Thực hành đọc:
Chí khí anh hùng (Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du)
(Ngữ văn 11, tập 2, Kết Nối Tri Thức)
Nội dung chính: Cuộc đời Kiều tưởng chừng như sẽ rơi vào bế tắc khi lần thứ hai rơi vào lầu xanh. Thì bỗng nhiên Từ Hải xuất hiện và cứu nàng thoát khỏi cảnh ô nhục. Từ Hải đã cho Kiều một danh phận cũng như giúp nàng báo ân, báo oán. Nửa năm trôi qua, cuộc sống của hai người đương hạnh phúc. Từ Hải không bằng lòng với cuộc sống êm đềm mà muốn có sự nghiệp lớn nên đã từ biệt Kiều ra đi để gây dựng sự nghiệp.
Câu 1 (trang 28, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Vị trí đoạn trích trong tác phẩm.
Trả lời:
– Đoạn trích nằm ở phần Gia biến và lưu lạc (từ câu 2213-2230)
Câu 2 (trang 28, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Phẩm chất anh hùng của nhân vật Từ Hải.
Trả lời:
– Từ Hải với những ý chí, khát vọng vùng vẫy giữa trời đất:
+ “Trượng phu”: Cách gọi thể hiện sự trân trọng đối với những bậc anh hùng có tài năng, đức độ hơn người
+ Hai không gian đối lập:
- “Hương lửa đương nồng”: Mái ấm gia đình với tình yêu, hạnh phúc ngọt ngào → Không gian nhỏ hẹp, gắn với thói thường.
- “Bốn phương”, “trời bể mênh mang”: Không gian vũ trụ mênh mông, rộng lớn nâng tầm vóc người anh hùng lên tầm vũ trụ. → Thể hiện ước mơ, khát vọng lớn lao của người anh hùng.
→ Từ Hải quyết tâm từ bỏ không gian gia đình ấm êm để đến với không gian vũ trụ để vùng vẫy với những khát vọng.
+ Tính từ “thoắt”: Sự mau lẹ, quyết đoán, tự tin không phân vân → Sự thức dậy của lí trí, khí phách anh hùng vượt lên những điều bình thường để làm những điều phi thường.
+ Ánh mắt “trông vời” và tư thế “thẳng dong”: Khắc họa hình tượng người tráng sĩ với khát vọng vùng vẫy giữa trời cao → Người tráng sĩ lên đường với tư thế dứt khoát, mạnh mẽ đi liền một mạch không ngoảnh lại.
– Từ Hải với chí khí, hoài bão, lớn lao, phi thường:
+ Hình ảnh “mười vạn tinh binh”, “tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường” → Thể hiện hoài bão phi thường của Từ Hải, muốn xây dựng cơ đồ của một bậc đế vương, chí khí xứng đáng tầm vóc của một bậc anh hùng.
+ Hình ảnh “bốn bể không nhà” kết hợp với câu hỏi tu từ “theo càng thêm bận biết là đi đâu” → Cảm giác cô đơn thấp thoáng của bậc anh hùng khi thực hiện hoài bão. Nhưng càng cô đơn, quyết tâm càng lớn.
+ Khoảng thời gian “một năm”: Thái độ tự tin, quyết tâm thực hiện lí tưởng anh hùng → Với những hình ảnh ước lệ đã cho thấy chí khí hoài bão, khát vọng lớn lao phi thường của người anh hùng Từ Hải.
– Từ Hải với tình yêu và khát vọng hạnh phúc phi thường:
+ Trước lời nói của Kiều, Từ Hải đã trách móc nhẹ nhàng:
- “Tâm phúc tương tri”: Là người tri kỉ, hiểu rõ lòng dạ của nhau → Từ Hải lấy đạo tri kỉ ra để thuyết phục Kiều ở lại, với Từ Hải Kiều không phải người vợ, người tình mà là một người tri kỉ.
- “Nữ nhi thương tình”: Thói nữ nhi tầm thường → Với Từ Hải, Kiều không phải cô gái tầm thường mà là người thông minh, sắc sảo, tinh tế.
→ Lời trách móc của Từ Hải cho thấy tình yêu của chàng đối với Thúy Kiều không phải tình cảm tầm thường mà hết sức phi thường. Đó là mối tình tri kỉ, trân quý lẫn nhau.
+ Khát vọng hạnh phúc phi thường của Từ Hải:
- “Làm cho rõ mặt phi thường”: Thực hiện được hoài bão, lí tưởng anh hùng.
- “Rước nàng nghi gia”: Rước Thúy Kiều danh chính ngôn thuận về làm vợ, cho nàng một danh phận.
→ Từ Hải ra đi không chỉ hướng đến sự nghiệp của một bậc anh hùng mà còn hướng đến khát vọng hạnh phúc phi thường của “trai anh hùng với gái thuyền quyên”.
– Từ Hải – con người dứt khoát, tự tin, đầy bản lĩnh:
+ “Quyết lời”: Lời nói dứt khoát, quyết đoán
+ “Dứt áo ra đi”: Thái độ mạnh mẽ, quyết tâm, dứt khoát.
+ “Gió mây bằng đã… đến kì dặm khơi”: Bút pháp lí tưởng hóa đã cực tả dáng vẻ tựa như cánh chim bằng cất mình bay thẳng vào muôn trùng dặm khơi của người anh hùng
→ Từ Hải là người có chí khí anh hùng, hoài bão lớn lao cùng bản lĩnh phi thường.
– Ý nghĩa hình ảnh Từ Hải:
+ Thể hiện ước mơ về người anh hùng lí tưởng của thời đại: chí khí, hoài bão lớn lao, khát vọng phi thường
+ Là biểu tượng về khát vọng tự do và lẽ công bằng.
→ Từ Hải là một bậc anh hùng, có tài năng và đức độ hơn người. Ông là hình ảnh của một người có khát vọng, mong muốn làm nên nghiệp lớn trong xã hội phong kiến, một người dám nghĩ, dám làm, quyết đoán và dứt khoát trong mọi việc.
Câu 3 (trang 28, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Nghệ thuật thể hiện tính cách nhân vật (lời thoại, cử chỉ, hành động,…)
Trả lời:
– Khi xây dựng nhân vật anh hùng Từ Hải, tác giả chủ yếu sử dụng bút pháp lãng mạn, lý tưởng hóa nhân vật. Bên cạnh bút pháp lãng mạn, lý tưởng hóa, Nguyễn Du cũng đồng thời sử dụng nhiều hình ảnh ước lệ, tượng trưng.
– Đồng thời, Từ Hải còn là người anh hùng mang tầm vóc vũ trụ thông qua nghệ thuật tương phản, đối lập quen thuộc của bút pháp lãng mạn.
→ Nguyễn Du sử dụng những hình ảnh như “tiếng chiêng dậy đất bóng tinh rợp đường”, “bốn bể không nhà”… thể hiện khí khái của một đấng anh hùng mang theo tham vọng và khát vọng làm nên nghiệp lớn. “Thoắt” đã ám chỉ sự mau lẹ, quyết đoán và dứt khoát của nhân vật khi quyết tâm ra đi, không vì gia đình mà ảnh hưởng, dao động. Qua đó, ta thấy được sự tinh tế trong việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du, ông luôn chú trọng vào những chi tiết nhỏ để miêu tả một con người khí phách, hiên ngang, đầu đội trời, chân đạp đất của Từ Hải.
Câu 4 (trang 28, SGK Ngữ Văn 11, tập hai): Nghệ thuật tạo dựng bối cảnh không gian, thời gian và nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ.
Trả lời:
– Trong đoạn trích, tác giả tạo dựng một bối cảnh rộng lớn, thể hiện chí khí của người anh hùng luôn mong muốn làm việc lớn. Thời gian “nửa năm” ám chỉ thời gian ở bên cạnh Thúy Kiều, cảm nhận hạnh phúc tình cảm gia đình. Tiếp đến là “một năm” thể hiện sự tự tin của nhân vật khi tin chắc rằng một năm có thể làm lên nghiệp lớn và quay về đón Thúy Kiều. Ngoài ra, ngôn ngữ trong đoạn trích được tác giả sử dụng rất tài tình với những hình ảnh mang tính chất ước lệ, tượng trưng để làm nổi bật chí khí của người anh hùng Từ Hải, hiên ngang không sợ trời, không sợ đất.
Xem thêm: