Cảm nhận bài thơ Xa ngắm thác núi Lư của lý Bạch dưới góc độ thi pháp.
Lý Bạch (701 – 762) là một trong những nhà thơ vĩ đại của Trung Quốc. Ông được vinh danh là Thi Tiên (Đỗ Phủ là Thi Thánh, Vương Duy là Thi Phật) bởi thơ Lý Bạch phần lớn là thơ lãng mạn, trong đó các hình ảnh về thiên nhiên,
vũ trụ được Lý Bạch cảm nhận, miêu tả và thể hiện là những tuyệt tác kỳ vỹ, huyền diệu; những bức tranh độc đáo, khoáng đạt và hoành tráng đến mức không thể viền lại được, không đóng khung lại được. Nghĩa là vũ trụ, thiên nhiên trong thơ Lý Bạch như cảnh tiên. Cũng có thể vinh danh Thi Tiên có lý do một phần từ việc Lý Bạch tự xưng mình là vị Trích Tiên (vị Tiên bị đày xuống trần gian). Xa ngắm thác núi Lư (Vọng Lư Sơn bộc bố) là một trong những thi phẩm tuyệt bút diệu kỳ của Lý Bạch.
Cái nhìn nghệ thuật trong bài thơ là cái nhìn sáng tạo, độc đáo, lãng mạn, bay bổng. Trước hết, đây là cái nhìn từ xa, thể hiện trong từ vọng ở tiêu đề và từ dao trong câu Dao khan bộc bố quải tiền xuyên, và đặc biệt là qua bức tranh thác nước được quan sát và thể hiện không phải bằng chi tiết cụ thể mà bằng hình dáng, bằng tổng quan ngữ lưu diệu kỳ của nó. Tính sáng tạo được thể hiện ở góc tiếp cận mới, cách lạ hóa đối tượng miêu tả.
Trước Lý Bạch hơn ba trăm năm, nhà sư Tuệ Viễn (334 – 417) đã từng tả cảnh này là Khí bao trùm trên đỉnh Hương Lô mịt mù như hương khói” (Lư Sơn ký – ghi chép về Lư Sơn). Đó là cách miêu tả thực tế qua so sánh nhấn mạnh và cá biệt hóa đối tượng. Còn Lý Bạch đã nhìn đối tượng trong một quá trình tương tác và tạo tác, nhìn trong trạng thái động chứ không phải tĩnh: Nhật chiếu hương lô sinh tử yên. Quá trình tương tác này mang tính nhân quả: Tử yên được sinh ra từ việc nhật chiếu hương lô, nghĩa là tử yên là không phải đặc điểm của một đối tượng, mà là kết quả tương tác giữa ánh mặt trời chiếu vào núi Hương Lô, gặp những làn hơi nước (như hương khói – lời Tuệ Viễn) thì tạo khói tía.
Đó là sắc màu lung linh, huyền ảo; là cảnh núi, cũng là cái nền của bức tranh. Nét vẽ thứ hai cho ta biết được cảnh chủ thể thẩm mỹ nhìn từ xa, ngắm từ xa. Do vậy, dòng thác được cảm nhận và miêu tả là treo trên dòng sông phía trước, nhưng nó không đứng yên, mà Phi lưu trực há tam thiên xích (Chảy như bay đổ thẳng xuống ba nghìn thước). Trong câu thơ này, có hai động từ chỉ sự chuyển động nhanh, mạnh: phi (bay), há (đổ) diễn tả được tốc độ và cường độ cũng như hình thái mạnh mẽ, phóng khoáng, kiêu dũng của dòng thác. Bức tranh được tôn tạo thêm một nét vẽ có giá trị như thế đã nới rộng đường biên từ phạm vi thiên nhiên sang vũ trụ, mở tung không gian thẩm mỹ trong sự hài hòa với cái khoáng đạt của sông núi, đất trời.
Như vậy, bài thơ với tựa đề là Xa ngắm thác núi Lư, nhưng bức tranh không chỉ là thác nước mà có cả trời, cả núi, cả nước, được diễn trình tập trung ở hai điểm nhìn: Một là, khói tía từ sự phản quang, tương tác của ánh mặt trời với hơi khói từ núi Hương Lô – một sự giao hòa, tương sinh giữa trời với đất – tạo ra khói tía huyền ảo, diệu kỳ, diễm lệ. Hai là điểm nhìn về hình thái và dũng khí của thác nước tạo nên thần thái, cốt cách mạnh mẽ, phóng khoáng cho bức tranh, bổ sung cho nét đẹp mơ màng, huyền ảo và dịu nhẹ của bức tranh trong điểm nhìn thứ nhất. Hai điểm nhìn về đối tượng trong một chỉnh thể của hệ thống thẩm mỹ hàm chứa xúc cảm của chủ thể thẩm mỹ có giá trị tương tác, bổ sung cho nhau để làm bật lên đối tượng thẩm mỹ là thác núi Lư quyến rũ, diệu kỳ và vô cùng độc đáo.
Ngôn từ bài thơ đã tập trung làm bật nổi vẻ đẹp sinh động, tráng lệ, kỳ vỹ của dòng thác núi Lư giữa sông núi, đất trời. Ngôn từ đó, cảm nhận và cái nhìn đó liên kết với giọng điệu tự hào, ngỡ ngàng thể hiện rõ mỹ cảm của chủ thể trữ tình. Từ đó, người đọc không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của bức tranh mà cả vẻ đẹp từ tâm hồn, khí chất của bậc Thi Tiên tài danh. Đặc biệt là khi hòa mình với sắc màu, cốt cách, thần thái của bức tranh, người đọc cảm nhận được tự do, nâng mình lên không chỉ ý thức và năng lực cảm thụ thẩm mỹ mà còn cả cảm giác tự do, hạnh phúc với những giá trị tuyệt mỹ của thiên nhiên, vũ trụ.