chàng nông dân có được khúc gỗ to muốn làm một cái cày để bán thu lợi nhuận và tăng năng suất lao động. Không biết sự vô tình hay cố ý, anh ta ngồi đẽo cày giữa đường. Kết cục từ một khúc gỗ có ích trở thành một mẩu gỗ vô dụng bởi anh không bảo vệ được chính kiến của mình, nghe hết lời người này đến lời người khác. Giá mà anh ta nghiên cứu thật kĩ những yêu cầu cần đạt của sản phẩm mình đã chọn thì sẽ không đến nỗi làm người khác phì cười. Miệng đời không xấu, chưa hẳn người qua đường có ý phá anh ta nhưng mỗi người có một cảm nhận riêng theo từng góc độ của họ. Khi việc anh làm phơi ra trước mặt mọi người thì lẽ đương nhiên mọi người có quyền góp ý cho anh không ngần ngại. Có những ý kiến tốt song có người ích kỷ muốn anh ta không làm được, không tin vào bản thân mà cố ý nói hại trêu chọc anh.

Có thể nói, hành động của anh đẽo cày không sai khi chịu và biết lắng nghe ý kiến của người khác. Nhưng do anh không chịu suy nghĩ chín chắn, kết hợp giữa ý kiến của mình với ý kiến tham khảo nên đã gây ra tình trạng kể trên.

Nếu có chủ kiến thì vốn trí thức và bản lĩnh sẽ giúp anh phân tích cái lợi và cái hại cho mình. Tri thức là sự hiểu biết, trình độ nhận thức để giải quyết công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả dựa trên những cơ sở sẵn có trong mỗi con người. Bản lĩnh song không được là ngu ngốc, thiếu logic của từng ý kiến để chắt lọc thật chính các những điều hay, đưa tới kết luận và hành động. Một khi đã quyết định làm thì dám chịu trách nhiệm với bản thân rồi rút kinh nghiệm chứ không bạ đâu làm đấy.

Trong cuộc sống hiện đại mà không phải lúc nào ta cũng nhận được sự giúp đỡ thân thuộc. Vì vậy mỗi con người phải có chính kiến của mình. Mặc dù ta vẫn phải tiếp nhận ý kiến của người khác nhưng phải biết chọn lọc, không thể để ý kiến đó chi phối và lấn át lý tưởng của bản thân. Anh chàng trong chuyện chẳng những thiếu lập trường mà còn thiếu hiểu biết về công việc mình đang làm nên ai nói gì cũng nghe thành ra thất bại. Câu chuyện khuyên mọi người phải biết học hỏi một cách chủ động và phải có chủ kiến của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào và lĩnh vực nào.

Nếu phải làm một công việc mang tính tập thể có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi trình độ cao, ta cũng không nên quá đề cao ý kiến của bản thân và đây là việc có ý nghĩa không phải cho riêng mình. Song không vì thế mà ta yên lặng, hãy mạnh dạn nói lên ý kiến suy nghĩ của mình vì có thể nó có ích cho kết quả chung, giúp ta nhẹ nhõm và tự tin hơn vào bản thân năng lực, trí tuệ cũng như hoàn thiện hơn và điều quan trọng hơn là được mọi người yêu quý, tin cậy và thán phục. Nhưng ngược lại kết quả xấu làm ảnh hưởng đến bản thân và cuộc sống.

Cuộc đời chúng ta chỉ sống được một lần duy nhất nên phải đẽo một cái cày thật hoàn hảo để không cảm thấy hối tiếc. Hãy học từ những sai lầm của người khác, bạn sẽ không bao giờ hối hận.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang