cuoc-song-xa-hoa-cua-vua-chua-va-su-nhung-nhieu-cua-quan-lai-tho-letrinh-trong-vu-trung-tuy-but-cua-pham-dinh-ho

Cuộc sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê – Trịnh trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ

Cuộc sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê – Trịnh trong Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ.

  • Mở bài:

Phạm Đình Hổ là một danh sĩ sống vào cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XIX, cùng thời với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Phạm Gia Thiều, Phan Huy Chú,… Ông vốn con nhà quan lại, là người chí khí, giàu khát vọng nhưng thi cử không đỗ đạt, lại gặp thời buổi loạn lạc, có lúc ông sống trong cảnh cơ hàn hết sức khổ cực. Sau nhờ tài năng văn chương và soạn sách mà ông được tiến cử làm quan. Đoạn trích Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh (trích Vũ Trung tùy bút) ghi lại cảnh cuộc sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê – Trịnh.

  • Thân bài:

Phạm Đình Hổ biên soạn sách vở thuộc nhiều lĩnh vực. Đương thời ông được xem là người thông thuộc kinh sử,địa lí, triết học ,văn chương cũng hết sức sâu sắc. Trong đó, nổi bậc là tập Vũ trung tùy bút ghi lại khá chân thực nhiều sự việc đã xảy ra ở vùng đất Hải Dương quê ông.

Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh là bài tùy bút ghi lại đời sóng xa hoa vô độ của triều đình phong kiến thời vua Lê chúa Trịnh suy tàn. Trịnh Vương (Trịnh Sâm) chỉ thích đi chơi ngắm cảnh đẹp , thường ngự ở các cung trên Tây Hồ, núi Tử Trầm,… nên việc xây dựng đền đài cứ làm liên tục, việc phục dịch cũng rất lãng phí, tốn kém. Bao nhiêu vật quý chốn nhân gian, Chúa đều ra sức thu lấy không thiếu một thứ gì, từ trân cầm dị thú cho đến cổ mộc quái thạch bồn hoa chậu cảnh miễn đẹp là bị quân quan tịch thu,… Bọn hoạn quan cung giám “nhờ gió bẻ măng”, dựa vào đó mà tha hồ nhũng nhiễu, gây sự, cướp đoạt của dân gây nên biết bao tình cảnh điêu đứng khốn cùng.

Phạm Đình Hổ cũng là người gánh chịu tai họa ấy. Nhà ông có trồng một cây lê và cây lựu quý, để tránh họa lây, mẹ ông đã chặt cây đi. Ông đau xót ghi lại những cảnh ấy trong tùy bút vừa bức xúc căm phẫn triều đình xa đọa vừa thương cảnh dân tình khốn khổ.

Trước hết, nổi bậc trong tác phẩm là cuộc sống vô cùng xa hoa, quyền quý của chốn cung cấm. Chúa cho xây dựng nhiều cung điện, đình đài ở các nơi để thỏa ý “thích chơi đèn đuốc”, ngắm cảnh đẹp. Ý thích đó không biết bao nhiêu cho vừa. Bởi vậy, việc xây dựng đình đài cứ diễn ra liên miên năm này qua năm khác, hao tổn không biết bao nhiêu sức lực và tiền của.

Những cuộc dạo chơi của Chúa ở cung Tây Hồ được miêu tả tỉ mỉ. Cứ ba bốn tháng một lần, Chúa ghế đến nơi này. Mỗi lần, hạ cố Tây Hồ huy động rất nhiều người hầu kẻ hạ “binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ”, có cả các quan nội thần, các quan hộ giá, nhạc công, vũ nữ,…

Để mua vui cho Chúa, họ bày không biết bao nhiêu trò giải trí lố lăng và tốn kém. Các nội thần giả làm các bà các cô bày bán hàng quán quan bờ hồ. Thuyền ngự lênh đênh trên sóng nước, chóc chóc lại ghé vào bờ mua bán. Dàn nhạc cũng được bố trí khắp nơi tấu nhạc làm vui khiến cho cảnh càng thêm sinh động. Thật là một cảnh tượng giả dối đến kinh tởm. Thế mà, Chúa cho thế là vui, muốn tìm lấy một cảnh giác bình dị của người bình dân dù đó chỉ là giả tạo.

Việc tìm kiếm kì hoa dị thảo, của ngon vật báu ở đời cái gọi là “phụng thủ” để trang hoàng cho cung cấm diễn ra hết sức khốc liệt. Thực chất đó là hành động ăn cướp trắng trợn của dân, cưỡng bách nhân dân phải cống nạp. Từ trân cầm, cổ thụ, quái thạch, kì hoa, cổ vật miễn cái gì đẹp là bị bọn quan lại tịch thu không thương xót. Thậm chí, nhiều cây cảnh nằm trong sân nhà, không có lối khiêng ra, chúng nhẫn tâm đập đổ tường nhà để lấy lối đưa ra. Đó quả là hành dộng ngang ngược hết sức.

Cảnh trong cấm cung được miêu tả là cảnh thực ở những khu vường rộng rãi, được bày vẽ đủ thứ, cái gì cũng có, điểm tô lộng lẫy như “bến bể đầu non”, nhưng âm thanh lại gợi len cảm giác ghê rợn như đứng trước một cái gì đó đang tan tác, đau thương chứ không phải trước cảnh đẹp yên bình, phồn thịnh. Cảm xúc chủ quan của tác giả đến đây mới bộc lộ ra, nhất là khi ông xem đó là “triệu bất tường”, tức điềm gở, điềm chẳng lành. Nó như báo trước sự suy vong tất yếu đang sắp xảy ra của một vương triều chỉ biết ăn chơi hưởng lạc xa xỉ trên mồ hô xương máu của muôn dân. Quả thực, điều đó đã xảy ra ngay sau khi Trịnh Vương mất sau đó ít lâu.

Một bộ mặt khác không kém phần khóc liệt đó là bọn quan lại thừa cơ tác oai tác quái, gây nên biết bao điều oan nghiệt. Thời chúa Trịnh, bọn hoạn uan hầu cận Chúa rất được sủng ái bởi chúng đắc lực giúp chúa bày biện các trò ăn chơi, hưởng lạc. Do đó, chúng ỷ thế nhà chúa mà lộng hành trong nhân dân.

Thủ đoạn thâm độc của chúng là vừa ăn cướp vừa la làng, vừa chiếm đoạt vừa vu khống giá họa. Người dân nếu không chịu cống nạp thì phải tự mình hủy hoại vật quý. Đó là điều hết sức vô lí, bất công. Bọn chúng thừa cơ ních đầy túi tham, vun vén cho riêng mình không biết bao nhiêu mà kể, lại được tiếng vì chúa mà hành sự.

Kết thúc đoạn miêu tả những thủ đoạn đê tiện hèn hạ của bnj hoạn quan, tác giả kể lại một sự việc đã từng xảy ra ngay tại gia đình mình. bà mẹ của ông đã phải tự tay mình chặt đi một cây lê và hai cây lựu quý mà chính bà đã vun sói bấy lâu để tránh đi tai họa. Cách dẫn dắt như thế đã làm tăng lên đáng kể tính chân thực của câu chuyện, khắc họa sâu sắc hiện thục đang xảy ra. Tình cảm của tác giả qua đó cũng được gửi gắm một cách kín đáo.

  • Kết bài:

Phạm Đình Hổ đã có lối văn ghi chép sự việc cụ thể, chân thực mà sinh động. Các chi tiết, sự việc miêu tả về thói ăn chơi xa xỉ của chúa Trịnh và quan lại được đưa ra cụ thể, sinh động, chân thực, khách quan, để tự sự việc lên tiếng nói, đem lại ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Với thể loại tùy bút, các sự việc được ghi chép theo cảm hứng chủ quan, tản mạn, không gò bó theo hệ thống, kết cấu chặt chẽ, nhưng vẫn tuân theo một tư tưởng, cảm xúc chủ đạo, đó là thái độ phê phán thói ăn chơi xa xỉ và tệ nhũng nhiễu nhân dân của bọn vua chúa và lũ quan lại hậu cần.


Tham khảo:

  • Mở bài:

Trong các áng văn xuôi thời kì trung đại ở nước ta, bên cạnh Truyền kì mạn lục – một “Thiên cổ kì bút” – người đời thường nhắc tới Vũ trung tuỳ bút (Theo ngọn bút viết trong khi mưa) của Phạm Đình Hổ. Tác phẩm ra đời vào đầu thế kỉ XIX. Khác với Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, tập sách “viết trong mưa” ấy thuộc thể loại tuỳ bút. Dùng văn tuỳ bút, danh nho Phạm Đình Hổ đã tuỳ theo hứng thú và suy nghĩ của riêng mình, ghi chép lại những sự việc, những câu chuyện cụ thể chân thực, những điều tai nghe, mắt thấy trong cuộc sống. Khi đọc Truyền kì mạn lục, chúng ta bắt gặp đây đó những yếu tố lãng mạn, huyền ảo, còn trong Vũ trung tuỳ bút thì đậm đặc chất hiện thực. Một trong những bức tranh hiện thực ấy là những chuyện trong phủ chúa Trịnh Sâm. Viết lại những câu chuyện cũ ấy, tác giả dự báo “đó là triệu bất tường”, là những dấu hiệu không lành, những điềm gở.

  • Thân bài:

Trước hết là những câu chuyện về thói ăn chơi xa xỉ, vô độ của chúa Trịnh Sâm và các quan lại hầu cận trong phủ chúa. Tác giả Phạm Đình Hổ kể ba sự việc tiêu biểu.

– Việc thứ nhất: Chúa cho xây dựng nhiều cung điện, đình đài ở các nơi để thỏa mãn ý thích “đi chơi ngắm cảnh đẹp”, ý thích đó cứ triền miên, nối tiếp tưởng đến không cùng. Vì vậy, nhà văn viết “Việc xây dựng đình đài cứ liên miên”. Nghĩa là việc huy động sức dân, thu tiền bạc, chiếm đất đai, bắt nhân công liên tục diễn ra hàng tháng, hàng năm, nơi này, nơi khác.

– Việc thứ hai: Những cuộc rong chơi của chúa Thịnh Vương (Trịnh Sâm). Chúa thường thích đi chơi, thường ngự – tới ăn ngủ, ngắm cảnh đẹp, hưởng của ngon, vật lạ, thỏa mãn thú vui cả thể xác lẫn tinh thần – ở các li cung (cung điện, lâu đài xa kinh thành) trên Hồ Tây, núi Tử Trầm, núi Dũng Thuý.

Trong những chuyến du lịch ấy của chúa đặc biệt nhất là cuộc dạo chơi trên Hồ Tây. Vòng quanh bốn mặt hồ, binh lính phải “dàn hầu”, vừa để bảo vệ vừa sẵn sàng làm theo lời chúa sai bảo. Cũng vòng quanh bốn mặt hồ, các quan trong triều phải “đầu bịt khăn, mặc áo đàn bà” cải trang là những thị dân buôn bán, bày hàng hoá như một khu chợ sầm uất, đông vui, vui cho thiên hạ thì ít mà vui cho chúa thì nhiều. Thuyền ngự đến đâu thì chúa và các hỗ tụng đại thần tuỳ ý ghé vào bờ mua bán. Chúa và cận thần tới, thì nhạc công phải tấu lên những khúc nhạc dặt dìu gần xa vẳng từ dưới bóng cây, bến đá nào đó. Đúng là bức tranh cuộc sống phồn hoa mà giả dối. Tác giả chỉ ghi chép khách quan, không một lời nhận xét, mà sự việc nó cứ tự phơi bày những nét rởm hợm, nực cười, đáng chê trách. Việc thứ ba – đáng chê trách hơn – là câu chuyện chúa “sức thu lấy” – ra lệnh bằng văn bản – cướp đoạt một cách trắng trợn tất cả “những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh” trong nhân dân.

Chọn một cảnh điển hình của những cuộc cướp đoạt ấy – cảnh lính tráng chở một cây đa cổ thụ về phủ chúa – tác giả miêu tả bằng những từ ngữ sống động, một giọng văn thật nặng nề. Cây đa to, cành lá rườm rà, được rước qua sông”… như một cây cổ thụ mọc trên đầu non hốc đá, rễ dài đến vài trượng, phải một cơ binh mới khiêng nổi, lại bốn người đi kèm, đều cầm gươm đánh thanh la đốc thúc quân lính khiêng đi cho đều tay”. Đó là một đám rước công phu, tốn kém. Cây đa ấy vốn ở đầu non hốc đá tự do – phóng khoáng giữa rừng núi nay bị rước về vườn nhà chúa bề ngoài có vẻ oai phong, song nhìn kĩ thấy tội nghiệp quá. Bởi vì từ nay, đa đâu còn là biểu tượng trường tồn, bất diệt, biểu tượng cho sức sống của con người, của quê hương, đất nước. Đa đã bị ép buộc để “điểm xuyết, bày vẽ” thành thứ đồ chơi riêng của nhà chúa. Cây đa cũng giống như thân phận của muôn loài trân cầm dị thú, cổ mộc, quái thạch, chậu hoa cây cảnh trong dân gian đã bị cầm tù, bị tha hoá. Bao nhiêu cái đẹp của tự nhiên, những thú vui tao nhã, chính đáng của nhân dân đã bị nhà chúa chiếm đoạt. Số phận của cây trời, đá núi, hoa lá, … vô tri thì như thế, hỏi số phận con người ra sao?

Người viết tùy bút, danh nho Phạm Đình Hổ đã đưa ra những sự việc cụ thể chân thực và khách quan, không bình luận mà các hình ảnh, chi tiết cứ hiện lên đầy ấn tượng. Ấn tượng nhất là cảnh đêm nơi vườn nhà chúa: “Mỗi khi đêm thanh cảnh vắng, tiếng chim kêu vượn hót ran khắp bốn bề, hoặc nửa đêm ồn ào như trận mưa sa gió táp, vỡ tổ tan đàn, kẻ thức giả biết đó là triệu bất tường”…

Tiếng chim kêu, vượn hót khắp bốn bề giữa đêm khuya thanh vắng, hay là tiếng muôn loài than thở? Trận mưa sa gió táp ồn ào hay sự giận dữ của trời đất? Những âm thanh ấy gợi cảm giác ghê rợn như một điều gì đó đang tan tác đổ vỡ, suy sụp đau đớn, chứ không phải là một cảnh đẹp bình yên, phồn thực, no ấm. Nghe những âm thanh ấy “kẻ thức giả” – nhà nho Phạm Đình Hổ biết “đó là triệu bất tường”. Đến dòng văn cuối của những câu chuyện nhà chúa, cảm nghĩ của tác giả bộc lộ trực tiếp, nhưng lời văn vẫn nhẹ nhàng, tế nhị, gián tiếp bằng một danh từ chung là “kẻ thức giả”. Kẻ thức giả là những người có học vấn, có hiểu biết sâu rộng. Viết câu văn ấy, Phạm Đình Hổ là một người có tầm phán đoán, dự cảm chính xác. Ông đã thấy rõ những cuộc ăn chơi xa hoa, vô độ của chúa Trịnh Sâm là “triệu bất tường”, những dấu hiệu không lành, những điềm gở. Nó báo trước sự suy vong tất yếu của một triều đại chỉ chăm lo việc ăn chơi hưởng lạc trên mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của dân lành. Quả thực, điều đó đã xảy ra không lâu sau khi Trịnh Sâm mất.

Sách xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” – cấp trên không chân chính, nghiêm túc thì cấp dưới tất sẽ làm loạn. Chúa ở ngôi cao mải mê ăn chơi, sa đọa, tất yếu các quan cấp dưới ỷ thế làm càn. Do đó, từ những câu chuyện của chúa, Phạm Đình Hổ chuyển ý, kể đến chuyện các quan “bọn hoạn quan cung giám lại thường nhờ gió bẻ măng, ra ngoài dọa dẫm…”. Ở đoạn văn thứ hai này, tác giả tập trung kể một sự việc. Đó là việc bọn hoạn quan bày trò cướp đoạt, vu cáo, phá hoại tài sản của nhân dân một cách trắng trợn, tàn ác. Chúng thực hiện công việc rất “bài bản”. Động tác một: “Dò xem” nhà nào có vật quý, thì biên vào hai chữ “phụng thủ” nghĩa là lấy để dâng chúa. Động tác thứ hai: “Trèo qua tường thành lẻn ra”… “lấy phăng đi”… Động tác thứ ba: Nếu nhà nào phản ứng, thì “buộc cho tội giấu vật báu” của vua chúa… Ở đoạn văn tùy bút này nhà văn sử dụng liên tục các động từ miêu tả thái độ và hành động bọn hoạn quan trong ba câu văn đặc tả với những từ ngữ nhấn mạnh: “Dò xem”, “trèo”, “lẻn”, “lấy phăng”, “buộc tội”, “dọa dẫm”, … Đúng là những thái độ, hành động của một lũ đầu trâu mặt ngựa, vừa ăn cướp, vừa la làng, “Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham” (Truyện Kiều).

Hậu quả của những vụ cướp bóc trắng trợn ấy là: Người dân bị buộc tội phải nộp tiền, phải “phá nhà huỷ tường… bỏ của ra kêu van chí chết” và tự mình phải “đập bỏ núi non bộ hoặc phá bỏ cây cảnh để tránh khỏi tai vạ”. Người dân phải chịu biết bao nhiêu cảnh đau đớn, bao nhiêu bất công, phi lí. Chính tại gia đình Phạm Đình Hổ – một gia đình quý tộc cận kề phủ chúa – cũng bị cái hoạ ăn cướp kia gieo xuống. Trước nhà tiền đường trồng một cây lê hoa trắng xoá thơm lừng, trước nhà trung đường trồng hai cây lựu ra quả trông rất đẹp … “Bà cung nhân ta đều sai chặt đi cũng là vì cớ ấy”. So với giọng văn kể chuyện các gia đình khác quanh kinh thành bị quấy nhiễu, giọng kể ở đoạn văn cuối này có vẻ như nhẹ nhàng hơn, song nó tô đậm thêm tính hiện thực, tăng thêm ý nghĩa phê phán, tố cáo. Bởi vì, nạn cướp bóc, sách nhiễu ở thời Trịnh Sâm đã trở thành cơn sốc trong xã hội, không chỉ gây đau khổ cho dân thường mà còn đe dọa cả những gia đình quyền quý, quan lại, không chỉ cướp bóc của cải vật chất mà còn huỷ diệt cả những thú vui tao nhã mang tính văn hoá truyền thống của biết bao gia đình Việt Nam chúng ta. Những từ ngữ cuối đoạn văn dừng lại, nhưng lời kể của tác giả vẫn còn vương vấn ngân nga trong lòng chúng ta những cảm giác xót xa, nuối tiếc, thương cho cây đẹp, hoa thơm, cảm thống với những con người phải sống trong một xã hội phong kiến hỗn loạn mục nát đến như vậy.

Đoạn tùy bút “Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh” ấy không chỉ có giá trị hiện thực, phơi bày bộ mặt xấu xa của chúa, của bọn quan lại, lính tráng mà còn hấp dẫn bạn đọc bởi một ngòi bút tài hoa. Phạm Đình Hổ đã ghi chép người thực, việc thực rất cụ thể, chính xác, theo trí nhớ, cảm xúc, suy nghĩ của riêng mình. Từ ngữ câu văn tự nhiên, trôi chảy, không bị gò bó bởi cốt truyện, nhân vật…như trong truyện ngắn. Khi kể chuyện, lúc chuyển sang miêu tả, ngẫu hứng thì điểm vào một dự cảm, dự báo, nhịp văn lúc khoan thai, khi dồn dập nhấn mạnh, … ngỡ như buông thả tự do nhưng tác phẩm vẫn tập trung vào một chủ đề, toát lên cảm xúc trữ tình rõ nét của tác giả.

  • Kết bài:

Nói tóm lại, bằng thể văn tùy bút ghi chép tùy hứng những sự việc một cách cụ thể, chân thực, sinh động, Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh giúp chúng ta hiểu về đời sống xa hoa vô độ của bọn vua chúa, quan lại phong kiến thời vua Lê, chúa Trịnh suy tàn nửa cuối thế kỉ XVIII. Đó là một xã hội đầy rẫy những dấu hiệu không lành, những điềm gở đáng chê trách và đáng xóa bỏ. Lịch sử đã xóa bỏ cái xã hội ấy.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang