hien-tuong-yeu-som-o-lua-tuoi-hoc-sinh-la-gi

Hiện tượng yêu sớm ở lứa tuổi học sinh là gì?

Hiện tượng yêu sớm ở lứa tuổi học sinh.

1. Yêu sớm là gì?

Yêu sớm ở giới trẻ là hiện tượng giới trẻ ngày nay bước vào tuổi biết yêu sớm hơn các thế hệ trước và không ngại bày tỏ tình cảm của mình. Nếu trước đây, giới trẻ nảy sinh cảm giác yêu ở lứa tuổi 13 – 14 thì ngày nay, những học sinh ở tiểu học (khoảng 11 – 12 tuổi) đã có cảm giác yêu và quan tâm đến bạn học khác giới.

Nhiều công trình nghiên cứu đã cho biết sự phát triển cảm xúc và sự quan tâm đến giới tính của trẻ theo lứa tuổi như sau:

+ Trẻ 1 – 2 tuổi: chúng biết quan sát những bộ phận trên cơ thể và ý thức được cấu tạo cơ thể của mình. Các bé trai hay nghịch chim mình như một thứ đồ chơi.

+ Trẻ 2 – 3 tuổi: chúng đã ý thức được giới tính của mình, biết tự xếp mình vào loại nam hay nữ. Nhưng trẻ phân biệt chủ yếu dựa vào cách ăn mặc, kiểu tóc…

+ Trẻ 3 – 4 tuổi: nhận thức được sự khác biệt của hai giới tính nam và nữ.

+ Trẻ 4 – 5 tuổi: nhiều trẻ đã thích chơi trò cô dâu chú rể và chúng đem vào trò chơi này những hiểu biết trực quan của mình nhờ chúng đã được xem đám cưới. Trẻ thích chơi với những đứa trẻ cùng giới tính.

+ Trẻ 5 – 6 tuổi: trẻ rất hay thắc mắc về việc mình được sinh ra như thế nào và luôn tìm cách lí giải điều ấy.

+ Trẻ 7 – 8 tuổi: tuổi này trẻ quan tâm đến bạn bè. Biểu hiện là chúng hay bàn tán với nhau.

+ Trẻ 9 – 10 tuổi: những dấu hiệu tâm lí trước tuổi dậy thì nảy sinh. trẻ nhận biết những dấu hiệu khác lạ trên cơ thể.

+ Trẻ 11 – 12 tuổi: một số cô cậu đã phát triển cơ thể vượt mức bình thường. Các cô, các cậu đã bắt đầu để ý tới nhau, để ý tới một cô, một cậu cụ thể trong lớp, trong trường. Các cô bé thích để ý tới các anh nhiều tuổi hơn mình, ở các lớp trên hay tới thăm lớp mình.

+ Trẻ 13 – 15 tuổi: một số cô gái đã xuất hiện kinh nguyệt, tâm trạng của các cô phụ thuộc vào hiểu biết của mình về chuyện đó. Các cô, các cậu đã xuất hiện tình yêu nhưng thường là đơn phương và âm thầm.

+ Trẻ 15 – 18 tuổi: xuất hiện những mối tình đầu và những giao tiếp tình dục.

2. Dấu hiệu nhận biết học sinh đang yêu.

Dấu hiệu một học sinh “đang yêu” rất dễ nhận thấy. Trong lớp học hay ở nhà, học sinh “đang yêu” có biểu hiện bề ngoài rất yêu đời, hay hát những bài hát có những ca từ ca ngợi tình yêu đôi lứa, hay mơ mộng, thích làm đẹp và “không thích” học tập nữa. Tình trạng có chiều hướng xấu đi là từ học sinh giỏi, chăm ngoan trở thành học sinh cá biệt, thích làm nổi, không thuộc bài khi ở lớp, về nhà thường nói dối cha mẹ, người lớn trong gia đình, bắt đầu tiêu xài tiền phung phí… Thậm chí, học sinh yêu sớm đến mức mù quáng muốn làm người lớn về chuyện tình dục. Học sinh nam, nữ yêu nhau rủ nhau vào nhà nghỉ hoặc có hành vi sinh hoạt tình dục thiếu an toàn.

Nhiều học sinh “đang yêu” thường hay bộc lộ cái tôi ương ngạnh, ngang bướng của mình một cách mạnh mẽ đầy cá tính và có xu hướng tìm cách vượt qua những quy tắc, thoát khỏi sự ràng buộc các khuôn phép, chuẩn mực của gia đình và xã hội. Đặc biệt là những thay đổi tâm tính mãnh liệt, bất ngờ “trở chứng”, thích làm ngược lại với những điều cha mẹ dạy bảo, xao nhãng việc học hành, ham chơi, thưởng tụ tập bạn đi xem hát hay chơi game… con gái thì đột nhiên thay đổi tính cách, dễ tức giận, hờn dỗi…

Con trai bất ngờ thay đổi kiểu tóc, thích săm hình, ăn mặc nổi loạn. Một số nam nữ tỏ ra thích chưng diện, ăn mặc phong cách, son môi, nhuộm tóc, luôn xin tiền bố mẹ để mua sắm áo quần, phấn son. Một số bạn nữ thì thay đổi kiểu tóc, cắt tóc kiểu tomboy… Nhiều bạn trẻ thường có thay đổi về nhận thức tình dục (chuyển biến từ gái ngoan thành gái hư), thích khám phá, vượt rào, nếm trái cấm, tham gia quan hệ tình dục sớm, nhìn chung là hành vi vượt ra khỏi khuôn phép.

3. Nguyên nhân khiến trẻ bước vào tuổi yêu sớm hơn cũng dễ nhận thấy.

Thứ nhất, điều kiện nuôi dưỡng của các gia đình tốt hơn trước. Các nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng giúp lứa tuổi học sinh phát triển nhanh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần. Điều kiện kinh tế gia đình ngày càng phát triển, giúp học sinh có nhiều thời gian hơn để học hành, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, tìm hiểu đã ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển cả về thể chất và trí tuệ của học sinh.

Thứ hai, công nghệ thông tin phát triển và sự bùng nổ của mạng xã hội tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc sớm hơn, nhiều hơn, dễ dàng hơn các thông tin về tình cảm lứa đôi và giới tính (chủ động và bị đông) dẫn đến việc trẻ thích khám phá, tìm tòi tri thức về đặc điểm bạn khác giới, tình cảm đối với bạn khác giới, tìm hiểu về sự phát triển của cơ thể bản thân. Và đôi lúc học sinh bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông tự ngộ nhận mình đang yêu. Tình yêu ở “tuổi học trò” xuất hiện.

4. Giải pháp giúp trẻ có những tình cảm tốt đẹp ở tuổi học sinh.

Nhiều khuyến cáo gửi đến các cha mẹ, các bậc phụ huynh những giải pháp khắc phục những hậu quả tiêu cực do độ tuổi này đem lại, góp phần giáo dục và định hướng nhân cách, lối sống, thái độ sống cho học sinh trong tuổi “yêu”:

♦ Trách nhiệm của cha mẹ.

Gia đình cần từ bỏ kiểu giáo dục mang nặng lý thuyết, giáo điều, áp đặt chuẩn, phải tìm cách tiếp cận con cái một cách tế nhị và phù hợp với hơi thở cuộc sống.  Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ về những đặc tính của tuổi trẻ hiện nay, nhất là các sở thích, thói quen, để trở thành người bạn thực thụ và bình đẳng đối với con mình. Không nên là bề trên để răn dạy, vì cách đó sẽ không được trẻ tiếp nhận với thái độ tích cực, nhiều khi còn phản tác dụng.

Đối với con gái thì hãy từ từ đưa vào công việc với mẹ trong nhà trong bếp. Kiểm soát tốt những mối bạn bè, cần tránh cho giao du với những bạn lười học, ham chơi, nói dối. Thực hiện việc đối thoại, dịu dàng mà nghiêm khắc dùng tình thương để cảm nhận.

Cha mẹ cần tìm hiểu những biến đổi trong suy nghĩ, hành động của con để có chấn chỉnh hợp lý. Trong đó cần lưu ý không kìm cặp quá mức, vì chính việc bị quản lý thúc ép quá chặt có thể khiến trẻ thêm bức bối và sẵn sàng vượt rào. Giới trẻ trong giai đoạn này dễ bị kích thích bởi những trò vui mới lạ, những mối quan hệ mới. Cha mẹ chỉ nên theo sát, để ý, định hướng chứ không cấm đoán một cách tuyệt đối những gì con cái làm.

Cần thiết lập giới hạn rõ ràng và kiên quyết không thỏa hiệp khi chúng vượt qua lằn ranh đỏ. Không kìm hãm những thay đổi của chúng, không can thiệp một cách quá mạnh mẽ nhưng cha mẹ cần đặt ra những giới hạn, quy định rõ ràng. Nếu không quan tâm, để ý đến con cái, chúng có thể sẽ trượt dài trong nhân cách.

Bên cạnh đó cần tôn trọng sự riêng tư, trẻ em có quyền có những bí mật riêng. Đừng tự động đẩy cửa vào phòng con khi chưa gõ cửa, đừng xem trộm tin nhắn hay vào nick yahoo của con trẻ…

Cha mẹ, các bậc phụ huynh phải là điểm tựa vững chắc cho con, rộng lòng tha thứ khi con mắc phải lỗi lầm. Hãy thường xuyên tâm sự với con cái mình hơn để hiểu nhu cầu, suy nghĩ của chúng trong thời điểm này. Đừng để con bạn tìm đến người khác chứ không phải gia đình mỗi khi gặp khó khăn, tạo niềm tin cho con cái của mình.

♦ Trách nhiệm của nhà trường:

Tăng cường các bài học về giới tính và tâm sinh lý lứa tuổi. Người thầy phải tận tâm giáo dục cho các em có nhiều hiểu biết về bản thân và định hướng lối sống lành mạnh, tích cực.

Tổ chức nhiều hơn các buổi giao lưu, các tiết học ngoại khóa, các sân chơi mang tính giáo dục nhân cách cho học sinh, thu hút các em vào các hoạt động hữu ích, tạo không khí học tập thoải mái, tôn trọng và hiệu quả cao.

Xây dựng ước mơ, khát vọng ,hoài bão hướng đến tương lai tươi sáng. Xây dựng các định hướng nghề nghiệp, khơi dậy khát vọng học tập và thành công, nâng cao ý chí của học sinh trên con đường học vấn.

Khuyến khích xây dựng tình bạn trong sạch, vững mạnh. Thành lập bộ phận tư vấn tâm lí, giúp học sinh hiểu biết và giải quyết các vấn đề tâm lí mới mẻ.

Mỗi giáo viên cần phải đồng hành cùng học sinh trong quá trình phát triển, không chỉ trích, kì thị, trù dập khiến các em cảm thấy việc học nặng nề, dễ dàng buông bỏ, sa ngã.

♦ Trách nhiệm của xã hội:

Tôn trọng và nâng đỡ tuổi trẻ trong quá trình học tập và làm việc. Tạo ra một cộng đồng văn hóa lành mạnh, văn minh, tiến bộ. tạo ra các sân chơi lành mạnh, tích cực thu hút giới trẻ tham gia học tập, rèn luyện và hoàn thiện bản thân theo những chuẩn mực tốt đẹp của cộng đồng.

Phát triển những giá trị văn hóa tích cực, hạn chế các văn hóa phẩm tiêu cực, đồi trụy. Các cơ quan chức năng quản lý chặt chế thông tin trên mạng xã hội, quảng cáo, hình ảnh nhạy cảm. Cũng cần xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm trong vấn đề phân phát các văn hóa phẩm đồi trụy, khuyến khích tình dục và các hành động nổi loạn ở giới trẻ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang