Chiều trên nương rẫy
Em đứng trên nương rẫy
Tóc chiều theo gió bay
Xôn xao ơi – giọt nắng!
Hờn ghen ơi – nước mây!
Em hát giữa trời đất
Vang vọng khắp núi non
Đá buồn rơi lệ khóc
Suối buồn bỏ xa nguồn!
Em hái cành hoa tím
Thả xuống chiều sương xa
Chim rừng lên tiếng gọi!
Thú rừng ngơ ngác xa!
Từ Xuân Lãnh – 2004
Chỉ bằng một vài hình ảnh đơn sơ, không có gì mới lạ, Từ Xuân Lãnh đã gợi lên được cái vắng lặng và u tịch của chốn núi rừng. Nói như thế cũng thật vô lí bởi vì trong bài thơ đầy ánh sáng:
“Tóc chiều theo gió bay
Xôn xao ơi – giọt nắng!”
Đầy rẫy những âm thanh:
“Em hát giữa trời đất
Vang vọng khắp núi non
Đá buồn rơi lệ khóc
Suối buồn bỏ xa nguồn!”
“Chim rừng lên tiếng gọi!”
Và sự sống rạo rực biết bao.
Thế nhưng, cảnh vật cũng không giấu được nỗi buồn cô quạnh của tâm hồn lạc lõng giữu bao la đất trời. Tất cả gìn giấu một nỗi buồn riêng và không thể hòa hợp. Em – nhân vật trữ tình – hoàn toàn đối lập với bao la vũ trụ. Hình ảnh thơ vận động từ hiện thực: “Em đứng trên nương rẫy”, “Em hát giữa trời đất”. Để cuối cùng, em đến với huyền mơ:
“Em hái cành hoa tím.
Thả xuống chiều sương xa
Chim rừng lên tiếng gọi!
Thú rừng ngơ ngác xa!.
Sự vận động của hình ảnh thơ có phần khiên cưỡng. Phải chăng, tâm hồn của Từ Xuân Lãnh chứa đầy nỗi nhớ thương khi ông trở về với nguồn cội cỏ cây thiêng liêng và vĩnh hằng?