Xe đêm (trích, Côn-xtan-tin Pau-tốp-xki)
(Ngữ văn 8, Kết Nối Tri Thức)
* Nội dung chính: Truyện gửi gắm thông điệp về sức mạnh của trí tưởng tượng và ảnh hưởng của nó trong văn chương cũng như trong đời sống.
Câu 1. (trang 76 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Chân dung nhân vật An-đéc-xen hiện lên qua những chi tiết nào? Hãy nêu nhận xét của em về nhân vật.
Trả lời:
Chân dung nhân vật An – đéc – xen được hiện lên qua những chi tiết:
– Chàng rất xấu trai và tự mình biết trước điều đó.
– Chàng cao kều và nhút nháy.
– Tay chân lòng thòng như con rối xâu dây mà ở quê chàng trẻ con gọi là “ham – pen – man”.
Câu 2. (trang 76 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): An-đéc-xen đã tiên đoán như thế nào về tương lai của các cô gái mới quen? Qua đó, em nhận ra mong ước, tình cảm gì của ông dành cho những cô gái ấy?
Trả lời:
– Nicolina: xinh đẹp kiều diễm, hay cười và thấy tất thảy những gì sống động. Cô có một trái tim nồng nhiệt và sẵn sàng vượt qua muôn vàn khó khăn để cứu người yêu mình khỏi cơn nguy khốn.
– Maria và bà thiếu phụ: sở hữu sắc đẹp mê hồn và mang bản tính kín đáo. Cô giấu kín trong lòng niềm đam mê bừng cháy, số mệnh của cô hoặc rất buồn, hoặc là rất hạnh phúc. Sẽ không dễ dàng nhưng chỉ cần kiên trì cô sẽ gặp được người đàn ông xứng đáng của đời mình.
– Anna: cô sẽ có nhiều con và chồng tương lai của cô sẽ đỡ đần cô chăm sóc bọn chúng.
→ Qua những lời tiên đoán trên, em nhận thấy An-đéc-xen mong ước các cô gái mới quen có một cuộc đời hạnh phúc, đặt niềm tin vào cuộc sống, tình cảm mà ông dành cho các cô là sự mến mộ đầy chân thành, tha thiết.
Câu 3. (trang 76 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Theo An-đéc-xen kể lại, ông đã mang đến niềm vui cho cháu bé trong gia đình kiểm lâm xứ Giuýt-len. Em có đồng tình với ý kiến “trái tim bé sẽ không dễ bị trơ lì như với những người chưa từng chứng kiến chuyện cổ tích như thế” không? Vì sao?
Trả lời:
– Theo tác giả An-đéc-xen kể lại, ông đã mang đến niềm vui cho cháu bé trong gia đình kiểm lâm xứ Giuýt- len. Em đồng tình với ý kiến “trái tim bé sẽ không dễ bị trơ lì như với những người chưa từng chứng kiến chuyện cổ tích như thế”.
– Bởi vì, ông luôn mong muốn mang tới những kỉ niệm đẹp để hàn gắn vào tuổi thơ của những đứa trẻ và khi ông nói như vậy là muốn hướng tới một tâm hồn với những kỉ niệm thơ ấu rực cháy và những sự mất mát là do chú lùn giấu đi hoặc họ chưa tìm kiếm ra.
Câu 4. (trang 76 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Truyện cổ An-đéc-xen đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả. Theo em, trí tưởng tượng đã giúp ích như thế nào cho An-đéc-xen trong việc viết truyện cổ tích?
Trả lời:
– Truyện cổ An-đéc-xen đã chinh phục hàng triệu trái tim độc giả. Trong việc viết truyện cổ tích, trí tưởng tượng đã giúp ích cho An-đéc-xen rất nhiều, cụ thể là:
+ Bằng trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, ông đã sáng tạo nên một thế giới huyền ảo mà vẫn rất gần gũi với con người, với cuộc sống thường ngày.
+ Ông quan niệm rằng: “Không có truyện kể nào hay hơn được những điều do chính cuộc sống tạo nên”.
+ Nhà văn Nguyễn Tuân đã có nhận định về truyện An-đéc-xen: “Một em nhỏ nào đã đọc qua truyện ngắn An-đéc-xen thì trọn đời không khi nào quên và dửng dưng với thơ ca, mộng ước, tình yêu thương và lòng công bằng…”.
Câu 5. (trang 76 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Qua đoạn trích, em nhận ra tình cảm, thái độ gì của nhà văn Pau-xtốp-xki đối với nhà văn An-đéc-xen?
Trả lời:
– Qua đoạn trích, em nhận thấy nhà văn Pau-xtốp-xki đã rất trân trọng tài năng và tâm hồn bay bổng của nhà văn An-đéc-xen.
Câu 6. (trang 76 sgk Ngữ văn 8 Tập 2): Theo em, nghệ thuật của đoạn trích có gì nổi bật?
Trả lời:
Nghệ thuật của đoạn trích:
– Cốt truyện đa tuyến truyện lồng truyện.
– Các yếu tố liên tưởng, tưởng tượng thi vị dẫn dắt người đọc vào thế giới hồn nhiên đầy mơ mộng.
– Ngôi kể thứ ba làm tăng tính khách quan, chân thật.