Vẻ đẹp tình cảm quê hương qua hai bài thơ “Quê Hương” (Tế hanh) và “Nói với con” (Y Phương)
- Mở bài:
Tình cảm quê hương ai ai cũng có. Quê hương, đất nước là nguồn cảm xúc dạt dào, phong phú cho các tác giả xưa và nay sáng tác. Nhiều tác giả đã có những tác phẩm thành công khi viết về đề tài này. Hai nhà thơ Tế Hanh và Y Phương đều rất thành công khi nói về tình cảm của mình với quê hương qua hai bài thơ Quê Hương và Nói với con. Hai nhà thơ, một sinh ra ở miền biển, một sinh ra ở miền núi nhưng đều giống nhau ở một điểm: đó là lòng yêu mến tha thiết với quê hương, với con người của vùng quê mình.
- Thân bài:
Tình yêu quê hương, đất nước qua hai bài thơ:
Tình yêu quê hương, đất nước của các nhà thơ thể hiện qua sự rung động trước những vẻ đẹp tươi sáng, sinh động, chân thành của mỗi miền quê.
Trong bài thơ Quê hương, Tế Hanh yêu thương làng chài quen biển với khung cảnh “trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng”. Trên mặt biển, những con thuyền với cánh buồm “giương to như mảnh hồn làng” “rướm thân trắng”,lướt nhẹ ra khơi. Ngày hôm sau trên bến ồn ào, tấp nập dân làng đón thuyền về đầy ắp cá. Cuộc sống làng chài thật thanh bình, ấm no. Hình ảnh quê hương “nước xanh, cá bạc, buồm vôi, con thuyền” trở thành biểu tượng quê hương trong lòng người xa quê như Tế Hanh.
Trong bài thơ Nói với con, người cha dặn con nhớ về thiên nhiên rừng núi, quê hương mộng mơ và nhân hậu. “Rừng cho hoa” nghĩa là quê hương cho con những gì quý giá nhất. Quê hương là nơi rất giàu truyền thống, làm nên những phong tục, tập quán đẹp truyền lại muôn đời sau.
Tế Hanh đã nhớ về những chàng trai khỏe mạnh bơi thuyền đi đánh cá mỗi sớm mai. Ông nhớ cảnh dân làng tấp nập đón ghe về đầy cá. Những người dân làng chài thân quen, gần gũi “Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng. Cả thân hình nồng thở vị xa xăm.” Và con thuyền, vật vô tri vô giác cũng trở nên có hồn. Đó là một tâm hồn tinh tế, bình dị:
“Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm.
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ”.
Không có một tâm hồn tinh tế và tài hoa, nhất là nếu không có tấm lòng gắn bó sâu nặng với con người cùng cuộc sống lao động làng chài quê hương thì không thể có câu thơ xuất thần như vậy.
Ở bài thơ Nói với con, tình yêu quê hương, nguồn cội được thể hiện một cách sinh động. Cụ thể, đó là niềm tự hào lớn lao về “người đồng mình”. Nhà thơ tự hào người đồng mình có tâm hồn lãng mạn, hào hoa, giàu chất thơ, giàu tình nghĩa:
“Đan lở cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”.
Tự hào người đồng mình giàu ý chí, giàu nghị lực: “Cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn”. Tự hào về sức sống mãnh liệt, sự cần cù, thật thà, chất phác. Tự hào về tinh thần lạc quan, sự hồn nhiên của “người đồng mình”:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh không lo cực nhọc”.
Tự hào về tinh thần tự tôn dân tộc của người đồng mình:
“Người đồng mình tực đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”.
Nét riêng của mỗi nhà thơ:
Cùng viết về đề tài quê hương, mỗi bài thơ đem đến cho người đọc cảm nhận về một vùng quê khác. Đó là hình ảnh của một làng chài ven biển trong thơ Tế Hanh. Bức tranh làng chài với những hình ảnh của sông nước: “Nước vây quanh cách biển nữa ngày sông”. Đó là hình ảnh của mái chèo, cánh buồm, bến sông, là những con cá tươi ngon thân bạc trắng. Con người làng chài cũng có nét riêng:
“Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm”.
Với Nói với con của Y Phương, đó lại là hình ảnh của núi rừng với cỏ cây, hoa lá. Quê hương với những con đường mòn, núi cao vách đá… Đó còn là hình ảnh những người dân miền núi với vẻ đẹp tâm hồn mộc mạc, chất phác, con người lao động đậm chất khỏe khoắn, tự chủ, hiên ngang. Trong đó ẩn chứa chất lãng mạn hào hoa, đầy nghị lực và lòng tự tôn dân tộc.
Ngôn ngữ, nghệ thuật diễn đạt khác nhau. Cùng là bài thơ trữ tình, Quê hương của Tế Hanh, phương thức biểu đạt chủ yếu là biểu cảm nhưng phần lớn số câu lại là miêu tả. Miêu tả phục vụ cho biểu cảm. Ngòi bút miêu tả thấm đậm cảm xúc chủ quan. Bài thơ có những so sánh đẹp, bay bổng, nhân hóa độc đáo như thổi linh hồn vào sự vật. Trong Nói với con, cách diễn tả tình cảm và suy nghĩ bằng hình ảnh mang đậm màu sắc miền núi. Lối thơ cụ thể, mộc mạc mà khái quát, giọng điệu tha thiết tha trìu mến.
- Kết bài:
Đây là hai bài thơ thành công về đề tài quê hương đất nước thể hiện tình yêu quê hương giản dị mà sâu nặng, nhỏ bé mà lớn lao, chân thật mà tinh tế của hai tác giả. Cùng một đề tài, cùng một cảm xúc nhưng mỗi bài thơ lại in đậm dấu ấn riêng của từng nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật. Quê hương chính là điểm tựa tinh thần, là động lực cho mỗi con người vượt mọi khó khăn, gian khổ để xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp.
- Cảm nhận ý nghĩa bài thơ Nói với con của Y Phương
- Vẻ đẹp phẩm chất của “người đồng mình”; qua đoạn 2 bài thơ “Nói với con”
- Những phẩm chất cao quý của “người đồng mình” qua khổ 2 bài thơ Nói với con của Y Phương
- Cảm nhận tình yêu quê hương xứ sở của nhà thơ Y Phương qua bài thơ “Nói với con”
- Từ ý thơ: “Lần đầu tiên trước biển khơi vô tận. Cha gặp lại mình trong tiếng ước mơ con” (Hoàng Trung Thông), cảm nhận điều người cha gửi gắm vào người con ở bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương