DẶN CON
Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn.
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán.
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…
(Dặn con, Trần Nhuận Minh)
Đoạn văn:
Bài thơ Dặn Con của Trần Nhuận Minh là những lời dặn dò chân thành, thiết tha của người cha đối với con. Bài thơ đã giúp tôi nhận ra một cách sống, một thái độ sống và cao hơn hết là đạo lý sống tốt đẹp ở đời. Mở đầu bài thơ là lời nhắc nhở rằng không ai muốn “trở thành hành khất”, đó là tội trời đày ở nhân gian. Người cha dặn con không được cười giễu những người khốn khó, dù họ có “hôi hám hay úa tàn”. Ông cũng khuyên con hãy biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh, không bao giờ hỏi quê hương của họ ở đâu, vì đó là những góc khuất trong lòng mỗi người. Những hình ảnh chân thực: “hành khất”, “hôi hám úa tàn” được sử dụng để nhấn mạnh sự khó khăn và đau khổ của những người kém may mắn. Và cả con chó trong nhà, nếu nó có xua đuổi những người ăn mày, con phải răn dạy nó. Lời cha dặn nhẹ nhàng mà nghiêm khắc. Cha mong muốn con biết thấu hiểu, cảm thương, đồng cảm, chia sẻ và tôn trọng những người ở xung quanh mình, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, không thái độ kì thị, khinh miệt, thương hại; biết sống một cách khoan dung và nhân ái. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ giản dị, mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều tình cảm và triết lý sâu sắc. Chúng ta cần biết điều chỉnh cách sống, cách ứng xử để không chỉ thể hiện được lòng thương mà còn thể hiện được sự tế nhị – đó mới là cách sống, cách ứng xử của người có văn hoá. Tôi thầm cảm ơn nhà thơ đã giúp tôi thấm thía một điều thiêng liêng: Không phải ai trong cuộc sống này cũng có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Thế nên, hãy sống chậm lại để thấu hiểu và cảm thông. Hãy mở rộng vòng tay nhân ái, biết yêu thương, chia sẻ với người khác. Giúp đỡ người khác cũng là đang giúp chính mình.