Dàn bài phân tích bài thơ “Nỗi lòng” của Đặng Dung.
- Mở bài:
Đặng Dung là tướng lĩnh tài ba thời Hậu Trần. Ông dũng mãnh, xả thân cứu nước, bất khuất trước quân thù. Đặng Dung chỉ để lại một bài thơ thuật cảm hoài”. Ông viết bài thơ để nói lên cái chí, cái hoài bão đánh giặc cứu nước của mình. Cái chí lớn đó dù không thành, song cũng đủ để muôn đời sau kính phục.
- Thân bài:
1. Hai câu đề: Hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả.
– “Thế sụ du du”:việc đời dằng dặc,rối bời.
công cuộc chống quân Minh , giành lại non sông xã tắc – một công việc vô cùng lớn lao, khó khăn vì nước đã mất, quân thù đang mạnh, ta thì lực ít, quân mỏng.
– “Nại lão hà”: già mất rồi
→ Câu thơ như lời than, như nỗi băn khoăn lại như có tiếng thở dài có phần lực bất tòng tâm.
– Tác giả giải tỏa nỗi buồn bằng ca hát và say sưa trong chén rượu , tiếng đàn.
2. Hai câu thực:
– “Đồ điếu”: anh hàng thịt, anh câu cá.
– “Thời” :thời cơ.
– “Vận” : số may, cơ hội
– “Thành công dị”: khác thường, ngoài sức tưởng tượng.
– “Ẩm hận đa” ôm hận ở trong lòng.
– Sự đối lập: “anh hùng” – “đồ điếu”: thất thời, lỡ vận.
→ Gặp thời vận thì nhỏ hóa lớn, yếu hóa mạnh. Thất thời thì mạnh thành yếu, có tài thì cũng không sao thi thố được tài năng → Người anh hùng đành ôm hận.
3. Hai câu luận:
– Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng:
+ Phù địa trục: gây dựng lại cơ nghiệp.
+ Tẩy binh … vãn thiên hà”: muốn hoà bình nhưng không có cách.
– Tâm trạng bi tráng của nhà thơ được thể hiện ở hai vế:
+ Bi: thực tế “lực bất tòng tâm”.
+ Tráng: khát vọng, hoài bão lớn lao.
→ Kẻ sĩ hào kiệt không gặp thời.
4. Hai câu kết:
– Nỗi sầu của tác giả vì thù lớn chưa trả mà đã bạc xóa mái đầu.
– “Mài gươm dưới ánh trăng”: Chí khí quật cường , tinh thần bền bỉ của tác giả vì lí tưởng của mình.
- Kết bài:
– Khẳng dịnh ý nghĩa bài thơ. Trên con đường cứu nước, tuy chưa nhìn ra lối đi, tuổi lại đã cao nhưng hùng tâm tráng chí chẳng một phút giây phai nhạt. Người anh hùng tóc đã bạc, bao lần mang gươm báu mài dưới bóng trăng cũng chính là mài sắc ý chí, khát vọng, mài sắc lòng yêu nước trong mình. Có thể thấy bao trùm bài thơ là cảm xúc bi tráng của vị lão anh hùng trong tình thế vận nước nguy nan. Bằng những hình ảnh thơ kì vĩ, có sức diễn tả mạnh mẽ (phù địa trục, uấn thiên hà, kỉ độ long tuyền đái nguyệt ma) tình cảm, khát vọng của tác giả đã được thể hiện một cách đậm nét.
Tham khảo:
Cảm nhận bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung.
Đặng Dung (? – 1414) người huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc), tỉnh Hà Tĩnh, là một nhân sĩ yeu nước, người có chí lớn. Năm 1414, Đặng Dung bị giặc Minh bắt đưa sang Trung Quốc, dọc đường ông nhảy xuống sông tự tử. Sáng tác của Đặng Dung chỉ còn lại bài thơ Nỗi lòng, bài thơ từng được Tử Tấn (đời Lê) đánh giá: “phi kẻ sĩ hào kiệt thì không làm nổi”. Thơ ông toát lên vẻ đẹp bi tráng của bậc anh hùng.
Ngay từ hai câu đầu bài thơ, một tình thế bi kịch đã được nêu lên:
“Việc thế lôi thôi tuổi tác này,
Mênh mông trời đất hát và say.”
Việc đời còn rối bời, mờ mịt mà người thì đã già, biết làm sao ! Mâu thuẫn không thể giải quyết ấy là nguyên nhân dẫn đến tình thế bi kịch. Bi kịch lực bất tòng tâm. Nỗi buồn vì tuổi tác này còn được nhắc lại trong câu 7: Quốc thù chưa trả già sao vội, đủ thấy đây là nỗi ám ảnh của nhà thơ. Hơn nữa, vũ trụ đang say sưa, mê mải, đắm chìm (hàm ca là đắm đuối vào chuyện uống rượu và ca múa) trong cuộc vần xoay muôn thuở của nó, như quay lưng lại với thế sự và con người: Mênh mông trời đất hát và say. Tình cảnh ấy khiến người anh hùng càng trở nên cô độc.
Từ tình thế bi kịch đã được nêu ra ở hai câu đầu, hai câu tiếp theo nêu lên cụ thể hơn nỗi niềm thời thế với tâm trạng oán hận của tác giả:
“Gặp thời đồ điếu thừa nên việc,
Lỡ vận anh hùng luống nuốt cay”.
Nổi bật trong hai câu thơ này là sự đối lập giữa đồ điếu và anh hùng. Đồ điếu nghĩa là mổ thịt, câu cá; tác giả có ý ám chỉ Phàn Khoái bán thịt chó và Hàn Tín câu cá sau giúp Hán Cao Tổ làm nên sự nghiệp lớn. Tác giả đối lập đồ điếu và anh hùng không phải nhằm xem thường, coi Phàn Khoái và Hàn Tín là bất tài mà chủ yếu để bày tỏ cảm khái thời vận lỡ dở. Bi kịch của một vị tướng già trở nên sâu sắc, thấm thía là bởi nó mang tính phổ quát nhân sinh.
Tình thế bất lực, cảm giác bi kịch được tiếp tục trong những hình ảnh khoáng đạt, đượm màu bi tráng:
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
(Giúp chúa những lăm giằng cốt đất)
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
(Rửa đòng không thể vén sông mây)
“Tẩy binh” có nghĩa là xuất binh gặp mưa. Vũ Vương xuất binh phạt Trụ gặp mưa, có người cho là không lợi, nhưng Vũ Vương nói Trời giúp rửa binh khí, có thể xuất chinh. “Tẩy binh” cũng có nghĩa là rửa binh khí để cất đi, ý nói đình chiến. Lúc này Đặng Dung đang đem quân đánh quân xâm lược Minh tham tàn, bạo ngược, chưa phải lúc đình chiến, cho nên chỉ hiểu theo nghĩa thứ nhất. Nhiều sách giải thích câu thơ này là muốn đem lại hoà bình cho đất nước mà không được, e không hợp. Bởi vì tại câu kết bài thơ tác giả vẫn mài gươm dưới trăng để đánh giặc, chứ đâu phải để cất gươm vào kho! Cho nên câu này nên hiểu: Không có cách gì kéo sông Ngân hà xuống để rửa giáp binh mà làm cuộc xuất chinh.
Mặc dù hình ảnh “kéo sông thiên hà” là lấy từ bài Tẩy binh mã của Đỗ Phủ, nhằm rửa binh khí để cất đi không dùng nữa, nhưng ở đây Đặng Dung đã vận dụng sáng tạo thể hiện ý rửa binh khí để ra trận.
Hai câu trong bài Tẩy binh mã của Đỗ Phủ:
An đắc tráng sĩ vãn thiên hà,
Tận tẩy giáp binh trường bất dụng.
(ước gì có tráng sĩ kéo nước sông Ngân xuống,
Rửa sạch khí giới, mãi mãi không dùng nữa)
Mặc dù trong tình thế bi kịch, thế sự bời bời, bản thân lại chưa tìm được hướng đi, song đến cuối bài thơ, tác giả đã thể hiện chí khí quật cường và tinh thần kiên trì chiến đấu:
“Quốc thù chưa trả già sao vội,
Dưới nguyệt mài gươm đã bấy chầy”.
Hình ảnh vị tướng đầu bạc với mối thù nước đau đáu trong lòng, nung nấu mài kiếm dưới trăng bao phen là hình ảnh mang vẻ đẹp bi hùng, giàu tính biểu tượng. Vẫn không ra ngoài cảm giác bi kịch, trong khi mối thù nước chưa trả đang thôi thúc thì tuổi đã cao, sức lực không còn sung mãn, tâm ấy với lực ấy trong một con người sinh ra bi kịch, nhưng cũng tâm ấy lực ấy mà toát lên vẻ đẹp của chí khí, sự bền bỉ, nhiệt huyết anh hùng, vẻ sáng láng của kẻ lỡ vận, âm thầm mà tâm tráng.
Anh hùng có làm nên sự nghiệp lớn hay không còn tuỳ thuộc vào thời vận. Đó là quan niệm của người xưa về thành bại của những kẻ có tài năng và chí khí hơn người. Anh hùng có thể xoay chuyển thời thế, nhưng thời thế cũng tạo nên anh hùng. Lỡ vận nên thất bại là mối hận của nhiều bậc anh hùng bao đời. Đặng Dung viết “Vận khứ anh hùng ẩm hận đa” cũng là tỏ lòng mình, một bậc anh hùng lỡ vận đành ôm hận trong lòng.
Với những hình ảnh có sức diễn tả mạnh mẽ tình cảm, khát vọng, bài thơ Nỗi lòng thể hiện tấn kịch bi tráng của người anh hùng.
Cảm hoài là nhan đề thường gặp trong thơ cổ dùng để biểu lộ cảm xúc, hoài bão. Cảm hoài là có cảm xúc trong lòng, tức nỗi lòng. Trong Tây sương kí có câu : “Tri âm giả phương tâm tự đổng, cảm hoài giả đoạn trường bi thống”, nghĩa là “Kẻ tri âm lòng thơm tự hiểu, kẻ cảm hoài đứt ruột xót đau”. Do vậy thi đề cảm hoài thường nói việc oán hận, bi thương. Bài thơ này làm vào lúc Đặng Dung ra sức tận tụy phù rập nhà Trần, đánh giặc cứu nước, nhưng vận nhà Trần đã tàn, cơ đồ đang đổ, khó lòng xoay chuyển. Cảm hoài là một bài thơ giãi bày gan ruột.