»» Nội dung bài viết:
Biểu cảm về người bà
I. Mở bài:
– Không có nơi nào ấm áp như gia đình. Không có tình cảm nào ấm áp như tình bà dành cho cháu. Có lẽ, trong gia đình, tôi là người được bà chăm sóc và yêu thương nhiều nhất. Đối với tôi, bà là người đã mang đến cho tôi những bài học sâu sắc và những ký ức đẹp đẽ nhất.
II. THÂN BÀI:
Kể, miêu tả và biểu cảm về ngoại hình của bà.
– Trên vầng trán của bà đã xuất hiện nhiều nếp nhăn, đó là dấu vết của thời gian. Nhất là hai bên khóe mắt, những vết nhăn hằn in như vết chân chim.
– Mái tóc của bà đã bạc màu mây, phủ lên đôi vai gầy.
– Đôi bàn tay bà gầy guộc với những vết chai sần bởi vất vả của cuộc đời.
Kể, miêu tả và biểu cảm về tình cảm của bà dành cho cháu.
– Giọng bà dịu dàng, ấm áp, tràn đầy yêu thương. Mỗi đêm, bà thường ôm tôi vào lòng, kể cho tôi nghe những câu chuyện….. cho tôi những lời khuyên…. Những câu chuyện đầy ý nghĩa ấy gợi cho tôi biết bao suy nghĩ về tình cảm gia đình, biết quý trọng cuộc sống và càng thêm yêu thương.
– Bà thường khuyên tôi phải biết quý trọng từng khoảnh khắc của tuổi thơ bởi tuổi thơ là giai đoạn đáng quý nhất của cuộc đời con người. Thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, đánh mất tuổi thơ là đánh mất cả quá khứ tươi đẹp, là đánh mất nửa cuộc đời. Những buổi chiều theo bà ra vườn nhổ cỏ, hái rau hay chỉ đơn giản là ngồi bên nhau, cùng trò chuyện, đã trở thành những ký ức không thể nào quên.
– Tình yêu thương bà dành cho tôi cũng lớn lao như của mẹ. Bà luôn quan tâm từ những điều nhỏ nhặt nhất: nhắc tôi mặc thêm áo khi trời trở lạnh, dặn dò phải ăn uống đầy đủ hay đơn giản là nhìn tôi với ánh mắt trìu mến khi tôi làm điều gì tốt. Đôi khi, bà nghiêm khắc dạy dỗ tôi khi tôi phạm sai lầm. Những lời khuyên ấy tuy giản dị nhưng đã giúp tôi nhận ra giá trị của sự trung thực, lòng kiên nhẫn và tình yêu thương trong cuộc sống. Chính bà là người dạy tôi những bài học quý giá về cuộc sống. Bà từng nói: “Sống trên đời, cái quý nhất là lòng tử tế.” Câu nói ấy đã trở thành kim chỉ nam trong cách tôi đối nhân xử thế. Từ bà, tôi học được sự nhẫn nại, kiên trì qua những ngày bà tỉ mỉ dạy tôi thêu khăn tay hay chăm sóc vườn hoa nhỏ.
– Bà cũng luôn khuyến khích tôi mạnh mẽ, đối diện với khó khăn. Khi tôi buồn vì thất bại trong học tập, bà đã an ủi: “Thất bại chỉ là bước đệm để con bước lên thành công”. Nhờ lời động viên ấy, tôi biết rằng mỗi thử thách đều là cơ hội để trưởng thành.
– Những hôm rảnh rỗi, bà thường kể cho toi nghe những ngày gian khó xa xưa, những niềm vui, nỗi buồn của cuộc đời bà. Khi nhắc về ông, tôi thấy khóe mắt của bà rưng rưng, giọng nghẹn ngào xúc động. Có lẽ, bà nhớ đến ông nhiều lắm. Những lúc như thế tôi thấy thương bà vô cùng.
Kể, miêu tả và biểu cảm về tình cảm của cháu dành cho bà.
– Tôi thương bà những ngày mùa đông trở rét. Những hôm trời lạnh, bàn tay bà run run. Bà phải hơ trên lửa mới ấm lại. Đêm lạnh, bà không ngủ được. Bà cứ trở mình nhiều lần. Có lẽ, xương khớp của bà lại đau…..
– Tôi thương bà vất vả ngày đêm để chăm lo cho con cháu. Nhiều lần, ba mẹ bảo bà cứ nghỉ đi, việc nhà cứ để con cháu lo. Nhưng bà nào ngồi yên cho được khi mọi người trong nhà ai cũng bận rộn. Ba mẹ bận đi làm việc. Tôi và anh bận đi học. Thế rồi, bà làm hết việc nhà.
Kể lại một kỷ niệm sâu sắc, đáng nhớ.
– Bà luôn là người nâng đỡ, ủng hộ tôi trong những lúc khó khăn. Mỗi khi tôi gặp thất bại hay cảm thấy buồn bã, bà luôn ở bên, lặng lẽ lắng nghe và chia sẻ những lời động viên chân thành. Bà không trách mắng hay phê phán, mà nhẹ nhàng giúp tôi nhìn nhận vấn đề và mạnh mẽ hơn.
– Tôi nhớ rất rõ có một lần tôi nghịch ngợm trèo lên cây cao. Vì bất cẩn, tôi đã ngã xuống gốc cây, khiến cho chân tay bị nhiều vết trầy xướt. Lúc ấy, khi thấy tôi ngã, bà vội chạy ra đỡ tôi lên và đỡ tôi vào nhà. Nhìn nét mặt đầy lo lắng củ bà, tôi thương bà quá. Vì sáng nay, bà sợ tôi bị thương vì cái tính nghịch ngợm, đã dặn tôi không được trèo lên cái cây ấy mà tôi không nghe. Tôi hối hận quá.
– Bà lặng lẽ đi lấy bông và cồn sơ cứu vết thương cho tôi. Tuy không chảy máu nhưng rất đau rát. Băng bó vết thương xong, bà ôm tôi vào lòng, bà dặn dò: “Lần sau cháu đừng nghịch như thế nữa, nguy hiểm lắm”.
Cảm nghĩ về bà.
– Tình yêu thương, sự hy sinh và những lời dạy của bà luôn là kim chỉ nam giúp tôi sống tốt hơn. Mỗi lần đối diện với khó khăn, tôi lại nhớ về bà, nhớ về sự kiên định và tấm lòng nhân hậu của bà.
III. Kết bài:
– Khẳng định ý nghĩa tình bà đối với cháu: Thời gian trôi qua, tôi biết rằng bà không thể mãi mãi bên cạnh tôi. Nhưng tình yêu thương, những lời dạy bảo và hình ảnh của bà sẽ luôn khắc sâu trong trái tim tôi.
– Suy nghĩ của bản thân: Đối với tôi, bà như một bà tiên hiền hậu, mang đến cho tôi biết bao tình yêu thương và sự che chở.
– Mong ước, hứa hẹn: Tôi mong bà luôn khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi và lúc nào cũng được kề cận con cháu, vui vẻ trong tuổi già.
Bài văn tham khảo:
- Mở bài:
Trong cuộc đời mỗi người, gia đình luôn là chốn yên bình, là nơi tình yêu thương ngự trị. Và với em, bà chính là hình ảnh tiêu biểu nhất cho sự yêu thương ấy. Bà em không chỉ là người nuôi nấng, chăm sóc mà còn là người thắp sáng tâm hồn em bằng tình yêu vô bờ bến.
- Thân bài:
Bà em đã già, dáng người nhỏ nhắn với mái tóc bạc phơ như sương sớm. Khuôn mặt bà, tuy hằn rõ những nếp nhăn của thời gian, vẫn luôn ánh lên nét hiền từ, ấm áp. Mỗi lần nhìn bà, em đều cảm nhận được sự bao dung và trìu mến trong ánh mắt. Đôi tay bà chai sạn, thô ráp vì năm tháng lao động vất vả, nhưng khi bà xoa đầu hay nắm lấy tay em, em lại cảm nhận được sự ấm áp lan tỏa, như một ngọn lửa nhỏ xua tan mọi lạnh giá.
Bà thường kể cho em nghe những câu chuyện xưa cũ, những chuyện ngày thơ ấu của bố mẹ em hay cả những câu chuyện cổ tích từ ngàn xưa. Giọng bà trầm ấm, nhẹ nhàng như lời ru. Có những đêm đông lạnh giá, em nằm bên cạnh bà, nghe bà kể chuyện, em cứ ngỡ mình đang trôi vào một thế giới khác – một thế giới đầy màu sắc, đầy bài học và tình người. Những câu chuyện bà kể không chỉ giúp em hiểu thêm về cuộc sống mà còn nuôi dưỡng trong em lòng nhân ái và tình yêu thương.
Những kỷ niệm về bà luôn đọng lại trong em những dấu ấn khó phai. Nhớ những buổi sáng sớm, bà thức dậy từ khi trời còn tối để nấu bữa sáng cho cả gia đình. Dáng bà lụi cụi bên bếp lửa, ánh mắt chăm chú từng li từng tí, như sợ rằng món ăn không vừa ý mọi người. Bà chẳng bao giờ than thở hay tỏ ra mệt mỏi, dù tuổi già đã lấy đi phần lớn sức lực của bà.
Bà không chỉ chăm sóc em bằng những bữa cơm ngon lành mà còn bằng những lời dạy bảo ân cần. Khi em gặp khó khăn, bà luôn là người đầu tiên lắng nghe và động viên em. “Con người không ai là hoàn hảo, quan trọng là con biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình,” bà thường nói. Những lời nói ấy đã trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của em, giúp em vững vàng hơn trên hành trình trưởng thành.
Bên cạnh đó, bà còn là người thầy đầu tiên của em. Bà dạy em cách trồng rau, chăm sóc cây cối, dạy em biết yêu thương thiên nhiên và trân trọng công sức lao động. Em nhớ những buổi chiều cùng bà ra vườn, bà cặm cụi nhổ cỏ, tưới cây, còn em thì ríu rít kể cho bà nghe những chuyện ở trường. Đó là những khoảnh khắc giản dị nhưng tràn đầy niềm vui và ý nghĩa.
Có một lần, em bị ốm nặng và phải nằm viện. Chính bà là người túc trực bên giường em cả ngày lẫn đêm, chăm sóc em từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Mỗi khi em đau đớn, bà lại nắm chặt tay em, như truyền thêm sức mạnh để em vượt qua. Hình ảnh bà mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ nhưng vẫn luôn cười động viên em, khiến em không thể nào quên.
Bà không chỉ là người bà yêu thương của em mà còn là tấm gương về lòng nhân ái và sự kiên cường. Bà từng kể với em về những năm tháng chiến tranh, khi bà phải một mình gánh vác gia đình, nuôi nấng các con trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề. Dù gian khó, bà chưa bao giờ buông xuôi hay từ bỏ. Sự mạnh mẽ của bà là nguồn cảm hứng lớn lao, giúp em nhận ra rằng, chỉ cần có nghị lực và tình yêu thương, con người có thể vượt qua mọi thử thách.
Dù bây giờ, bà đã không còn đủ sức để làm những công việc nặng nhọc như trước, nhưng tình yêu của bà dành cho em và gia đình vẫn mãi trọn vẹn. Bà vẫn thường nhắc nhở em phải sống tốt, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người. Đối với em, bà là người đặc biệt nhất, là nguồn động lực lớn lao để em cố gắng mỗi ngày.
- Kết bài:
Thời gian trôi qua, em biết rằng bà không thể mãi mãi bên cạnh em. Nhưng tình yêu, những lời dạy bảo và hình ảnh của bà sẽ luôn khắc sâu trong trái tim em. Bà chính là người đã cho em biết thế nào là yêu thương, biết trân trọng cuộc sống và những giá trị giản dị nhưng vô giá. Bà ơi, con yêu bà nhiều lắm! Dù đi đâu, làm gì, con sẽ luôn nhớ về bà – người bà tuyệt vời nhất trong cuộc đời con.
Bài văn tham khảo 3:
- Mở bài:
Bà tôi tóc bạc như sương / Đốt than quạt củi, khói vương đôi mày. Mỗi lần đọc câu ca dao ấy, lòng tôi lại nghĩ về bà tôi, người đã dành cho tôi biết bao tình yêu thương ấm áp.
- Thân bài:
Bà tôi năm nay đã gần 60 tuổi. Ở cái tuổi gần đất xa trời, bà tôi cũng hay đau ốm nhiều lắm. Nhất là trong những ngày lạnh rét như thế này, thỉnh thoảng bà thấy đau nhức, ê ẩm trong người, không muốn làm việc gì. Hôm qua, tôi thấy bà khục khặc ho mấy tiếng, giọng bà khàn đặc lại. Chắc là do đất trời chuyển mùa nên khiến bà bị cảm lạnh rồi.
Ba mẹ tôi đi làm cả ngày, đến chiều tối mới về. Tôi và bé Loan vẫn thường ở nhà với bà. Tuổi già sức yếu nhưng bà tôi vẫn cố gắng làm việc, cố gắng chăm sóc chúng tôi thật chu đáo. Bà vẫn thường bảo, tuổi này mà không năng vận động nó sẽ mau yếu chân yếu tay lắm. Ngồi mãi cũng chán, làm cho nó thơi thả tinh thần.
Mái tóc bà tôi đã ngã màu thời gian, lốm đốm sợi bạc. Mỗi buổi sáng thức dậy sớm, tôi thường giúp bà chải tóc trong nắng ấm. Hai bà cháu ngồi trước cửa, tôi chải tóc còn bà vừa ngoáy cơi trầu vừa kể chuyện cho tôi nghe. Tóc bà tôi rụng nhiều. Mỗi sợi tóc rụng là một nỗi gian truân, vất vả mà bà đã trải qua trong suốt cuộc đời mình.
Bà nói, thời còn con gái, tóc bà suông mượt lắm, ngang dài xuống tận chấm lưng, ai thấy cũng mê. Mấy cô gái miền quê ai cũng để tóc dài như thế. Đó là nét đẹp truyền thống của dân tộc mình từ bao đời nay. Ngày đó, các cô, các bà chỉ gội nước lá nấu bồ kết thôi chứ không dùng dầu gội như bây giờ. Thế mà tóc mềm, mượt và thơm lắm. Ngày nay, bà vẫn còn giữ thói quen ấy, chỉ gội bồ kết, không dùng dầu gội hay dầu xả bao giờ.
Chải tóc xong bà thường búi gọn ở trên đầu rồi dùng khăn quấn lại cho ấm. Tôi nhận thấy bà gầy hơn lúc trước. Trên khuôn mặt xuất hiện thêm nhiều nếp nhăn cằn cỗi, lốm đốm vết đồi mồi. Làn da khô co lại mỗi khi bà tôi cười. Đôi mắt mờ đục, hiền từ nhìn vào cơi trầu, cái miệng món mém nhai miếng trầu thơm. Đôi bàn tay bà mảnh khảnh, gầy guộc tước từng sợi rễ. Những chai tay gồ lên, răn nức. Nhiều lúc, cầm lấy bàn tay khô cằn ấy mà tôi thương bà quá, đôi mắt rưng rưng muốn khóc thật nhiều, thấy có lỗi thật nhiều với bà.
Bà tôi thường mặc chiếc áo bà ba đen, bên ngoài khoát thêm chiếc áo cánh mà nâu điềm đạm. Thật ít khi tôi thấy bà may đồ mới. Ngoài những bộ cánh áo mặc ở nhà, bà còn có bộ áo dài nhưng bà vẫn thường mặc đi ăn cỗ cưới. Các cụ ngày đó vẫn thích áo dài nhung mềm mại và lấp lánh kim tuyến. Các cụ bà trong làng ai cũng đã cho mình một bộ như thế. Mấy hôm trước, mẹ tôi mua cho bà cái áo len thật dày để bà mặc ấm trong mùa đông.
Ở vùng này, mùa đông không lạnh như ở miền sơn cước nhưng bà đã lớn tuổi, cần phải giữ ấm thật nhiều. Cái gió lành lạnh của cơn rét đầu đông khẽ thổi qua khe cửa, luồn vào chỗ tôi nằm khiến tôi rùng mình co chân lại. Vội vàng, bà tôi ra khép chặt cánh cửa, đắp thêm cho tôi cái chăn ấm rồi nằm xuống bên cạnh. Tôi tiếp tục vùi mình trong giấc ngủ sâu trong hơi ấm của bà.
Mùa xuân đến, khí trời ấm áp, chúng tôi cùng bà cuốc đất trồng rau trong vườn. Cái Loan còn bé, không cầm nổi cuốc, cứ chạy loăn xoăn nhặt cỏ rồi vất tứ tung. Tay bà vẫn còn khỏe cuốc từng nhát cuốc chắc nịch xới tung mảnh vườn. Cái dáng lưng cong cong, nhịp nhàng theo từng nhát cuốc. Bà bảo, giờ xới đất cho tơi, đợi đến khi trời ấm hơn sẽ xuống hạt. Bà còn hứa sẽ cho tôi gieo hạt, tôi sẽ được tự mình gieo hết một lãnh rau muốn. Bà còn nói tôi phải tự chăm luống rau ấy cho đến khi nó lớn, không được để sâu hại và cỏ dại phá. Tôi thích thú vô cùng.
Đôi lúc tôi thấy bà ngồi tư lự một mình, đôi mắt nhìn đăm đăm. Có lẽ bà đang nhớ ông tôi. Ông tôi đã qua đời từ lâu, bỏ bà bơ vơ trên cõi đời. Duyên phận trần thế, nghĩa tình trăm năm, kỉ niệm còn đó, dẫu biết thế nhưng sao không khỏi không nhớ cho được.
- Kết bài:
Đêm nay, bố mẹ lại về khuya. Tôi lại ngủ cùng bà. Bé Loan đã ngủ từ lâu, nhìn nó cuộn tròn trong chiếc chăn ấm như con cún con vậy. Bà lại thì thầm kể chuyện cho tôi nghe. Những câu chuyện cổ tích quen thuộc, tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần mà không biết chán, vẫn cứ thấy hay hay lạ thường. Giọng bà trầm ấm, miên man đưa tôi vào giấc ngủ say từ bao giờ không hay.