Cảm nhận hình ảnh đáng thương của người vợ “nhặt” và sức mạnh tình người trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân
Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám. Vợ nhặt là tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Tác phẩm mà Kim Lân đã tái hiện thành công bức tranh ảm đạm và khủng khiếp về nạn đói Ất Dậu (1945) của nước ta. Trên cái nền tăm tối và đau thương ấy, nhà văn đã đặt vào đó hình ảnh của nhân vật người vợ nhặt: nghèo đói, bất hạnh nhưng lại có một khát vọng sống mãnh liệt. Điều đó được thể hiện qua việc chị chấp nhận theo không một người đàn ông về làm vợ giữa ngày đói.
Trước hết, về cảnh ngộ, xuất hiện trong tác phẩm, người vợ nhặt chỉ là một con số không tròn trĩnh: không tên tuổi, không quê hương, không gia đình, không nghề nghiệp, sống vất va vất vưởng.
Người vợ nhặt xuất hiện không có tên tuổi, lai lịch rõ ràng. Từ đầu đến cuối tác phẩm được gọi là thị, là cô ả, lúc là người đàn bà – một cách gọi phiếm định giành cho chị và tất cả những người phụ nữ có cảnh ngộ và số phận đáng thương và tội nghiệp như chị.
Trước khi làm vợ Tràng, “thị ngồi vêu ra ở cửa nhà kho thóc liên đoàn” với những người phụ nữ khác để “nhặt hạt rơi, hạt vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm”. Không những vậy, chân dung của người phụ nữ ấy hiện ra ngay từ đầu là những nét không mấy dễ nhìn: đó là hình ảnh của người đàn bà gầy vêu vao, ngực gầy lép, khuôn mặt lưỡi cày xám xịt, quần áo thì rách như tổ đỉa. Cái đói đã làm cho người đàn bà vợ nhặt hiện lên như một con ma đói: “áo quần tơi tả như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Có biết bao nhiêu người phụ nữ cũng giống như thị: sống tha hương, vất vả trong nạn đói.
Trước khi trở thành vợ Tràng, thị là một người phụ nữ ăn nói chỏng lỏn, táo bạo và liều lĩnh.
Lần gặp đầu tiên, thị chủ động làm quen ra đẩy xe bò cho Tràng và “liếc mắt cười tít” với Tràng. Lần gặp thứ hai, thị “sầm sập chạy tới”, “sưng sỉa nói” và lại còn “đứng cong cớn” trước mặt Tràng. Đã vậy, thị còn chủ động đòi ăn. Khi được Tràng mời ăn bánh đúc, thị đã cúi gằm ăn một mạch bốn bát bánh đúc. Ăn xong còn lấy đũa quẹt ngang miệng và khen ngon…
Có thể nói, tất cả những biểu hiện trên của thị suy cho cùng cũng là vì đói. Bị hoàn cảnh xô đẩy dẫn đến nguy cơ chết đói, thị trâng tráo, trơ trẽn, thô tục, không có sĩ diện và bất chấp lễ nghi.Cái đói đã làm cho chị sẵn sàng theo Tràng – một người đàn ông xa lạ, xấu trai về làm vợ. Việc chị theo không Tràng về làm vợ vừa thể hiện số phận con người rẻ rúng trong nạn đói, vừa thể hiện khát vọng sống mãnh liệt của chị. Cực chẳng đã, chị phải từ bỏ lòng tự trọng và danh dự vốn có của mình để một mực tìm chỗ dựa cho qua ngày đói. Nói điều này, chắc chắn nhà văn thật sự xót xa và cảm thông cho cảnh ngộ đói nghèo của người lao động.
Khi trở thành vợ Tràng, thị đã trở về với chính con người thật của mình là một người đàn bà hiền thục, e lệ, lễ phép, đảm đang.
Điều đó được thể hiện qua dáng vẻ bẽn lẽn đến tội nghiệp của thị khi bên Tràng vào lúc trời chạng vạng (thị đi sau Tràng ba bốn bước, cái nón rách che nghiêng, “rón rén, e thẹn, ngượng nghịu,“chân nọ bước díu cả vào chân kia”…) thật tội nghiệp cho cảnh cô dâu mới theo chồng về nhà: một cảnh đưa dâu không xe hoa, chẳng pháo cưới mà chỉ thấy những khuôn mặt hốc hác u tối của những người trong xóm và âm thanh của tiếng quạ, tiếng khóc hờ người chết tang thương…
Khi dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, bàn tán, chị càng ngượng nghịu luống cuống “chân nọ díu cả vào chân kia”. Có lẽ chị đang ý thức về thân phận của mình là người “vợ nhặt”, “vợ theo”, không hề có cưới xin gì cả nên chị không tránh khỏi cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ, tủi cho thân phận. Cái đói không hoàn toàn giết chết nét đẹp thuộc về bản chất của con người → sự tinh tế và nhân hậu của nhà văn.
Khi nhì thấy “gia cảnh” của nhà chồng, “thị đảo mắt nhìn quanh”. Dẫu không “nén được tiếng thở dài” chua xót buồn tủi, nhưng thị cũng không chê bai, Khi vào trong nhà thị ý tứ “ngồi mớm ở mép giường”, “hai tay ôm cái thúng, mặt bần thần”. Có lẽ thị cũng đang ngượng ngùng, lo lắng, phập phồng cho thân phận của mình.
Khi bà cụ Tứ về, thị xúc động chào và bằng “u”. trước mặt người mẹ chồng thị “cúi mặt xuống tay vân vê tà áo đã rách bợt” để rồi sau đó và cụ Tứ thấu hiểu cảnh ngộ và thương xót, chấp nhận thị là dâu.
Sáng hôm sau, chị đã trở thành người vợ đảm đang. Chị dậy sớm, cùng mẹ chồng dọn dẹp thu xếp lại nhà cửa cho quang quẻ “nhà cửa, sân vườn được quát tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng” → thái độ sống không muốn tạm bợ, muốn đàng hoàng. Người đàn bà trở nên “hiền hậu đúng mực không có vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh”. → Chính tình thương, lòng nhân ái của mẹ con bà cụ Tứ đã làm cho chị thay đổi như vậy.
Chị còn tỏ ra tinh tế và hiểu biết trong cách ứng xử trong bữa cơm ngày đói. Nhìn thấy món chè khoán ngon đáo đẻ của mẹ chồng là cháo cám “mắt thị tối lại” nhưng biết đấy là tấm lòng của người mẹ nên chị “điềm nhiên và vào miệng”. Trong bữa cơm ấy chị đã kể cho mọi người nghe về chuyện “người ta không chịu đóng thuế nữa mà đi phá kho thóc Nhật chia cho người đói”. Câu chuyện ấy đã gợi ra trong đầu Tràng cảnh “đoàn người đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp và lá cờ đỏ bay phấp phới”, hướng về một tương lai tươi sáng.
Nghệ thuật khắc họa hình ảnh đáng thương của người vợ nhặt rất điêu luyện, công phu.
Nhà văn không chỉ tập trung miêu tả tâm lí nhân vật mà còn miêu tả tỉ mỉ, cụ thể hành động, cử chỉ, nét mặt của nhân vật. Người vợ nhặt là hình tượng tiêu biểu cho số phận bi thảm của người nông dân trong nạn đói 1945. Cho dù đứng chênh vênh trong ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết thì con người vẫn luôn có khát vọng sống mãnh liệt, vẫ thể hiện được tình người cao đẹp.
Tóm lại, người phụ nữ không tên tuổi, không gia đình, không tên gọi, không người thân ấy đã thật sự đổi đời bằng chính tấm lòng giàu tình nhân ái của Tràng và mẹ Tràng. Bóng dáng của thị hiện ra tuy không lộng lẫy nhưng lại gợi nên sự ấm áp về cuộc sống gia đình.Phải chăng thị đã mang đến một làn gió tươi mát cho cuộc sống tăm tối của những người nghèo khổ bên bờ của cái chết…. Qua hình ảnh đáng thương của người vợ nhặt, Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người ngông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay trên bờ vực thẳm của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.