»» Nội dung bài viết:
Kiến thức ngữ văn:
Văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên; Cách trình bày thông tin văn bản; Đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp; Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ; Văn bản kiến nghị.
1. Văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên.
– Trong thế giới tự nhiên quanh ta có rất nhiều hiện tượng tác động hoặc có thể tác động đến nhận thức và đời sống con người như lũ lụt, băng tuyết, nước biển dâng, cháy rừng, sương mù, bão gió, nhật thực, sao băng,… Trước các hiện tượng ấy, người ta thường có nhu cầu tìm hiểu: Hiện tượng đó là gì? Tại sao có hiện tượng đó? Chúng có lợi hay có hại như thế nào? Cần làm gì để tận dụng lợi ích và khắc phục ảnh hưởng xấu của chúng?… Văn bản tập trung nêu lên và trả lời các câu hỏi ấy bằng những kiến thức có cơ sở khoa học là văn bản giải thích một hiện tượng tự nhiên.
2. Cách trình bày thông tin văn bản.
– Trong văn bản thông tin, nội dung ý tưởng và thông tin có thể được triển khai theo một cách hoặc kết hợp những cách khác nhau như: trình bày theo trật tự thời gian, quan hệ nhân quả, mức độ quan trọng hay phân loại đối tượng: trình bày hoàn toàn bằng phương tiện ngôn ngữ hoặc kết hợp với phương tiện phi ngôn ngữ,…(Những cách trình bày này, các em đã học ở lớp 6 và lớp 7). Sách Ngữ văn 8 tiếp tục hướng dẫn các em vận dụng kiến thức đã biết về bố cục văn bản, đồng thời tập trung hướng dẫn về bố cục của đoạn văn để đọc hiểu và tạo lập văn bản thông tin giải thích một hiện tượng tự nhiên.
3. Đoạn văn diễn dịch, quy nạp, song song, phối hợp.
– Đoạn văn diễn dịch là đoạn văn trình bày vấn đề theo trình tự từ ý khái quát đến các ý cụ thể. Ở đoạn văn diễn dịch, câu chủ đề là câu thứ nhất nêu ý khái quát, các câu còn lại phát triển ý nêu ở câu chủ đề.
– Đoạn văn quy nạp là đoạn văn trình bày vấn đề theo trình tự từ các ý cụ thể đến ý khái quát. Ở đoạn văn quy nạp, câu chủ đề là câu đứng cuối đoạn, khái quát ý từ những câu đứng trước.
– Đoạn văn song song là đoạn văn không có câu chủ đề, các câu trong đoạn có quan hệ bình đẳng với nhau và cùng có tác dụng làm rõ ý khái quát nêu ở phần trước (hoặc sau) đó.
– Đoạn văn phối hợp là đoạn văn vừa có câu chủ đề ở đầu đoạn, vừa có câu chủ đề ở cuối đoạn, tức là kết hợp cách trình bày ở đoạn văn diễn dịch và đoạn văn quy nạp.
4. Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.
– Phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ là các hình ảnh, số liệu, kí hiệu, biểu đồ,…được dừng phối hợp với phương tiện ngôn ngữ nhằm minh họa, làm rõ những nội dung nhất định được biểu thị bằng cách phương tiện ngôn ngữ. Ví dụ, các bức ảnh trong văn bản Sao băng (Hồng Nhung) và văn bản Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại (Mơ Kiều), hoặc biểu đồ, số liệu trong văn bản Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI (Lưu Quang Hưng) đều được dùng để minh họa, làm rõ những nội dung được trình bày trong văn bản. Bên cạnh các phương tiện trên đây, trong trò chuyện trực tiếp, người ta còn dùng một số cử chỉ để thể hiện điều muốn nói. Ví dụ, người Việt dùng cử chỉ gật đầu, lắc đầu để biểu thị sự đồng ý hay không đồng ý; xòe bàn tay, giơ ngón tay biểu thị số lượng nhất định. Đó cũng là phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ.
5. Văn bản kiến nghị.
– Kiến nghị là loại văn bản trong đó, người viết từ việc trình bày đầy đủ, rõ ràng về một vấn đề hoặc sự việc nào đó, nêu lên các đề nghị của mình, yêu cầu cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét và giải quyết. Người viết kiến nghị là người chứng kiến hoặc có liên quan đến việc kiến nghị.