phan-tich-truyen-ki-toi-di-hoc-cua-thanh-tinh-duoi-goc-do-thi-phap

Cảm nhận truyện kí Tôi đi học của Thanh Tịnh (dưới góc độ thi pháp)

Cảm nhận truyện kí Tôi đi học của Thanh Tịnh (dưới góc độ thi pháp)

Tôi đi học được in trong tập Quê mẹ (1941), tác phẩm theo thể loại hồi ký ghi lại cảm xúc và những kỷ niệm đẹp, đáng nhớ của tuổi thơ trong ngày tựu trường.

Tôi đi học được sáng tạo với cái nhìn nghệ thuật qua con mắt trẻ thơ về buổi đầu tiên được đến trường trong dòng hồi tưởng của nhà văn. Truyện không có cốt truyện với những xung đột, cũng không có kịch tính vì việc thuật lại, miêu tả và bày tỏ cảm xúc là từ cái nhìn, góc nhìn và những điểm nhìn của một cậu bé về kỉ niệm mến thương, kí ức ngọt lành buổi đầu tiên đến trường: Hằng năm cứ vào mùa thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.

Cái nhìn đó thể hiện trong chuỗi điểm nhìn những sự vật trên con đường đến trường và những gì diễn ra theo thời gian tại trường buổi đầu tiên ấy. Mở đầu cho chuỗi sự vật trong cái nhìn theo dòng ký ức ấy là một buổi mai đầy ấn tượng: Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh… Tiếp theo là những tình tiết đầy chất thơ, dịu ngọt: Trong chiếc áo vải dù đen dài tôi cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn. Dọc đường thấy mấy cậu nhỏ trạc bằng tuổi tôi áo quần tươm tất, nhí nhảnh gọi tên nhau hay trao sách vở cho nhau xem mà tôi thèm…

Trong chuỗi điểm nhìn ấy có hình ảnh người mẹ của nhân vật tôi dịu hiền thương mến, đi cùng tôi đến trường: Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp;/ Mẹ tôi cúi đầu nhìn tôi với cặp mắt thật âu yếm. Khi mấy người bạn trong trong đám học trò mới thút thít khóc và tôi nức nở khóc theo thì một bàn tay quen thân yêu của mẹ liền nhẹ vuốt mái tóc tôi vỗ về và trấn an tôi. Có những người bạn học cùng trường với tôi, được nhìn qua cắp mắt của tôi nên cũng bỡ ngỡ, bâng khuâng, e dè, lúng túng, và thậm chí còn thút thít khóc nữa trong niềm hạnh phúc ngây thơ, trong trẻo của trẻ thơ ngày đầu đến trường. Chẳng hạn: Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ đứng nép bên người thân, chỉ dám nhìn một nửa hay dám đi từng bước chân nhẹ. Họ như con chim con đứng bên bờ tổ, nhìn quãng trời rộng muốn bay, nhưng còn ngập ngừng e sợ. Hoặc như: Không giữ được chéo áo hay cánh tay người thân, vài ba cậu đã từ từ bước lên đứng dưới hiên lớp. Các cậu lưng lẻo nhìn ra sân, nơi mà những người thân đang nhìn các cậu với cặp mắt lưu luyến. Một cậu đứng đầu ôm mặt khóc. Tôi bất giác quay lưng lại rồi dúi đầu vào lòng mẹ tôi nức nở khóc theo. Tôi nghe sau lưng tôi, trong đám học trò mới, vài tiếng thút thít đang ngập ngừng trong cổ. Đặc biệt là hình ảnh nhân ái, bao dung, trìu mến của nhân vật ông đốc trường Mĩ Lí: Ông đốc nhìn chúng tôi với cặp mắt hiền từ và cảm động (…). Ông đốc tươi cười nhẫn nại chờ chúng tôi.

Cái nhìn nghệ thuật như thế dẫn đến một hệ quả là tác phẩm này vừa là một truyện ngắn: có nhân vật tôi, có tình tiết, có sự kiện, có diễn biến; vừa có chất của thể hồi ký, mà là hồi ký về một sự kiện giản dị nhưng vô cùng trọng đại và để lại dấu ấn sâu đậm trong cuộc đời của mỗi một con người. Cũng chính vì chọn cái nhìn qua con mắt và xúc cảm trẻ thơ nên với sự kiện có tính tình huống là ngày đầu tiên đi học nên tác phẩm được dựng lên, tạo thành
bằng hệ thống những hình ảnh êm ái, yêu thương, nhân ái, chở che và cũng mộng mơ, dịu ngọt, hồi hộp đầy chất thơ.

Về thi pháp thời gian nghệ thuật, điểm nổi bật là thời gian thuật và tả nối liền nhau. Ngoại trừ đoạn mở đầu nói về hình ảnh xưa trong hình ảnh nay theo cách đồng hiện, còn lại là sự tái hiện theo thời gian. Thời gian được thể hiện gắn với không gian theo hai chặng, hai khung cảnh. Một là, trên đường đến trường và hai là tại trường.

Không gian nghệ thuật là khung cảnh làng quê và trường quê. Tuy nhiên, các điểm nhìn của chủ thể tự sự thường chọn các tình tiết về thời gian trước khi đến trường với những trò chơi cùng bạn bè thả diều, bắt chim… Chẳng hạn như: Tôi không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không đi ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa, và không gian ngay tại trường học được tập trung chú ý kể và tả nhiều nhất với những tình tiết chân thực và xúc động về cảnh trường, phòng học, bạn học, thầy giáo.

Có những chi tiết được đan cài cảnh lớp học và cảnh đuổi bướm bắt chim trước khi tôi đi học có tác dụng bộc lộ chân xác tâm trạng của tôi nói riêng và những em bé nông thôn ngày đầu đến trường: Tôi đưa mắt thèm thuồng nhìn theo cánh chim. Một kỉ niệm cũ đi bẫy chim giữa cánh đồng lúa hay bên bờ sông Viêm sống lại đầy rẫy trong trí tôi. Nhưng tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh trên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật… Tất cả được đan cài, lồng ghép với không gian xã hội mang tính đặc thù của những giao tiếp của con trẻ trong ngày đầu đi học.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang