Chứng minh ý kiến của nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên Cai Lệ là một đoạn “tuyệt khéo”.
Dàn bài:
- Mở bài:
– Tắt đèn là một tác phẩm thành công viết về người nông dân trong chế độ cũ của Ngô Tất Tố. Ngôn ngữ văn học và nghệ thuật kể chuyện ở Tắt đèn đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, tinh tế.
– Đoạn trích Tức nước vỡ bờ (tricha Tắt đèn) được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đánh giá là tuyệt khéo về phương diện nghệ thuật.
- Thân bài:
Tuyệt khéo trong nghệ thuật xây dựng tình huống:
– Tác giả đã đẩy nhân vật chị Dậu vào một tình huống cùng cực nhất: phải nộp tiếp một xuất sưu, chồng bị đánh đập như một cái xác không hồn gọi mãi mới tỉnh, nhà hết gạo…
– Tình huống có vấn đề giúp tác giả triển khai hành động và sự việc diễn ra trong đoạn trích một cách hợp lý.
Tuyệt khéo trong nghệ thuật xây dựng nhân vật:
– Nhân vật anh Dậu: ốm yếu được xây dựng chủ yếu thông qua hành động: uể oải, vừa rên vừa ngỏng đầu lên, run rẩy, lăn đùng ra, hoảng quá, sợ quá, vừa run vừa kêu.
→ Hình ảnh người ốm được xây dựng khá sinh động, tạo ấn tượng về sự yếu đuối trái ngược với sự mạnh mẽ của chị Dậu.
– Nhân vật cai lệ được xây dựng rất sắc sảo thông qua ngoại hình, hành động và lời nói : ngoại hình lẻo khẻo nghiện ngập, giọng khàn khàn vì hút nhiều xái cũ, hành động vú phu vô nhân tính, không nói mà chỉ có quát với thét bằng những lời lẽ cục súc.
→ Khắc hoạ chân thực tên tay sai mạt hạng của thực dân Pháp , làm toát lên tính ách và bản chất của giai cấp thống trị tàn bạo mà hắn làm đại diện trong đoạn trích.
– Nhân vật chị Dậu: Miêu tả hành động lời nói để làm toát lên diễn biến tâm lí và tính cách : Đối với chồng thì dịu dàng, chu đáo quan tâm chăm sóc. Đối với bọn cai lệ và người nhà lí trưởng lúc đầu thì nhún nhường van xin tha thiết. Sau vì bị bọn chúng dồn ép đến chân tường nên đã vùng lên phản kháng
→ Thể hiện khí chất mạnh mẽ tiềm tàng, tâm lý phát triển biến đổi một cách hợp lý và nhất quán với tính cách, hiện lên đầy sức sống trong đoạn trích.
Nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn:
– Tạo ra một diễn biến giàu tính kịch với cả xung đột, phát triển, cao trào, thắt nút và mở nút khiến người đọc hồi hộp theo dõi và sung sướng hả hê ở đoạn mở nút câu chuyện.
Ngôn ngữ kể chuyện chính xác và tinh tế:
– Lời người kể chuyện hấp dẫn với những chi tiết miêu tả ít nhưng có tác dụng đắc địa tạo lên không khí truyện.
– Lời kể có sự dẫn dắt chi tiết và cụ thể khiến người đọc dễ dàng hình dung ra hành động và sự việc diễn ra trong truyện.
– Lời nhân vật được lựa chọn kỹ càng góp phần làm toát lên tính cách nhân vật.
- Kết bài:
– Có thể nói mọi phương diện nghệ thuật của đoạn trích Tức nước vỡ bờ đều đặc sắc. Nhà văn tỏ ra am tường và tinh tế trong quan sát, miêu tả và hiểu tâm lý nhân vật.
– Ngôn ngữ vừa chính xác vừa gợi cảm có tác dụng khắc họa nhân vật và sự việc một cách chân thực và sinh động.
– Đoạn trích xứng đáng với lời khen ngợi của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan là tuyệt khéo.
Bài văn tham khảo:
Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn “tuyệt khéo”, đó là lời bình luận của nhà văn Vũ Ngọc Phan về tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố.
“Tắt đèn” có nhiều điểm rất hay, rất khéo; có nhiều trang làm xúc động lòng người. Trong đó có cảnh “Tức nước vỡ bờ”, một trang văn “tuyệt khéo”, giàu kịch tính như một màn bi hài kịch. Có tiếng khóc, tiếng rên. Có tiếng chửi, có tiếng van xin, có lời thách thức. Có cảnh đánh nhau giữa người đàn bà lực điền và tên cai lệ.
Anh Dậu vừa mới tỉnh được một lát thì tên cai lệ, tên hầu cận lí trưởng với roi song, tay thước, dây thừng “sầm sập” kéo tới. Lũ sai nha sát khí đằng đằng. Chỉ một tiếng thét “thằng kia”! thế mà tên cai lệ đã làm cho anh Dậu vừa kề miệng vào bát cháo đã “lăn đùng ra chết ngất!” Hắn chửi chị Dậu thậm tệ, khi chị thiết tha xin khất sưu. Hắn “trợn ngược hai mắt” quát: “mày định nói cho cha mày nghe đấy à? Sưu của nhà nước mà dám mở mồm xin khất!” Hắn chạy sầm sập đến chỗ anh Dậu để trói kẻ thiếu sưu. Hắn dã man “bịch” vào ngực chị Dậu, tát đánh bốp vào mặt chị Dậu. Hắn lồng lên như một con thú dữ. Ngôn ngữ, điệu bộ, hành động của tên cai lệ được đặc tả “tuyệt khéo” đã vạch trần bộ mặt ghê tởm của một tên sai nha mất hết cả tính người.
Cảnh đánh nhau giữa chị Dậu và tên cai lệ diễn ra dữ dội và hết sức bất ngờ. Người đàn bà con mọn chỉ có hai bàn tay không. Trong lúc đó, tên cai lệ, tên hầu cận lý trưởng nào roi song, nào dây thừng tay thước. Bị “bịch” vào ngực, bị tát đánh “bốp” vào mặt, người chồng ốm đau sắp bị trói, chị Dậu đã phản ứng lại dữ dội. Sau cái “nghiến hai hàm răng” thách thức, chị Dậu đã “túm lấy cổ” và ấn dúi tên cai lệ, làm cho hắn “ngã chỏng quèo” trên mặt đất. Thật hài hước, kẻ “hút nhiều xái cũ” tuy đã bị đánh ngã nhào, nhưng miệng hắn “vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”. Sau đó, chị Dậu còn “vật nhau” với tên hầu cận lí trưởng. Chị đã “túm tóc” và “lẳng cho một cái”, làm cho hắn “ngã nhào ra thềm”. Người đọc vô cùng hả hê trước sức mạnh phản kháng của chị Dậu. Người đàn bà con mọn đã hạ nhục, đã đánh ngã nhào bọn đầu trâu mặt ngựa, tay chân lũ cường hào gian ác, tanh hôi.
Chi tiết chị Dậu quật ngã bọn tay sai hung ác trong tư thế ngang hàng, bất khuất với sức mạnh kì lạ. Vừa ra tay chị đã nhanh chóng biến tên tay sai hung hãn vũ khí đầy mình thành những kẻ thảm bại xấu xí, tơi tả. Sức mạnh kì diệu của chị Dậu là sức mạnh của lòng căm hờn, uất hận bị dồn nén đến mức không thể chịu đựng được nữa. Đó còn là sức mạnh của lòng yêu thương chồng con vô bờ bến. Hành động dã man của tên cai lệ là nguyên nhân trực tiếp làm cho sức chịu đựng của chị lên quá mức. Giọng văn của Ngô Tất Tố trở nên hả hê. Dưới ngòi bút của ông, hình ảnh chị Dậu hiện lên khoẻ khoắn, quyết liệt bao nhiêu thì hình ảnh bọn tay sai hung ác trở nên nhỏ bé, hèn hạ, nực cười bấy nhiêu. Và chúng ta khi đọc đến những dòng này cũng sung sướng, hả hê như Ngô Tất Tố. Ông đã chỉ ra một quy luật tất yếu trong xã hội “có áp bức có đấu tranh”, “con giun xéo mãi cũng quằn”, chị Dậu bị áp bức dã man đã vùng lên đánh trả một cách dũng cảm.
Những lời đối thoại giữa các nhan vật được miêu tả thật khéo. Ngòi bút của Ngô Tất Tố “tuyệt khéo” khi nói về cách đối đáp, ứng xử, tinh thần, thái độ, hành động của chị Dậu. Lúc đầu chị nín nhịn nhẫn nhục van xin: “nhà cháu đã túng lại phải… Hai ông làm phúc nói với ông lí cho cháu khất…”; “khốn nạn ! Nhà cháu đã không có, dẫu ông chửi mắng cũng đến thế thôi. Xin ông trông lại!” “Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!”
Khi bị ép vào bước đường cùng, chị Dậu đã hoàn toàn thay đổi. Chị trở nên táo bạo và quyết liệt. Chồng sắp bị trói, chị bị tên cai lệ chửi và bịch vào ngực mấy cái. Chị cự lại: “chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!” Cai lệ “tát đánh bốp” vào mặt chị Dậu. Như lửa đổ thêm dầu, chị đã “nghiến hai hàm răng” thách thức: “mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!” Và chị đã đã đánh ngã nhào hai tên chó má! Dưới ngòi bút “tuyệt khéo” của ông Đầu xứ Tố, ta thấy “trên cái tối giời tối đất của đồng lúa ngày xưa, hiện lên một cái chân dung lạc quan của chị Dậu (Nguyễn Tuân).
Ngô Tất Tố viết “tuyệt khéo”. Sự việc ở nông thôn ngày xưa rất thực, rất sống. Trang văn thấm đầy tình nhân đạo. Ông đã chỉ ra cái hiện tượng “con giun xéo mãi cũng quằn”. Ông đã nêu lên một quy luật hiển nhiên: “có áp bức, có đấu tranh”. Chị Dậu là một người vợ, người mẹ đảm đang, giàu tình thương và rất cứng cỏi. Cái “tuyệt khéo” của Ngô Tất Tố là đã dựng nên bức chân dung chị Dậu.