cam-nhan-ve-dep-bai-tho-noi-voi-con-y-phuong

Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương

Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương

  • Mở bài:

Y phương là một trong số ít nhà thơ người dân tộc thiểu số thành công và gắn bó lâu dài với hoạt động sáng tác nghệ thuật. Tuy viết không nhiều nhưng các tác phẩm của ông đã để lại một dấu ấn sâu đậm trong nền văn học Việt Nam thế kỉ 20. Thế giới nghệ thuật thơ Y Phương có không gian, thời gian và qui luật tâm lí riêng, ứng với một quan niệm về thế giới, một cách cắt nghĩa về thế giới, qua thế giới nghệ thuật, người đọc có thể hình dung tính độc đáo về tư duy nghệ thuật của nhà thơ. Với Y Phương, điều quan trọng nhất là phải biết sống và giữ gìn khuôn phép kể cả trong thơ và đời sống thực. Quan niệm ấy được ông thể hiện sâu sắc trong bài thơ Nói với con.

  • Thân bài:

Y Phương từng tâm sự rằng bài thơ Nói với con là lời tâm sự của nhà thơ với đứa con gái đầu lòng. Tâm sự với con cũng là tâm sự với chính mình. Mở đầu bài thơ là lời tâm tình êm dịu, giản dị, chân thành như chính niềm hoài vọng của người cha:

“Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười”

Bằng những hình ảnh cụ thể, giàu chất thơ kết hợp với nét độc đáo trong tư duy, cách diễn đạt mộc mạc của người miền núi, bốn câu thơ mở ra khung cảnh một gia đình ấm áp, đầy ắp niềm vui, đầy ắp tiếng nói tiếng cười.

Hiện lên trước mắt người đọc là hình ảnh bước đi chập chững đầu tiên của đứa con thơ. từng bước chân ngập ngừng, bỡ ngỡ gợi lên biết bao yêu thương, trìu mến. Bước thứ nhất bước đến bên cha là bước đến sự chở che, bước đến nguồn sức mạnh nâng đỡ; bước thứ hai bước đến bên mẹ là bước vào sự chăm sóc, dưỡng nuôi, suối nguồn mát yêu thương.

Một bước bắt gặp niềm tin lớn, một bước chạm vào niềm vui. Y Phương đã rất tinh tế khi diễn đạt từng bước đi của con, từ đó gợi lên cái quy luật đời người: chúng ta đều lớn lên và trưởng thành trong vòng tay che chở và yêu thương của tình mẹ, tình cha. Chúng ta lớn lên trong sự gắn kết thiêng liêng của gia đình, niềm hạnh phúc được hình thành ngay từ những phút giây đầu tiên ấy.

Lời thơ nhẹ nhàng chạm vào trái tim người đọc, gợi lên sự đồng cảm thiết tha. Ai mà chẳng đã từng có những kỉ niệm thiêng ấy, đáng yêu ấy. và khi đọc lại những lời thơ của Y Phương, ta lại muốn đi tìm, muốn níu giữ lấy nó.

Từ trong gia đình, nhà thơ mở ra không gia rộng lớn hơn để con hiểu biết, trân trọng và giữ gìn. Đó là quê hương, đó là nguồn cội. Cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người được Y Phương nói đến không chỉ là gia đình mà còn là quê hương, là thiên nhiên tươi đẹp và thấm đượm nghĩa tình:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
Rừng cho hoa
Con đường cho những tấm lòng”

Ba tiếng “người đồng mình” vang lên thật thân thiết chứa đựng cái tình, cái nghĩa đượm ngọt của người miền núi đối với bản làng, đối với thân tộc, đối với quê hương. Người cha muốn con phải nhớ lấy ngay từ lúc mới chập chững bước vào đời, khi mà đời sống vật chất chưa kịp chạm đến và thổi bùng tham vọng. Người cha muốn con biết đến “người đồng mình” đã sống như thế, mạnh mẽ và thủy chung, nghèo khó mà cao đẹp.

Trong đời sống bình dị, họ luôn biết dẹt nên cái đẹp, biết ca hát và ước mơ để vượt lên muôn vàn gian khó. Họ luôn sống mạnh mẽ, tràn đầy niềm tin yêu và tự hào. Họ biết xây dựng quê hương, giữ gìn phong tục và kế thừa cho muôn đời sau những di sản quý báu ấy. Quê hương là thế, kiên trung mà bình dị, dũng cảm vươn lên và để lại “những tấm lòng”. Quê hương là nguồn dựng xây mọi hạnh phúc trên cuộc đời. Thế nên:

“Cha mẹ nhớ mãi về ngày cưới
Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.

Ngày cưới chính là khởi đầu của gia đình và hạnh phúc, là điều kiện đầu tiên của sự sinh thành. Một lần nữa, cha mẹ lại được quê hương, được người đồng mình chở che, se duyên kết mối. Có thể nói, ta đi suốt cuộc đời cùng là đi trên con đường dân tộc đã đi, đi trong sự che chở, nâng đỡ của quê hương.

Đó là bài học đầu tiên mà người cha mong muốn con nhớ lấy. Sống không chỉ cho riêng mình. Hãy sống vì quê hương. Bởi quê hương chính là nguồn cội, là khởi thủy của mọi sự tồn tại. Con đã lớn lên trong suối nguồn ngọt mát ấy, thế nên con phải biết xây dựng, cùng góp sức làm cho quê hương ấy thêm tươi đẹp và vững bền.

Phải chăng, qua lời dặn trẻ thơ, Y Phương cũng đã tựu nhắc nhở chính mình, nhắc nhở đồng bào mình hãy góp công kế tục, gìn giữ và phát huy hơn nữa những di sản tinh thần của cha ông đã dày công bồi đắp, phải làm cho nó to lớn hơn, tươi đẹp hơn. Và lớp trẻ hôm nay chính là lực lượng được kì vọng nhiều nhất. Niềm tin ấy hiện rõ hơn ở khổ thơ sau:

“Người đồng mình thương lắm con ơi
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
Dẫu làm sao thì cha cũng muốn
Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh không lo cực nhọc”.

“Người đồng mình thương lắm con ơi” được lặp lại như lời thủ thỉ âm thầm thân thương, có niềm tự hào hòa trộn trong nỗi xót xa. Bởi người đồng mình hiền lành, bình dị mà muôn đời lam lũ, vất vả trong cuộc sống nghèo khó của mình. Thế nhưng, họ vẫn “cao đo nỗi buồn, xa nuôi chí lớn”. Họ luôn vượt lên hoàn cảnh, sống mãnh liệt, tràn đầy khát vọng vươn xa.

Có thể nói, cuộc sống của người đồng mình còn nhiều nỗi buồn, còn nhiều bộn bề thiếu thốn song họ sẽ vượt qua tất cả, bởi họ có ý chí và nghị lực, họ luôn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của dân tộc. Hai câu thơ thật đẹp, cách đảo ngữ tài tình, có pha chút cường điệu đã làm toát lên phẩm chất cao quý của “người đồng mình”, tạc khắc hình ảnh người miền núi hiên ngang trên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng.

Từ niềm tự hào, nhà thơ trở về với lời khuyên chân tình: “Dẫu làm sao thì cha cũng muốn” nghe có chút miễn cưỡng nhưng lại ẩn chứa niềm mong mỏi thiết tha. Bởi người cha biết rằng, trong cuộc sống mới, khi mà vật chất chiếm giữ vai trò chủ đạo, thì việc gìn giữ và phát triển các giá trị của quê hương là một nhiệm vụ rất khó khăn.

Câu thơ đọc lên nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Người đồng mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn thủy chung gắn bó với quê hương, cội nguồn. Người đồng mình có thể nghèo nàn, thiếu thốn về vật chất nhưng họ không thiếu ý chí và quyết tâm. Họ yêu thương và sống thủy chung gắn bó cùng quê hương, dẫu quê hương có đói nghèo, vất vả.

Hai từ “không chê” nghe như lời dặn dò đinh ninh khẳng định niềm tin tưởng vững chắc của người cha. Phải chăng, chính cuộc sống nhọc nhằn, đầy vất vả khổ đau ấy đã tôi luyện cho chí lớn để rồi tình yêu quê hương sẽ tạo nên sức mạnh giúp họ vượt qua tất cả. Niềm tự hào về quê hương, về đồng bào lại trào dâng trong lời dặn dò thắm thiết sâu tận đáy lòng của người cha:

“Người đồng mình tuy thô sơ da thịt
Chẳng bao giờ nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục”

Tuy “thô sơ da thịt” nhưng người đồng mình từ bao đời nay luôn có ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc, chẳng khi nào nhỏ bé. Sự đối  lập giữa cái thô sơ bên ngoài và cái cao quý bên trong, giữa hình thức và tinh thần càng làm cho người đồng mình trở nên cao đẹp. Sức sống mạnh liệt của người đồng mình luôn được khẳng định, họ kiên trì xây dựng quê hương, gìn giữ phong tục.

Và đó là cũng giá trị mà con phải gìn giữ đến suốt đời. Con sẽ bước tiếp trên con đường dân tộc đã đi qua. Một lối mòn nhỏ nhưng dẫn đến một chân trời mới. Truyền thống của dân tộc sẽ là sức mạnh giúp người con tin tưởng, vươn lên.

Nhà thơ vừa tự hào về sức sống như tự nhiên của con người quê hương, ý chí kiên cường chinh phục tự nhiên để làm đẹp thêm cho cuộc sống của đồng bào mình vừa mong muốn và tin tưởng rằng nguồn lực ấy sẽ theo gót chân con trên con đường bước đến tương lai.

Chất phác, hồn hậu mà mạnh mẽ, kiên gan đã trở thành phẩm chất của người miền núi, phong tục của đời sống miền núi. Thấu thị điều ấy, lời dặn rành riêng cho con, định hướng cho lựa chọn của con, đã trở nên ấm áp, tươi vui:

Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con”.

Khép lại đoạn thơ bằng âm hưởng của một lời nhắn nhủ trìu mến với biết bao niềm tin yêu, hi vọng của người cha đặt vào đứa con yêu. Hai tiếng “Nghe con” lắng đọng bao cảm xúc, ẩn chứa tình yêu thương vô bờ bến của cha dành cho con. Mở ra một chân trời mới, quê hương nhỏ sẽ hòa nhập với cuộc đời lớn, đó là điều mà nhà thơ vừa lo lắng vừa tin tưởng trong niềm kì vọng thiết tha.

  • Kết bài:

“Nói với con” có giọng điệu ngọt ngào, trìu mến nhưng lại trang nghiêm, các hình ảnh thơ cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ. Nó tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mà âm vang, một tiếng thì thầm vọng lời nghìn năm đất nước. Đọc bài thơ, người đọc không chỉ thấy cái chất Tày phổ đậm trong những biểu hiện của sức sống và vẻ đẹp của con người miền núi mà còn thấy những day dứt khôn nguôi của nhà thơ trước ý thức giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Bài thơ vì thế, là tiếng nói chân thành và tâm huyết của Y Phương với việc giữ gìn bản sắc dân tộc mình, thể hiện tình yêu sâu đậm với quê hương, nguồn cội của mình, niềm tin vào ý chí vươn lên của cộng đồng mình.

Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương

2 bình luận trong “Cảm nhận vẻ đẹp bài thơ Nói với con của nhà thơ Y Phương”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang