Thực hành đọc hiểu:
Ca dao Việt Nam
(theo Kho tàng ca dao người Việt)
I. Chuẩn bị.
– Xem lại phần Kiến thức ngữ văn để vận dụng vào đọc hiểu văn bản này.
– Khi đọc ca dao, các em cần chú ý:
+ Ca dao là một hình thức thơ ca dân gian truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.
+ Ca dao sử dụng nhiều thể thơ, trong đó nhiều bài viết theo thể lục bát. Mỗi bài ca dao ít nhất có hai dòng.
+ Ca dao thể hiện các phương diện tình cảm, trong đó có tình cảm gia đình. Ba bài sau là ca dao về tình cảm gia đình.
II. Đọc hiểu.
a. Trong khi đọc.
Câu 1: Hãy chú ý đến thể thơ, vần, nhịp được sử dụng trong ba bài ca dao.
Trả lời:
– Bài 1:
+ Thể thơ của bài là lục bát.
+ Cách gieo vần trong bài thơ: Tiếng thứ sáu của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng bát, tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sau của dòng lục tiếp theo (trời – ngoài; Đông – mông – lòng).
+ Các dòng ngắt nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 2/2/2/2.
– Bài 2:
+ Thể thơ của bài là lục bát.
+ Cách gieo vần trong bài thơ: Tiếng thứ sáu của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng bát, tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sau của dòng lục tiếp theo (ông – sông).
+ Các dòng ngắt nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 2/2/2/2.
– Bài 3:
+ Thể thơ của bài là lục bát.
+ Cách gieo vần trong bài thơ: Tiếng thứ sáu của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng bát, tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sau của dòng lục tiếp theo (xa – nhà; thân – chân – thân).
+ Các dòng ngắt nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 2/2/2/2.
Câu 2: Cả ba bài ca dao đều sử dụng biện pháp tu từ nào?
Trả lời:
Cả ba bài ca dao đều sử dụng biện pháp tu từ so sánh:
– Bài 1: Công cha như núi ngất trời, / Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.
– Bài 2: Con người có cố, có ông, / Như cây có cội, như sông có nguồn.
– Bài 3: Yêu nhau như thể tay chân.
b. Sau khi đọc.
Câu 1: Mỗi bài ca dao nói về tình cảm trong gia đình?
Trả lời:
– Bài 1 nói về tình cảm cha mẹ dành cho đứa con vô bao la rộng lớn, không thể đo đạc được.
– Bài 2 nói về lòng biết ơn, luôn hướng về, nhớ về quê hương cội nguồn của mình.
– Bài 3 nói về tình cảm anh em ruột thịt thân tình.
Câu 2 : Hãy chọn và nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong một bài ca dao.
Trả lời:
– Bài 1: Công cha như núi ngất trời, / Nghĩa mẹ như nước ở ngoài Biển Đông.
→ Hình ảnh núi ngất trời và biển rộng mênh mông để nói đến công ơn của cha mẹ. Núi và biển là biểu tượng cho sự vĩnh hằng, bất diệt của thiên nhiên. Hình ảnh so sánh như một sự đối chiếu đó chính là không ai có thể đo được, không một ai có thể đếm công lao của cha mẹ.
– Bài 2: Con người có cố, có ông, / Như cây có cội, như sông có nguồn.
→ Cây thì có cội có gốc, sông thì có nguồn. Nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn mà sông mới có nước không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải “có cố, có ông”, có tổ tiên, ông bà mới có cha mẹ, con cháu. So sánh làm cho chân lí được cụ thể, giản dị, dễ hiểu và hiện rõ.
– Bài 3: Yêu nhau như thể tay chân
→ Tay và chân là hai bộ phận của con người, hỗ trợ cho nhau. Anh em trong một gia đình cũng vậy, đều cùng cha mẹ sinh ra, đều sống chung trong một mái nhà, cùng lớn lên, có quan hệ tình cảm gắn bó với nhau. So sánh cho chúng ta thấy tình anh em là tình ruột thịt gắn bó, gần gũi với nhau rất mật thiết như tay và chân của một cơ thể.
Câu 3: Em thích bài ca dao nào nhất? Vì sao?
Trả lời:
– Em thích nhất bài ca dao thứ nhất vì những hình ảnh so sánh lớn lao, kì vĩ khiến em nhớ đến những hành động, cử chỉ, tình cảm mà cha mẹ dành cho em.
Câu 4. Nếu vẽ minh họa cho bài ca dao thứ nhất, em sẽ vẽ như thế nào? Hãy vẽ hoặc miêu tả nội dung bức tranh bằng lời.
Trả lời:
HS tự vẽ hoặc miêu tả nội dung bức tranh bằng lời như sau:
Những dãy núi cao nâu đậm ngút trời nằm bên tay trái bức tranh. Còn bên tay phải phái dưới là dòng nước xanh bao la của đại dương. Bên trên là bầu trời xanh cao với những đám mây bay lững lờ trôi. Núi cao thì sừng sững, biển xanh thì rì rào những con sóng bạc đầu vỗ. Có một gia đình đang ngồi trên bờ biển ngắm nhìn đất trời.