dan-bai-phan-tich-ve-dep-cua-tinh-nguoi-va-niem-hy-vong-vao-cuoc-song-o-cac-nhan-vat-trang-nguoi-vo-nhat-va-cu-tu-trong-truyen-ngan-vo-nhat-kim-lan

Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt và cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân)

Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt và cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân).

  • Mở bài:

Vợ nhặt là một truyện ngắn xuất sắc không chỉ của Kim Lân mà còn là một kiệt tác của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Thông qua tình huống “nhặt vợ” trớ trêu của Tràng, tác phẩm đã thể hiện sâu sắc vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng của cuộc sống của những người nông dân xóm ngự cư, cụ thể là ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ.

  • Thân bài:

Có thể nói rằng, Kim Lân đã thật xuất sắc khi dựng lên tình huống “nhặt vợ” của anh cu Tràng là một cây bút đặc sắc của văn học Việt Nam hiện đại với đề tài: đời sống làng quê. Ông đã có nhiều đóng góp cho thể loại truyện ngắn viết về đề tài này. Đó là sự hiểu biết sâu sắc về nỗi thống khổ của người nông dân và sự đổi đời của họ.

1. “Sự túng đói quay quắt”, “hoàn cảnh khốn khổ” không làm những người dân ngụ cư từ bỏ lòng nhân ái. Họ vẫn vượt lên trên cái chết, cái thảm đạm để sống với nhau bằng tình người đẹp đẽ.

– Vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn Tràng.

+ Hào hiệp, thương người khi chia sẻ miếng ăn với người đàn bà xa lạ đang đói khát; khi cưu mang thị dù mình cũng đang khốn khổ.

+ Chu đáo, ân cần khi mua cho chị ta cái thúng con, cùng thị đánh một bữa no nê, mua 2 hào dầu để đánh dấu ngày “nhặt vợ”.

+ Thái độ tình nghĩa và trách nhiệm: xót xa thương cảm khi nhìn vẻ buồn bã của vợ; trân trọng thương yêu mà không hề rẻ rúng; mong muốn “dự phần tu sửa lại căn nhà”- nơi Tràng sẽ sống với những người mà anh yêu thương…

– Vẻ đẹp trong tâm hồn người “vợ nhặt”.

+ Lúc đầu đi theo Tràng chỉ vì miếng ăn mong chạy trốn cái đói, thị đã thất vọng khi chứng kiến hoàn cảnh khốn khổ của Tràng nhưng thị vẫn ở lại ngôi nhà ấy vì thị hiểu mình đã tìm thấy những điều còn quý giá hơn cả miếng ăn, đó là tình người cao đẹp, đó là tấm lòng nhân hậu của những con người sẵn sàng cưu mang, yêu thương thị khi chính họ đang đói khát.

+ Người vợ nhặt đã biến đổi sâu sắc sau khi theo Tràng về nhà: vẻ chao chát, chỏng lỏn đã thay bằng sự hiền hậu đúng mực, mau mắn trong việc làm, ý tứ trong cư xử.

– Vẻ đẹp trong tâm hồn bà cụ Tứ.

Việc con “nhặt vợ” giữa lúc túng đói quay quắt đã khiến bà bất ngờ, ngạc nhiên, nhưng khi đã “hiểu ra bao nhiêu là cơ sự”, trong lòng bà chỉ tràn ngập tình thương: thương con, thông cảm với nàng dâu, trăn trở xót xa về bổn phận làm mẹ. Cố tạo niềm vui cho các con ngay trong bữa cơm ngày đói thê thảm khiến cho món ăn của loài vật lại thắm đẫm tình người…

2. “Sự túng đói quay quắt”, “hoàn cảnh khốn khổ” không ngăn cản được những người dân xóm ngụ cư hy vọng vào cuộc sống- niềm hy vọng đã tạo nên vẻ đẹp rạng rỡ trong tâm hồn họ.

– Ở nhân vật Tràng: Sau cảm giác “chợn” “sờ sợ” khi “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chưa biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng”, Tràng tặc lưỡi, liều lĩnh và từ lúc đó, Tràng cảm nhận hạnh phúc đang và sẽ đến với cuộc đời mình. Việc mua hai hào dầu thắp, cảm giác êm ái lửng lơ như trong giấc mơ đi ra, dự liệu về một tương lai khi hắn sẽ cùng vợ mình sinh con đẻ cái ở đây”… Đặc biệt hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong đầu Tràng đều là biểu hiện của niềm hy vọng mong manh mà vững chắc về tương lai.

– Ở nhân vật người “vợ nhặt”: Sự biến đổi trong thái độ, trong cách cư xử khi cùng mẹ chồng quét tước cửa nhà cũng phần nào cho thấy niềm hy vọng và sự đổi đời đang âm thầm diễn ra trong lòng thị.

– Ở nhân vật bà cụ Tứ: Là người thể hiện rõ nhất niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn: bà cắt đặt lo toan công việc, bàn về việc đan phên ngăn phòng, việc nuôi gà, động viên các con bằng cả triết lý dân gian “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”, cùng con thu dọn cửa nhà cho quang quẻ.

  • Kết bài:

– Tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống đã làm nên vẻ đẹp vừa “thấm thía cảm động”, vừa rạng rỡ trong tâm hồn những người dân xóm ngụ cư.

– Phát hiện và miêu tả vẻ đẹp ấy trong tâm hồn người dân xóm ngụ cư, Kim Lân đã đem đến cho tác phẩm tình cảm nhân đạo sâu sắc, mới mẻ.

Bài văn tham khảo 1:

Phân tích vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống ở các nhân vật: Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ trong truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân).

  • Mở bài:

Nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945 đã hằn in trong tâm trí Kim Lân – một nhà văn hiện thực có thể xem là con đẻ của đồng ruộng, một con người một lòng đi về với “thuần hậu phong thủy” ấy. Ngay sau cách mạng, ông đã bắt tay viết ngay tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Khi hòa bình lập lại (1954), nỗi trăn trở tiếp tục thôi thúc ông viết tiếp thiên truyện ấy. Và cuối cùng, truyện ngắn “Vợ nhặt” đã ra đời. Trong lần này, Kim Lân đã thật sự đem vào thiên truyện của mình một khám phá mới, một điểm sáng soi chiếu toàn tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống của những người nông dân nghèo tiêu biểu như Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Thiên truyện thể hiện rất thành công khả năng dựng truyện, dẫn truyện và đặc sắc nhất là Kim Lân đã có khám phá ra diễn biến tâm lý thật bất ngờ.

  • Thân bài:

Trong một lần phát biểu, Kim Lân từng nói “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Và điểm sáng mà nhà văn muốn đem vào tác phẩm chính là ở chỗ đó. Đó chính là tình người và niềm hy vọng về cuộc sống, về tương lai của những con người đang kề cận với cái chết.

Bằng cách dẫn truyện, xây dựng nên tình huống “nhặt vợ” tài tình kết hợp với khả năng phân tích diễn biến tâm lý nhân vật thật tinh tế và sử dụng thành công ngôn ngữ nông dân, ngôn ngữ dung dị, đời thường nhưng có sự chọn lọc kỹ lưỡng ấy, nhà văn đã tái hiện lại trước mắt ta một không gian năm đói thật thảm hại, thê lương. Trong đó ngổn ngang những kẻ sống, người chết, những bóng ma vật vờ, lặng lẽ, giữa tiếng khóc hờ và tiếng gào thét kinh hoàng của đám quạ. Bằng tấm lòng đôn hậu chân thành, nhà văn đã gửi gắm vào trong không gian tối đen như mực ấy những mầm sống đang cố vươn đến tương lai, những tình cảm chân thành, yêu thương bình dị nhưng rất đỗi cao quí ấy và nhà văn đã để những số phận như anh Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ được thăng hoa trước ngọn cờ đỏ phấp phới cùng đám người đói phá kho thóc Nhật ở cuối thiên truyện.

Có thể nói rằng, Kim Lân đã thật xuất sắc khi dựng lên tình huống “Nhặt vợ” của anh cu Tràng. Tình huống ấy là cánh cửa khép mở để nhân vật bộc lộ nét đẹp trong tâm hồn mình. Dường như trong đói khổ người ta dễ đối xử tàn nhẫn với nhau khi miếng ăn của một người chưa đủ thì làm sao có thể đèo bòng thêm người này, người kia. Trong tình huống ấy, người dễ cấu xé nhau, dễ ích kỷ hơn là vị tha và người ta rất dễ đối xử tàn nhẫn, làm cho nhau đau khổ. Nhưng nhà văn Kim Lân lại khám phá ra một điều ngược lại như ở các nhân vật anh cu Tràng, người vợ nhặt và bà cụ Tứ. Chúng ta từng kinh hãi trước “xác người chết đói ngập đầy đường” “người lớn xanh xám như những bóng ma” trước “không khí vẩn lên mùi hôi của rác rưởi và mùi ngây của xác người”, từng ớn lạnh trước “tiếng quạ kêu từng hồi thê thiết” ấy nhưng lạ thay chúng ta thật không thể cầm lòng xúc động trước nghĩa cử cao đẹp mà bình thường, dung dị ấy của Tràng, bà cụ Tứ và cả người vợ của Tràng nữa. Một anh thanh niên của cái xóm ngụ cư ấy như Tràng, một con người – một thân xác vạm vỡ, lực lưỡng mà dường như ngờ nghệch thô kệch và xấu xí ấy lại chứa đựng biết bao nghĩa tình cao đẹp. “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào”, vậy mà Tràng vẫn đèo bòng một cô vợ trong khi anh không biết cuộc đời phía trước mình ra sao. Tràng đã thật liều lĩnh.

Và ngay cô vợ Tràng cũng thế. Hai cái liều ấy gặp nhau kết tụ lại thành một gia đình. Điều ấy thật có lý và xót thương vô cùng. Và dường như lúc ấy trong con người của Tràng kia đã bật lên niềm sống, một khát vọng yêu thương chân thành. Và dường như hắn đang ngầm chứa đựng một ao ước thiết thực về sự đầm ấm của tình cảm vợ chồng, của hạnh phúc lứa đôi. Hành động của Tràng dù vô tình, không có chủ đích, chỉ tầm phơ tầm phào cho vui nhưng điều ấy cũng hé mở cho ta thấy tình cảm của một con người biết yêu thương, cưu mang, đùm bọc những người đồng cảnh ngộ. Như một lẽ đương nhiên, Tràng đã rất ngỡ ngàng, hắn đã “sờ sợ”, “ngờ ngợ”, “ngỡ ngàng” như không phải nhưng chính tình cảm vợ chồng ấy lại củng cố và nhen nhóm ngọn lửa yêu thương và sống có trách nhiệm với gia đình trong hắn.

Tình nghĩa vợ chồng ấm áp ấy dường như làm cho Tràng thay đổi hẳn tâm tính. Từ một anh chàng ngờ nghệch, thô lỗ, cộc cằn, Tràng đã sớm trở thành một người chồng thật sự khi đón nhận hạnh phúc ấy như một cái gì đó cứ “ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ sống lưng”. Tình yêu, hạnh phúc ấy khiến “Trong một lúc Tràng dường như quên đi tất cả, quên cả đói rét đang đeo đuổi, quên cả những tháng ngày đã qua”. Và Tràng đã ước ao hạnh phúc mạch sống của một người đàn ông trong Tràng đã trở dậy. Hắn có những thay đổi thật bất ngờ nhưng rất hợp lôgích. Những thay đổi ấy không gì khác ngoài tâm hồn đôn hậu, chất phác và giàu tình yêu thương hay sao?

Trong con người của Tràng khi trở dậy sau khi chào đón hạnh phúc ấy thật khác lạ. Tràng không là anh Tràng ngày trước nữa mà giờ đây đã là một người con có hiếu, một người chồng đầy trách nhiệm dù chỉ trong ý nghĩ. Thấy mẹ chồng nàng dâu quét tước nhà cửa, hắn đã bừng bừng thèm muốn một cảnh gia đình hạnh phúc, “Hắn thấy hắn yêu thương căn nhà của hắn đến lạ lùng”, “Hắn thấy mình có trách nhiệm hơn với vợ con sau này”. Hắn cũng xăm xắn ra sân dọn dẹp nhà cửa. Hành động, cử chỉ ấy ở Tràng đâu chỉ là câu chuyện bình thường mà đó là sự biến chuyển lớn. Chính tình yêu của người vợ, tình mẹ con hoà thuận ấy đã nhen nhóm trong hắn ước vọng về hạnh phúc, niềm tin vào cuộc sống sẽ đổi thay khi hắn nghĩ đến đám người đó và lá cờ đỏ bay phấp phới. Rồi số phận, cuộc đời của hắn, của vợ hắn và cả người mẹ của hắn nữa sẽ thay đổi. Hắn tin thế.

Nạn đói ấy không thể ngăn cản được ánh sáng của tình người. Đêm tối ấy rồi sẽ qua đi để đón chờ ánh sáng của cuộc sống tự do đang ở phía trước, trước sức mạnh của cách mạng. Một lần nữa, Kim Lân không ngần ngại gieo rắc hạnh phúc, niềm tin ấy trong các nhân vật của mình. Người Vợ Nhặt không phải ngẫu nhiên xuất hiện trong thiên truyện. Thị xuất hiện đã làm thay đổi cuộc sống của xóm ngụ cư nghèo nàn, tăm tối ấy, đã làm cho những khuôn mặt hốc hác, u tối của mọi người rạng rỡ hẳn lên. Từ con người chao chát chỏng lỏn đến cô vợ hiền thục, đảm đang là cả một quá trình biến đổi. Điều gì làm Thị biến đổi như thế. Đó chính là tình người, là tình thương yêu. Thị tuy theo không Tràng về chỉ qua bốn bát bánh đúc và hai câu nói tầm phơ tầm phào của Tràng nhưng chúng ta không khinh miệt Thị.

Nếu có trách thì chỉ có thể hướng vào xã hội thực dân phong kiến kia bóp nghẹt quyền sống con người. Thị xuất hiện không tên tuổi, quê quán, trong tư thế “vân vê tà áo đã rách bợt”, điệu bộ trông thật thảm hại nhưng chính con người lại gieo mầm sống cho Tràng, làm biến đổi tất cả, từ không khí xóm ngụ cư đến không khí gia đình. Thị đã đem đến một luồng sinh khí mới, nguồn sinh khí ấy chỉ có được khi trong con người Thị dung chứa một niềm tin, một ước vọng cao cả vào sự sống, vào tương lai. Thị được miêu tả khá ít song đó lại là nhân vật không thể thiếu đi trong tác phẩm. Thiếu Thị Tràng vẫn chỉ là anh Tràng của ngày xưa, bà cụ Tứ vẫn lặng thầm trong đau khổ, cùng cực.

Kim Lân cũng thật thành công khi xây dựng nhân vật này để góp thêm tiếng lòng ca ngợi sức sống của vẻ đẹp tình người, niềm tin ở cuộc đời phía trước trong những con người đói khổ ấy. Và thật ngạc nhiên, khi nói về ước vọng ở tương lai, niềm tin vào hạnh phúc, vào cuộc đời người ta dễ nghĩ đến tuổi trẻ như Tràng và người vợ nhưng Kim Lân lại khám phá ra một nét độc đáo vô cùng tình cảm, ước vọng ở cuộc đời ấy lại được tập trung miêu tả khá kỹ ở nhân vật bà cụ Tứ. Đến nhân vật này, Kim Lân tỏ rõ ngòi bút vững vàng, già dặn của mình trong bút pháp miêu tả tâm lý nhân vật.

Bà cụ Tứ đến giữa câu chuyện mới xuất hiện nhưng nếu thiếu đi nhân vật này, tác phẩm sẽ không có chiều sâu nhân bản. Đặt nhân vật bà cụ Tứ vào trong tác phẩm, Kim Lân đã cho chúng ta thấy rõ hơn ánh sáng của tình người trong nạn đói. Bao giờ cũng thế, các nhà văn muốn nhân vật nổi bật cá tính của mình thường đặt nhân vật vào một tình thế thật căng thẳng. Qua đó dĩ nhiên phải có sự đấu tranh không ngừng không những giữa các nhân vật mà độc đáo hơn là ngay chính trong nội tâm của nhân vật ấy. Bà cụ Tứ là một điển hình. Việc Tràng lấy vợ đã gây một chấn động lớn trong tâm thức người mẹ nghèo vốn thương con ấy. Bà ngạc nhiên ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của một người đàn bà trong nhà mình mà lâu nay và có lẽ chưa bao giờ bà nghĩ đến. Hết ngỡ ngàng, ngạc nhiên bà cụ đã “cúi đầu nín lặng”. Cử chỉ, hành động ấy chất chứa bao tâm trạng. Đó là sự đan xen lẫn lộn giữa nỗi tủi cực, nỗi lo và niềm vui nỗi buồn cứ hòa lẫn vào nhau khiến bà thật căng thẳng. Sau khi thấu hiểu mọi điều bà nhìn cô con dâu đang “vân vê tà áo đã rách bợt” mà “lòng đầy thương xót”. Bà thiết nghĩ “Người ta có gặp bước khó khăn này, người ta mới lấy đến con mình, mà con mình mới có được vợ”. Và thật xúc động bà cụ đã nói, chỉ một câu thôi nhưng sâu xa và có ý nghĩa vô cùng: “Thôi, chúng mày phải duyên, phải kiếp với nhau u cũng mừng lòng”.

Đói khổ đang vây lấy gia đình bà, cuộc sống của bà sẽ ra sao khi mình đang ngấp nghé trước vực thẳm của cái chết. Nhưng trong tâm thức người mẹ nghèo ấy, đói khổ không phải là vật cản lớn nữa. Đói rét thật nhưng trong lòng bà cụ vẫn sáng lên tấm lòng yêu thương chân thành. Bà thương con, thương dâu và thương cho chính bản thân mình. Bà cụ Tứ từ những nỗi lo, nỗi tủi cực về gia cảnh vẫn không ngừng bùng cháy lên ngọn lửa của tình người. Bà đã giang tay đón nhận đứa con dâu, lòng đầy thương xót, trong tủi cực những vẫn ngầm chứa một sức sống thật mãnh liệt. Chính ở người mẹ nghèo khổ ấy, ngọn lửa của tình người, tình thương yêu nhân loại ấy bùng cháy mạnh mẽ nhất. Trong bóng tối của đói nghèo đang hùng hổ vây quanh, bà lão vẫn gieo vào lòng những con mình niềm tin về cuộc sống. Bà nhắc đến việc Tràng nên chuẩn bị một cái phên nuôi gà, rồi việc sinh con đẻ cái, bà lão nói toàn chuyện vui trong bữa cơm ngày đói thật thảm hại ấy. Bà đã đón nhật hạnh phúc của các con để tự sưởi ấm lòng mình.

Đặc biệt chi tiết nồi chè cám ở cuối thiên truyện thể hiện khá rõ ánh sáng của tình người. Nồi chè cám nghẹn bứ cổ và đắng chát ấy lại là món quà của một tấm lòng đôn hậu chất chứa yêu thương. Bà lão lễ mễ bưng nồi chè và vui vẻ giới thiệu. “Chè khoai đây ngon đáo để cơ”. ở đây nụ cười đã xen lẫn nước mắt. Bữa cơm gia đình ngày đói ở cuối thiên truyện không khỏi làm chạnh lòng chúng ta, một nỗi xót thương cay đắng cho số phận của họ song cũng dung chứa một sự cảm phục lớn ở những con người bình thường và đáng quý ấy.

Kim Lân bằng nghệ thuật viết văn già dặn, vững vàng đã đem đến một chủ đề mới trong đề tài về nạn đói. Nhà văn đã khẳng định ánh sáng của tình người thật thành công ở ba nhân vật. Điều làm chúng ta trân trọng nhất chính là vẻ đẹp của tình người và niềm hy vọng vào cuộc sống một cách mạnh mẽ nhất ở những thân phận nghèo đói, thảm hại kia. Ba nhân vật: Tràng, vợ Tràng và cụ Tứ cùng những tình cảm, lẽ sống cao đẹp của họ chính là những điểm sáng mà Kim Lân từng trăn trở trong thời gian dài để thể hiện sao cho độc đáo một đề tài không mới. Tác phẩm đã thể hiện thành công nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật, khả năng dựng truyện và dẫn truyện của Kim Lân – một nhà văn được đánh giá là viết ít nhưng tác phẩm nào cũng có giá trị là vì lẽ đó.

“Cái đẹp cứu vớt con người” (Đôtôiepki). Vâng, “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân thể hiện rõ sức mạnh kỳ diệu ấy. ánh sáng của tình người, lòng tin yêu vào cuộc sống là nguồn mạch giúp Kim Lân hoàn thành tác phẩm. Ông đã đóng góp cho văn học Việt Nam nói chung, về đề tài nạn đói nói riêng một quan niệm mới về lòng người và tình người. Đọc xong thiên truyện, dấu nhấn mạnh mẽ nhất trong tâm hồn bạn đọc chính là ở điểm sáng tuyệt vời ấy.

Bài văn tham khảo 2:

Đề: Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân có đoạn:

… Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì… Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con… May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được ?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với “nàng dâu mới” :

– Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…

Tràng thở đánh phào một cái (…) Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

– Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá… Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau”.
Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đưa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?…

(Trích Vợ nhặt, Kim Lân,Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2013,tr 28-29)

Phân tích diễn biến tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, rút ra nhận xét tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.

I. MỞ BÀI:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm: Tk mở bài chung

– Nêu vấn đề cần nghị luận: Đoạn trích: “Bà lão cúi đầu nín lặng…trước kia không” đã thể hiện rõ diễn biến tâm lí của bà cụ Tứ khi con trai nhặt được vợ. Từ đó, ta thấy được tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân.

II. THÂN BÀI:

1. Khái quát

– Hoàn cảnh ra đời: Tác phẩm có tiền thân là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công nhưng còn dang dở và bị mất bản thảo. Sau ngày hòa bình lập lại (1954), Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ và viết nên truyện ngắn Vợ nhặt. Tình huống truyện độc đáo, hấp dẫn là một trong những thành công của tác phẩm để “Vợ nhặt” bám rễ vào đời, nở hoa trong trái tim, tâm hồn của người đọc biết bao thế hệ.

– Giới thiệu tình huống truyện và nhân vật bà cụ Tứ:

+ Thạch Lam từng nhận định “Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức”. Qua một tình huống truyện tưởng chừng đơn sơ nhưng Kim Lân đã mở ra biết bao điều đáng suy ngẫm về cuộc sống này.

+ Bối cảnh truyện là nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà kết quả là hơn hai triệu người chết. Cái chết hiện hình tạo nên một không khí ảm đạm, thê lương được tác giả tái hiện trong tác phẩm với hình ảnh người chết, những đoàn người đói, không khí vẩn lên mùi gây của xác người chết, tiếng quạ gào thê thiết, tiếng khóc của gia đình có người chết… Nạn đói khiến khoảng cách giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh hơn bao giờ hết và khiến miếng ăn trở thành vấn đề sinh mệnh của con người.

+ Bà cụ Tứ là nhân vật phụ và xuất hiện muộn trong tác phẩm nhưng để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc. Có thể nói, cả cuộc đời bà cụ Tứ dằng dặc những nỗi buồn đau. Chồng và con gái bà đã chết và lúc này, bà và đứa con trai duy nhất còn lại trên cõi đời cũng phải đối mặt với nạn đói và đang ở bên bờ vực của cái chết. Vậy mà, bà cụ Tứ lại bị đặt vào một tình huống vô cùng éo le, bi thảm. Một tình huống mà không biết nên vui hay nên buốn, nên cười hay nên khóc. Đó là tình huống trong nạn đói, người con trai duy nhất của bà là Tràng nhặt được vợ. Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ được thể hiện một cách chân thực, xúc động trong tình huống truyện độc đáo, có một không hai ấy.

– Diễn biến tâm lí của bà cụ Tứ trước đoạn trích:

+ Khi Tràng dắt người vợ nhặt về đến nhà, bà lão vẫn chưa về khiến hắn đợi sốt ruột. Lúc bóng chiều chạng vạng, người mẹ nghèo mới về đến đầu ngõ. Ban đầu, bà cụ Tứ rất ngạc nhiên khi hôm nay đi làm về Tràng lật đật chạy ra đón mẹ. Ngạc nhiên vì thái độ khác thường của con trai, bà bật hỏi “Có việc gì vậy”?

+ Tràng lại trịnh trọng mời bà cụ Tứ vào nhà để thưa chuyện khiến bà cụ Tứ phấp phỏng theo con bước vào nhà. Đến giữa sân, bà lão đứng sững lại như không dám tin vào những gì đang diễn ra trước mắt. Bà tự đặt ra không biết bao nhiêu câu hỏi: “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?”. “Ai thế nhỉ?. “Ô hay, thế là thế nào nhỉ?”.

+ Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, bà lão phải hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Các từ láy “nhấp nháy”, “phấp phỏng”, “hấp háy”, “lập cập”, “băn khoăn” cùng hàng loạt các câu hỏi tu từ đã diễn tả nỗi ngạc nhiên đến tội nghiệp đáng thương trong lòng bà mẹ già nghèo khổ.

+ Nhưng sau khi nghe Tràng giới thiệu người vợ mới với mẹ: “Kìa, nhà tôi nó chào u…” và “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ! Chúng tôi phải duyên phải kiếp với nhau…Chẳng qua nó cũng là cái số cả…” thì bà cụ Tứ mới hiểu. Khi hiểu ra câu chuyên thì trong lòng người mẹ nghèo ấy ngổn ngang bao cơ sự, vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con trai mình.

2. Diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích

– Buồn tủi:

+ Khi bà cụ Tứ đã thấu hiểu mọi cơ sự thì bà cúi đầu nín lặng. Trong cái cúi đầu, nín lặng của bà Tứ là sự nén chặt, sự dồn tụ của rất nhiều cảm xúc. Phải rất tinh tế Kim Lân mới bắt được khoảnh khắc tâm lý tưởng như rất tĩnh tại nhưng thực chất lại đầy phức tạp, uẩn khúc này của bà cụ Tứ. Có lẽ, bằng kinh nghiệm của một cuộc đời từng trải, bà đã nhìn thấy đây là cuộc hôn nhân đầy éo le.

+ Và bà cảm thấy buồn tủi vì không thể làm tròn trách nhiệm của người mẹ với con “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”. Sự xúc động khiến bà nghẹn ngào Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt. Bà xót xa, tủi phận vì việc trọng đại của đứa con trai lại diễn ra chóng vánh, bất ngờ đến thế.

– Lo lắng vì thương con:

+ Hai dòng nước mắt của người mẹ nghèo ấy còn xuất phát từ sự lo lắng cho sinh mệnh của các con “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”.

+ Dòng nước mắt lặng lẽ chảy của bà cụ đã khiến cho tất cả người đọc đều phải lặng đi, xúc động bởi ở đó tình mẫu tử, tình thương con đã được thể hiện sâu sắc.

– Thương con và thấu hiểu cho hoàn cảnh của người con dâu:

+ Nhưng trên hết cả trong lòng người mẹ nghèo ấy là lòng thương con. Bà thương xót cho số kiếp đứa con mình và rất tự nhiên từ tình thương, từ sự lo lắng dành cho đứa con trai, bà cụ chuyển sang nhìn người con dâu cũng bằng ánh mắt đầy xót xa, thương cảm. Dù Tràng không hề đề cập đến việc nhặt vợ ở đầu đường, xó chợ qua loa và chóng vánh như thế nào, nhưng bằng kinh nghiệm sống của một người đã đi gần hết cả cuộc đời, bà cụ có thề hoàn toàn hiểu được sự thật trần trụi, đắng chát.

+ Mặc dù vậy, bà không hề nhìn cô con dâu bằng sự phán xét khắt khe, coi thường hay đay nghiến thường thấy của một bà mẹ chồng, mà bằng con mắt đầy bao dung và cảm thông. Bà như tự bào chữa cho chính đứa con dâu: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ nảy, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”. Với chi tiết này, bà cụ Tứ hiện lên không chỉ là hình ảnh của tình mẫu tử thiêng liêng cao cả mà còn là biểu hiện của tình người ấm áp, bao dung. Bằng sự nhân hậu, vị tha, bà đã sẵn sàng mở rộng lòng và dang đôi bàn tay để cưu mang, che chở, nâng đỡ những kiếp người khốn khổ hơn mình. Ở đó, truyền thống đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam: “Lá lành đùm lá rách” được thể hiện rất rõ.

– Mừng vui:

+ Nhà văn Kim Lân đã rất tài tình khi lách sâu ngòi bút của mình vào trong sâu thẳm tâm hồn của người mẹ già nua còm cõi này để phát hiện ra ở bà có rất nhiều tâm lí phức tạp với những tâm trạng đối ngược. Lo lắng, buồn tủi, ai oán nhưng mặt khác bà lại mừng vui vì con có vợ. Mừng là vì từ nay con bà được yên bề gia thất “May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo hết được”?

+ Tâm trạng mừng vui của bà cụ Tứ chính là tâm trạng chung của các bậc cha mẹ luôn mong con được trưởng thành, lập gia đình để sinh con đẻ cái. Chính tâm trạng ấy đã khiến bà tác thành và mừng cho các con “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Hai tiếng mừng lòng giản dị, đơn sơ mà vô cùng xúc động, đã nói lên tất cả tấm lòng nhân hậu, bao dung của người mẹ. Nó vừa giúp cả ba người thoát khỏi tình thế ngượng nghịu, khó xử, vừa là sự chào đón ấm áp, đôn hậu với nàng dâu mới.

+ Cùng với các khái niệm thiêng liêng: “duyên, kiếp”, bà cụ đã cho thấy dưới đôi mắt của người mẹ thương con thì người con dâu không phải là người đàn bà chao chát, chỏng lỏn, trơ trẽn mà là người đáng được trân trọng. Còn cuộc hôn nhân chóng vánh, vội vàng của Tràng cũng trở nên thiêng liêng, trọng đại như các cuộc hôn nhân mâm cao cỗ đầy khác.

– Lạc quan, hi vọng ở tương lai:

+ Một phẩm chất rất đáng trân trọng ở người mẹ nghèo ấy nữa là sự lạc quan, tin tưởng ở tương lai. Với tấm lòng cao cả, giàu đức hy sinh, bà lão đã nén chặt trong lòng những buồn tủi, lo âu để nâng đỡ, vun vén cho hạnh phúc của hai đứa con mình, tiếp thêm sức mạnh để chúng vượt qua khó khăn. Bà dạy con những điều thuộc về đạo lí nhân nghĩa: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may ông giời cho khá”.

+ Cái “nghèo” bà cụ Tứ nói tới là cái nghèo về vật chất. Vợ chồng biết liệu mà bảo nhau làm ăn là biết sống đùm bọc yêu thương thì biết đâu trời sẽ cho khấm khá. Như vậy, càng trong nghèo khó, con người càng phải sống có nghĩa có tình. Đó là điều cốt yếu nhất tạo nên hạnh phúc. Lời dạy của bà cụ Tứ cũng là quan niệm sống của ông cha ta từ ngàn đời:

“Nghèo nhân nghèo nghĩa thì lo
Nghèo tiền nghèo bạc chẳng cho là nghèo”

+ Bà cụ Tứ đã ở cái tuổi gần đất xa trời, chẳng còn sống được bao lâu nhưng chính bà là người nói chuyện tương lai nhiều nhất. Bà tin vào triết lí dân gian: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Giàu, không ai giàu mãi. Nghèo, không ai nghèo mãi. Cuộc đời con người nhất định sẽ thay đổi. Tinh thần lạc quan của bà cụ Tứ đã tạo nên sức mạnh cho các con giữa khung cảnh ảm đạm, thê thảm của ngày đói. Bà cũng luôn mong mỏi cho cho con cháu có một tương lai tươi sáng hơn, động viên con vượt qua cái đói và cái chết. Phẩm chất tốt đẹp ấy của người mẹ nghèo, nhân hậu cũng chính là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, cũng được thể hiện rõ qua câu ca dao:

Chớ than phận khó ai ơi
Còn da lông mọc còn chồi nảy cây

– Nội tâm đầy ám ảnh về đói rét, chết chóc:

+ Nén lòng để tạo tâm lý thoải mái cũng như sự khởi đầu tốt đẹp nhất cho hai đứa con nên bà nói toàn chuyện hi vọng, tin tưởng nhưng bằng sự từng trải, bà lão không thể không nhìn thấy và quên đi những ám ảnh về đói rét, chết chóc. Có thể nói đây là một nét tâm lý rất phức tạp và sâu kín của bà cụ Tứ. Khi trở về với cõi riêng của mình, lòng người mẹ nghèo lại quặn thắt với những đau đớn, xót xa. Điều đó được thể hiện rất rõ qua chi tiết: “Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối…

+ .Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình.”Kim Lân đã thấu suốt vào cái nhìn của bà cụ Tứ để nhận thấy trong đó sắc màu chủ đạo là màu đen đặc của bóng tối. Cái bóng tối ở đây không chỉ là bóng tối của đêm mà còn là bóng tối của đói nghèo, cực khổ đã bao trùm lên toàn bộ cuộc đời bà, là bóng tối của sự chết chóc, ám ảnh qua nỗi nhớ về những người thân đã khuất là người chồng và đứa con gái út.

+ Bóng tối này đã đè nặng lên ánh nhìn, đè nặng lên tấm lòng của người mẹ nghèo để trong lòng bà tràn lên một nỗi xót xa cho số phận mình, nhưng lớn hơn là sự lo lắng đến xót một cho sự tồn tại, cho tương lai các con. Bởi vậy, trong phút trọn vẹn với những cảm xúc của riêng mình, bà tự đặt câu hỏi Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?. Câu hỏi ấy là nỗi niềm của người mẹ vừa lo lắng và vừa hi vọng cuộc đời con mình sẽ khấm khá hơn cha mẹ.

Nhìn chung, đoạn văn đã diễn tả tâm trạng bà cụ Tứ đan xen nhiều cảm xúc: mừng, lo, buồn, vui lẫn lộn. Ngòi bút tinh tế và tấm lòng đôn hậu của Kim Lân đã diễn tả thật chân thực tình cảm, tấm lòng của bà mẹ già nghèo khổ. Dòng tâm tư của bà cụ Tứ đã tạo nên sự xúc động cao độ về vẻ đẹp của tình mẫu tử, lớn hơn là tình người, góp phần khẳng định nhận định của Bersot “Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ” là hoàn toàn đúng đắn.

3. Đánh giá.

– Về nghệ thuật xây dựng nhân vật bà cụ Tứ:

+ Thành công của việc xây dựng hình tượng bà cụ Tứ là tác giả đã đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo để phát hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật; nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc, đối thoại sinh động, hấp dẫn; ngôn ngữ mộc mạc giản dị, gắn với khẩu ngữ nhưng được chắt lọc kĩ lưỡng, tạo sức gợi đáng kể; trần thuật từ nhiều điểm nhìn: bên ngoài (dáng vẻ, ánh mắt,…), bên trong (suy nghĩ, cảm xúc), đặc biệt chú trọng miêu tả nội tâm nhân vật, thể hiện năng lực miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo và sự am hiểu con người nông thôn.

+ Kim Lân đã diễn tả đúng tâm lí một bà cụ nông dân nghèo khổ, tội nghiệp nhưng rất hiểu đời và có tấm lòng nhân ái cảm động. Nhờ có bà cụ Tứ mà câu chuyện nhặt vợ của Tràng được soi chiếu từ một góc mới, làm bật lên các âm hưởng khác nhau: đau buồn và hứng khởi, bi quan và lạc quan, lãng mạn và đời thường.

– Nhận xét về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam: Nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích cũng như trong tác phẩm tiêu biểu cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam tảo tần, chịu thương chịu khó, thương chồng, thương con giàu đức hi sinh và lòng vị tha cao thượng,…Đó là những phẩm chất đáng ca ngợi, trân trọng của người phụ nữ Việt Nam ở mọi thời đại.

– Nhận xét tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân:

+ Nhà văn Kim Lân đã viết về người nông dân bằng tình thương, nỗi xót xa và đồng cảm như ông từng nói: “Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói con người ta khổ cực và đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai”.

+ Tấm lòng của Kim Lân dành cho người nông dân được thể hiện cụ thể khi nhà văn khắc họa hình ảnh một người mẹ từng trải, hiểu biết, nhân hậu, bao dung, lạc quan, là nhân vật điển hình về những người nông dân nghèo khổ. Nhân vật này góp phần vào việc thể hiện tình cảm nhân đạo của tác phẩm: phát hiện, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người lao động, tình người cao đẹp, khát vọng hạnh phúc gia đình, lạc quan và tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống. Từ đó, nhà văn đã giúp người đọc thấu hiểu: dù hoàn cảnh bi thảm đến đâu người nông dân vẫn giữ được phẩm chất đẹp đẽ và luôn hướng về ánh sáng, sự sống, không ngừng khao khát sống.

+ Tấm lòng của nhà văn Kim Lân đã làm cho truyện ngắn Vợ nhặt có giá trị phản ánh chân thực hiện thực xã hội Việt Nam, thấm đẫm tinh thần nhân đạo, đem lại niềm tin vào sự đổi đời của người nông dân và sự hướng về cách mạng của họ.

Bài tham khảo 3:

Cảm nhận tấm lòng yêu thương con của nhân vật bà cụ Tứ

Trong “Thế giới văn chương” Đặng Tiến từng khẳng định: “Nghệ thuật tạo vẻ đẹp cho những dòng nước mắt và biến nỗi thống khổ của nhân loại thành tiếng hát vô biên”. Mỗi trang viết là những trang đời thấm đẫm nỗi xót xa, tủi nhục,nỗi thống khổ của con người trong kiếp đời lầm than. Và rồi từ những khổ đau, nghệ thuật cất lên tiếng nói tri ân, tiếng nói đồng điệu với tâm hồn con người. Đọc những trang văn viết về cuộc đời của bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân ta thêm một lần đau đáu cho kiếp người, giữa cái đói và gam màu xám xịt, u tối của bức tranh hiện thực năm 1945, nhà văn đã lấy ngòi bút của mình để nâng niu vẻ đẹp tâm hồn con người dưới ánh sáng của niềm tin, khát vọng. Khắc họa nhân vật bà cụ Tứ, Kim Lân đã đưa ngòi bút của mình vào những điểm nhìn tâm lí đặc sắc về nhân vật này từ “Cái cúi đầu nín lặng” đến khi “Nước mắt cứ chảy ròng ròng”.

Nhắc đến Kim Lân giới độc giả nhớ ngay tới một nhà văn được xem như “con đẻ của đồng ruộng”. Một cây bút tài hoa chuyên viết về nông thôn và đồng bằng Bắc Bộ. Những tâm tình ông gửi về làng quê của đâu đâu cũng là đất, là hương vị, là nếp sống của những người nông dân chân quê thật thà, chất phác, đôn hậu. Nhà văn Nguyên Hồng từng dành những yêu thương cho nhà văn Kim Lân khi nhận xét: “Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với đất, với người với thuần hậu nguyên thủy nông thôn”, ông là mẫu nhà văn “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa” – “viết kĩ lưỡng, viết từ gan ruột không chấp nhận sự nhạt nhẽo, giả tạo” (Đỗ Kim Hồi). Sự nghiệp sáng tác của ông không nhiều nhưng đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị “Vợ nhặt” là một tác phẩm như thế! “Vợ nhặt” được coi là một kiệt tác trong sự nghiệp sáng tác của Kim Lân, cũng như là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Tiền thân của “Vợ nhặt” là một chương trong tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” viết ngay sau 1945. Tới năm 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để hoàn thành truyện ngắn này.

Văn học là cuộc đời, cuộc đời là nơi xuất phát cũng là đích đi tới của văn học. Và có lẽ, nếu ngòi bút của người nghệ sĩ không chấm vào nghiên mực cuộc đời thì sẽ không đẻ ra những tác phẩm mang đậm dấu ấn thời đại đến vậy. Trong cái gam màu u tối, xám xịt của bức tranh nông thôn Việt Nam năm 1945 – cái năm mà cái đói hoành hành như một cơ lốc tố nhấn chìm con người vào cõi bi thương. “Vợ nhặt” của Kim Lâm lúc bấy giờ như một tia chớp lóe lên giữa màn đêm tối của đói nghèo, khổ đau. Với bút pháp hiện thực đặc sắc Kim Lân đã miêu tả sự hiện hình của cái đói giống như một thảm họa, càn quét hủy diệt mọi sinh linh. Từ âm thanh, mùi vị, hình ảnh đều làm sống dậy hình ảnh làng quê Việt Nam giống như chốn địa ngục trần gian, đâu đâu cũng là mùi gây của xác người chết như ngả rạ, gây ấn tượng về một cõi dương sặc mùi âm khí. Tuy vậy, nhà văn vẫn làm bật lên trong những con người lầm lũi đi trong bóng đêm ấy “Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên là cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người”. Kim Lân đã để chân lí ấy sống trong nhân vật bà cụ Tứ.

Nhà văn Betong Brecht cho rằng: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ thuật không phải giản đơn là những bản dập của những con người sống mà là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả”, xây dựng nhân vật bà cụ Tứ, nhà văn Kim Lân không đi sâu vào khái quát dáng vẻ bên ngoài mà tập trung đi sâu vào những nét đẹp tâm hồn làm nổi bật phẩm chất cao quỳ của người mẹ già, nghèo khổ thương con. Bà cụ Tứ nay đã “gần đất xa trời” nhưng vẫn phải sống chuỗi ngày nghèo khổ, túng thiếu, lại là dân ngụ cư, bấp bênh trôi nổi; chồng mất sớm, con gái út đi lấy chồng xa, chỉ còn lại người con trai là anh cu Tràng lại ngờ nghệch. Hai mẹ con yêu thương đùm bọc cùng nhau sống trong “tấm phên rách” nằm “rúm ró trên mảnh vườn lổn nhổn những búi cỏ dại”.

Kim Lân đã rất khéo léo khi lựa chọn thời điểm “vàng” để bà cụ Tứ xuất hiện, không phải ở đầu câu chuyện mà lại ở cuối, khi tất cả sự sống và cái chết đã rõ mồn một ngay từ đầu. Bà xuất hiện khi Tràng đưa người vợ về nhà ra mắt. Đó cũng là lúc diễn biến tâm trạng của bà cụ Tứ thay đổi liên tục. Vào một buổi chiều chạng vạng, bà cụ trở về căn nhà tồi tàn của mình và vô cùng bất ngờ trước trước sự xuất hiện của một người đàn bà lạ trong nhà. Nhìn thấy sự sốt sắng hiện ra rõ nét trên gương mặt con trai mình bà không khỏi ngạc nhiên, băn khoăn, phấp phỏng, lo âu. Cho tới khi Tràng giãi bày câu chuyện hệ trọng của đời mình, người mẹ nghèo khổ ấy mới vỡ lẽ và ngổn ngang bao cảm xúc.

Miêu tả nhân vật bà cụ Tứ, ngòi bút của Kim Lân ngưng đọng những câu văn trên giấy, nhưng là giọt nước mắt đọng trên khóe mắt người đọc, và sự xót thương đến nghẹt thở trong lồng ngực những người tôn thờ chủ nghĩa nhân đạo. Kim Lân không dùng thêm bất kì một câu văn nào tả những suy nghĩ hay lời căn dặn hay cả những hành động có tác động đến tâm lí mà đơn giản chỉ là cái “cúi đầu nín lặng”. Không đơn thuần chỉ là câu văn trần thuật, mà trong câu văn ngắn này còn rưng rưng cho một tấm lòng hoài cảm đầy ân tình của nhà văn Kim Lân. Cái cúi đầu ấy chất chứa biết bao suy nghĩ, cả những nỗi niềm không thể nói thành lời. Có chút gì đó chua xót, chút gì đó tủi hờn, và cả những nghẹn ngào khiến người mẹ nín lặng bởi câu chuyện con trai vừa giãi bày. Cái im lặng đầy tủi phận, cam chịu và xót xa. Cả cuộc đời dài dằng dặc “cõng nắng nuôi con”, người mẹ nhanh chóng thấu hiểu sự tình, “bà lão hiểu rồi”, bà lão hiều vì sao hôm nay con trai mình hệt như một đứa trẻ chờ mẹ đi chợ về. Bà lão hiểu vì sao lại có người đàn bà lạ trong nhà. Sự từng trải đã giúp bà thoát ra khỏi sự chậm chạp của một con người già để lập tức hiểu ra “hiểu ra biết bao cơ sự”, cơ sự của con trai, người đàn bà kia và cũng là cơ sự của chính mình. Cùng với sự thấu hiểu là niềm ai oán, xót thương, bà thương xót “cho số kiếp đứa con mình” chịu nhiều lao khổ, thiệt thòi. Biết bao cảm xúc lúc ngày kéo dài, nằm ngổn ngang trong lòng người mẹ già, hỗn độn cả trong lòng người đọc, nhưng tuyệt nhiên lại rất ngắn về số câu chữ. Kim Lân đã làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ, vẻ đẹp của một người mẹ luôn yêu thương, bao dung, lắng nghe và thấu hiểu con.

Từ thương con bà hướng về chính mình: “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”. Từ cảm thán “chao ôi!” đứng đầu câu tạo giọng điệu than oán, chua xót kéo dài, bao trọn cả tâm tưởng của bà cụ Tứ. Bà không khỏi chạnh lòng khi nghĩ đến người ta, rồi ngầm so sánh với chính mình, bởi chuyện dựng vợ gả chồng cho con là chuyện hệ trọng của đời người. Bà xót xa ao ước giá gia đình có điều kiện bà sẽ lo cho con một cái đám cưới chu toàn, đầy đủ lễ nghi thế theo đúng phong tục cha ông. Nhưng biết làm sao cho được, khi gia cảnh của bà, đến miếng ăn cho đàng hoàng cũng chẳng nổi. Khó khăn, khốn cùng đã “bóp nát” cái gọi là trách nhiệm của một người mẹ với con. Bao nhiêu tủi cực, nghẹn ngào chua xót, đắng cay cùng cực nén ép lại sau chữ “thì” vô vọng ấy. Dấu chấm lửng cuối câu văn “…” thể hiện sự ngẹn ngào, bất lực. Dấu chấm lửng ấy, là một tiếng thở dài đây tâm trạng của người mẹ già có tâm nhưng lại không đủ sức. Nếu cho rằng “Văn chương là lịch sử tâm trạng con người thì Kim Lân quả là nhà văn đích thực trên cái ý nghĩ ấy”. (Trần Ninh Hồ).

Nhà văn Nam Cao từng quan niệm: “Nước mắt là giọt châu của loài người”. Ở đây nhà văn của nông thôn Bắc Bộ đã cho ta thấy giọt châu, hạt ngọc trong tâm hồn người hồn người mẹ qua những giọt nước mắt hiếm hoi: “Trong kẽ mắt kèm nhèm rỉ xuống hai dòng nước mắt”, lí trí đã không thể ngăn nổi tình cảm, bà khóc vì thương con và tủi nhục cho chính mình. Kim Lân đã như một nhà quay phim tài ba khi lia ống kính của mình chớp lấy những nét thần tình đó là những thước phim cận cảnh làm hiện lên đôi mắt hằn in dấu chân chim, gió sương, nắng mưa, vất vả cả một đời của người mẹ già. Và trong cái kẽ mắt nứt nẻ theo thời gian ấy rạn ra một dòng nước mắt khô héo. Nước mắt của người già mà như Nguyễn Khuyến xưa đã từng viết trong Khóc Dương Khuê:

“Tuổi già giọt lệ như sương
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”

Điều đáng ngẫm bà cụ Tứ mang lại ở đây, là tấm lòng thương con, xót con của bà không chỉ dành riêng cho số kiếp của đứa con mình mà với tấm lòng nhân hậu, bao dung, vị tha bà còn thương cả người đàn bà xa lạ bị hoàn cảnh xô đẩy mới thành con dâu mình. Không cần phải gật đầu đồng ý, hay dưa ra lời đồng tình. Bà trăn trở, sợ trăn ở ấy hiện lên qua ánh mắt đăm chiêu: “… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”, suy nghĩ đó đã minh chứng cho sự đồng tình của bà về sự có mặt của người đàn bà xa lạ. Bà chấp nhận người vợ nhặt là thành viên trong gia đình nên lo lắng cho hạnh phúc của chúng nó giữa cảnh khốn cùng.

Và rồi: “Bà lão khẽ thở dài đứng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà” tiếng thở dài nhè nhẹ ấy không phải là sự trách móc hay coi khinh người đàn bà xa lạ đang cố bấu víu con trai bà, mà là tiếng thở của bao lo toan chất chứa cả một đời. Bà “đăm đăm” nhìn người đàn bà như để nhìn người bạn sẽ đồng hành cùng mình trong cuộc đời khổ cực phía trước. Và cũng từ đó trong suy nghĩ của người mẹ ấy như đã thức dậy bao ý nghĩ nhân đạo và cả sự hàm ơn: Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được… Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con…”, những lời độc thoại trút từ ruột từ gan ấy cuộn trào, dâng ngập lên trong lòng người mẹ vừa khắc khoải,vừa dào dạt, vừa bao la, vừa đong đầy tình mẫu tử, hòa vào trong đó là những rung cảm xót thương từ trái tim nhân đạo của Kim Lân.

Nhưng suy nghĩ đời thường mà đôn hậu yêu thương của bà cụ Tứ khiến trái tim người đọc thổn thức cùng với những trăn trở bình dị và xiết bao ân tình. Hai chữ “mừng lòng” của bà lão nói ra với con. Chữ “mừng” thật là đắc địa. Nó lột tả đúng cái run run của một tấm lòng vị tha cao quý đang ngượng ngập, vụng về tìm cách giấu đi giọt nước mắt xót thương vì sợ phiền lòng cho các con của chính người đang thương xót. Người mẹ già như cố nuốt nước mắt vào trong, cố nén nỗi đau trong lòng để tình yêu thương của mình an ủi đôi vợ chồng trẻ. Người mẹ ấy chẳng muốn con buồn, chẳng muốn con đau, chỉ mong con hãy hưởng trọn vẹn hạnh phúc lứa đôi.

Quên làm sao được cử chỉ ân cần mà thương mến của mẹ chồng nói với con dâu: “Con ngồi xuống đây. Nguồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”, câu nói ấy đã xóa bỏ mọi ranh giới giữa mẹ chồng – nàng dâu, nhường chỗ cho tình yêu thương, sự bao dung của người mẹ già. Để rồi “Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót” người mẹ nghèo khổ ấy thấu hiểu bao nỗi lòng của đứa con dâu mới. Những e thẹn, tủi hổ ấy có lẽ bà đã từng trải qua trong cái tuổi trẻ của chính mình, “Bà thấp giọng thân mật”: “Kể có ra làm được ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo con ạ!”, đâu còn sự ngỡ ngàng, kinh ngạc như lúc có người đàn bà lạ trong nhà, lời nói ấy chính là những lo lắng cho người con dâu mới, lo lắng cho hạnh phúc đôi trẻ. Bà tiếp lời: “Cố làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.

Còn điều gì cao quý và thiêng liêng hơn tình mẹ. Kim Lân đã thật sự nung đốt lên trong tâm hồn chúng ta tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý. Quả thật, không có kì quan nào đẹp đẽ mà trường tồn bất tử hơn tình mẹ. Nghệ thuật xét đến cùng là “nâng đỡ tâm hồn con người” để con người không sa xuống thành con vật hay ông thánh vô duyên vô bổ.

Lep-ton-xtoi từng khẳng định: “Tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Tình yêu chính “là ngọc đọng, là phiến kì nan trong rừng trầm hương”; là tinh hoa trong vườn hương thảo”; kết tinh nên tình cảm được hun đúc bằng tâm hồn người nghệ sĩ trước những rung cảm của cuộc đời. Cho nên, trong nỗi lo lắng, băn khoăn về hạnh phúc lứa đôi, người mẹ ấy kẹt lại trong tình thương và khao khát hạnh phúc. Bà “nghẹn lời không nói được nữa” bao nhiêu nỗi lo lắng cứ tích tụ lại, nghẹn ứ nơi cổ họng. Nỗi lo mà không thể nào tan đi không thể nào thả trôi, nào dễ ai thấu cho cam. Phó mặc cho cảm xúc làm chủ “nước mắt bà cứ chảy ròng ròng…”. Nếu ở trên, Kim Lân miêu tả giọt nước mắt “rỉ xuống hai kẽ mắt kèm nhèm” chảy ngược vào trong, thì ở đây nó đã tuôn trào cho những suy tư của người mẹ già. Những dòng nước mắt tuôn chạy “ròng ròng” như sự giải thoát của tâm trạng và cảm xúc. Bà khóc vì thương mình, cũng vì thương cho đứa con trai và nàng dâu mới. Có ai đó đã từng nói: Trên đời này thứ chân thật nhất chính là đôi mắt của một người. Đôi mắt chính là cửa sổ tâm hồn, là tiếng lòng “hồn nhiên nhất”; “đồn hậu nhất”. Người mẹ ấy đã sống một đời trọn vẹn đủ đầy vì con.

Nếu ta đã từng xót xa hình ảnh cái đói trong “Một bữa no”, con người vì đói quá nên khi được ăn đã ăn nhiều quá mà chết; Hay cái hình ảnh bế tắc của chị Dậu vùng chạy ra khỏi nhà trong cái cảnh trời tối đen như mực trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố; hoặc ám ảnh cái dáng đi ngật ngưỡng của Chí Phèo phải tự kết liễu cuộc đời mình trên bàn xoay của chế độ để tìm nhân tính trong những trang viết của Nam Cao ta mới thật sự ngỡ ngàng đi đọc văn của Kim Lân. Trong đau khổ, bất hạnh và tối tăm Kim Lân vẫn nâng con người lên trong tình nhân ái. Hình ảnh bà cụ Tứ chính là ánh sáng le lói trong bóng tối của những kiếp người nghèo khổ. Nhân vật bà cụ Tứ đã làm cho giá trị nhân đạo của tác phẩm trở nên thấm thía và cảm động hơn.Hình ảnh bà cụ Tứ mang thông điệp nhân bản hơn: Dù kề bên cái đói, cái chết con người vẫn không bị mất đi vẻ đẹp bản chất lương thiện của mình. Vẫn luôn khát khao hạnh phúc vẫn không thôi mong ước mề tương lai tươi sáng và tốt đẹp.

“Mỗi tác phẩm nghệ thuận phải là một phát minh về hình thức một khám phá về nội dung”, Kim Lân đã khám phá, phát hiện và miêu tả nhân vật bằng cách luồn lách ngòi bút vào đến tận nơi sâu thẳm của tâm hồn, bắt người đọc phải cùng cười, cùng khóc với nhân vật của mình. Nhà văn đã miêu tả thật sâu sắc tâm lí ấy qua một hệ thống ngôn ngữ giản dị nhưng giàu sức gợi, thể hiện qua từng lời nói, cử chỉ, hành động. Phải là nhà văn có vốn hiểu biết phong phú, thấu hiểu và cảm thông, yêu mến và trân trọng cuộc sống thì Kim Lân mới có thể viết nên những trang văn có sức lay động hồn người đến vậy.

Chúng ta sẽ nhớ mãi những trang văn viết về mẹ xúc động vào dào dạt chứa chan ân tình trong “Hòn đất” của Anh Đức, hay “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Đình Thi và sẽ không thể thiếu đi bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân. Nhà văn đã thêm một lần khắc sâu trong tâm khảm mỗi người tình mẹ cao cả và thiêng liêng trong cái đói tối tăm đã cứu vớt tâm hồn người, nâng con người lên bằng những sợi dây tình cảm đang dày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Lên đầu trang