»» Nội dung bài viết:
TRI THỨC NGỮ VĂN
(Thơ, Ngữ cảnh, Nghĩa của từ)
1. Thơ và sự thể hiện tình cảm, cảm xúc trong thơ.
Thơ được sáng tác nhằm bộc lộ tình cảm, cảm xúc của nhà thơ trước những khoảnh khắc của đời sống. Đọc thơ trước hết là tìm hiểu, lắng nghe, chia sẻ những tình cảm, cảm xúc ấy qua ngôn ngữ thơ.
Ngôn ngữ thơ có khả năng truyền cảm, lan tỏa tình cảm cảm xúc nhờ được tổ chức mọt cách đặc biệt, độc đáo thể hiện qua cách dùng từ ngữ, hình ảnh, vần, nhịp, các biện pháp tu từ, …
2. Ngữ cảnh và nghĩa của từ trong ngữ cảnh.
Ngữ cảnh của một từ là những yếu tố ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ xung quanh nó. Như vậy, ngữ cảnh có thể một tình huống, một đoạn văn, một câu, một cụm từ và cũng có thể là một từ. Ngữ cảnh có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn từ ngữ khi viết hoặc nói và hiểu nghĩa của từ khi đọc hoặc nghe.
3. Nghĩa của từ trong ngữ cảnh.
– Trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp với các yếu tố khác, qua đó bộc lộ một nghĩa xác định nào đó. Khi gặp một từ không biết nghĩa, có thể dựa vào ngữ cảnh để xác định nghĩa của từ.
Ví dụ 1: Con đường này có nhiều đoạn gấp khúc ngắn, nối nhau liên tiếp rất nguy hiểm nhưng không có biển báo đường khúc khuỷu.
Cần dựa vào ngữ cảnh là các cụm từ “nhiều đoạn gấp khúc ngắn”, “nối nhau liên tiếp” để xác định nghĩa của từ “khúc khuỷu”.
Ví dụ 2: Nhờ vào những phát minh vĩ đại như máy hơi nước, điện, tivi, máy vi tính, …mà chúng ta có được cuộc sống tiện nghi, thoải mái.
– Để xác định nghĩa của từ “phát minh”, cần căn cứ vào một số ví dụ cụ thể như “máy hơi nước”, “điện”, “tivi”, “máy tính”.
– Khi xác định nghĩa của từ: cần phải lưu ý xem trong ngữ cảnh này, từ có được dùng với nghĩa thông thường (nghĩa có trong từ điển) hay được dùng với nghĩa khác. Chẳng hạn, trong câu sau, từ “lửa” không được dùng với nghĩa thông thường ghi trong từ điển mà dùng để chỉ màu đỏ như lửa của hoa lựu.
Dưới trăng quyên đã gọi hè
Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông.